Bây giờ, cứ bật VTV3, cuối tuần nào các vị giám khảo cũng
làm khán giả ngã ngửa vì những nhận xét mang tính… thảm họa của mình. VTV3 quá
dễ dãi hay tại vì các giám khảo có vấn đề... Giám khảo vốn được mặc định là
những người có uy tín, có kiến thức sâu rộng để cầm cân nảy mực trong các cuộc
thi, nhằm tìm ra những tài năng mới. Chính vì thế mới có chuyện có rất nhiều
ngôi sao lừng lẫy trên thị trường vẫn không được mời làm giám khảo. Nhưng
chuyện đó đã qua. Bây giờ, cứ bật VTV3, cuối tuần nào các vị giám khảo cũng làm
khán giả ngã ngửa vì những nhận xét mang tính… thảm họa của mình. VTV3 quá dễ
dãi hay tại vì các giám khảo có vấn đề?
Thảm họa giám khảo truyền hình thực tế
LIN DIN
Sự phẫn nộ ngập tràn
Facebook
Đêm thi "Cặp đôi hoàn hảo" 24/3 có lẽ là một đêm
đầy sóng gió của các giám khảo Lưu Thiên Hương, Lê Minh Sơn và Lê Hoàng. Lưu
Thiên Hương thì có vẻ ủng hộ cặp thí sinh Thảo Trang - Thuận Việt, nhưng Lê
Hoàng và Lê Minh Sơn thì chê tơi tả. Lê Minh Sơn thậm chí còn cho rằng, ở Việt Nam chỉ có mỗi
Tùng Dương biết hát nhạc jazz. Điều này đã gây phẫn nộ lớn tới cộng đồng khán
giả. Ngay khi đêm thi diễn ra đã có rất nhiều phản ứng trên mạng xã hội, cho
rằng Lê Hoàng và Lê Minh Sơn là những thảm họa giám khảo mà không biết vì sao
Công ty Cát Tiên Sa lại mời vào vị trí lẽ ra cần những người hiểu sâu về chuyên
môn và khả kính hơn.
Nguyễn Ngọc Thuỵ, đang là giám đốc marketing cho một nhãn
hàng lớn, người được coi là một trong những "người làm thuê số 1 Việt
Nam" đã bày tỏ sự phẫn nộ trên Facebook: "Được gọi là một nghệ sỹ
lớn, Lê Hoàng là vị đạo diễn mà tôi muốn nói đến đầu tiên. Ngồi chấm thi mà anh
cứ nhắn tin và nghe điện thoại liên tục thì anh có tôn trọng các thí sinh không
nhỉ? Và nếu nghe những lời nhận xét của anh về âm nhạc, tôi chợt chột dạ, anh
có bao giờ nghe nhạc và hiểu nhạc không nhỉ? Anh chấm thi nhảy thì anh có bao
giờ biết nhảy rõ các điệu nhảy không ? Hay anh chỉ biết một điệu duy nhất là
"Gái nhảy"?
Trước đây, anh thực sự nổi tiếng bằng cách "bán
chữ" với những bài viết dí dỏm, trào phúng. Thế nên có lẽ cái thời buổi
kinh tế thị trường đã tạo nên cho anh một cái hào quang giả tạo. Thử hỏi, anh
sẽ nghĩ sao khi chuyển từ kiếm sống bằng chữ sang nghề kiếm tiền bằng.
Còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn thì càng tội nghiệp. Khi càng chứng
tỏ cái gọi là tài năng của mình, thì anh càng nói không suy nghĩ. Có lẽ nên nói
anh là con ếch ngồi đáy giếng. Bởi anh chỉ biết tại Việt Nam chỉ có một
mình Tùng Dương hát được nhạc jazz. Xin lỗi anh nên vào Google để tìm kiếm để
mở mang kiến thức. Lúc thì anh tự khen là người yêu nhạc dân ca nhất, hôm nay
lại nói mình giỏi nhạc jazz. Có lẽ như vậy nên anh mới sáng tạo ra cái gọi là
nhạc jazz hát theo phong cách pop. Chỉ hỏi anh là anh có sáng tác nào ra hồn
với hai loại nhạc đó nhỉ? Khi anh ngồi vào vị trí ban giám khảo, anh có biết
những việc làm của anh cần công minh hay không? Hay anh cũng chỉ cảm nhận là
mình đang đóng vai hề, hay một con rối? Con người ai cũng có những hoàn cảnh
khác nhau. Nhưng xin anh biết rằng, anh đang ngồi trên Đài truyền hình quốc gia.
Trên một trang mạng có một bài phân tích về "bi kịch Lê
Hoàng": "Hai tối cuối tuần, mở tivi lên là gặp Lê Hoàng. Thứ 7 gặp,
chủ nhật lại gặp! Vẫn dáng vẻ ấy, vẫn lời nói 'hơi mái' ấy, vẫn lối nhận xét
hài hước tưng tửng ấy. Lê Hoàng chễm chệ vị trí giám khảo các sân chơi giải trí
của Cát Tiên Sa, từ "Cặp đôi hoàn hảo" tới "Bước nhảy hoàn
vũ".
Năm trước xem Lê Hoàng thấy vui, năm nay xem Lê Hoàng
thấy... chán. Anh xuất hiện nhiều quá, nhiều tới nỗi người ta quên mất anh từng
là đạo diễn… Làm giám khảo vừa phải nói cho đủ thời lượng phát sóng trực tiếp,
lại cần thu hút, hóm hỉnh, hấp dẫn. Người có chuyên môn như Khánh Thi còn đỡ,
chứ như Lê Hoàng suốt ngày nhận xét chung chung, hoa lá kiểu quần áo, trang
phục, cảm xúc mới khổ… Nói nhiều, nói lắm và quanh đi quẩn lại một vấn đề kiểu
gì cũng vướng phải chuyện "hết cái mà diễn đạt". Nói cách khác, đã
tới lúc, Lê Hoàng hết chất xám.
Một yếu tố nữa, khán giả Việt Nam thuộc gu dễ tính, cả thèm nhưng
chóng chán. Nhìn mãi một ông Lê Hoàng sao không 'khó chịu' cho được. Đã từ lâu
khán giả không còn được thấy những phim kiểu "Lưỡi dao", "Ai
xuôi vạn lý"... thay vào đó là họ kêu gào phim dở, phim chán kiểu
"Tối nay 8h", "Cát nóng" của Lê Hoàng. Về điều đó, Lê Hoàng
có thể đổ lỗi cho tuổi già sức yếu, đổ lỗi mất thời gian mải mê làm giám khảo.
Khán giả kêu, kệ họ. Việc mình làm, cứ làm! Suy cho cùng, đạo diễn là một nghề,
giám khảo cũng là một nghề. Cả hai nghề đều không vi phạm đạo đức, pháp luật.
Vậy nên, ai đó chọn nghề dễ kiếm tiền và nổi tiếng là dễ hiểu. Vô cùng dễ
hiểu"!
"Hot blogger" Mèo Mun đã phân tích về sự nhàm chán
và nhạt nhẽo của vị đạo diễn vốn được coi là hài hước Lê Hoàng. "Hẳn các
bạn còn nhớ hành động "xé tem" trong bộ phim "Chinese Zodiac -
12 con giáp" của Thành Long chứ? Ngay sau khi đấu giá thành công 2 con tem
cổ duy nhất trên thế giới, vị đại gia đã lập tức xé nát một con tem trước sự
ngỡ ngàng và sửng sốt của hàng trăm quan khách. Ông ta tuyên bố con tem còn lại
bây giờ đã trở thành vô giá, vì nó là độc nhất vô nhị trên thế giới. Lẽ dĩ
nhiên, cái gì càng hiếm thì càng quý. Lê Hoàng đã làm điều ngược lại, và vị đạo
diễn này vi phạm vào quy luật gia tăng một cách nặng nề.
Lẽ ra, khi người ta đang phát cuồng lên với một giám khảo Lê
Hoàng chua ngoa, đanh đá mà sắc sảo, Lê Hoàng phải biết làm giá bằng sự tiết
chế cần thiết. Càng ít xuất hiện, Lê Hoàng càng có thời gian để làm mới bản
thân và khiến cho khán giả không nhàm chán. Đừng nghĩ rằng Lê Hoàng của
"Bước nhảy hoàn vũ" "nhạt nhẽo" hơn Lê Hoàng của "Cặp
đôi hoàn hảo". Lê Hoàng nào cũng vậy mà thôi, chỉ có điều, câu chuyện cười
kể lần một thì rất hay ho, lần hai thì bớt hay đi một chút và nếu kể đến lần
thứ 10 thì chẳng ai thấy nó buồn cười nữa cả"!
Khi giám khảo không
có chuẩn mực
"Thảm họa giám khảo" có vẻ như được bắt đầu từ khi
"The Voice" phát sóng. Trong đó, người được mệnh danh là thảm họa
không ai khác chính là Trần Lập, một rocker vốn kiệm lời bỗng nói nhiều và…
không làm chủ được giọng nói của mình. Mỗi lần Trần Lập nhận xét là giọng anh
như run lên, và anh nói một đằng nhưng… bấm nút một nẻo. Nhận xét về thí sinh
này rất tốt, nhưng anh lại lựa chọn… thí sinh khác!
Về sau, lên báo, anh giải thích là cần có một thời gian cho
thí sinh non nớt kia được rèn rũa và trưởng thành hơn. Mà anh quên mất rằng,
cuộc thi là cuộc chơi công bằng, khi anh ưu ái thí sinh này thì nghĩa là anh đã
không công bằng với những thí sinh còn lại. Thêm vào đó, những nhận xét của
Trần Lập thường xuyên bị cho là nhạt và kém duyên. Đàm Vĩnh Hưng cũng bị cho là
"thảm họa giám khảo" khi ngồi trên ghế nóng, anh bộc lộ khá rõ nền
tảng văn hoá của mình. Anh đem nhẫn kim cương ra dụ thí sinh, cũng như thường
xuyên nói, nếu em về đội của tôi, tôi sẽ giúp em tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc…
Đến nay cuộc thi kết thúc, các thí sinh trong đội Đàm Vĩnh
Hưng toả sáng hay chưa, hẳn ai cũng đã có câu trả lời. Cũng trong cuộc thi này,
Hồ Ngọc Hà cũng bộc lộ rõ tính cách của mình, đó là "quá thảo mai",
nói dài nói ngọt nhưng cuối cùng chính cô cũng chấp nhận những phương án mà có
vẻ như được tính toán từ trước. Tham gia The Voice, có vẻ như Thu Minh là điềm
đạm và được lợi nhiều nhất. Còn 3 giám khảo còn lại, ít nhất đều từng một lần
bị báo mạng gọi là "thảm họa giám khảo". Biết rằng, cuộc thi kéo dài
và sẽ có những lúc không hoàn hảo, nên các giám khảo khó tránh những lỗi khi
xuất hiện. Nhưng, cuộc thi càng kéo dài thì tính cách của giám khảo càng bộc lộ
rõ. Người ta mới nói, đường dài mới biết ngựa hay là vì vậy…
Nếu ai theo dõi truyền hình, hẳn cũng sẽ thấy mật độ xuất
hiện của đạo diễn Lê Hoàng khá dày và hai năm nay người ta bắt đầu gọi anh là
"thảm họa". Tự dưng cuối tuần anh lên tivi để cùng chị em phụ nữ tán
chuyện chăn gối, sau đó là liên tiếp xuất hiện trong các show truyền hình thực
tế làm giám khảo. Thấy thương nhất là anh nhận xét "Bước nhảy hoàn
vũ". Khánh Thy, nữ hoàng dance sport, liên tục phải "sửa lời"
cho ông hoàng nói liều này về những kiến thức chuyên môn trong bộ môn thể thao
khiêu vũ này.
Thành ra, tuy ít tuổi hơn nhưng Trần Ly Ly và Khánh Thy lại
có phần tử tế và khả kính hơn vị đạo diễn lão thành. Bởi họ phân tích sâu về
chuyên môn, chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của các thí sinh một cách đúng mực.
Đồng thời họ cho điểm một cách công bằng. Nếu một giám khảo chỉ là nói vài câu
linh tinh sau đó cho điểm theo cảm tính, thì giám khảo cũng giống những con rối
xuất hiện cho đỡ nhạt trò, còn mọi việc đã được sắp đặt từ phía sau, thì có lẽ
đây là câu chuyện riêng có của truyền hình thực tế ở Việt Nam. Hy vọng không
phải vậy!
Từ chối cũng là một
văn hóa
Chúng ta thường nói về các ca sỹ và diễn viên chạy show vì
không biết từ chối, đến khi ra sản phẩm bị chê dở thì ảnh hưởng tới uy tín và
tên tuổi. Chúng ta thường trách họ, sao mà quá tham tiền. Nhưng, những người
làm công việc sáng tạo như đạo diễn, nhạc sỹ… vốn được mệnh danh là những con
ong thầm lặng, cũng thích… ra mặt tiền và tham gia nhiều lĩnh vực không phải
của mình và không có kiến thức, thì họ tham cái gì? Phải chăng họ ham nổi
tiếng? Hay cũng chỉ vì tiền? Có lẽ chỉ có họ mới có câu trả lời chính xác.
Chúng ta rất vất vả để có được một chút danh tiếng từ tài
năng thực sự của mình. Lời từ chối, không phải chảnh chẹ, mà là để giữ gìn chút
danh thực sự đó. Nhưng đâu phải ai cũng đủ tỉnh táo để "say No"!