Nhà giáo – nhà thơ Hà Nhật hồi tưởng: “Mùa thu 1958, với một cuộc chính huấn đại quy mô, “bọn nhân văn – giai phẩm ra trước tòa án dư luận”. Mọi chuyện thế là chấm dứt một cách êm thấm, có thể nói là tốt đẹp. Sau cuộc chỉnh huấn là một đợt “đi thực tế” dài. Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Còn ở trường Đại học, những cây đa cây đề bị bật gốc : Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh… Tôi còn nhớ như in một buổi chiều, sau giờ lên lớp, thầy Phan Ngọc, một giảng viên quê xứ Nghệ, dạy chúng tôi môn Ngôn ngữ học đại cương, nói với lớp bằng giọng nhỏ nhẹ: “Bắt đầu từ hôm nay, tôi được trường cho nghỉ dạy để viết tự kiểm thảo”. Thế là một mạch. Dẫu sao còn được nói mấy lời từ biệt. Còn các vị giáo sư nói trên thì chẳng nói năng được gì”. 


Gặp thơ Lê Đạt một thời

HÀ NHẬT

Phải rất lâu sau Hà Nội giải phóng (1954) tôi mới bắt đầu biết đến thơ Lê Đạt. Là học sinh vùng địch tạm chiếm, tôi chỉ biết thơ Kháng chiến có Tố Hữu, rồi Hoàng Cầm, Hữu (tức Hữu Loan), Quang Dũng…
Những bài thơ đầu tiên đọc được của Lê Đạt đã chẳng gây ấn tượng gì lắm cho tôi. Đến khi đọc mấy bài của Lê Đạt trên Giai phẩm mùa xuân 1956 với những câu thơ đại khái như xã hội chủ nghĩa không thể vác ba lô đi bộ, tôi chỉ thấy hơi lạ mà không cảm thấy thích. “Lạ” là rất cần, nhưng chưa phải là tiêu chí số một của thơ. Nói như Nguyễn Văn Siêu, thơ trước hết phải làm xúc động lòng người.
Thế rồi, đùng một cái, báo Văn Nghệ đăng bài thơ Cha tôi của Lê Đạt. Cả giới làm thơ, trẻ như già, rúng động. Nhìn chung thì kết cấu của bài thơ không có gì lạ so với những bài thơ ngày đó: nhìn về quá khứ, nhận ra quá khứ buồn đau để cảm thấy mình thật may mắn hơn thế hệ cha ông. Kiểu thơ này, đọc tập thơ nào, bài thơ nào trên bất cứ tờ báo nào lúc này mà chẳng thấy. Nhưng với kết cấu ấy, Lê Đạt trong Cha tôi, có những câu thơ chưa từng có, những câu thơ như từ gan ruột người ta mà ra, những câu thơ như từ trải nghiệm đau đớn của cuộc đời mà ra. Lâu lắm người đọc thơ Việt Nam mới được đọc một bài thơ như thế. Trải qua hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ một số câu thơ. Chẳng hạn như những câu mở đầu:
          Cha tôi
          Đất quê Đề Thám
          Rừng rậm sông sâu
          Con gái cũng quen nghề võ

Những câu thơ nói về cái hăm hở của chàng trai mới vào đời, sang sảng ngâm lên những câu Kiều của Nguyễn Du như chính là chí khí của mình:
          Phong trần mài một lưỡi gươm
          Những phường giá áo túi cơm sá gì

Những câu nói về một thế hệ thanh niên Việt Nam :
          Khóc Phan Châu Trinh như khóc người nhà mình
Rồi đến những câu thơ nói về cái bất đắc chí của con người sinh bất phùng thời, sau chứng kiến thất bại liên tiếp của các phong trào cứu nước, biết mình không thể làm để thắng nổi những oan trái trong đời, đành chấp nhận sống chung với nó nhưng không công nhận nó :
          Ngâm một câu Kiều
          Ôm mặt khóc

Cho đến khi sự chấp nhận đã trở thành thói quen, con người ta cam chịu với nỗi nhục phải sống, “càng sống càng tồi”, con người ta trở nên hèn đi, sống mà chỉ như cỏ cây, không phải là sống. Hình ảnh người cha lúc này thật là tội nghiệp :
          Hai vai nhô lên
          đầu lún xuống
          Như không mang nổi cuộc đời
          Bóng in tường vôi
          Im lặng
          Bóng với người như nhau


Đến những câu thơ này thì cực hay :
          Mùi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt
          Ở chân bàn hay ở cả cha tôi?

Có lẽ đọc hết một tập Sống mòn (chính xác là Chết mòn), một truyện Đời thừa của Nam Cao, nỗi cay đắng cũng chỉ đến thế thôi.
Có thể nói, với Cha tôi, Lê Đạt mới thực sự đươc mọi người coi là nhà thơ, nhà thơ của mình, nhà thơ của thời đại. Ngay năm đó, Cha tôi được đưa vào sách giáo khoa Giảng văn lớp 10, lớp cuối cùng của nhà trường trung học ở miền Bắc. Mọi người coi đó như một điều hoàn toàn tự nhiên. Tôi nhớ, vào năm ấy, không ít nhà thơ đã lấy thơ Cha tôi làm như cái chuẩn để mà khen chê thơ hay thơ dở. Cũng trong năm đó, một trong những cái tội của giáo sư Trương Tửu là dám từ trên bục giảng đường Khoa Văn của trường Đại học Việt Nam cho rằng “đem đặt bên cạnh bài thơ Cha tôi của Lê Đạt thì cả tập thơ Việt Bắc chẳng là gì cả”. Nên nhớ rằng Việt Bắc vừa được trao giải nhất về thơ trong giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam cho hai năm 1954-1955. Cũng nên nhớ rằng giáo sư Trương Tửu là vị giáo sư duy nhất ở Việt Nam không có bằng cấp nào cả nhưng là thần tượng của mấy thế hệ sinh viên văn khoa và mỗi lời của thầy nói ra thì đều như mang theo một thứ ma lực huyền bí, không thể cưỡng lại được. Thầy Trương Tửu có cái tật mà sinh viên nào cũng biết là khi đã khen ai thì không tiếc lời, mà lời của thầy thì toàn là “lời có cánh”. Chẳng hạn thầy khen thơ Hồ Xuân Hương là “nếu đem những câu thơ ấy mà vắt, tưởng như nhìn thấy chất sống chảy ra ròng ròng…”.
Lê Đạt với Cha tôi, thế là hầu như trong giới làm thơ và yêu thơ, ai cũng biết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho một chặng mới của Lê Đạt.
Cứ như một chuyện lừng lững từ trên trời rơi xuống, tờ báo Nhân Văn số 1 được rao bán trên các nẻo phố Hà Nội vào một buổi sáng kia. Đi đâu cũng thấy có người mua báo Nhân Văn, đọc báo Nhân Văn. Mà tờ báo Nhân Văn thì ngay trang đầu là bài thơ của Lê Đạt: Nhân câu chuyện mấy người tự tử.
Thơ gì mà quái lạ thế này? In ở trang 1, lại còn “xem tiếp trang 2”. Thơ không có vần, lại còn “leo thang” lên xuống gập ghềnh. Thơ mà lại còn có “tái bút” nữa! Thế nhưng người đọc ngày hôm ấy có quan tâm gì đến chuyện đó đâu. Có thể nói trong lịch sử thơ Việt Nam xưa nay, chưa có bài thơ nào làm choáng váng người đọc với một số lượng đông đảo đến như vậy. Tôi đem chuyện này kể với anh Nguyễn Bính, lúc này là chủ bút báo Trăm hoa. Anh Bính bảo:
- Thì bởi vì đây là tiếng chuông cứu khổ mà lại!
Quả thật, hình như lúc này mọi quy tắc về thơ (ấy là nói thơ theo quan niệm như cho đến lúc bấy giờ người ta vẫn nghĩ) đều bị bỏ qua hết. Lê Đạt bắt đầu cứ như người ngồi kể chuyện vặt, một câu chuyện tò mò :
          Báo Nhân Dân số 822
          Có đăng tin mấy người tự tử
          Vì câu chuyện tình duyên dang dở
          Trưa mùa hè nóng nung như lửa
          Tôi ngồi làm thơ
          Vừa giận vừa thương những người xấu số
          Chân chưa đi hết đường đời
          Đã vội nằm dưới mộ.

Tiếp theo là những câu thơ rất trữ tình :
          Chết là hết
          Hết đau hết khổ
          Nhưng cũng là hết vầng trăng soi sáng trên đầu
          Hết những bàn tay e ấp tìm nhau

Lê Đạt hình dung ra cái cảnh đôi trai gái yêu nhau trước khi họ tìm đến cái chết :
          Người con trai ngồi trên gò đất
          Thổi sáo gọi người yêu
          Bắt nắng chiều đứng lại
          Lúa đang thì con gái…
          Xôn xao gió thổi
          Đầu sát bên đầu tính chuyện tương lai

Quả là những câu thơ đẹp một vẻ đẹp hiền lành kể về một mối tình đẹp nhưng bình thường của một chàng trai quê với một cô gái quê. Nếu chỉ xét về nội dung, chuyện  này chẳng có gì khác lắm câu chuyện Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài  mà người Hà Nội và người miền Bắc hồi đó ai cũng biết. Bởi có một bộ phim Trung Quốc đang chiếu và một vở cải lương đang diễn ở các rạp Kim Chung, Kim Phụng! Tuy nhiên, đó chỉ là những tia khói báo hiệu cho một sự bùng nổ.
Bởi Lê Đạt không quy trách nhiệm cho một Chúc ông, Chúc bà nào đó làm chuyện “rẽ thúy chia uyên”. Lê Đạt viết những câu thơ chỉ có thể là thơ của Lê Đạt :
          Anh công an nơi ngã tư đường phố
          Chỉ đường cho
            xe chạy
          xe dừng
          Rất cần cho luật giao thông
          Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
          Bắt tình cảm ngược xuôi
          Theo luật lệ đi đường nhà nước
          Có thể gây nhiều đau xót
                                      ngoài đời

Mọi sự cứ là nổ bùng lên. Đây đâu còn là chuyện của mấy người tự tử, đây là chuyện của cuộc sống đang diễn ra, chuyện của hàng triệu con người. Không chỉ là chuyện yêu nhau, mà là chuyện cơm áo, chuyện số phận con người. Cho đến bao nhiêu năm sau, những câu thơ ấy vẫn còn được nhiều người nhắc tới hoặc đọc lên. Thì ra Lê Đạt không làm thơ về mấy người tự tử, mà chỉ là nhân câu chuyện mấy người tự tử !
Sau này, đến lúc phản kích, những người tham gia cuộc phản kích phát hiện ra rằng trong bài thơ của mình, Lê Đạt đã dùng một biện pháp nghệ thuật khôn khéo có tên là symbole équivoque (hình tượng hai mặt). Sự phát hiện này đã trở thành một thói quen, một phương hướng quan trọng cho việc xem xét và đánh giá tác phẩm thơ suốt từ đó đến mãi tận bây giờ. Thơ Lê Đạt, thơ Trần Dần là équivoque, Lời mẹ dặn của Phùng Quán là équivoque, nhiều bài thơ có thể équivoque ! Symbole équivoque, ôi, con ngoáo ộp đã treo lơ lửng lên số phận bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu người làm thơ. Thơ mà thẳng đuột như ruột ngựa thì mang tiếng là thơ thiếu chiều sâu, thơ không để lại dư vị cho người đọc phải ngẫm nghĩ, nhưng thơ mà có hai nghĩa thì bị quy là équivoque, là thâm hiểm. (Có điều rất đáng nói là cùng lúc đánh phá những bài thơ équivoque như thế, người ta lại không tiếc lời khen những bài thơ hai nghĩa của Hồ Xuân Hương là “có tác dụng chống lễ giáo phong kiến”!)
Quả thật, chỉ với riêng một đoạn thơ có cái “bục công an” nói trên, bài thơ của Lê Đạt đã buộc người ta phải đọc và phải nhớ, đây không chỉ vậy, hết bài thơ còn một phần “tái bút” cũng dài ngang một bài thơ, trong đó có những đoạn như đoạn này :
          Ngày Phật Đản vừa qua được nghỉ
          Tôi với Văn Cao rủ nhau đi ăn thịt chó
          Văn Cao vốn là người nể vợ
          Mua thêm một gói về nhà
          Tôi bỗng giật mình (nhưng không dám nói ra)
          Người chủ lấy thơ tôi gói thịt !
          Ngay khi ấy tôi chỉ còn muốn chết
          Như dại như điên tôi oán đất oán trời
          Nhưng hôm nay tôi chỉ oán mình tôi
          Thơ tôi bị người đời ruồng bỏ
          Vì tôi đã ngủ quên trong chế độ
          Vẽ phấn bôi son tô toàn màu đỏ
          La liệt đầy đường hoa nở chim kêu

Thế là Lê Đạt đã tranh thủ tấn công vào một xu hướng thịnh hành, có thể nói là xu hướng chủ đạo, của văn học (mà cả các bộ môn nghệ thuật khác cũng vậy) nước ta thời ấy : xu hướng tô hồng, hay nói cho chính xác, xu hướng gọi là lãng mạn cách mạng, tiêu chuẩn quan trọng nhất trong một tác phẩm được coi là có giá trị hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tội to quá. Bị đánh là phải.
Được 5 số thì báo Nhân Văn chết đứ đừ. Cũng từ đây, từ nhân văn được coi như đồng nghĩa với phản động. Còn từ giai phẩm thì hầu như không còn ai dùng đến. Tuy nhiên, hình như vào khoảng đầu hoặc giữa năm 1957 gì đó, Lê Đạt còn viết một bài thơ dài với cái tên ngộ nghĩnh : Cửa hàng Lê Đạt. Bài thơ chỉ được đánh máy chứ không in ở báo nào. Đa số người đọc biết Lê Đạt có bài thơ này là nhờ có một bài của Xuân Diệu đánh tơi bời trên tờ Tạp chí Văn Nghệ. Mùa hè 1958, Lê Đạt còn in được một tập Bài thơ trên ghế đá, mà Lê Đạt gọi là thơ về những thứ vulgaire (thông tục, tầm thường, không có gì thi vị) ở đời. Có điều là tập thơ được in nhưng không được phát hành.
Mùa thu 1958, với một cuộc chính huấn đại quy mô, “bọn nhân văn – giai phẩm ra trước tòa án dư luận”. Mọi chuyện thế là chấm dứt một cách êm thấm, có thể nói là tốt đẹp. Sau cuộc chỉnh huấn là một đợt “đi thực tế” dài. Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Còn ở trường Đại học, những cây đa cây đề bị bật gốc : Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…
Tôi còn nhớ như in một buổi chiều, sau giờ lên lớp, thầy Phan Ngọc, một giảng viên quê xứ Nghệ, dạy chúng tôi môn Ngôn ngữ học đại cương, nói với lớp bằng giọng nhỏ nhẹ :
- Bắt đầu từ hôm nay, tôi được trường cho nghỉ dạy để viết tự kiểm thảo.
Thế là một mạch. Dẫu sao còn được nói mấy lời từ biệt. Còn các vị giáo sư nói trên thì chẳng nói năng được gì. Mãi mãi không ai biết trường Đại học Việt Nam có một vị giáo sư khi mới 24 tuổi đã đỗ hai bằng tiến sĩ tại Đại học Sorbonne danh giá của nước Pháp, một nhà triết học từng tranh luận với Jean Paul Sartre ở Paris, một nhà sử học có trí nhớ thông kim bác cổ, một vị giáo sư có lối giảng bài như lấy kiến thức ra từ từng ngăn kéo và hút hết hồn vía người ta. May lắm, sau này hình như có người biết ở Phố Hàng Gà Hà Nội có một ông thầy châm cứu giỏi vào loại siêu, hình như ông ấy nguyên là một giáo sư Văn học nổi tiếng…
Từ năm học 1958-1959, bọn chúng tôi lên học tận Cầu Giấy, cách Hà Nội 12 km, giữa một vùng đồng không mông quạnh, phía bên kia đường là làng Vòng làm cốm, cách về phía tây một đoạn nghĩa trang Mai Dịch, nơi chúng tôi thỉnh thoảng đến lao động. Hầu như với toàn thầy mới toanh. Mỗi tuần, mong như mong mẹ về chợ, đến chiều thứ bảy, Ký túc xá Cầu Giấy mở cửa, lũ sinh viên chúng tôi, hoặc đạp xe, hoặc đi bộ, ù về Hà Nội một ngày, để tối hôm sau, trước lúc 9 giờ, phải có mặt tại phòng ngủ.
Mỗi lần về Hà Nội, không hiểu sao cứ thấy buồn vô cùng. Hầu như chủ nhật nào tôi cũng ghé qua nhà Lê Đạt rồi nhà Trần Dần, chẳng để làm gì, chẳng giúp ích được gì, chỉ để gặp chị Thúy (vợ anh Đạt), chị Khoa (vợ anh Dần), biết rằng hai chị vẫn yên ổn, hai cháu bé, cháu Nhiên và cháu Kha vẫn chơi.
Sài Gòn, tháng 2 – 2008

Tái bút:
Những câu thơ của Lê Đạt dẫn trong bài người viết trích theo trí nhớ. Có gì sai sót mong nhà thơ thông cảm vì đã hơn 50 năm rồi…HN