Khá vô nghĩa, nếu đặt nặng vấn đề tuổi tác trong sáng tạo,
nhất là trong địa hạt văn chương. Tuy nhiên, văn chương tự thân nó lại là một
chuyến đi dài. Thế hệ 8X dường như hơi trẻ, dấu ấn văn chương chưa nhiều, trong
khi 6X, theo tôi, thì đã quá già. Thôi thì chọn 7X, lứa tuổi còn sung sức trong
khi đoạn đường đi được cũng đã không còn quá ngắn. Và chọn Sài Gòn - Tp HCM,
bởi đó là nơi tụ hội, chứ thật ra, các tác giả văn chương Sài Gòn của nhiều thế
hệ cũng chẳng có mấy ai sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Người rời đi không ít,
người ở lại, nặng lòng với văn chương nhưng còn loay hoay mãi cũng nhiều. Tác
giả văn chương 7X có khá nhiều người nổi tiếng không nhờ giá trị tác phẩm mà
nhờ những ầm ĩ phi văn chương, phi thẩm mỹ. Chuyện này, thỉnh thoảng báo chí
lại rộ lên rùm beng một vài vụ, vài chuyện, nhắc lại e thừa.
Nhìn lại văn chương 7X
Đôi điều về một thế hệ cầm bút ở Tp
HCM
NGUYỄN HỒNG LAM
Sự đào thải khắc nghiệt
Các tác giả 7X đều ra mắt vào thập niên 1990, "ồ
ạt" nhất là trong những năm đầu. "Bà đỡ" văn chương của thế hệ
này có khá nhiều. Tờ Văn nghệ Tp HCM có trang "Hoa hàm tiếu" do nhà
văn Lý Lan phụ trách, đều đặn trong nhiều năm liền, mỗi số báo đều dành đất
đăng tác phẩm kèm lời giới thiệu khá chu đáo về một cây bút mới. Trên Bán
nguyệt san Áo Trắng, nhà văn Đoàn Thạch Biền, cũng dành nhiều tâm huyết để xây
dựng nên một "Gia đình áo trắng" quy tụ gồm toàn những sáng tác của
học trò, sinh viên, những người mà nhà văn đàn anh bảo là "Tôi thương mà
em đâu có hay". Nhóm "Vòm me xanh" của tờ Mực tím cũng là một
sân chơi xôm tụ, những Me Xanh, Me rẫy, Mẹ Ruộng, Me Vườn… ươm mầm văn chương
dưới vòm me, giờ nhiều người đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn, trong đó
có Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Danh Lam, Trần Lê Sơn Ý… giờ vẫn ở lại
Vườn Mực tím và đã trở thành những gốc me "cụ".
Những cuộc thi, giải thưởng văn chương cũng là nơi đã phát
hiện ra nhiều cây bút mới thế hệ 7X. Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Thuần,
Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Tiến Đạt, Nguyễn Lê My Hoàn… và nhiều người
khác đều được bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ biết đến nhờ các cuộc thi, giải
thưởng của Báo Tiền phong (tác phẩm tuổi xanh), Nhà xuất bản Trẻ (Văn học tuổi
20), báo Tuổi trẻ (thơ Bút mới)… Không đếm hết và cũng không nên đếm. Phần
nhiều các tác giả đều xuất hiện ở cả hai nơi, trình làng tác phẩm tại các vườn
ươm và được biết đến nhờ giải thưởng.
Như bất kỳ một người không có tác phẩm dự thi nào khác, tôi
chắc rằng, nghệ thuật đích thực thì không cần đến các cuộc thi! Không ít tác
giả thành công - và "hơi" thành danh - trong các cuộc thi, sau 10, 20
năm đã hoàn toàn bị lãng quên và tự lãng quên, dường như chẳng dính dáng gì đến
văn chương nữa. Gia Bảo, Khắc Cường, Nguyễn Hữu Huy Nhật… sau một vài tập
truyện ngắn "thơm mùi giấy học trò", giờ có thể đã yên tâm với thành
công (tôi mạnh dạn dùng từ này) ở lĩnh vực khác, với công việc mà họ chọn,
không thấy xuất hiện tác phẩm mới. Nguyễn Lê My Hoàn nhận ra "Lối đi
ngay dưới chân mình", nhưng đi đâu thì đó là việc của chị, tuyệt
nhiên không phải là lối văn chương. Nguyễn Thị Châu Giang dường như đã gác lại
14 cuốn sách từng in (trong 10 năm đầu) để yên tâm "chơi với nghệ thuật
hội họa". Khoảng 10 năm nay, độc giả không thấy chị ra sách mới, có viết
nữa hay không thì chưa ai hỏi, chưa từng nghe chị thổ lộ. Ly Hoàng Ly thỉnh
thoảng vẫn xuất hiện trên mặt báo khá rình rang, nhưng không với tư cách tác
giả văn chương mà với tư cách một họa sĩ sắp đặt có triển lãm trong và ngoài
nước. Không biết với thơ, chị có "tắt lửa lòng"…
Người rời đi không ít, người ở lại, nặng lòng với văn chương
nhưng còn loay hoay mãi cũng nhiều. Tác giả văn chương 7X có khá nhiều người
nổi tiếng không nhờ giá trị tác phẩm mà nhờ những ầm ĩ phi văn chương, phi thẩm
mỹ. Chuyện này, thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên rùm beng một vài vụ, vài
chuyện, nhắc lại e thừa.
Cái sự loay hoay của tác giả 7X Sài Gòn, tôi thấy tựu trung
vẫn nằm trong ước muốn cách tân văn chương, thơ phú, ít nhất là về hình thức,
bút pháp thể hiện. Đây là điều đáng trân trọng. Song phải thừa nhận thực tế,
sau 15-20 năm cầm bút, cố gắng cách tân của một thế hệ cầm bút vẫn chưa đọng
lại gì nhiều. Dễ thấy nhất là hai trào lưu (lại tạm gọi thôi, vì ngoài danh
xưng, bạn đọc vẫn chưa thấy có gì rõ nét hình hài): "hậu hiện đại"
trong văn xuôi và "tân hình thức" trong thơ. Tôi đoán, viết kiểu
truyền thống thì sợ cũ, mòn, không thích, hiện đại thì với chưa tới nên các tác
giả nói trên cố ý tự gán cho khuynh hướng sáng tạo của họ là "hậu hiện
đại" thôi. Mơ hồ, rối rắm, những tác phẩm hậu hiện đại đến nay vẫn chẳng
thấy đâu, ngoài tên gọi định tính vốn dĩ được dịch từ tiếng nước ngoài.
Thơ "tân hình thức" có nhiều tác phẩm xương thịt
hơn. Đáng nói, những tác phẩm ấy chỉ xuất hiện trên blog, facebook cá nhân hoặc
một vài trang mạng văn chương của một nhóm văn nghệ nào đó ở nước ngoài. Chưa
từng thấy tác phẩm "tân hình thức" nào được xuất bản bởi báo chí
trong nước hay đĩnh đạc nằm trên giá sách như những tác phẩm không tân hình
thức, cũng chẳng hậu hiện đại mà tôi vẫn còn thích đọc.
Không bàn về tương lai, tôi chỉ nhận xét ở thì hiện tại, cả
"tân hình thức" lẫn "hậu hiện đại", đều chỉ là một sự giãy
giụa tuyệt vọng trong cơn khủng hoảng phương pháp sáng tạo. Nó chưa từng là
khuynh hướng của công chúng văn nghệ, chỉ là khuynh hướng của một số - rất ít -
người viết và chỉ người viết mà thôi. Không có Internet, tôi e cả thơ lẫn văn
trong hai "phái" này e chừng sẽ đặc sệt một đặc điểm mà tác giả của
chúng bài xích, đó là văn học… dân gian! Chỉ về mặt "đường truyền"
thôi. Vì không thể xuất bản thành sách, in trên báo, tôi nghĩ nó rất thích hợp,
như đã từng với cách… truyền miệng, thông qua cãi vã từ tác giả này sang tác giả
khác chứ không từ tác giả đến người đọc. Nó cũng na ná như hiện tượng 7X đặc
biệt xuất hiện rất nhiều nhà thơ. Trong các quán cà phê, quán cóc vỉa hè, các
nhà thơ vô danh có mà nổi danh cũng có vẫn thường túm tụm nhau bàn luận sôi nổi
chuyện văn chương và say sưa nói về tác phẩm dự định của mỗi người. Nhiều người
làm thơ, tôi e chỉ là để khỏi phải làm một công việc nghiêm túc nào khác. Đầy
niềm tin và hứng thú, họ vẫn nói về chuyện ra mắt tác phẩm như một động từ chia
ở thì tương lai.
Văn chương 7X Sài Gòn thành tựu không nhiều nhưng vẫn có
những tác giả đáng đọc, không cần căn cứ vào giải thưởng mà họ từng giành được.
Tôi thấy thú vị với truyện ngắn của Tiến Đạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình
Giang, tiểu thuyết của Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, truyện
thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần… Riêng Nguyễn Ngọc Thuần, qua hai cuốn
"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" và "Trên đồi cao chăn bầy thiên
sứ", anh đã xuất hiện với một tâm thế rất lạ, sâu lắng và trong trẻo hơn
nhiều, ngoài tầm hình dung so với một tác giả lòng khòng đen đúa khá đầu bù tóc
rối!
Với 7X, có lẽ còn quá sớm để nhận diện một thế hệ văn chương
sắp già chăng? Đành thôi, chắc cũng nên kiên nhẫn đợi thêm 20 năm nữa, tác phẩm
của thế hệ văn chương 7X Sài Gòn đầy hơn một chút, biết đâu lại chẳng nhận ra
văn học nước nhà vừa (hay đã) xuất hiện một tay hảo hán?
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ: "Lặng lẽ rút lui
là tốt"
Nói về thành tựu văn chương 7X, tôi nghĩ đó là công việc của
những nhà lý luận, phê bình. Đứng ở góc độ một tác giả, một người đang viết -
nghĩa là vẫn đi trên đường, tôi nghĩ mình chỉ có thể nói một cách hết sức cá
nhân và chủ quan. Về những tác giả thế hệ 7X đang sống, làm việc tại Tp HCM mà
tôi ấn tượng, yêu thích, tôi xin ngẫu nhiên nêu ra đây (không xếp hàng hay xếp
hạng), đó là Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình
Giang, Tiến Đạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Song Phạm… Họ đều là
những người đang viết, đang vật lộn giữa cuộc sống và sáng tạo. Tôi thấy ở họ
đầy đủ những tư chất của nhà văn: sự cô đơn, ý thức xã hội và ý thức sáng tạo.
Những ai từng theo đuổi công việc viết lách trên dưới 20 năm, tôi nghĩ phải có
tình yêu văn chương lớn lao lắm và sức mạnh ý chí bền bỉ lắm. Cũng có thể nói,
viết văn cũng cần có sức khỏe như dân cày.
Những người từng gây đình đám rồi lặng lẽ rút lui, tôi nghĩ
cũng bình thường, và tôi luôn cảm thấy như thế là tốt. Mỗi người đều có một số
phận. Nhà văn hay không thì cũng là để sống hết một cuộc đời. Những ai từng đến
với văn chương để kiếm chút danh còm thì cũng mau chóng nhận ra nó thật ngớ
ngẩn, buồn cười. Những nhà văn cứ loay hoay kiếm danh thì chỉ thấy tên tuổi nổi
lềnh bềnh mà tác phẩm không có gì. Còn hỏi vì sao văn chương cứ quẩn quanh, tôi
xin mượn câu trả lời phỏng vấn của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Khi được hỏi suy
nghĩ của ông về điện ảnh Việt Nam,
Bùi Thạc Chuyên nói điện ảnh Việt Nam đang ở… dưới hố, khi nào lên
khỏi miệng hố rồi hẵng tính. Tôi cũng muốn nói một câu tương tự như thế. Chúng
ta chưa từng có một tiền đề nào để nhà văn sáng tác tác phẩm lớn, thì đừng đòi
hỏi tác phẩm lớn. Chúng tôi vẫn đang dưới hầm, dưới hố. Vậy thôi.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên: "Phải biết đặt ra
cho mình các thử thách"
Có lẽ không khó để xác định những người viết thế hệ 7X ở Tp
HCM vẫn còn gắn bó với văn chương. Phần đông người trẻ khi bắt đầu viết vẫn xem
đây chỉ là sự thử sức, hay đơn giản hơn là cuộc chơi. Khi trưởng thành, có
những công việc khác hấp dẫn hơn, thiết thực hơn, việc ngừng cuộc chơi là điều
dễ hiểu. Mặt khác, theo đuổi công việc viết một cách nghiêm túc, tất cả đều
phải chấp nhận rằng, thử thách trong công việc này là rất lớn. Công việc viết
cũng lấy đi thời gian, trí lực và sức lực khá nhiều. Ngay bản thân trong việc
làm nghề, mỗi chặng đi, lại có thêm một thách đố nào đó buộc người viết phải
vượt qua. Thậm chí, người viết phải đặt ra cho mình các thử thách, nếu muốn
phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Từ khi bắt đầu viết cho đến nay, tôi vẫn chỉ theo đuổi duy
nhất một quan niệm: Như các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa,
viết văn đòi hỏi người sáng tạo quá trình rèn luyện khắt khe. Bạn có thể gặp
may mắn khi khởi đầu, nhưng để đi đường dài, bạn chỉ có thể dựa vào chính bạn.
Viết và học. Học và viết. Các tiến trình này luôn song hành. Hứng thú của tôi
trong công việc văn chương cũng là hứng thú tìm tòi, thay đổi, thử nghiệm kỹ
thuật. Nắm vững kỹ thuật này, lại thấy vấn đề khác đặt ra. Theo đuổi kỹ thuật
viết có lẽ là mục tiêu hơi kỳ quặc, nhưng đây là động cơ giúp tôi có thể làm
việc liên tục, mạnh dạn thử sức trong một số thể loại khác lạ. Viết văn cũng
đòi hỏi kiểm soát bản thân khá gắt gao. Có thể tác phẩm thử nghiệm này của mình
tình cờ tương thích với độc giả, được ủng hộ. Nhưng cũng phải chấp nhận có tác
phẩm bị từ chối.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: "Văn chương 7X lãng mạn
nửa vời..."
Thế hệ 7X ban đầu có những cây bút nổi đình đám như Gia Bảo,
Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Thị Châu Giang… nhưng công việc viết lách nhạt nhòa
dần với họ. Vì sao có thực trạng ấy? Đôi khi ngả lòng, tôi cũng hỏi chính tôi
như vậy? Thực sự, nghề cầm bút rất nhọc nhằn mà thu nhập lại ít ỏi. Bằng cái
nhìn tỉnh táo sẽ dễ dàng nhận ra, kẻ sáng tạo trong kinh tế thị trường khác gì
đánh cược cái dạ dày để phân định được thua với Thượng Đế? Thôi thì cảm thông
cho từng sự lựa chọn cá nhân. Thay vì thao thức với số phận con người, họ có
quyền dành ưu tư ấy cho miếng cơm manh áo riêng mình giữa thời buổi mà phần lớn
các giá trị đều tô thêm màu sắc xanh đỏ phô trương và cộng thêm âm thanh rủng
rẻng kim tiền!
Sinh ra trong giai đoạn đất nước loay hoay khó khăn và
trưởng thành trong giai đoạn đất nước vươn vai hội nhập, nên thế hệ văn chương
7X tồn tại khá nhiều mâu thuẫn. Theo tôi, sau khi trừ đi vài trường hợp đặc
biệt thì có thể phân tích về mặt tâm lý, họ lãng mạn nửa vời và thực dụng cũng
nửa vời, họ bảo thủ nửa vời và hiện đại cũng nửa vời. Muốn có tác phẩm xuất
sắc, chỉ còn cách dấn thân vào sự thật, nhúng bút vào những đề tài đang gây
nhức nhối lương tri cộng đồng. Có lẽ, đó là phương pháp duy nhất hữu hiệu để
thế hệ 7X tránh khỏi sự đào thải khắc nghiệt của chữ nghĩa. Ngược lại, mọi mưu
cầu cách tân hoặc đổi mới chỉ giống như trò lạ mắt vui đùa chốc lát mà thôi!
Trong thực trạng người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ, tôi
dành nhiều tâm trí hơn cho chuyện thẩm định và phê bình. Sau cuốn "Thi ca
nết đất", tôi đang có kế hoạch xuất bản một cuốn tiểu luận khác về thơ
Việt đương đại.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: "Một thế hệ mới đã
hình thành"
Văn chương 7X có một lợi thế về khởi điểm. Đó là lúc tình
hình văn nghệ Việt Nam
bắt đầu trào lưu đổi mới. Không khí văn học được hâm nóng, từ "thượng
tầng" với những giải thưởng văn học chất lượng, cho đến "hạ
tầng" qua hàng loạt ấn phẩm văn học dành cho lứa trẻ… Không khí văn chương
rộn ràng ấy trùng khớp với thời điểm chúng tôi bắt đầu "tập tọng"
viết lách, nên ai cũng hào hứng, có cả những tranh đua rất lành mạnh. Sau hơn
20 năm nhìn lại, tôi thấy không quá, nếu nói có cả một thế hệ mới đã hình
thành, sau thế hệ 1975. Có nhiều tên tuổi, thuộc nhiều "dòng phái"
khác, rất đáng kể.
Với thế hệ 7X, theo tôi nếu đã "nhiễm" văn chương
có vẻ "nặng nợ" hơn các bạn sinh ở thập niên sau (8X). Vì quan niệm
"văn chương là một nghề có giá" vẫn được lứa 7X hấp thu từ những
người thuộc lớp trước nữa. Giờ đây văn học đã có phần… hắt hiu rồi. Âu đó cũng
là việc chuyển mình của cả thế giới. Nhà văn không chọn, nhưng thế giới chọn
thì nhà văn cũng phải chịu và… nên chịu!
Cá nhân tôi thấy, văn chương Sài Gòn tiếp thu cái mới khá
sớm. Tất nhiên, với đầu vào như thế, đầu ra cũng theo đó biến đổi. Tôi thấy
mình bắt đầu viết khác đi. Tôi cũng nhận thấy điều này, Trần Nhã Thụy, Nguyễn
Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần… viết rất "khác".
Tôi rất ngại dùng từ "thành tựu" để nói về mình
hay thế hệ mình. Đây là một từ mà khi dùng sức thuyết phục đối tượng sẽ rất khó
khăn. Bởi không có một lĩnh vực nào mơ hồ, cảm tính và khó định đoán như văn
chương. Theo tôi, họ, những người viết 7X ít ra cũng đã làm được một điều gì đó
cho thế hệ của họ. Ví dụ như sự mờ nhạt chẳng hạn!...
Nhiều cây bút từng nổi đình nổi đám một thời nhưng nay đã
mất hút, tác phẩm không đọng lại được với công chúng văn nghệ, việc sáng tạo
cũng đang bế tắc, quẩn quanh. Chuyện đó bình thường thôi! Cả thế kỷ đôi khi chỉ
còn lại một hai văn tài. Sự "chuyển vùng" đôi khi lại khiến bút lực
phong độ hơn! Đáng suy nghĩ chăng, nhiều câu viết thế hệ 7X đã nguội lạnh rất
sớm!
Bằng cái nhìn cá nhân, tôi thấy văn chương 7X Sài Gòn có thể
gói gọn bằng mấy từ: Hồn nhiên, chân thành, thiếu vắng bản sắc cá tính, u ơ, ồn
ào, vô danh và "im thin thít lặn mất tăm"…
Tôi nghiệm ra tôi chỉ thực sự quan tâm khi viết tác phẩm và
khi viết xong thường ít nghĩ về nó. Tôi vẫn hài lòng khi tình cờ đọc lại những
gì đã viết của mình (2 tập thơ, 2 tập truyện). Vì đã hết mình khi thể hiện. Còn
nếu nó dở trong cách đọc của ai đó thì phần lớn do tài năng ít ỏi, hạn chế của
mình chứ không phải là ít nỗ lực!
Nhà thơ Phan Trung Thành: "Không cần phải sốt
ruột"
Hội Nghị Nhà văn Trẻ Tp HCM lần thứ nhất năm 2001 quy tụ
khoảng 50 cây bút, phần đông đều thuộc thế hệ 7X. Số cây bút này sau đó có
"rơi rụng", một số khác "chuyển ngành" nhưng không thể phủ
nhận thành tựu của họ được. Trong sáng tạo, sự "im ắng" trở mình
trong khoảng thời gian 5-7 năm là điều bình thường, không cần phải sốt ruột.
Bản thân tôi, đi từ những bài thơ lẻ cho đến trường ca là
một chặng đường, sau khi loay hoay với đủ thể loại. Tôi ấn tượng với những tựa
sách thơ như "Cơn ngạt thở tình cờ" của Trần Lê Sơn Ý hay "Trở
mình trên máng xối" của Ngô Liêm Khoan. Thật tiếc là tác giả ấy đã
"rời" thành phố trở về quê hương khi cuộc "trở mình" chưa
đến hồi quyết liệt và gay cấn. Năm 2008, tôi xuất bản cuốn "Đồng hồ một
kim" (NXB Văn Học, 2008). Thơ in ra chưa ráo mực thì ngã bệnh. Điều trớ
trêu là những câu thơ trong tập như dự báo những ngày buồn bã sắp đến:
"Chọn bệnh viện Chợ Rẫy để yên thân"..
Phùng Gia Lộc người nhỏ thó, ốm yếu, gầy gò; nước da xanh xám, thở lúc nào cũng nặng nhọc, khò khè suốt ngày vì bị hen suyễn nặng… Thế nhưng, bên trong con người có bề ngoài mảnh khảnh ốm o ấy lại luôn là một tấm lòng nồng hậu, một tinh thần sục sôi chống lại cái ác, không chịu được sự bất công, ngang ngược của bọn quan lại, cường hào mới… Giai đoạn quyết liệt nhất, sau khi đăng “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, Phùng Gia Lộc phải trốn ra Hà Nội… Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh về quê của Phùng Gia Lộc sau những ngày trốn tránh. Vợ anh chạy từ đâu về không biết, mặt mày hốt hoảng, tất tả, tiêu điều không khác gì chị Dậu trong Tắt đèn ngày trước. Mấy đứa con ngơ ngác, lạ lẫm trước đoàn khách xe pháo, hàng hóa lềnh kềnh đầy một khoảng sân đất trước nhà. Nhà anh xiêu vẹo hơn nhà chị Dậu…
Khi xe Vũ xuống dốc cầu qua địa phận xã Ngọc Châu thì phải dừng lại, vì chiếc xe tải phía trước thắng gấp để tránh hai phụ nữ đèo nhau bất chợt vượt qua mặt vào mép đường. Cũng vừa lúc đó phía sau xe Vũ có một chiếc xe tải lớn chở than của một công ty ở thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) do tài xế Nguyễn Công Thành lái, chạy với tốc độ lớn xuống dốc cầu, không kịp thắng đã lao đâm vào phía trái đuôi xe của Vũ. Bị tác động bởi một lực quá lớn, vợ chồng Doãn Châu ngồi sau lái xe ngã bổ vào thùng xe, còn vợ chồng Quỳnh - Vũ và con trai Quỳnh Thơ ngồi bên phải bị hất tung lên khỏi xe rơi xuống mặt đường.
Tôi rất ngạc nhiên khi tôi vừa đưa mấy bài viết lên trang, có kẻ đã nhắn vào điện thoại tôi: “Câm mồm đi thằng già!”. “Muốn ăn bánh ô tô không?”. Trên mạng xã hội, xuất hiện một số người xuyên tạc, thóa mạ, cho là tôi kích động chiến tranh rồi vu đòn chính trị. Kỳ lạ vậy …
Báo Dân Việt đưa tin: “Chiều 3.3, bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Đại Nam , cho biết chính thức kiện ông Minh Diện vì cố tình xâm phạm đời sống riêng tư và bịa đặt nhằm làm nhục người khác. Ngoài ra, ông Minh Diện còn bị tố không có văn hóa và hủy hoại danh dự người khác không phải riêng với vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng - bà Nguyễn Phương Hằng ( ảnh bên ) mà kể cả một số cá nhân. Bà Nguyễn Phương Hằng cho biết: “Ông Minh Diện đã lôi kéo một số người nhằm phá hoại khu du lịch Đại Nam đang hoạt động. Tôi tin luật pháp nghiêm minh sẽ trừng trị thích đáng những kẻ chuyên đi phá hoại cuộc sống bình yên của người khác”. Được biết, ông Minh Diện đã có nhiều bài viết đăng trên blog B. liên quan đến một số cá nhân và gần đây ông Minh Diện có bài viết “Ân oán còn lâu”. Theo vợ ông Huỳnh Uy Dũng, bài viết toàn là những chuyện bịa đặt, hư cấu nhằm bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm và vu khống, phá hoại hạnh phúc gia đình vợ chồng ông đồng thời phá hoại hoạt động sản xuất kinh...
Ngụy biện hay lỗi ngụy biện (fallacy) trong thảo luận và trình bày ý kiến là một vấn đề nghiêm trọng, xảy ra trên bình diện đại số đông người Việt, không chỉ ở cả dân thường mà kể cả các vị có bằng cấp, học thức, hot bloggers hay như từ cách lý luận báo chí trong nước vốn là một núi ngụy biện. Ngụy biện (fallacy) nguy hiểm hơn, còn khiến người nhiễm phải nó có một lối tư duy suy nghĩ và phân tích vấn đề sai lệch. Người càng ít tranh luận thì càng khó có khả năng phát hiện lỗi ngụy biện trong tư duy của mình để chỉnh sửa. Đó là lý do ta thấy nhiều người ít nói, nhưng một khi mở miệng thì sẽ đuối lý và kết quả là chỉ biết chửi thề, xúc phạm, tấn công cá nhân người khác mà thôi. Chúng ta thử xem xét vài ngụy biện của những người tham gia buổi “đấu tố” mang tên “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” trong chương trình “60 phút mở” của VTV đang gây xôn xao dư luận.