Có không chỉ một cách định nghĩa về khái niệm đô thị hóa. Theo một số chuyên gia, đô thị hóa hay sự tăng trưởng vật lý của các khu vực đô thị là kết quả của quá trình dịch chuyển của các cư dân từ những vùng nông thôn vào thành phố. Một số chuyên gia khác cho rằng, đô thị hóa là quá trình nâng cao vai trò của các thành phố trong sự phát triển của xã hội. Điều kiện tiên quyết đô thị hóa - sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp đô thị, sự phát triển của các chức năng văn hóa và chính trị của họ, sâu sắc của sự phân chia lãnh thổ của lao động. Đối với quá trình đô thị hóa được đặc trưng bởi dòng dân số nông thôn và sự gia tăng con lắc di chuyển dân số từ môi trường nông thôn và các thị trấn nhỏ xung quanh các thành phố lớn vì những lý do khác nhau.


Hệ lụy đô thị hóa
KINH KHA

Mặc dầu thế giới hiện đại được coi là “nền văn minh đô thị lớn” nhưng những thành phố khổng lồ thực ra vẫn còn là hiện tượng lạ lẫm đối với nhân loại. Trong phần lớn lịch sử của mình, nhân loại chủ yếu chỉ sống ở những vùng nông thôn và làm nông nghiệp. Giờ đây con người đang lao vào giai đoạn đô thị hóa quá khẩn trương và không ai dám nói chắc về những ảnh hưởng của xu thế này đối với tương lai của nền văn minh.
Lịch sử các thành phố
Một điều đáng lưu ý là, cho tới hôm nay trên thế giới vẫn chưa có được một tiêu chí chung để xác định, một khu dân cư như thế nào là một thành phố? Tại một số nước, thành phố là nơi tập trung từ hai nghìn cư dân trở lên, còn ở một số nước khác, số cư dân trong một thành phố phải cao hơn 20 nghìn người. Tại Mỹ chẳng hạn, một khu dân cư có hơn 2,5 nghìn người sinh sống có thể được coi là một thành phố. Trung Quốc đã không chỉ một lần thay đi đổi lại tiêu chí thành phố và vì thế năm 1994, có tới 40% dân số nước này được coi là người thành phố và hai năm sau đó, tỉ lệ đó đã là 43%!
Cho tới nay vẫn chưa ai biết một cách chắc chắn về đô thị đầu tiên xuất hiện trên trái đất. Một số nhà sử học cho rằng, chúng đã từng có ở vương quốc cổ Shumer (nằm ở miền nam Iraq hiện đại) và Ấn Độ khoảng từ 5 tới 7 nghìn năm trước. Có lẽ đô thị đầu tiên có dân số hơn 1 triệu người là thành Rome ở La Mã cổ đại, ở vào khoảng thế kỷ thứ V. Sự kiện này có tầm quan trọng rất lớn: đại đa số các nhà sử học đều cho rằng, khi đó toàn bộ dân số trên thế giới không vượt quá 170 triệu người.
Trong tập sách tra cứu hàn lâm Quá trình đô thị hóa trong lịch sử có ghi rằng chính tại thành Rome khi ấy đã xuất hiện hàng loạt những công nghệ mà cho tới nay vẫn được sử dụng trong các đô thị hiện đại: chính ở đấy đã lập ra các hệ thống trung tâm cung cấp nước và thoát nước, thông lệ trợ cấp nhà ở các cư dân nghèo... Tuy nhiên, sau khi đế chế La Mã sụp đổ, trong suốt 17 thế kỷ liền trên trái đất không có một đô thị triệu dân nào khác nữa. Mãi tới năm 1800, Bắc Kinh mới vượt qua được ranh giới này. Và tiếp theo là hai thành phố New YorkLondon. Thời ấy, đô thị lớn còn là những hiện tượng hiếm hoi và lạ lẫm vì chỉ có khoảng 4% dân số thế giới sống ở các đô thị.
Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên đà mới cho quá trình đô thị hóa: chính tại các thành phố đã mọc lên vô số những nhà máy công nghiệp, thu hút đông đảo nhân công làm thuê (thành phần xuất thân chủ yếu là nông dân hay người nhập cư). Tới năm 1900 đã có khoảng 14% dân số thế giới sống trong các đô thị và 12 thành phố có số dân đông hơn 1 triệu người. Hiện tượng tương tự như thế hiện đang diễn ra tại các nước đang phát triển: người dân ở các vùng nông thôn đổ xô vào các đô thị để kiếm tìm việc làm và trốn tránh nạn đói. Tại Trung Quốc trong những năm 1960 - 1990 tốc độ gia tăng dân số ở các đô thị dựa trên sự gia tăng tự nhiên và giảm tỉ lệ tử vong khoảng 60%, phần còn lại (40%) là do nông dân chuyển ra kiếm kế sinh nhai.
Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại nhiều nơi trên thế giới (có lẽ chỉ trừ Việt Nam, nơi từ lâu đã có câu ca “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ”), các đô thị vẫn bị coi là nơi cư trú không mấy thuận tiện: thông thường, nông dân được sống ở những nơi rộng rãi hơn, thoáng mát hơn, có điều kiện vệ sinh tốt hơn; chính vì thế mà dân đô thị ở châu Âu hay bị mắc các dịch bệnh nhiều hơn người nông dân.
Theo nghiên cứu của tổ chức Population Reference Bureau, giữa thế kỷ XIX, tại phần lớn các đô thị châu Âu tỉ lệ tử vong luôn cao hơn tỉ lệ sinh. Đến giữa thế kỷ XX, tốc độ tăng trưởng cao nhất lại thuộc về các đô thị nằm ở những quốc gia giàu có: sự gia tăng dân số ở đây phụ thuộc chủ yếu do luồng dân di cư và nhập cư từ nơi khác tới. Tới năm 1950 đã có khoảng 30% dân số trên thế giới sống ở các đô thị và trên trái đất đã có khoảng 83 thành phố với số dân trên 1 triệu người. Những đô thị lớn nhất thế giới lúc đó là New York (Mỹ), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), Moskva (Liên Xô), Chicago (Mỹ) và Essemn (CHLB Đức). Chẳng bao lâu sau đó, New York đã trở thành thành phố lớn nhất thế giới với dân số lên tới trên 10 triệu người.

Đông chưa chắc đã vui
Trong thế kỷ XX, dân số thế giới đã tăng từ 1,65 tỉ lên tới trên 6 tỉ người. Tốc độ gia tăng cư dân đô thị cao hơn hẳn so với tốc độ gia tăng dân số nói chung. Theo thống kê của LHQ, hiện nay dân số cư trú ở các đô thị chiếm khoảng 47% dân số thế giới (2,8 tỉ người). Đang có khoảng 411 thành phố lớn với số dân trên 1 triệu người. 39% số cư dân thị thành sống ở những thành phố có số dân trên 1 triệu người. 15% số cư dân đô thị sống tại những thành phố lớn có trên 5 triệu người.
Theo các con số thống kê gần đây, những thành phố đông dân nhất thế giới là  Tokyo (26,5 triệu dân), San Paolo (18,3 triệu dân), Mexico City (18,3 triệu dân), New York (16,8 triệu dân), Bombay (16,5 triệu dân)... Theo dự báo của Population Institute, tới năm 2015, danh sách này sẽ có những thay đổi không nhỏ. Tokyo có thể vẫn tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về dân số nhưng những thành phố đi sát theo sau nó sẽ là Dacca, Bombay, San Paolo, Delhy và Mexico City. New York có thể bị sẽ đẩy lùi xuống vị trí thứ 7. Trong top-ten các đô thị đông dân nhất của năm 2015 có thể sẽ còn có thêm Jakarta, Calcutta và Carachi...
Đứng đầu về tốc độ đô thị hoá các quốc gia thuộc “thế giới thứ ba”, tại các thành phố lớn ở khu vực này hiện đang sinh sống tới 1,7 tỉ người.
Những con số như thế hoàn toàn không phải là minh chứng về việc cuộc sống thị thành đã thực sự trở nên hấp dẫn đối với con người. Tới cuối thế kỷ XX, tại Hoa Kỳ và một phần ở châu Âu đã xuất hiện dòng chảy ngược: những cư dân thị thành chuyển dần về sống ở vùng ngoại ô. Theo số liệu do tạp chí The Enviromental Magazine, trong giai đoạn từ 1970 tới 1996, dân số ở thành phố Detroi (Mỹ) đã giảm tới 33,9%, còn ở thành phố Saint Louis, tỉ lệ này là 49%. Nguyên nhân, theo tạp chí này, là do tình hình an ninh trật tự và môi trường trở nên tồi tệ hơn ở các đô thị đó.

Tương lai không rạng tỏ
Trung bình số dân gia tăng hàng năm trên trái đất ở con số trên dưới 77 triệu người, trong số này có tới 60 triệu người sống ở các đô thị. Theo số liệu của một công trình nghiên cứu do Liên hợp quốc (LHQ) và Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, đến năm 2025 sẽ có tới hai phần số dân trên thế giới sống trong các đô thị. Tới năm 2015 sẽ có khoảng 33 thành phố với số dân trên 8 triệu người và khoảng 500 đô thị có số dân trên 1 triệu người. Trong vòng khoảng một thập niên tới, diện tích các đô thị tại “thế giới thứ ba” có thể sẽ tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, đời sống ở đại đa số các đô thị đang ngày càng trở nên khó khăn và nguy hiểm: bị suy giảm sức khoẻ, thậm chí mất mạng, ở các đô thị thường dễ hơn là ở vùng nông thôn. Đó chính là kết luận của các nhà phân tích thuộc Chương trình thông tin nghiên cứu về dân số Trường đại học Tổng hợp John Hopkins. Sự bành trướng của các đô thị ở “thế giới thứ ba” sẽ gây nên những tác động tiêu cực khôn lường cho môi trường. Trong nửa thế kỷ gần đây, lượng nước ngọt được sử dụng trên thế giới đã tăng gấp bốn lần, nhưng có tới 90% lượng nước thải từ các hệ thống cống rãnh ở các đô thị thuộc “thế giới thứ ba” đã lọt ra biển mà không hề được xử lý. Tại châu Phi có tới 80% lượng rác đã được đổ ra khoảng không chẳng có gì che đậy...
Các chuyên gia đã dự báo, đại đa số những người thu nhập thấp nhất sắp tới sẽ cư trú tại các đô thị, trong những điều kiện tồi tệ hơn nhiều so với các vùng nông thôn. New Arleans đã là một trong những đô thị nghèo đói nhất Hoa Kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cảnh hôi của và cướp bóc tràn lan ở thành phố thảm họa này khi cơn bão Katrina tràn qua.

Nguồn: ANTG Cuối Tháng