Bà Elizabeth McLean trong cuốn sách “Hình ảnh Việt Nam” mới đây có nói đại ý: Khí hậu Việt Nam nóng ấm là điều kiện người ta đi lang thang du ngoạn ngoài đường để gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống. Còn ở quê bà xứ Canada lạnh lẽo, mọi người ẩn kỹ trong nhà dường như chẳng có gì lạ xảy ra cả. Văn học căn bản là chữ nghĩa, cũng là thứ tư duy, cảm xúc sinh ra và bày tỏ bằng chữ nghĩa. Hội họa có màu sắc, âm nhạc có âm thanh, kiến trúc có hình khối, nhưng văn học chỉ là chữ nghĩa, cũng là ngôn ngữ của tư duy bên trong và chiều sâu. Vì thế cái mà bà Elizabeth coi là ưu điểm “đi ra đường” của xứ nóng ẩm Việt Nam (cả Trung Quốc nữa) là cái đi ngược lại bản lĩnh chiều sâu của con người. Con người văn minh lúa nước thường thích bè phái tụ bạ, sống tập đoàn, như người Việt phản ánh trong câu “Chết một đống còn hơn sống một mống”, hoặc người Trung Quốc xưa kia có thể tru di 9 họ, đủ thấy xứ lúa nước ít tôn trọng nhân vị con người. Trong thiên nhiên, cỏ thường mọc thành đám, nhưng cây đa, cây sồi thì mọc một mình 



NGẮM CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM QUA THƯỚC NÂNG TẦM

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Một điều rõ ràng rằng nền văn học Việt Nam muốn đi xa tiếp cận giá trị của nhân loại thì nó không nên bằng lòng với những nhận xét “chỉ có tác phẩm bé và vừa”, “chúng ta chỉ bắt tép”… mà nó cần phải thấy cụ thể những khiếm khuyết cũng như cách khắc phục của mình. Trong tình hình thiếu minh bạch chung của xã hội Việt Nam, từ chính trị đến tài chính đều kín như bưng, thiếu rõ ràng, cũng là cái ổ cho lạm dụng và tham nhũng, thì văn học Việt Nam cũng không ra khỏi tình trạng tù mù thiếu minh bạch đó. Tất cả các cuộc kết nạp hội viên Hội nhà văn, tất cả các giải thưởng đều phải khép lại vội vàng ngay từ đầu trong tiếng ì xèo, rõ ràng đó là những vấn đề không cãi được. Mà người ta cũng chẳng cho cãi để ngô ra ngô khoai ra khoai. Bởi vì nếu được cãi như thế sẽ có nhiều người phải lộ mặt hay phơi áo?! Trong tình trạng không dám minh bạch, đã có rất nhiều đồng thau lẫn lộn, “lộng giả thành chân”, khi có nhóm lợi ích và bè phái, cậy số đông, phán truyền người này tài vì được giải, người kia kém vì trượt giải… nhưng có một hiện thực rằng, hầu hết các nhà văn, nhà thơ đã đoạt giả ở Việt nam vẫn cứ “mót” giải như thường. Tại sao? Vì ở các nước, sau mỗi lần được giải, người ta có sở cứ tin vào đẳng cấp cây bút của mình. Ngược lại ở ta, không ai dám tự tin vào cái lần đoạt giải của mình, và họ muốn giải phải nối tiếp giải như sự bổ dưỡng vậy. Và đã có thực tế rằng, ở ta rất nhiều người trở thành lĩnh giải chuyên nghiệp, nhưng sau ngần ấy giải thưởng họ có lớn lên không? Hay rút cục vẫn chỉ là “tép”? Nhiều người nói, đánh giá văn học khó lắm. Theo tôi, đó chỉ là cách à uôm chơi ấm ớ “giả chết bắt quạ”, hay “giả điên khiêng đồ ngoại”. Văn học có những tiêu chí mỹ học, như những cô gái đi thi hoa hậu, việc đầu tiên người ta đo chiều cao, sau đó là tỉ lệ ba vòng eo, rồi đến sự ăn ảnh, con người có thể thiên vị, nhưng “ăn ảnh” không thể thiên vị… từ những tiêu chí cứng này người ta có thể phát hiện ra đến 90% người đẹp. Văn học cũng có những tiêu chí cứng của nó. Trong bài này tôi có ý định đưa ra vài tiêu chí cứng cơ bản để loại bỏ phần nào những à uôm nhập nhèm mong tìm kiếm giá trị thật của văn chương, cũng như khắc phục những yếu kém đang bày ra của nó.
1-      Viết văn là bản lĩnh đào sâu của tư duy độc lập
Bà Elizabeth McLean trong cuốn sách “Hình ảnh Việt Nam” mới đây có nói đại ý: Khí hậu Việt Nam nóng ấm là điều kiện người ta đi lang thang du ngoạn ngoài đường để gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống. Còn ở quê bà xứ Canada lạnh lẽo, mọi người ẩn kỹ trong nhà dường như chẳng có gì lạ xảy ra cả. Văn học căn bản là chữ nghĩa, cũng là thứ tư duy, cảm xúc sinh ra và bày tỏ bằng chữ nghĩa. Hội họa có màu sắc, âm nhạc có âm thanh, kiến trúc có hình khối, nhưng văn học chỉ là chữ nghĩa, cũng là ngôn ngữ của tư duy bên trong và chiều sâu. Vì thế cái mà bà Elizabeth coi là ưu điểm “đi ra đường” của xứ nóng ẩm Việt Nam (cả Trung Quốc nữa) là cái đi ngược lại bản lĩnh chiều sâu của con người. Con người văn minh lúa nước thường thích bè phái tụ bạ, sống tập đoàn, như người Việt phản ánh trong câu “Chết một đống còn hơn sống một mống”, hoặc người Trung Quốc xưa kia có thể tru di 9 họ, đủ thấy xứ lúa nước ít tôn trọng nhân vị con người. Trong thiên nhiên, cỏ thường mọc thành đám, nhưng cây đa, cây sồi thì mọc một mình. Cây bút văn học rất cần đào sâu tâm hồn mình để có thể lắng nghe những tiếng chiều sâu của cuộc sống. Nhưng đa số nhà văn ta lại thích tụ bạ, cậy vào đám đông hội hè để mưu cầu an toàn và lợi ích cho mình. Cho nên văn học, rồi chữ nghĩa, cho đến đời sống ở xứ ta thường là nông nổi, hời hợt, nhạt nhẽo, chóng chán, dễ làm khó bỏ. Đó là lý do chính lý giải tại sao xứ ta lại nhiều người tụ bạ làm thơ đến vậy. Một bài thơ có dăm câu, đi từ nhà vệ sinh ra bàn tiệc , có thể hát cho đồng đội nghe được rồi. Còn cuốn tiểu thuyết phải viết mấy năm lúc nào mới được hát đây?

2-      Chiều dài là thước đo bắt buộc về lượng tính
Chiều dài của tác phẩm như các cô gái khoe chân dài vậy. Chưa đủ chiều cao sẽ bị loại ngay vòng loại. Trung Quốc có cả triệu bài thơ ngắn tủn mủn, nhưng trong vài chục năm qua, các cơ quan văn hóa đi săn lùng khắp nơi mà không gặp bóng một sử thi nào. Sử thi là gì? Về mặt hình thức ít nhất nó là một bài thơ dài. Vậy mà dân tộc chiếm ¼ dân số loài người đó không có. Thử xem tầm vóc văn hóa của nó nhỏ cỡ nào?
Ở Việt Nam, trong vài năm, tìm ra cả sử thi lẫn trường ca độ vài nghìn cái. Tại sao? Hỏi ra mới biết, mỗi trường ca được phát hiện người ta sẽ được lĩnh 10 triệu đồng. Vì thế trường ca mới nhiều đến thế. Mặt khác có cả nghìn tác giả cũng lao vào sản xuất trường ca vì muốn thả bột nở vào sự nghiệp của mình. Than ôi, nhưng đi trong rừng trường ca đó chẳng thấy mống nhân vật nào xuất hiện. Tra hỏi mãi, có người trả lời, thì chính tác giả là nhân vật đó thôi. Nghe thật nản! Tác giả là người sản sinh nhân vật. Sao lại gọi tác giả là nhân vật? Nhầm lẫn như vậy chẳng phải à uôm sao?

3-      Chiều cao là thước đo bắt buộc về phẩm tính
Kim Tự Tháp Ai Cập vươn lên rất cao, bằng kiến trúc bề ngoài đơn giản bậc nhất chỉ là bốn hình tam giác ghép vào bốn mặt. Nhưng người ta chiêm ngưỡng thán phục nó là tầm cao mà nó vươn tới chứ không phải vẻ đẹp bên ngoài. Nội dung nằm trong chiều cao của mọi tòa kiến trúc thường là thần thánh hay tôn giáo, bởi lẽ tự nhiên, chiều cao là khát vọng vươn lên trời, nơi thần thánh ngự trị. Khi nhân loại đã hình thành các tôn giáo khổng lồ, trong khi người Trung Quốc và Việt Nam vẫn sì sụp lạy miếu nhỏ như cái thúng ven đường, thử hỏi tâm hồn chúng ta vươn lên chiều cao cách nào?
“Tây du ký” là tác phẩm sáng tạo đồ sộ uyên bác và hấp dẫn nhất Trung Hoa. Tại sao? Bởi vì nó nhắm đề tài Phật giáo. Tôn Ngộ Không theo Đường Tăng đi phương Tây lấy kinh. Việt Nam thì sao? Gần 99% các tác giả Việt vô thần, thử hỏi họ có ưu tư về chiều cao không? Nếu có thì bằng cách nào?

4-      Kịch tính, nhân vật và đối thoại là cốt lõi của bút pháp
Các tác phẩm kinh điển vĩ đại của nhân loại thậm chí còn lấy thẳng tên nhân vật như Illiad, Odyssey, rồi Đông-ky-sốt, Đông Gioăng, Tôn Ngộ Không…
Không có nhân vật làm sao có thể mô hình hóa được chính tác giả? Làm sao phân tuyến thiện – ác để đối thoại và hành động? Mọi thứ trên đời nếu không có tư duy và hành động sẽ chẳng có một ý nghĩa nào hết. Tác phẩm cũng vậy thôi!

5-      Đề tài tư tưởng
Văn học là chữ nghĩa! Chữ nghĩa là thông điệp! Thông điệp cao nhất là ý nghĩa hay tư tưởng! Chữ nghĩa không có thông điệp là vô hồn! Vô tích sự! Trống rỗng! Có câu “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Tư tưởng là tinh hoa của tư duy, cũng chính là nguyên nhân xui khiến hành động. Nếu không có tư tưởng thì thế giới chỉ còn là vật chất vô tri. Không có gì để bàn! Tư tưởng cao nhất của loài người là gì? Là danh dự, tự do, bình đẳng, bác ái. Như Đông-ky-sốt là hiện thân của danh dự hiệp sĩ, “Những người khốn khổ” là cuộc cách mạng của dân Paris vì tự do, “Vụ kiện” là khát khao công lý. Các tác phẩm của chúng ta có những tư tưởng gì? Hay chỉ lần theo chiến trường đếm chiến công? Lần theo giường chiếu lắng nghe tiếng sột soạt của vải vóc đang hát khúc rên tình dục?

6-      Bút pháp
“Y phục xứng kỳ đức”, y phục chỉ là cái tương xứng với nội dung bên trong. Trong triết học người ta bàn: cần tương xứng giữa Thức và Thể. Thức là hình thức bề ngoài phải tương xứng với vật đựng ở bên trong. Không ai đem rổ đựng nước, đem nồi đựng rau. Bút pháp chẳng là gì cả nếu không thông điệp tư tưởng ở bên trong. Chính nhà thơ Xuân Diệu viết: “Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ/ dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu”. Cách tân hình thức mà không có tư tưởng chỉ là đám xếp chữ mà thôi!

7-      Làm việc khó
Nghệ thuật là sáng tạo chứ không phải làm việc thường hằng. Vì vậy nó đòi hỏi người ta phải cố làm được những việc khó nhất. Nhưng những cây bút của chúng ta thì sao? Tất cả các ông già và giám đốc cùng mấy em mới lớn chỉ lao vào thơ để kiếm tí danh theo tốc độ của một bài báo. Báo tuần mà? Bài thơ của em, của cụ sắp được đăng rồi, lúc đó thì tha hồ lời chào mừng, tiếng tung hô, có khi còn chạm chân vào ứng cử giải Nobel như anh Hoàng Quang Thuận ấy. Muốn thế cũng chỉ cần đợi một hai số báo nữa thôi. Có báo đăng là có tất cả!
Văn học Việt Nam có thể ví thế này, hợp tác xã sản xuất mây tre đan xuất khẩu dù có tài giỏi cỡ nào cũng không thể cho xuất xưởng ô tô, càng không thể xuất xưởng tầu vũ trụ. Nếu tác giả không đào luyện về triết học, thần học, mỹ học, hay nhân cách và công lý thì không thể ra hoa kết trái những thứ đó trong tác phẩm. Tác giả chỉ có nỗi lo bấu víu tập thể thì cũng chỉ có từng ấy xuất hiện trên chữ nghĩa mà thôi. Muốn trở thành tác giả lớn như một giàn nhạc tổng phổ đồ sộ thì chúng ta không cách nào không tự cấu thành mình trở nên điều đó. Muốn vậy ta cũng nên tự giác đào luyện mình. Tập thể dù đông, cơ chế bao cấp có ưu tiên để tung hô tác phẩm của ta đến mấy nhưng không thể làm hộ ta việc đào luyện bản lĩnh riêng có sâu xa cho ngòi bút đâu!