Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng
của nhà văn. Vậy nhà văn Ngô Phan Lưu chọn hình thức nào để xác lập lối viết?
Tôi không nói văn phong, vì văn phong tức là người sao thì văn vậy, là tâm tính
bẩm sinh xuất phát từ hồn vía và thân thể, vấn đề ở đây là lối viết, tức có cả
yếu tố tư tưởng, cái nhìn, suy tư và cả văn hóa nền, tức là ý thức xã hội và ý
thức cá nhân được hòa trộn, điều này quyết định người viết có được xem là nhà
văn hay không. Trường hợp nhà văn Ngô Phan Lưu, một trong những “cây gộc” nhà
văn - nông dân của miền Trung vào những năm gần đây là lối viết trở về, ông đã
xóa hết những ảnh hưởng Tây học với mong muốn có lối viết trơn, lối viết hồn
cốt của minh triết Việt. Nói thêm: Trước khi làm nông dân rồi nhà văn, ông là
sinh viên triết nhiều năm. Ngô Phan Lưu sinh năm 1946, hiện đang sống tại Phú
Yên. Cho đến giờ này, ông đã xuất bản bốn tập truyện ngắn: Người không giăng câu Kiều, Cơm chiều, Xoa tay và cười, Con lươn chép
miệng.
NGÔ PHAN LƯU VỚI LỐI VIẾT ĐỘ KHÔNG
NGUYỄN HIỆP
Thử khảo sát một số truyện của ông trong ý định không xâu
chuỗi vì rằng sợ như vậy sẽ đánh mất nét độc đáo của từng truyện. Con lươn chép miệng là tên tập truyện
(tôi chọn ngẫu nhiên) và cũng là tên của truyện ngắn đầu tiên trong tập. Riêng
cái tiêu đề phần nào đã nói lên lựa chọn của ông, là cách nói dân dã, cách nghe
dân dã, cách buồn dân dã và cách không buồn cũng của dân dã. Dường như sự nhấn
mạnh “nhà văn nông dân” là một khế ước mà Ngô Phan Lưu muốn kí với cuộc đời. Đó
là tín hiệu đầu tiên.
Trong truyện ngắn thay lời phi lộ của tập sách này,
cái lựa chọn cục phân của thằng cu Phát cháu nội, “cục phân đã khô quắt lại,
nhỏ xíu, mũi nhọn vươn cong lên trời”, để nỗi nhớ bám víu vào, tôi nghĩ tác giả
không dùng cái cách “ăn cục nói hòn” quê mùa nhằm gây xúc động hay chủ ý kích
thích tình cảm của mọi người, theo tôi nó ngầm dự báo một ý nghĩ, một tình
trạng thay đổi, sẽ quay về trong cách viết, trong tình cảm con người, nhất là
của người nông dân, cũng có thể gọi nôm na là “cách mạng”. Chắc chắn có ý nghĩa
song song, nhưng tiếng lươn chép miệng ở đây là tiếng cười “dứt khoát không
buồn”, nó vừa là cười chính sự lẩm cẩm bé mọn của mình vừa là cười người khác,
cười mà không gây tổn hại, cười để thay đổi. Câu hỏi đặt ra: Tại sao có những
điều thuộc về con người, văn bản văn chương lại chối bỏ, lại e ngại?! Tiếng
cười tự nó không có ý nghĩa gì nhưng trong cuộc vận hành này nó lại có nghĩa.
Một dự báo nữa từ tập truyện: Ngô Phan Lưu, một lối cười thoát khỏi các định
chế, thoát khỏi các công thức, các khung, các sườn cũ, ông đã chọn lối nhếch
mép thâm thúy như ban đầu, như nguồn, như muôn đời của người nông dân cùng khổ
miền Trung.
Sang truyện ngắn “Giải
thoát” thì cái ý nghĩ “cách mạng” lại tung tẩy sang một lãnh địa khác. Tôi
không viết bài này nhằm phê bình văn bản, tôi muốn tham dự vào “cuộc chơi” cùng
nhà văn Ngô Phan Lưu với cấu trúc sâu xa - trơn trắng của tác phẩm. Tôi có
quyền như vậy vì nghĩ rằng người đọc không phải là người “tiêu thụ” tác phẩm mà
là người “sản xuất” trên cái nền nhà văn đã viết nên. Mã hiệu đầu tiên mà chúng
ta khảo sát là loại mã hiệu chú giải: “Lão Bốn Nham nay bảy mươi sáu, sống cùng
vợ tại nhà số 6 hẻm 13 tổ 9 khu phố Bà Triệu”. Sao phải cụ thể, rõ ràng, chi li
như vậy? Chính sự cố ý này đã tạo trong lòng người đọc một nghi vấn ngược lại,
không gian bắt đầu lồi lõm, bí mật thứ nhất được gieo vào truyện là bí mật ẩn
dụ về không gian. Cách thức này hơi mới một chút, hơi tinh một chút so với
những “làng”, “thôn”, “chiếc hộp”, “trại”... nhằm ẩn dụ một bối cảnh khác được
dùng nhiều trước đây, bởi vì trong tiếng Việt cứ nhấn nhá, dây cà dây muống một
cách cố ý thì y như rằng người nghe sẽ có phản ứng nghi ngờ, nói vậy mà không
phải vậy. Chiếc chìa khóa an toàn đã được tra vào ổ. Mã hiệu thứ hai khơi lộ là
chiếc bình cắm hoa trên bàn thờ, tới đây thì chúng ta cứ ngỡ truyện như một câu
chuyện bình dân dễ hiểu, nhưng hai lần nhà văn nhấn mạnh thủ phạm trong sự nhập
nhằng giữa chuột và mèo thì cái nghĩa “dễ hiểu” trước đây đã bị bỏ rơi. Lần thứ
nhất nghi ngờ chuột hay là mèo từ phía vợ Bốn Nham, lần thứ hai thì chính trong
suy nghĩ của lão Bốn Nham: “Lúc ngồi co rút trông giống con mèo”. Và mập mờ về
bản lai diện mục là “một con vật đa hình thể” làm cho người đọc bị dẫn đi theo
hướng của nhà văn, hướng của “sương mù”, của thế giới khác. Xem như đối tượng
thực muốn nói đến đã bắt đầu lộ diện ở phân đoạn thứ nhất. Phân đoạn thứ hai -
đặt bẫy - làm rõ hơn về thủ phạm: “nghe được tiếng người”, “thù vặt”... chỉ là
một bước bồi để rồi cố ý dẫn tới sự nhận diện đến bàng hoàng, “há hốc mồm” nhìn
thủ phạm “ác độc đến ma quái” đang thản nhiên hiện ra. Sự đóng băng vì sợ, trốn
chạy vì sợ là một thực trạng nhưng tại sao đến cuối truyện thì cả hai vợ chồng
Bốn Nham đều hết sợ? Tìm săn - sợ hãi - tôn thờ là một quá trình chuyển biến,
đảo lộn tâm lý đặc biệt, cường độ cảm xúc được đẩy lên cực mạnh, để đến khi
tưởng là gỡ bỏ được dồn nén thì thật ra đó là lúc con người khác đi, làm cho bị
khác đi, mất tự chủ. Phải chăng chính sự nhận diện cuối cùng mà nhà văn gọi là
định thần đã làm cho họ không còn sợ hãi nữa? Không phải! Hai chữ “định thần” ở
đây được hiểu theo nghĩa định thần - giả tạo, định thần - tự lừa mị. Hệ quả của
sự bất lực là bệnh thần thánh hóa, hình ảnh vợ chồng Bốn Nham vái lia vái lịa
là thực trạng đau đớn hơn rất nhiều thực trạng “co rúm” vì sợ hãi trước đây. Mã
hiệu cuối cùng là loại mã hiệu tượng trưng đã phát huy được tác dụng và đương
nhiên nó cũng thú nhận một sự thật về nguồn gốc vô thức của văn bản truyện ngắn
này là bệnh sùng bái cái mạnh, cái ác trong mỗi con người chúng ta, cả tôi và
cả bạn.
Văn bản cần khảo sát thứ ba là "Buổi sáng biến
mất", với truyện ngắn này ông được trao giải nhất báo Văn Nghệ 2007. Như
ông tâm sự: Văn chương phải khảo sát những gì có thể xảy ra trên cái nền hiện
thực đã xảy ra, nên việc đọc của tôi sự thực là khảo sát của những khảo sát.
Mô típ gieo ẩn dụ không gian được lặp lại, “Xóm ao”,
nghe chừng cái liên văn bản ca dao “ta về ta tắm ao ta” chuẩn bị được lộn trái.
Cái cách nói tưng tửng: “đội banh Nhà thương”, “gôn Tử thần” nhằm làm cân bằng
cho những thổn thức của/ trong căn nhà rã nát mà tác giả sẽ mở ra: “Đau đớn mà
đòi sống, đúng là người ngu. Phải đòi chết cơ, như chú đã đòi. Có lẽ, cạnh
những chân lý năm tháng dài hạn, còn có chân lý phút giây ngắn hạn. Mà cái chân
lý phút giây ngắn hạn ấy lại có thể là chân lý vĩnh hằng.” Sự tàn nhẫn không
sinh ra từ nghèo khổ, nó nảy nòi từ cái phần ác bên trong con người, nhưng
nghèo khổ chính là môi trường, chính là cái cớ để sự tàn nhẫn phình to, chiếm
đoạt đời sống, sự sống.
Thử đọc thành lời đoạn thoại mà qua đó nó nói đến
những thứ không phải là xương thịt của nhân vật Khiêu đã rã nát, một loại rã
nát từ bên trong: “- Nói thế sao được, hả chú? Cứ xem lão Phiệt đấy, cũng trầm
trọng chí tử liên miên, mua hòm trước có đến ba lần, đều cất đấy chờ mọt ăn.
Vậy mà nay vẫn sừng sững chén thịt chó”.
Chú Khiêu quay mặt lơ đãng ra cửa sổ, nơi có tiếng hót
trong veo, ríu rít của mấy chú chim sâu trong khóm lựu xơ xác. Chú lại nói,
giọng yếu ớt:
“Mua hòm trước là... người khôn. Không mua hòm trước
là... kẻ dại. Chú đã dại. Chết rồi, Ai mua?”
"Thuấn lại nín lặng. Cái nín lặng buộc anh nín
lặng. Lại cũng ở tầng sâu câu nói ấy, trùng trùng cay đắng oán hờn.” Đến đây
thì người đọc không cười được nữa, hoặc cười thì là kiểu cười méo xệch, kiểu
cười bẽ bàng, cười hiểu ra cái sự đời thật khốn nạn cùng với tác giả. Đó, cái
“xóm Ao” mà con người luôn muốn quay về nay đã ra nông nỗi. Nhà thương, lòng
thương, tình thương lần lượt tan rã, biến mất như sự biến mất của buổi sáng
cuộc đời, biến mất ngay cả cái không tính ban sơ. Một cảnh báo chấn động được
viết ra chỉ bằng lối kể rất đặc thù của người nông dân, không hoa hòe hoa sói,
không vận dụng một thi pháp sách vở, vay mượn nào...
Một truyện ngắn lý thú ông viết gần đây là “Con kỳ
nhông nhựa”. Lão Lú của xóm Rọ Hươu chuyên kể chuyện ma láo đã “nắm thóp” tâm
lý đám đông, đám đông: dễ bị kích động, dễ trở thành ngây ngô, dễ tin, dễ không
tin và cũng dễ bị lừa. Ma láo nhưng đề phòng thật, người được đặt vào thế giới
ma, ma lại đặt vào thế giới người, nhờ vào tài quan sát nhạy bén Ngô Phan Lưu
đã khai thác rất tinh các mô típ kể chuyện quen thuộc của dân gian để biến nó
thành lối viết của mình, do vậy đọc văn Ngô Phan Lưu ta biết, không lẫn vào
đâu, đây là một nhà văn nông dân Việt Nam chính hiệu.
Ấy là độ không của lối viết vậy. Và người đọc là tôi
chợt muốn rũ bỏ những “hành trang không cần thiết” trên người, chợt khao khát
trở về với cái sạch, với độ không nhờ tiếp xúc với độ không.