Càng mở cửa hội nhập, văn chương Việt Nam càng bộc lộ sự kém cỏi. Trung Quốc không phải buông lỏng kiểm duyệt, nhưng vẫn có những tác phẩm chống tham nhũng gay gắt như “Bí thư tỉnh ủy”, “Tiểu nhân đắc chí” hay “Đoàn xe cơ quan”, còn văn học nước ta mới đụng đến… chủ tịch huyện thì người viết đã xanh mặt sợ hãi. Phải sòng phẳng thú nhận với nhau: nhà văn chúng ta bé gan ít tài, loanh quanh viết vài thứ vuốt ve và mơn trớn hòng kiếm chút nhuận bút còm, chút danh vọng còm. Ngay cả những hội thảo văn chương cũng toàn ngôn ngữ thánh thoát ca ngợi lẫn nhau để cùng mưu cầu “được hàng tôi trôi hàng bà” mà vắng bóng sự thẳng thắn tối thiểu của người cầm bút. Phẩm cách như vậy thì tài năng làm sao phát triển được?  Tài năng thiên bẩm đã khiêm tốn mà còn bị thui chột bởi trăm thứ vặt vãnh, thì tác phẩm lớn chỉ có trong giấc mơ kỳ vĩ và bí mật nào đó!


AI ĐỦ SỨC VIẾT DIỄN TỪ NOBEL ?

LÊ THIẾU NHƠN

Sự kiện nhà văn Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học năm 2012 thực sự là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho giới văn chương Việt Nam. Lâu nay chúng ta cứ thấy vài trường hợp như Lỗ Tấn hay Lão Xá không được tưởng thưởng xứng đáng mà Viện hàn lâm Thụy Điển lại vinh danh Cao Hành Kiện, nên cứ đoán già đoán non rằng muốn đoạt giải Nobel phải viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và phải có tự do sáng tác kiểu phương Tây. Đùng một cái, tên tuổi Mạc Ngôn bừng sáng với “Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời”, “Sống đọa thác đày”… khiến người cầm bút ở nước ta sung sướng một cách… chưng hửng. Thì ra, giải Nobel văn học đơn giản hơn chúng ta nghĩ và cũng phức tạp hơn chúng ta nghĩ, vì giải Nobel chỉ chú trọng tác phẩm có chất lượng  ra sao mà không cần quan tâm tác giả phụng sự cho thể chế xã hội nào hoặc loay hoay trong quan điểm chính trị gì!

Câu chuyện của Mạc Ngôn đã trực tiếp chứng minh những tiếng kêu khẩn thiết đòi hỏi tự do sáng tác chỉ giống như một kỹ năng làm dáng của những nhà văn tầm thường và hèn nhát. Nếu một tác giả tin tưởng những điều mình viết ra thật sự chân thành giúp ích cho cuộc đời và thật sự nâng cao thẩm mỹ nhân loại thì không lời lẽ dọa nạt nào hoặc hành vi bạo lực nào ngăn cản được tác phẩm xuất hiện.

Từ lần đầu tiên trao cho Sully Prudhomme vào năm 1901 đến nay, giải Nobel văn học đã phủ sóng khắp năm châu, và càng ngày càng khiến người Việt Nam hồi hộp xen lẫn âu lo. Bao giờ Việt Nam có giải Nobel? Câu hỏi nhức nhối ấy không thể có câu trả lời, nếu các nhà văn thay vì chí tại thiên hạ lại nhăm nhăm chí tại… Hội Nhà văn VN để được chia tiền tài trợ sáng tác hoặc chuyến tham quan nước ngoài. Nguy hiểm hơn, giải thưởng văn chương của chúng ta đang có xu hướng trở thành món quà “của nhà trồng được” cứ hồn nhiên phân phát cho các quan chức văn nghệ  hoặc “bè cánh” của họ, bất chấp sự ngạc nhiên và phẫn nộ từ phía công chúng!

Càng mở cửa hội nhập, văn chương Việt Nam càng bộc lộ sự kém cỏi. Trung Quốc không phải buông lỏng kiểm duyệt, nhưng vẫn có những tác phẩm chống tham nhũng gay gắt như “Bí thư tỉnh ủy”, “Tiểu nhân đắc chí” hay “Đoàn xe cơ quan”, còn văn học nước ta mới đụng đến… chủ tịch huyện thì người viết đã xanh mặt sợ hãi. Phải sòng phẳng thú nhận với nhau: nhà văn chúng ta bé gan ít tài, loanh quanh viết vài thứ vuốt ve và mơn trớn hòng kiếm chút nhuận bút còm, chút danh vọng còm. Ngay cả những hội thảo văn chương cũng toàn ngôn ngữ thánh thoát ca ngợi lẫn nhau để cùng mưu cầu “được hàng tôi trôi hàng bà” mà vắng bóng sự thẳng thắn tối thiểu của người cầm bút. Phẩm cách như vậy thì tài năng làm sao phát triển được?  Tài năng thiên bẩm đã khiêm tốn mà còn bị thui chột bởi trăm thứ vặt vãnh, thì tác phẩm lớn chỉ có trong giấc mơ kỳ vĩ và bí mật nào đó!

Tôi cho rằng, chưa cần nói đến tác phẩm xứng tầm Nobel, xin mời các nhà văn Việt Nam hãy thử đọc diễn từ Nobel của những người từng được giải thưởng này. Liệu hiện nay trong đội ngũ những nhà văn chúng ta, mấy người đủ sức viết diễn từ Nobel? Bây giờ nếu Viện hàn lâm Thụy Điển  tuyên bố nhà văn Việt Nam nào viết được diễn từ Nobel tương đương diễn từ Nobel của Quasimodo hoặc Czeslaw Milosz, sẽ đặc cách trao giải Nobel, thì nhìn qua nhìn lại cũng chẳng thấy ứng viên đáng hy vọng!

                                  Sài Gòn, 12-2012