“Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có
thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ
nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong
đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của
thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con
người ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên
kia hay bên này… Những nhân vật của Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ
trải qua nhiều thăng trầm, vui ít buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực,
đời họ là hình chiếu của cuộc sống trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày
thống nhất… Thông thường một tác phẩm có hai con đường đề gây hiệu ứng nơi
người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng Mừng có
cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó là
những chuyện cười ra nước mắt.
Những câu chuyện ở làng quê nào đó...
(Đọc Bóng chiều hôm, tập truyện của Nguyễn Đặng Mừng, NXB
Hội Nhà Văn)
TRẦN THÙY MAI
Mặc dù không ồn ào và không được lăng xê như một số khuôn
mặt thời thượng, nhưng sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Đặng Mừng trong năm
vừa qua thực sự có thể nói là một hiện tượng.
Truyện ngắn của Đặng Mừng xuất hiện đầu tiên trên Sông Hương, rồi sau đó
trên Văn Nghệ, Tia Sáng, Người Đại biểu Nhân dân... Ngay từ lần đầu xuất hiện ,
tác phẩm của anh đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng mạnh mẽ. Dù
không mang một dấu ấn thời thượng nào, nhưng văn chương Nguyễn Đặng Mừng cho ta
cảm giác về một cái gì đó thực sự mới : Nó báo hiệu rằng thời ta sống đã khác,
tâm thức thẩm mỹ đã khác, và đã có thể nói với nhau nhiều chuyện hơn trong văn
chương cũng như cuộc sống.
Trong bầu không khí văn chương hiện nay, có thể nhận thấy
rất rõ hai xu hướng đang chi phối những người cầm bút. Một là xu hướng
cách tân về hình thức nghệ thuật, tìm những biện pháp thẩm mỹ mới, như nhiều
cây bút trẻ đang làm với tất cả sự háo hức và táo bạo, nhiều khi táo tợn:
Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh ...... Xu hướng thứ hai
là xu hướng nhìn lại quá khứ, bổ sung vào văn học những điều chưa nói để
làm rõ diện mạo một thời đại. Tiêu biểu cho xu hướng này , có thể kể Bùi Ngọc
Tấn, Võ Văn Trực, Tô Hoài.... và nhiều tác giả khác nữa. Những nhà văn
này thường đã lớn tuổi , trải nghiệm nhiều , chứng kiến nhiều , luôn bị thôi
thúc bởi quá khứ và kỷ niệm.
Nguyễn Đặng Mừng mới viết , nhưng không còn trẻ. Sinh năm
1953, lẽ ra anh đã có thể viết từ lâu. Nhưng những năm tháng trong trại cải tạo
, rồi về làng quê Quảng Trị làm nông dân trồng lúa cắt cỏ , lại di cư vào Nam
buôn bán làm ăn...những đoạn đời lăn lộn truân chuyên ấy dường như là quãng
thời gian tích lũy vốn sống , kinh nghiệm để bây giờ khi cầm bút viết ra thì
tất cả đều đã chín muồi , đủ độ chín của hồi tưởng , suy ngẫm và cảm xúc .
“Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có
thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ
nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong
đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của
thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con
người ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên
kia hay bên này: Như chị Mịn, con gái một ông lý trưởng, đi theo du kích lên
rừng, hết chiến tranh về làng làm cán bộ phụ nữ xã rồi lại bỏ làng trốn vào Nam.
Như Bình , sĩ quan chế độ cũ, đi học tập xong về hợp tác xã làm thư ký đội (Buồn
vui mấy lần); Anh Nợ tù binh chiến tranh được tha, sung vào đoàn vận tải , về
làng với nón cối áo bộ đội hẳn hoi (Tím cả chiều hoang); Bà Thắm người nữ thanh
niên xung phong có giọng hát say người, cuối đời đến khi lãng trí vẫn còn
hát những bài hát thời con gái... (Bóng chiều hôm). Những nhân vật của
Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ trải qua nhiều thăng trầm, vui ít
buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực, đời họ là hình chiếu của cuộc sống
trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày thống nhất.
Thông thường một tác phẩm có hai con đường đề gây hiệu ứng
nơi người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng
Mừng có cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó
là những chuyện cười ra nước mắt. Sở dĩ vậy là vì cái tài của tác giả biết lẫy
ra từ cuộc đời những tố chất bi hài lẫn lộn, làm người đọc thấy buồn cười thì
rất buồn cười mà xót xa cũng thật xót xa. Như câu chuyện phiên họp kết án đôi
nam nữ đồi trụy vì đã dám"Hun chắc bằng mui", chuyện chị
Nần chung thủy cự tuyệt bao nhiêu người đến ve vãn để rồi chửa hoang vì tưởng
vong hồn người chồng nhập vào xác lão thầy bói, chuyện cửa hàng mậu dịch phân
phối quần đen cho con trai, quần xà lỏn cho con gái, chuyện nông dân ngồi họp
bên đống lúa trong sân hợp tác, sáng ra thấy đống lúa nhỏ lại còn phân
nửa....Nói những chuyện không phải không lớn, những chuyện can hệ đến phận
người, đến vận mệnh của cá nhân, cộng đồng, dân tộc nhưng tác giả không hề đao
to búa lớn mà lại rất dí dỏm, như cười cợt nỗi đau của chính mình. Đọc truyện
Đặng Mừng tôi liên tưởng đến cảm giác khi xem phim "Phải Sống" của
Trương Nghệ Mưu: cả một thời kỳ trải qua những ấu trĩ, lầm lạc, có cả thành
công và thất bại, hạnh phúc và đau đớn, có lúc trả giá bằng cả sinh mạng, nhưng
cuối cùng đọng lại vẫn là niềm hy vọng, lòng nhân ái, sự tha thứ, những gì tốt
đẹp giúp người ta đi tới để tiếp tục cuộc sống.
Nhân vật Đặng Mừng đa số là nông dân. Các nhà văn viết về
nông dân khá nhiều, nhưng thú thực, đọng lại trong lòng tôi cho đến nay chỉ có
hình ảnh người nông dân của Tô Hoài trong Quê người, Trăng thề, Chớp bể mưa
nguồn... những con người hiền lành , chân chất có số phận nhỏ nhoi luôn
làm ta xót xa. Đấy là những người nông dân thời Pháp thuộc . Người nông dân
trong truyện Đặng Mừng thời nay đã khác, trong truyện của Mừng, người nông dân
có cuộc sống chất phác mà mãnh liệt, khép mình trong nề nếp của đạo nghĩa mà
vẫn phóng túng hồn nhiên đôi khi có phần hoang dã. Đấy là người nông dân trong
cuộc sống thực của họ, được miêu tả sinh động dưới ngòi bút của một tác giả có
thời thơ ấu gắn bó với làng quê Việt Nam, cho đến nay vẫn luôn gắn
ngòi bút của mình với tấm lòng "Nhớ ruộng nhớ đồng".
Nhà phê bình Đặng Tiến, khi nhận xét về tác phẩm
Nguyễn Đặng Mừng, có nhận định rằng tâm thức sáng tạo của nhà văn là một
nguồn sáng vô minh, có khi chính nhà văn ấy cũng không ý thức hết được. Có lẽ
tâm thức cảm thụ của người đọc cũng vậy, sự biết hay biết dở khi đọc một tác
phẩm cũng là một trực giác bẩm sinh, vì vậy những người đọc bình thường không
phải là nhà phê bình cũng có thể nhận ra cái hay cái dở của tác phẩm văn học.
Bằng trực giác, khi khen một tác phẩm , người Huế thường dùng hai chữ"Có
hồn". Truyện của Đặng Mừng rất có hồn, vì anh viết từ chính xương tủy cuộc
đời mình. Cách viết của anh giản dị, hầu như chẳng hề sử dụng kỹ xảo truyện
ngắn. Khi người ta đã có một vốn sống phong phú, khi sự thật được nói bằng lời
lẽ chứng nhân, thì hình như chẳng cần đến một thủ pháp nào cả . Nguyễn Đặng
Mừng đã viết như vậy , chẳng hề quan tâm chạy đôn chạy đáo kiếm cho mình một
tấm áo thời trang, anh xuất hiện bằng thể cách tự nhiên, cứ tưng tửng , thật
thà với cái giọng nông dân của anh , kể những câu chuyện ở làng quê nào đó mà
ngẫm kỹ lại , ta mới nhận ra cái làng ấy chính là đất nước của mình....