Sự chuyển động rầm rộ của thi đàn
Việt Nam
ở đầu thế kỷ 21, ta thấy có nhiều nét tương đồng với thơ Việt ở đầu thế kỷ 20.
Tương đồng ở sự chuyển từ cũ sang mới; từ quen sang lạ; từ dễ sang khó; từ mượt
mà êm ái sang gồ ghề khúc khuỷu; từ dễ đọc dễ thuộc, dễ ngâm ngợi sang suy ngẫm
liên tưởng sâu xa, minh triết… đặc biệt nhất là những đổi thay về thi pháp nghệ thuật… Thơ Việt Nam thế kỷ 21 tiếp nối dòng chảy
của các thế kỷ trước nhưng có nhiều mới lạ. Mới lạ đến ngỡ ngàng, gây nhiều
tranh cãi quyết liệt, nhiều sự đánh giá ngược chiều nhau. Nhất là thời đại
thông tin hiện nay, báo mạng phong phú và cực kỳ nhanh nhạy, những cuộc tranh
cãi nhiều lúc làm cho bầu không khí văn chương sôi sùng sục. Nhiều trường hợp
không giữ được bình tĩnh, một số bạn đã quá nặng lời (có cả mạnh tay) với đồng
nghiệp. Cuộc “chuyển giao thế kỷ ngoạn mục” trên thi đàn Việt đang diễn ra!
TÌM THƠ HAY THẾ KỶ MỚI
NGUYỄN VŨ TIỀM
Tôi
đi tìm và nhớ lại...
Hơn mười năm
trước, mở đầu thế kỷ mới, cũng là mở đầu thiên niên kỷ mới, cả nhân loại tràn
ngập niềm vui, đồng thời lại nín thở hồi hộp với sự cố Y2K.
Lỗi thiên niên kỷ!
Thời đại công
nghệ tự động hóa, các máy tính sẽ nhận dạng ngày 1-1-2000 giống y như ngày
1-1-1900! Nguy hiểm quá! Các cầu thang máy, hệ thống quản lý tài khoản ngân
hàng, hệ thống điều khiển không lưu, điều khiển việc kiểm soát các kho vũ khí
hạt nhân… tất cả sẽ bị đảo lộn nếu không kịp thời khắc phục lỗi này.
Cả thế giới phải
chi hàng nghìn tỉ đô la để khắc phục: lập trình lại các hệ thống, thay thế các
phần cứng cũ; bỏ phần mềm lỗi thời, cài đặt những phần mềm tinh xảo siêu việt
hơn; sử dụng cơ chế đọc số năm theo dạng đầy đủ 4 chữ số thay cho 2 chữ số của
thế kỷ trước suýt làm cho sự cố Y2K trút thảm họa lên đầu nhân loại.
Sự kiện này là lời nhắc thiên niên kỷ!
Các nhà thơ,
những người vốn có ăng ten nhanh nhạy nhất không thể không nghe thấy lời nhắc
này và không thể không giật mình: thế thơ có chuyển động không, hay vẫn theo
nếp cũ của thế kỷ trước?
***
Yêu cầu đổi mới,
cách tân là đòi hỏi thường xuyên bức thiết đối với mỗi nhà thơ, nhưng ở mỗi cột
mốc quan trọng của thời gian thường có những cú hích mạnh, tạo ra những chuyển
động đặc biệt mang “dấu ấn lịch sử”. Nhiều cuộc hội thảo chuyên đề thơ của Hội
Nhà Văn Việt Nam
và ở các Hội địa phương đã góp phần thúc đẩy sự chuyển động cách tân thơ. Đặc
biệt là hai cuộc hội thảo về thơ của hai nhà thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn
do Hội Nhà Văn VN và Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức, cuộc hội thảo
“Thơ Việt Nam hiện đại & Nguyễn Quang Thiều” do Viện Văn Học Việt Nam tổ
chức có tiếng vang, gây ấn tượng sâu sắc trong đời sống văn học nước nhà.
Sự chuyển động
rầm rộ của thi đàn Việt Nam
ở đầu thế kỷ 21, ta thấy có nhiều nét tương đồng với thơ Việt ở đầu thế kỷ 20.
Tương đồng ở sự chuyển từ cũ sang mới; từ quen sang lạ; từ dễ sang khó; từ mượt
mà êm ái sang gồ ghề khúc khuỷu; từ dễ đọc dễ thuộc, dễ ngâm ngợi sang suy ngẫm
liên tưởng sâu xa, minh triết… đặc biệt nhất là những đổi thay về thi pháp nghệ thuật…
Thơ Việt Nam thế kỷ 21
tiếp nối dòng chảy của các thế kỷ trước nhưng có nhiều mới lạ. Mới lạ đến ngỡ
ngàng, gây nhiều tranh cãi quyết liệt, nhiều sự đánh giá ngược chiều nhau. Nhất
là thời đại thông tin hiện nay, báo mạng phong phú và cực kỳ nhanh nhạy, những
cuộc tranh cãi nhiều lúc làm cho bầu không khí văn chương sôi sùng sục. Nhiều
trường hợp không giữ được bình tĩnh, một số bạn đã quá nặng lời (có cả mạnh
tay) với đồng nghiệp. Cuộc “chuyển giao thế kỷ ngoạn mục” trên thi đàn Việt
đang diễn ra!
***
Xin phép ngoái
lại một chút để nói điều này. Thơ hay đạt tới độ toàn bích thường có khả năng
vượt thời gian, xuyên thế kỷ. Tôi tạm phân làm bốn cấp độ.
Cấp độ một: Thơ rung động tâm hồn, dễ
thuộc, dễ nhớ.
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”
Nguyễn Bính
“Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau
Vai anh, em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”
Huy Cận
Cấp độ hai: Thơ gây ấn tượng sâu sắc.
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần…”
Tố Hữu
“Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…”
Hàn Mặc Tử
Cấp độ ba: Thơ tạo nên nỗi ám ảnh khôn
nguôi.
“Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran…”
Chế Lan Viên
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không gian…”
Xuân Diệu
Cấp độ bốn (cao nhất): Thơ khiến cho người
ta nghĩ khác, sống khác đi.
“Anh hùng khôn luận nơi thành bại
Thà chết còn hơn mất tự do…”
Hồ Tùng Mậu
“Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt…”
Phùng Khắc Bắc
Trước khi ra
trận, hai bố con đã nhận biết mức độ quyết liệt và thử thách cao nhất của cuộc
chiến một mất một còn. Nhìn đứa con lần này rất có thể là lần cuối. “Cái nhìn
vuốt mắt”, đau nhói tim ta! Những người sẵn sàng chấp nhận cái chết thì còn có
kẻ thù nào, sức mạnh nào ngăn cản được họ?
Đọc câu thơ
trên, chúng ta nghĩ khác về cuộc chiến và sống khác trong cuộc đời.
Trước những câu
thơ tài hoa đặc sắc của thế kỷ 20 trích một cách ngẫu hứng trên đây, tôi rưng
rưng xúc động và cảm phục.
***
Thơ ở đầu thế kỷ
21 có gì đặc biệt?
Mỗi nhà thơ có
sự tìm tòi sáng tạo của riêng mình, có thất bại, có thành công bước đầu, có
những thể nghiệm dở dang và phần lớn là chưa có hồi kết cho nên câu trả lời dẫu
cẩn trọng và thấu đáo đến mấy cũng vẫn là vội vã.
Lớp nhà thơ có
thành tựu từ thế kỷ trước, nhiều người như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng
Việt, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê Khánh Mai, Inrasara, Trương Nam
Hương, Từ Quốc Hoài… có những bứt phá ngoạn mục trong việc tự đổi mới thơ mình,
vẫn đang đồng hành cùng lớp trẻ ở thế kỷ mới.
Trong quá trình
đi tìm thơ hay thế kỷ mới, (tìm chứ chưa phải tuyển chọn), tất nhiên là phải nhìn
tổng thể, nhưng tôi chú ý tìm hiểu nhiều hơn ở lớp nhà thơ mới của thế kỷ mới
và nhận ra mấy điểm:
*Thơ đầu thế kỷ
21 dường như không đáp ứng yêu cầu dễ đọc, dễ thuộc và rất khó ngâm ngợi, chỉ
dành cho nghĩ ngợi. Nghĩ ngợi và cảm xúc. “Ôi
con đường của thời gian chỉ mình ta hiểu được/ Trong đôi mắt em buồn”
(Nguyễn Chí Hoan). “Hôn nhân nằm trên
giấy tờ/ Tình yêu kí kết trong tim” (Yên
Trang). “Cầm cặp vé cửa ga số phận/ Cầu cho em/ ngày nhỡ chuyến tàu”
(Nguyễn Công Bình).
*Thơ tối giản
những thủ pháp tu từ, gần với văn xuôi, câu dài ngắn bất kỳ, giản dị mà sâu
sắc: “chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng
lại/ ông già không xuống tàu/ Quay lại ga đầu tiên, con tàu dừng lại/ ông già
không xuống tàu/ người lái tàu hỏi ông già về đâu/ ông già hỏi con tàu về đâu…”
(Thạch Quỳ). “Chúng ta có phải là
thần/ bị biến thành người/ để có thể cảm thấy cái chết/ Chúng ta có phải là
quỷ/ được biến thành người/ để có thể cảm thấy tình yêu?” (Đặng Chân Nhân).
*Xác lập tương
quan mới làm mới ngôn từ: “cơn bão từ
vựng; núi đồi thanh âm; thác ghềnh cú pháp…” (Trần Quang Quý); Hoặc: “cầm ly ngày mai trên tay” (Đặng Huy
Giang). “Uống từng ngụm ngày/ giọt ban
mai/ giọt hoàng hôn/ từng giọt đời ngai ngái cỏ…” (Đoàn Mạnh Phương); “Lấy dao/ tìm tre/ chẻ và vót cơn giận dữ…” (Lê
Va). “Em giặt giũ nỗi buồn/ Trắng tinh phiền muộn/ Phơi vào đêm phần phật
bão giông” (Huỳnh Thúy Kiều). “Những cánh đồng cuối cùng lên huyết áp…/
anh tự cứu mình bằng kháng sinh thơ” (Trần Hoàng Nhân)
*Tạo tình huống bất ngờ: “Đêm qua những con cá bơi quanh
chiếc giường/ Ngửi chúng ta rồi bỏ đi/ Và bực dọc nói:/ Chúng ta không bao giờ
ăn những con mồi chết...” (Nguyễn
Quang Thiều) “Một ngày gió nâng tôi lên
cao/ gió trao tôi đôi cánh/ và bảo tôi hãy cởi gió ra/ và bay lên trên ý nghĩ”
(Nguyễn Phan Quế Mai). Hoặc hình ảnh bất ngờ: “Mặt trời được giữ lại làm con tin”
(Thi Nguyên); “Nhìn xuyên qua kẽ
ngón tay/ Lại nghe thác đổ mới hay tấm lòng/ Thì ra bốn chục năm ròng/ Nhà em
mái lợp giữa vòng tay anh”. (Phan
Ni Tấn - Ở Canada)
*Tinh tế và sâu sắc: “Tro
của tiếng chim/ của lá/ của hoa/ rơi lả tả trong chiều cùng xác nắng…”
(Tuyết Nga); “Khúc nam ai, những cung phi
góa bụa/ Chèo thuyền vớt xác mình trên sông…” (Phan Huyền Thư). Hoặc: “đám @ đánh võng phóng như bay/ thời gian
ngã, máu tuôn, thời gian không thể dậy/ tốc độ ư ?/ thì cũng cũ lắm rồi…/ ta
lớn lên bằng kiếm tìm/ kiếm tìm giờ đã cũ ...“ (Nguyễn Bình Phương). ”Tôi ôm rổ mắt ngồi chơi/ Để xem tấp nập
người đời lại qua/ Tôi đem rổ mắt làm quà/ Khóc cho hết thảy gần xa phận
người”. (Lợi Hồng Diệp - ở Ba Lan)
*Trừ thơ lục
bát, còn nhìn chung là thơ tự do đã bỏ hết vần, chỉ giữ lại nhịp điệu. Nhiều
khi nhịp điệu lại cũng rất trúc trắc gập ghềnh gây khó khăn cho người đọc,
(nhưng cuộc sống chả đầy gập ghềnh trắc trở đó sao?).
*Thơ mở ra nhiều
hướng liên tưởng mênh mang, đa chiều đa nghĩa để rồi ở mỗi người đọc ở mỗi hoàn
cảnh khác nhau, thời gian khác nhau, những câu thơ được sáng tạo thêm một lần
nữa, sống thêm một đời sống nữa, nhiều đời sống nữa (nhiều khi ngoài ý tưởng
của tác giả): Những bài: Vẫn trấn tĩnh
tiễn khách ra ngõ (Mai Văn Phấn); Luân
Hồi (Lê Thành Nghị); Những câu: “Chiều
có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể khóc... /... Nhổ khóm hoa vàng để
mà được vục vào với bụi, với phân, với đất / Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men,
đất hình như mặn” (Lãng Thanh).
*Tiếp nhận thơ,
nhiều trường hợp đòi hỏi một năng lực, trình độ nhất định nào đó, bởi thơ không
còn là biểu tượng một mặt như trước mà biểu tượng nhiều mặt, bạn đọc có thể
hiểu thế nào cũng được, chính vì thế dễ gây nên sự khó hiểu. Những bài: Mở nút áo (Ly Hoàng Ly); Đêm ngủ trong chùa (Nguyễn Đức Tùng –
Nghệ thuật mới số 11)
Ào ạt sục sôi
như Vi Thùy Linh, Phan Trung Thành, Thủy Anna, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như
Thúy, Nguyễn Hữu Hồng Minh; lại trầm lắng cẩn trọng như Phạm Khải, Nguyễn
Quyến, Bình Nguyên Trang, Ngô Liêm Khoan; trực diện đối thoại với thói quen như Phan Hoàng; quyết liệt từ bỏ thói quen
như Nguyễn Đăng Khương, Trịnh Sơn; gắn bó với tuổi trẻ và cuộc sống như Nguyễn
Phong Việt, Vũ Thiên Kiều, hay“từng trôi
qua những tích tắc tử thần” như Nguyễn Thúy Quỳnh, “Tập làm người sốt ruột ngày mai” như Lê Thiếu Nhơn, mong “Thời gian ơi cho tôi quá giang một đoạn”
như Thi Nguyên… đặc biệt Đặng Chân Nhân (sinh năm 1993) đang du học ở Anh Quốc,
nhiều bài anh viết bằng tiếng Anh rồi sau đó mới dịch sang tiếng Việt, đoạn
trích trên trong bài Life 3… đều đã
từng khiến người đọc phải ngỡ ngàng, nhiều phen giật mình thon thót!
*Thơ chú ý đến ý
tưởng toàn bài nhưng lại ít quan tâm đến cấu tứ nên bài thơ thường dàn trải
miên man. Phần đông thường dừng lại ở
hình ảnh, ít quan tâm đến xây dựng hình tượng, biểu tượng nên có ý tưởng độc
đáo nhưng rất hiếm câu thơ tài hoa. Do vậy những bài thơ hay, lưu lại được trong
tâm tưởng người đọc còn quá ít trong khi thơ được in ra hơi bị nhiều.
Nhưng mà không
sao, mới chỉ có một con giáp (12 năm), hãy để tranh cãi, va đập và thương tích
đớn đau nhiều hơn nữa!
Với một số ưu
điểm mới mẻ trên đây, rõ ràng thơ đương đại (hay hậu hiện đại trong đó có yếu
tố thi pháp nghệ thuật mới) yêu cầu cao hơn trước rất nhiều. Một xã hội
phát triển, đòi hỏi mọi lĩnh vực đều phải gắng sức đạt những đỉnh cao nhất, có
những sản phẩm chất lượng cao nhất đặng cạnh tranh với toàn cầu. Thơ không lẽ
là ngoại lệ?
Tất nhiên thơ
của thế kỷ mới thì thuộc về lớp người của thế kỷ mới, nhưng đó là cơ chế thông
thường, “hành chính”, thơ ca còn có quy luật riêng, không ít ngoại lệ: có khi
người già mà thơ rất trẻ và ngược lại. Bài “Cây
chuối rừng” của Nguyễn Khoa Điềm, bài “Ông
già nghễnh ngãng” của Thạch Quỳ, bài “Luân
hồi” của Lê Thành Nghị, bài “Biển thầm” của Lê Khánh Mai, bài “Bài thơ tả mây” của Lê Vĩnh Tài, bài “Tượng hình” của Thanh Tùng, bài “Bên tượng linga” của
Hoàng Vũ Thuật, bài “Anh chiếm chỗ bóng đêm” của Trương Đăng
Dung, bài “Vọng trắng” của Võ Tấn
Cường… nói chung đều có những tìm tòi mới mẻ trong ý tưởng và bút pháp là những
ví dụ khá thuyết phục.
Tôi rất chú ý
tìm đến những nhà thơ trẻ hăng hái đổi mới, cách tân, nhưng mới chỉ gặp một số
it có thành tựu, còn phần nhiều mới chỉ ghi nhận ở sự gắng gỏi về hình thức,
còn nội dung sâu sắc độc đáo thì quá hiếm hoi, hoặc có ý tưởng nhưng chưa đến
độ, chưa thuyết phục lắm.
Tìm tòi khám phá
là quý, nhưng một số trường hợp quá xa vời, bước quá đà ra ngoài quỹ đạo thơ,
gây khó khăn cho sự tiếp nhận, dễ mất công chúng, dẫn đến sự giống nhau ở nhiều
tác giả, giống nhau ở chỗ cùng nói những điều không đâu vào đâu, nói lấy được
trong một dàn đồng ca bế tắc. Bài học mất công chúng của thơ Pháp, thơ Mỹ và
một số nước khác đang diễn ra đáng để chúng ta suy nghĩ.
Mặt khác, nhiều
nhà thơ từng có thành tựu ở thế kỷ trước, sang thế kỷ mới, sức viết vẫn dồi
dào, điêu luyện tinh xảo hơn nhưng là sự điêu luyện trong những thao tác quen
thuộc đã cũ do vậy giờ đây cũng không còn mấy thuyết phục.
Trước kia thơ có
vần, đọc lên nghe uyển chuyển du dương dễ thuộc, dễ ngâm ngợi nhưng cũng dễ
đánh lừa ta. Nhiều khi nội dung, ý tưởng không có gì, câu chữ sáo mòn trống
rỗng nói những điều hiển nhiên ai cũng biết cả rồi, nhưng được đọc diễn cảm,
hoặc ngâm, lại thêm đàn sáo phụ họa nữa, nghe rất mùi mẫn. Loại “dựa dẫm vào
vần” như thế chỉ giống như thơ mà
thôi chứ nghiêm túc thì không thể gọi là
thơ được.
Yêu cầu của thơ
là rung cảm tâm hồn, lay động tâm can.
Không có ý tưởng gì đặc biệt, mới lạ, sâu sắc thì rung với lay được cái gì?
Thời trước, nhịp
vần, niêm luật dễ che đậy những khuôn sáo dễ dãi, nay các tân hình thức và
nhiều cách đổi mới táo bạo khác cũng dễ che đậy những nhược điểm tương tự. Thơ
xếp chữ hình thoi, hình tam giác, hình cái hoa, cái lá, hóa trang ngôn từ, vặn
xoắn, chẻ đôi chẻ ba âm tiết cho dị hình dị dạng, lục bát cắt vụn, xuống dòng
nhiều lần… ít mang lại hiệu quả thẩm mỹ gì.
Một điều dễ nhận
thấy: thơ hay của đầu thế kỷ 21 vừa gần gũi lại vừa khác xa với thơ hay của thế
kỷ 20. Mới vào đầu thế kỷ đã có dấu hiệu vui thế rồi, sau nữa chắc chắn sẽ hay
hơn, mới hơn.
Những chuyển
động đổi mới của thi đàn Việt Nam
đầu thế kỷ 21 đã trở thành trào lưu, khuynh hướng chưa? Tôi nghĩ đã và đang! “Cuộc
chiến bút giấy, mạng” có hồi còn quyết liệt hơn cả thời thơ mới - thơ cũ ở thế
kỷ 20. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng lạ lùng: có nhà thơ sốt sắng “dịch thơ
Việt ra thơ Việt”, thực chất là dịch thi
pháp nghệ thuật mới trở về thi pháp
nghệ thuật cũ! Có lẽ anh cho là độc giả không tiếp nhận được nên phải mất
công làm cái việc “dịch” kỳ quặc này. Một việc làm cổ kim đông tây chưa từng
có. (Hãy xem các cụ ta hồi đầu thế kỷ 20 có cụ nào “dịch” thơ Thế Lữ, Xuân
Diệu, Chế Lan Viên… trở về thơ thất ngôn bát cú đâu…) Nhưng đây cũng là một
minh chứng để thấy rõ rằng có sự khác biệt rất đáng kể giữa cũ và mới thật sự
chứ không phải mơ hồ..
Buồn hơn nữa là
vẫn còn những tai nạn thơ như quy chụp cho bài thơ “Lời cây dầu ở trước trụ sở UBND”, tác giả bị đưa ra kiểm điểm ở
Đồng Nai năm 2012.
Về cái chuyện vần của thơ, tôi nghĩ cũng nên xem lại.
Để cho dễ thuộc dễ nhớ là một ưu thế đặc biệt chứ, nỡ nào lại bỏ vần đi? Nhưng may quá, tổ tiên ta đã để
lại một di sản vô giá là thơ lục bát, giờ đây thể thơ thuần Việt này đảm đương
sứ mệnh lớn lao là gìn giữ yếu tố vần
cho thơ Việt được tồn tại vĩnh cửu.
***
Nếu như ở thế kỷ
trước “Một người đi chật cả con đường”
(Nguyễn Duy) thì bước sang thế kỷ này hệ thống đường xá hữu hình và vô hình,
thực và ảo, sóng mặt đất và sóng vệ tinh… đến độ biến thế giới tròn thành thế
giớ phẳng; một nhà thơ ở Thái Bình có đôi chân bất động, nhưng chỉ với ngón tay
nhấn chuột anh đã trò chuyện với bạn thơ ở bất cứ nơi nào trên thế giới…
thì chân trời sáng tạo tất yếu được mở ra vô biên, thơ đi vào cõi sâu thẳm tâm
hồn, chia sẻ với mọi cảnh ngộ và số phận con người; khái niệm tự do cũng có màu
sắc và hương vị khác: “Trang giấy trắng –
cõi tuyệt kỳ im lặng/ nơi Tự do nuôi bởi máu ngôn từ” (Đỗ Trọng Khơi).
Giữa biển thơ
mênh mông, tìm những bài thơ sâu sắc, mới lạ tiêu biểu cho những bài thơ hay ở
những năm đầu thế kỷ mới để thưởng thức,
học tập; bình ít bài, còn lại thì lưu trữ làm kho báu. Công việc rất lý thú
này tôi mới chỉ bắt đầu, đang tiếp tục, cập nhật, hào hứng.
Vì mới đang đi tìm nên có chỗ tới, có chỗ chưa tới,
mới gặp được người này mà chưa gặp được người kia… thôi thì biết đâu tâu đấy. Rất
mong được các nhà thơ và bạn đọc góp ý, phê bình.
TP. Hồ Chí Minh ngày Tam hợp: 12
tháng 12 năm 2012
BÌNH MỘT SỐ BÀI THƠ HAY THẾ KỶ MỚI
NGUYỄN QUANG SÁNG
Rượu
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Lời bình
Chỉ biết Nguyễn
Quang Sáng qua văn xuôi, tôi ngạc nhiên thấy ông viết bài thơ trên trong tập
thơ giấy dó bán đấu giá trong ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 của Ban Thơ Đương đại
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (thu được 286 triệu đồng làm quà tặng trẻ em
nhiễm chất độc da cam). Tôi hỏi ông về bài thơ này, ông nói:
-Tôi
làm thơ từ lâu, và vẫn thường làm, nhưng thơ tôi dở, không dám đưa đăng báo. Rượu là một trong những bài thơ dở đó
của tôi. Tôi cho là từ chất liệu đời sống trở thành văn chương giống như gạo nấu
thành cơm và rượu. Văn xuôi của chúng tôi là cơm, thơ là rượu. Thơ là tinh chất
của cuộc đời.
Thơ
và rượu, cổ kim đông tây đã đề cập đến nhiều nhưng so sánh như trên vẫn là
những ý mới mẻ lý thú.
Trong
bài Rượu, Nguyễn Quang Sáng đặt vấn
đề về giao tiếp ứng xử bên mâm rượu, qua đó mỗi người tự thể hiện mình một cách
rõ ràng nhất: hay dở, đúng sai, cao thượng hay thấp hèn… bộc lộ hết mình khó có
gì che đậy.
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Chữ “thuốc độc”
có nặng quá không? Hơi bị cực đoan chăng? Để dễ chấp nhận, thử thay bằng chữ
nào đó nhẹ hơn một chút, chẳng hạn như “cay đắng”? Thì chính rượu đã phảng phất
vị đó rồi. Suy ngẫm kỹ thì thấy đây là câu nhắc nhở nghiêm khắc cần thiết đối
với tất cả mọi người. “Rượu vào lời ra”, lời hay và lời dở, nói xấu người vắng
mặt, nói sau lưng là tự bộc lộ cái chất tiểu nhân hèn mọn của bản thân mình. Từ
đó rượu lại dễ dẫn dắt ta tới những động thái bất thường khác, dễ đưa ta vượt
qua cái ngưỡng từ tốt qua xấu từ sang ra hèn, mất nhân cách thậm chí thành thú
tính chỉ trong một thoáng chốc! Trong thực tế thiếu gì những chuyện đau lòng do
rượu gây nên. Như thế không nguy hiểm chết người sao? Chữ “thuốc độc” có tác
dụng như ly rượu mạnh, trở thành từ rất đắc địa. Văn chương giống như rượu vậy,
không chấp nhận sự nửa vời, trung tính, pha loãng.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt…
Chưa phải là
ngợi khen hay nói tốt, chỉ cần nhắc nhớ thôi cũng đã quý lắm rồi. Chữ “nhắc
nhớ” rất gợi, dễ rung lên những sợi ân tình từ thẳm sâu tiềm thức.
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Cũng một ly rượu
mà sự khác biệt ghê gớm quá: thuốc độc giết
người với nước thánh cứu người.
Đoạn trên nghiêm khắc nhắc nhở, đoạn dưới thủ thỉ ân tình chứa chan nhân ái:
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Là “nước thánh”,
trong đó nỗi nhớ thương hòa vào ly rượu thấm đẫm tâm hồn ta. Nguyễn Quang Sáng
trải nghiệm nhiều, ông đúc kết tình người, lẽ đời trong một bài thơ ngắn: từ
đây lại đặt ra vấn đề không nhỏ trong cuộc sống, có thể khái quát thành một
phạm trù văn hóa, đó là văn hóa trong tiệc rượu, gọi một cách dân dã kiểu Nam
Bộ là văn hóa nhậu.
Giống như bản
tính thẳng thắn bộc trực của tác giả, bài thơ không hoa lá màu mè đi thẳng vào
cốt lõi nhân văn, đụng đến điều gan ruột trong giao tiếp ứng xử, giản dị mà
thấm thía.
TRẦN QUANG QUÝ
Lời
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
Chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng
chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp
chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn.
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
cám dỗ xui nhiều điều dại dột
đời cũng dạy ta không thể uốn cong
dù phần thắng nhiều khi thuộc những bầy cơ hội
Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên
Trên chiếc lưỡi có vị đắng sự thật
Trên chiễc lưỡi có vị ngọt môi em
Trên chiếc lưỡi có lời thề nước mắt
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
dẫu những lời em làm ta mềm lòng
dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi.
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
một chiếc lưỡi mang điều bí mật
và điều này chỉ người biết mà thôi.
Lời bình
Mới đọc câu mở
đầu đã ngỡ ngàng, “Tôi không nói bằng
chiếc lưỡi của người khác”! Ai mà chả nói bằng chính chiếc lưỡi của mình?
Nhà thơ đưa ra một câu rất hiển nhiên, có vẻ như “ai mà chả biết”! Câu này thừa
chăng? Trong bài thơ có một câu thừa thì chỉ có mà vứt cả bài đi thôi! Nhưng
sao đọc câu thơ này ta lại giật mình? Có cái gì bí ẩn ở đây? Ngẫm lại xem, có
khi nào ta nói, mà lời phát ra, có khi cả giọng nói không phải thật sự của ta
mà là của người nảo người nào ấy? Quả có không ít lần như thế! Cái người nào ấy
sai khiến ta, xúi giục ta, làm cho ta không còn là ta nữa qua lời nói. Thì ra
nhà thơ viết cái điều “hiển nhiên” để kích thích, để gợi ra cái điều không bình
thường kia ở trong mỗi chúng ta. Và cái điều “mượn lưỡi của người khác” ấy có
lẽ chả hay ho gì.
Và để làm cái
việc nói bằng chiếc lưỡi của chính mình, tưởng như nhẹ nhàng thôi lại hóa ra
không phải đơn giản: “Chiếc lưỡi đi qua
ngàn cơn bão từ vựng/ chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác
ghềnh cú pháp/ chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn”. Trời ơi, khó
khăn nguy hiểm đến thế kia ư? Lại còn bị hành hình nữa! Ôi thương cho cái lưỡi
quá!
“Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người
khác”! Tác giả nhắc lại và phát triển thêm, cái lưỡi từng bị “cám dỗ xui nhiều điều dại dột”. Nói
bằng chiếc lưỡi của người khác thì tệ hại thế đấy, nó có thể đổi trắng thay
đen, từ ngay thành gian, từ tốt thành xấu, từ thiện thành ác… chỉ còn là khoảng
cách rất nhỏ, rất mong manh! Nhưng may mắn thay, có ông thày là cuộc đời từng
dạy cho: “không thể uốn cong” Và vì
thế mình có thể bị thất bại, bị đau đớn ê chề: “dù phần thắng nhiều khi thuộc những bầy cơ hội”. Phải, ta từng
chứng kiến không ít cái cảnh “tiểu nhân đắc trí”.
Nhà thơ nhắc:“Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên”, nên nó
thiêng liêng lắm! Và “có vị đắng của sự
thật, có vị ngọt môi em, có lời thề nước mắt” nên nó mến thương, cao quý
lắm!
Cho nên phải giữ
cho lưỡi của mình lúc nào cũng thật sự là của mình, không uốn lưỡi vì người
khác cả khi “dẫu những lời em làm ta mềm
lòng/ dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi”.
Ôi, cái lưỡi,
tưởng đơn giản mà thực ra vô cùng bí ẩn, “lưỡi không xương lắm điều lắt léo”
câu này để nói về mình hay về người khác đều được cả, nhưng trước hết phải cảnh
giác với chính mình “một chiếc lưỡi mang
điều bí mật…”
“Tôi
không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”! Mới đọc tưởng câu thơ thừa, vô
dụng, nhưng chạm vào sâu thẳm làm ta giật mình, mới thấy là vô cùng hệ trọng.
Có phải vì thế mà tác giả nhắc đến bốn lần, đủ biết cái điều tưởng hiển nhiên
đơn giản mà khó nhọc, mà hệ trọng biết chừng nào.
“dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi” là câu thơ hay nhất trong bài.
Dùng cái phi lý
hình thức để đạt cái hợp lý nội dung, bài thơ làm ta suy ngẫm về nhiều lẽ ở đời
đặc biệt là mỗi khi ta sử dụng đến cái lưỡi của mình để phát ngôn.
LY HOÀNG LY
Mở nút áo
Chầm chậm, mở một
chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo
Chầm chậm, mở ba chiếc nút áo
Soi vào gương, chầm chậm, mở chiếc
nút thứ tư
Chầm chậm, mở năm chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở nút thứ sáu...
Tìm hoài không thấy nút thứ sáu
Soi vào gương, cố tìm nút thứ sáu,
nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín...
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu trời đêm trong lồng ngực
Nhưng áo chỉ năm nút
Nhưng đêm là vô tận
Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
Bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
Lời bình
Thiếu nữ đứng
soi gương, lần lượt mở nút áo của mình. Một-hai-ba-bốn-năm… những thao tác bình
thường quen thuộc ai ai cũng từng làm hàng ngày, không có gì đặc biệt, đến mức
chả có gì đáng nói. Ở khúc 1-2-3, tác giả lại dềnh dàng, rời rạc. Nhưng mở hết
năm chiếc nút rồi, sao lại đòi mở nút thứ sáu, nút này không có. Mấu chốt của
vấn đề bắt đầu từ cái nút tưởng tượng này.
Đã
biết chắc nút thứ sáu không có, sao lại đòi mở nút bảy-tám-chín? “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu trời đêm trong
lồng ngực”. À, tác giả muốn mở cái vùng tối bí ẩn của bản thể mình. Nếu vậy
thì không phải bảy-tám-chín nút đâu, mà còn nhiều nữa, thăm thẳm vô cùng, mênh
mang vô định… Có tâm hồn, tư tưởng, có ý thức, tiềm thức, linh cảm, có nỗi
niềm, có khát vọng, buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, có thiện, có ác… Tác giả
không nói ra những điều này, nhưng tình huống, hoàn cảnh gợi ra khiến người đọc
suy ngẫm mà hiển hiện bao nhiêu điều cụ thể và mơ hồ.
Trở
lại những cái nút áo vật thể, vẫn chỉ có năm nút, làm sao đây? “Áo chỉ năm nút/ Nhưng đêm là vô tận”
tương phản giữa hữu hạn và vô cùng, tình cảnh chơi vơi chới với trước cái vô
cùng thật đáng thương.
“Mở mãi, muốn mở mãi/ Mà bầu ngực vẫn trắng,
không đêm”. Phần trắng hiện thực thì
quá ư là hạn chế, cô bé hy vọng ở cái phần đêm
siêu thực cơ. Phần siêu thực mới có thể giải đáp được những câu hỏi rất
thực tế và phức tạp của cuộc đời. Nhưng không được!
Hai khúc cuối: Vẫn tiếp tục“Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm”.
Bản thể chứa đựng nhiều lắm, bí mật lắm, vẫn là thân thể thịt da mình sao mà
mênh mang, xa lạ? Khao khát muốn tìm hiểu khám phá mà đành bó tay. “Bất lực và khóc”.
Khóc
thật sự, khóc như mưa: “trong vô vàn
những giọt nước mắt”… Đau khổ chăng? Ân hận điều gì chăng? Xót xa vì mình
không hiểu được mình chăng? Muốn phơi bày tâm can nỗi niềm gì chăng? Tình cảm
tha thiết chân thành. Cũng may, mãi đến phút cuối này, bầu trời đêm trong ngực
mới cảm thông: “Một giọt đêm ứa ra từ bầu
ngực trắng”. Giọt đêm tưởng tượng thôi, nhưng hiển hiện trước mắt ta lại
rất thật. Rất thật nhưng ta cũng không thể nói đó là giọt gì. Thôi thì giọt gì
cũng được, mỗi người cảm nhận một cách. Bài thơ đầy tâm trạng nhưng không rõ
tâm trạng gì, lý do gì, khát khao gì, hay đang bế tắc điều gì?…
Hình tượng thiếu
nữ trước gương mở dần từng chiếc nút áo rất đẹp và ấn tượng. Nhưng không phải
để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tòa thiên nhiên tuyệt tác ấy, mà tác giả gợi cho ta một
cuộc thăm dò, khám phá bản thể rất lý thú và kỳ bí. Năm chiếc nút áo gợi cho
người đọc nghĩ đến cái cơ chế đóng kín mà tác giả muốn cởi bỏ, nhưng chỉ cởi
được phần hữu hình, còn phần vô hình vô hạn thì bất lực.
Muốn giải thoát,
con người chỉ gặp đớn đau.
Tứ thơ được
thiết kế chặt chẽ, mượn cái thật (năm nút áo) để nói cái không thật (bầu trời
đêm trong ngực); mượn cái không thật (bầu trời đêm…) để nói cái rất thật (tâm
trạng, tự vấn, cuộc tìm tòi khám phá chính mình, muốn giãi bày, giải thoát…).
Cả bài thơ không có chữ nào mới nhưng cách diễn đạt tự nhiên mới mẻ, bao hàm ý
mới lạ và sâu sắc...