Đến Phú Yên, hỏi thăm Huỳnh Duy Siêng, hầu như ai cũng biết “ông già mù làm thơ”. Bởi lẽ, chính vẻ đẹp tỏa ra từ số phận ông đôi khi như niềm an ủi cho những mảnh đời gieo neo và bẽ bàng khác. Dù trót gánh vác bất hạnh, Huỳnh Duy Siêng vẫn không nguôi mơ mộng từng khoảnh khắc ấm áp: “Em đến gần chờ nghe tôi hát/ Dòng sông nào trôi trong ca dao/ Những cánh rừng già đi vào cổ tích/ Như mấy ngọn đồi thần thoại trên cao”. Thơ Huỳnh Duy Siêng luôn phát huy thế mạnh thính giác của một người khiếm thị. Thơ ông thường diễn đạt bằng trạng thái “nghe”, nghe xa thiên hạ, nghe gần riêng tư. Huỳnh Duy Siêng nghe chật chột: “Nằm gác tay lên trán/ Nghe nỗi nhớ dài thêm/ Nghe lá chiều gió lật/ Man mác buồn trong tim” và nghe bộn bề: “Một chiều tha thiết giọng buồn/ Trăng suông ngọn sóng nước nguồn ra sông/ Tiếng chim nghiêng giữa tầng không/ Ta nghe trong gió mùa đông đã về”.


HẾT MÙA THU CHƯA

TUY HÒA   


Bị mù từ lúc lên 3, chưa một ngày được cấp sách đến trường, nhưng Huỳnh Duy Siêng vẫn là tác giả của hàng trăm bài thơ. Như một minh chứng cho nghị lực sống, tập thơ “Hết mùa thu chưa” được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành có thể giúp công chúng thi ca mường tượng hành trình sáng tạo của nhà thơ khiếm thị tuổi 76 này!
Đã 73 năm sống trong bóng tối, Huỳnh Duy Siêng không biết một mặt chữ nào. Và màu sắc hay sự vật đối với ông cũng chỉ mang tính khái niệm mơ hồ. Cái đài trở thành phương tiện duy nhất để Huỳnh Duy Siêng gắn kết với thế giới xung quanh. Mỗi chương trình trên sóng phát thanh cho Huỳnh Duy Siêng cơ hội tự học, tự tìm hiểu và tự khám phá bản thân.
Nhiều người không khỏi thắc mắc, Huỳnh Duy Siêng làm thơ bằng cách nào? Rất đơn giản, Huỳnh Duy Siêng chọn vần chọn ý để nên hình nên dáng một bài thơ thuộc nằm lòng rồi đọc ra nhờ bạn bè chép lại. Cứ thế, từng ngày thi ca cùng ông chiến thắng nỗi cô đơn thăm thẳm và nỗi mặc cảm hắt hiu. Huỳnh Duy Siêng viết: “Ta bước vào đời như cơn mưa bất chợt/ Nghe hoàng hôn rơi lạnh xuống vai gầy”.
Đến Phú Yên, hỏi thăm Huỳnh Duy Siêng, hầu như ai cũng biết “ông già mù làm thơ”. Bởi lẽ, chính vẻ đẹp tỏa ra từ số phận ông đôi khi như niềm an ủi cho những mảnh đời gieo neo và bẽ bàng khác. Dù trót gánh vác bất hạnh, Huỳnh Duy Siêng vẫn không nguôi mơ mộng từng khoảnh khắc ấm áp: “Em đến gần chờ nghe tôi hát/ Dòng sông nào trôi trong ca dao/ Những cánh rừng già đi vào cổ tích/ Như mấy ngọn đồi thần thoại trên cao”.
Thơ Huỳnh Duy Siêng luôn phát huy thế mạnh thính giác của một người khiếm thị. Thơ ông thường diễn đạt bằng trạng thái “nghe”, nghe xa thiên hạ, nghe gần riêng tư. Huỳnh Duy Siêng nghe chật chột: “Nằm gác tay lên trán/ Nghe nỗi nhớ dài thêm/ Nghe lá chiều gió lật/ Man mác buồn trong tim” và nghe bộn bề: “Một chiều tha thiết giọng buồn/ Trăng suông ngọn sóng nước nguồn ra sông/ Tiếng chim nghiêng giữa tầng không/ Ta nghe trong gió mùa đông đã về”.
Bao nhiêu ngày tháng bơ vơ đằng đẵng trôi qua, Huỳnh Duy Siêng một mình an ủi một bóng. Anh em hoặc họ hàng cũng có cuộc sống riêng của họ. Huỳnh Duy Siêng đành lủi thủi với thơ và với ám ảnh vào ra trống trải: “Đi giữa hoàng hôn môi lạnh sương chiều/ Khát vọng chờ em một mối tình sâu kín”. Rất có thể có người đàn bà nào đó từng hiện diện trong đời Huỳnh Duy Siêng để ông thổn thức và phấp phổng triền miên: “Em xõa tóc cho mùa thu rũ rượi/ Sương chiều buồn mây xám đuổi nhau bay/ Cứ ngẩn ngơ cuộc tình ảo tưởng/ Chai rượu đầy ta rót cạn chưa say…”.
“Hết mùa thu chưa” chỉ vỏn vẹn 80 trang, nhưng cầm thấy nặng tay, vì tập thơ của Huỳnh Duy Siêng không chỉ có đau đáu vần điệu thi ca mà còn lấp lánh ánh sáng nghị lực. Bạn đọc dễ dàng xúc động với “Hết mùa thu chưa”, vì thưởng thức thơ Huỳnh Duy Siêng cũng giống như tìm thấy một nguồn cơn tin yêu nhân gian: “Trong mơ vắng tiếng em cười/ Một mai thức dậy ai còn gọi ta?”.