Nhiều đêm, Lương Vĩnh đứng
khoanh tay trước ngực, tựa thân cây, cặp mắt ngước nhìn ban công chờ đợi. Một đêm, phố xá đã tắt đèn,
anh vẫn đứng tựa gốc cây , mắt chằm chằm
nhìn lên ban công kia. Anh đứng như kẻ vụng trộm. Anh đã bị lọt vào tầm theo
dõi của công an đường phố. Quá nửa đêm, anh vẫn đứng thế. Mấy anh công an tới
hỏi anh giấy tờ tùy thân. Trên người anh không có gì, ngoài tập thơ Maiacôxki.
Anh được đưa về đồn. Bị hỏi, anh không trả lời mà như người mộng du. Anh lẩm
nhẩm đọc câu thơ “Nửa đêm trên đường phố, chỉ có nhà thơ và những tên ăn
trộm...”. Mấy anh công an với nghiệp vụ của mình, biết người này không phải là
kẻ trộm, mà có thể là kẻ tâm thần, nên cho anh ra về. Lang thang ra đường phố,
anh lại lẩm nhẩm câu thơ “Hoa hồng khóc, ngọc lệ giọt sương...”
LƯƠNG
VĨNH THẢNG THỐT THƠ
VŨ TỪ TRANG
Người đàn ông có tuổi, vóc dáng gày
guộc, vẻ mặt đau khổ, ăn vận áo quần cũ
càng, nói năng lí nhi, duy chỉ có cặp mắt sáng lên khi nói về thơ, ấy là anh Lương
Vĩnh.
Quê anh ở vựa lúa Thái Bình.
Sinh trưởng và lớn lên trong gia đình khá giả. Chân dung ông nội, cụ nội của
anh đều là những người mặc áo chùng gấm đoạn, đầu đội mũ cánh chuồn. Đấy là
những người từng có vai vế quyền hành , ăn nói có gang có thép ở vùng quê lúa .
Nhưng có lẽ đến đời cha mẹ anh, thì có phần kém rồi. Vốn liếng gia sản dần cạn kiệt, chỉ đủ
tiền cho con ăn học ở trường huyện. Lớn lên, hai anh em như
chán cái gia phong vang bóng một thời của nhà mình, bỏ quê, dắt nhau lên thủ đô
lập nghiệp.
Tiếng là con cháu nhà giàu một thời của làng quê, nhưng khi lên Hà Nội,
hai anh em như bị nhòe lẫn trong cuộc sống đô thành. Tuy nhiên, hai anh em vẫn
giữ được ngọn lửa lãng mạn trong tim, vẫn ôm ấp lập danh với nghẹ thuật. Người
anh theo con đường mỹ thuật, người em thì theo đuổi mộng văn chương. Học hành ở
quê thì được xếp danh cậu ấm cậu tú, nhưng chữ nghĩa và nghề nghiệp thì chưa
đâu vào đâu. Không quản ngại, anh có thể làm bất cứ công việc lao động chân
tay, miễn đủ tiền sinh nhai để nuôi mộng chữ nghĩa. Những trang thơ trang tiểu
thuyết trong nước, ngoài nước, thời cổ điển thời hiện đại, thưở ở quê từng đọc
ngấu nghiến, đã thấm đẫm vào anh, chắp cánh mộng mơ cho anh.
Ngày đi làm thuê cho một công
xưởng, đêm đêm anh lại thả mộng mơ với bước chân phiêu lãng dọc phố phường. Đấy là giai đoạn đất nước thanh bình, xã hội tươi đẹp, thiên nhiên dường tột cùng trong
trẻo. Đã nhiều đêm anh lang thang ngắm phố phường với vẻ đẹp kiêu sa, quên thời
gian, quên cả chiếc bụng mình đang đói lép kẹp. Cứ đi tha thẩn như mê hoặc, rồi
anh đem lòng si mê cô gái mà tình cờ anh nhìn thấy trên ban công ngôi biệt thự
cổ gần phố Quan Thánh. Trong con mắt chàng thi sỹ tỉnh lúa kia, nàng là một thiên thần kiều diễm. Một tối, vô
tình nàng ra tưới nước chậu lan ngoài ban công. Chậu lan đang đơm hoa trắng muốt. Không biết bốn con
mắt đã chạm phải nhau chưa? Còn chàng
thi sỹ sy tình cứ tưởng tượng nàng ra tưới hoa vì cốt để nhìn mình. Chàng mơ
tưởng tới mối tình Rômêô và Julyét, mối
tình mơ mộng, đắm say, bất tử trong sách vở một thời. Ấy rồi sy mê, tối nào
chàng cũng nghiện đi tới phố ấy, tới gốc cây trước ngôi nhà ấy, hòng mong nàng
ra ban công tưới hoa để được ngắm nhìn
dung nhan nàng. Nhiều đêm, chàng đứng khoanh tay trước ngực, tựa thân cây, cặp
mắt ngước nhìn ban công chờ đợi. Một
đêm, phố xá đã tắt đèn, anh vẫn đứng tựa gốc cây , mắt chằm chằm nhìn lên ban công kia. Anh đứng như
kẻ vụng trộm. Anh đã bị lọt vào tầm theo dõi của công an đường phố. Quá nửa
đêm, anh vẫn đứng thế. Mấy anh công an tới hỏi anh giấy tờ tùy thân. Trên người
anh không có gì, ngoài tập thơ Maiacôxki. Anh được đưa về đồn. Bị hỏi, anh
không trả lời mà như người mộng du. Anh lẩm nhẩm đọc câu thơ “Nửa đêm trên
đường phố, chỉ có nhà thơ và những tên ăn trộm...”. Mấy anh công an với nghiệp
vụ của mình, biết người này không phải là kẻ trộm, mà có thể là kẻ tâm thần,
nên cho anh ra về. Lang thang ra đường phố, anh lại lẩm nhẩm câu thơ “Hoa hồng
khóc, ngọc lệ giọt sương...”
Nhưng rồi tính mộng mơ của anh
đã phải trả giá. Đấy là khi anh cúi
xuống toan hôn đôi búp tay ngọc ngà của người thiếu phụ cùng số nhà
anh thuê trọ. Chả là độ ấy, nước máy sinh hoạt quý hiếm như nước thánh.
Cái vòi nước chung cho các hộ trong ngôi nhà ít khi có nước chảy. Họa hoằn lắm,
nửa đêm cái vòi nước mới ti tỉ chảy. Những chiếc xô, chậu, thùng...của các chủ
nhân xếp hàng rồng rắn bên vòi nước. Rồi
cuộc tranh giành phần mình được hứng
nước trước đã xảy ra tại chiếc vòi nước. Chiếc xô của anh luôn bị những chiếc
xô , chậu khác gạt ra tranh chỗ. Mãi gần sáng, chiếc xô của anh mới được phần
hứng nước ở cái vòi nước khiêm nhường kia. Anh định đặt chiếc xô mình vào vị
trí, thì linh tính thấy một ánh mắt sau lưng nhìn anh. Quay lại, anh nhận ra khuôn mặt
người con gái đoan trang ở sát vách nhà. Anh nhấc chiếc xô của mình ra, đặt
chiếc xô của người con gái kia vào hứng nước trước. Người con gái cảm ơn anh
bằng ánh mắt đăm đắm lặng im. Đến đêm thứ bảy chờ hứng nước, là cái đêm định mệnh của anh.
Vẫn như mấy lần trước, anh lại nhường chỗ cho cô gái kia hứng nước trước. Cô gái
hứng đầy xô nước rồi lặng lẽ rót sang
tràn trề chiếc xô nhựa nhỏ bé của anh, nói lý nhí “ Anh tốt với em quá !” Chả
hiểu máu thi sỹ của anh nổi lên thế nào, anh xúc động ngây người, rôi vội cúi
xuống toan hôn búp tay ngà ngọc người con gái kia. Anh chưa kịp hít hà hơi hướng
đôi bàn tay ấy, thì một cú đá ngoạn mục tung anh lên cao, rồi anh ngã vật xuống
rãnh nước bên cạnh. Máu hiệp sỹ trong
anh trổi dậy. Như để bảo vệ người con
gái kia, anh cố vùng lên, lao tới đấm túi bụi vào mặt người đàn ông đang lôi
sềnh sệch người con gái và xô nước về nhà. Đương nhiên tấm thân học trò của anh
bị trận đòn nhừ tử. Anh nào biết người vừa cho anh nếm trận đòn, đó chính là người chồng cô gái vừa ở
chiến trường về phép. Trận ẩu đả ầm ĩ,
mấy người dân phòng chạy tới,
dong anh về trụ sở phường. Đấy là thời kỳ chiến tranh căng thẳng nhất, chính
sách hậu phương bảo vệ cho người ra trận được coi trọng, anh bị khép tội xâm
phạm hạnh phúc gia đình người chiến sỹ ngoài tiền phương. Thế rồi anh được đưa vào
trại cải tạo không cần một lời phân trần giải thích. Chàng thi sỹ có máu hiệp
sỹ kia lại nghĩ, gian nan là thử thách
cho cho tâm hồn minh, để những câu thơ
vụt hiện. Rồi anh trở thành trại viên tích cực của trại giam cải tạo từ
độ ấy.
Ngày mãn hạn, ra trại, anh trở
thành người bơ vơ. Người anh trai khi đó
đang là nhà điêu khắc có tiếng với cuộc sống vương giả. Không muốn phiền lụy,
anh tự đi tìm công việc mưu sinh. Rồi
anh làm
thợ móc cống, thợ đổ thùng vệ
sinh, thợ kéo phông màn nhà hát...Anh còn trở thành thợ đánh véc ni giỏi, cũng
nhờ học nghề trong quá trình ở trại cải tạo. Anh từng theo con thuyền nan dọc
sông Hồng, ngược dòng sông Lô, để làm thợ mộc, thợ đánh véc ni cho các chòm xóm
ven sông. Có lẽ đấy là thời thơ thới
nhất của đời anh. Những mảnh đất, nhưng kiếp người, những tấm lòng chất phác mà
anh gặp gỡ, đã cho anh niềm tin sâu thẳm vào cuộc sống, kéo anh khỏi cõi sống
viển vông sách vở một thời.
Sau mỗi ngày lao động cật lực,
đêm về, anh lại thả hồn mình với những câu thơ chênh vênh. Rồi anh quay trở về thủ đô, gặp gỡ
những người bạn thi sỹ tự do như mình. Họ đọc thơ cho nhau nghe trong quán rượu
nghèo dưới gầm cầu, hoặc quán chè chén vỉa hè, có khi ở ngay bên chân cột đèn
đường phố. Có lẽ, cái danh hiệu nhóm-
thơ- cột- đèn được anh em văn nghệ phong cho anh bắt nguồn từ đó?. Đấy là nhưng
thi sỹ tài hoa, như Tuân Nguyễn, Chu Hoạch, Phan Đan... Đôi khi, thấy cả Lưu
Quang Vũ bìu ríu cùng nhóm ấy. Thơ của họ khi ấy rất đắm say, nhưng hình như xa
lạ, lạc lõng với không khí thơ đang sục sôi trước cuộc chiến tranh cả nước lên
đường. Những câu thơ của họ, như “ Chầm chậm đi vào tầm mắt của
tôi, một người con gái, bên trái đẫm vàng, đấy là nắng hoang mang..”, hoặc “ Thon
thót sợ gió hắt đi, em có thấy giọt mưa còn lại...”, hoặc “ Thương hoa hồng khóc
một mình...”. Trước cuộc chiến tranh một mất một còn, thì đương nhiên những câu
thơ kia có phần xa xỉ, lạc lõng, không thiết thực là phải. Anh vẫn là ngươi u u
mê mê. Có lúc anh lại kêu lên là không ai hiểu mình, Thơ đã tàn phá đời anh !
Rồi cũng tới tuổi không còn mơ
mộng hão. Nhìn quanh, bạn bè đã yên bề gia thất. Anh mới ngộ ra mình trắng tay.
liền quay về quê Thái Bình kiếm người
vợ. Ở thành phố, anh là người không xếp hạng. Nhưng về quê, với hào quang dĩ vãng của dòng tộc, anh vẫn lấy
được người vợ trẻ hiền thục. Người vợ trẻ khăn gói theo chồng lên thành phố, không tiền bạc, không kiến
thức, họ xoay ra bán bánh mỳ vỉa hè. Rồi anh học được nghề làm ba-tê. Thế rồi
đêm đêm họ trần lưng làm ba-tê để sớm mai bán bánh mỳ ở góc phố.
Tôi đã mấy lần đến thăm chỗ trú
ngụ của gia đình anh. Đấy là gian nhà
lợp tôn nóng hầm hập, cơi nới trên sân thượng của gian nhà tắm hôi hám. Giữa
không gian đặc quánh mùi ba-tê, mùi tương ớt, mùi bánh mỳ chua chưa bán hết,
tôi không hình dung ra không gian thi ca của anh tồn tại chỗ nào. Rót mời tôi
chén nước chè nhạt, anh vội đọc thơ cho
tôi nghe. Vẫn những câu thơ về hoa hồng khóc, về bông huệ trắng nở thơm một
mình... Tôi thêm thấy tâm hồn thi sỹ trong anh ngày càng phiêu diêu.
Anh say mê thơ như vậy, nhưng
trên sách báo, chưa thấy tên anh xuất hiện. Nhiều người không biết
tên anh, hoặc biết thì lại nhầm lẫn với tên của nhạc sỹ Lương Vĩnh với ca khúc
nổi tiếng “ Thành phố hoa phượng đỏ”. Chỉ có một nhóm anh em làm vắn chương ở Hà
Nội là biết anh, thông cảm cho hoàn cảnh
của anh. Rồi họ xúm lại, gom tiền in cho
anh tập thơ
“ Sau mưa ” . Đấy là năm 1994, tập thơ
đầu tay của người đàn ông có tuổi. Tập
thơ mỏng mảnh, Nhà xuất bản Văn Học cấp
giấy phép, tôi đọc với sự trân trọng tâm
hồn người viết. Bài thơ “ Hoa hồng trắng”, tặng nhạc sỹ Dương Thụ, có câu “ Buồn
bao nhiêu tay cầm bông hồng trắng, ở giữa
đời không biết trao ai ”. Tôi nhận thấy vẫn một nét riêng nào đó của con người
anh.
Một buổi trưa cuối hè năm 2008, tôi gặp lại
anh Lương Vĩnh ở nhà anh Tạ Vũ. Cái buổi
gặp gỡ chúc mừng chị Điều vợ anh Tạ Vũ vừa in tập thơ, thật ồn ào mà thân mật.
Anh Lương Vĩnh khoe với tôi là anh cũng sắp có tập thơ mới. Chỉ dăm bảy hôm sau,
anh đạp xe đến nhà tôi tặng sách. Cầm tập thơ mới của anh, tôi cảm động bởi
lòng say mê thơ của anh không nguội lạnh. Thì ra, thơ không dễ bỏ con người.
Phải nói đúng hơn, là người không bỏ thơ. Thơ vẫn chung thủy với con người. Thơ
không chống đói cho con người, nhưng thơ có thể dắt con
người vượt qua cơn đói. Không hiểu sao, khi đọc tập thơ mới của anh, tập “
Thảng thốt thu ”, lại cho tôi ý nghĩ miên man này. Nói đúng ra, anh Lương Vĩnh chưa
được hưởng vinh quang gì với thơ . Thơ đã có khi đày đọa anh. Nhưng tôi biết,
thơ đã cho anh niềm tin để sống, để vượt qua những kham khổ đời thường. Thơ đã
cho anh niềm tri kỷ với người anh yêu thương, với bạn bè thân thiết của anh.
Trong tập, có những bài thơ anh viết tặng nhà thơ Trúc Thông, tặng nhạc sỹ Dương
Thụ, tặng nghệ sỹ Trọng Khôi... Đó là những cảm xúc trong trẻo đáng yêu. Tôi nghĩ, nếu không có thơ, chắc gì
anh đã biểu cảm được tình cảm của mình với những người bạn đáng yêu như thế ?!
Có người bạn hỏi anh, rằng đời
sống thường nhật của anh khổ sở thế, nhom nhem thế, sao thơ anh toàn nói về
những điều cao xa, tốt đẹp? Có phải đó là chủ trương sáng tạo nghệ thuật của
anh chăng? Tôi nghĩ giản dị, vì cuộc sống vốn khắc khổ rồi, nếu anh viết thêm
về sự khốn khó ấy, thì liệu có ích gì? Điều tốt hơn, là biết vượt qua cái khốn
khó ấy, để hướng về những đièu cao đẹp, để sống thanh thản nhẹ nhàng. Có lẽ đấy
là tâm niệm giản dị của anh về kiếp người chăng ?
Niềm vui có tập thơ mới ra đời
chưa lan tỏa hết, anh lại điện thoại chào tôi để lên núi Chè bên Bắc Ninh. Ở đấy, có ngôi nhà
vườn của nhạc sỹ Dương Thụ rợp bóng cây. Người nhạc sỹ, bạn thân của anh, hiểu
anh, ưu ái dành cho anh thời gian dài lên sống yên bình, để viết tiếp những vần
thơ đắm say và mộng mơ.