Tôi có một lòng kiêu hãnh và tự trọng quá đáng, đến độ đôi
lúc đâm biến thành… mặc cảm. Có lẽ không nhiều người biết sau mỗi lần ra một
cuốn sách, tôi thường gọi điện đến đơn vị phát hành và hỏi xem sách có bị ế hay
không. Phần vì các nhà sách thường rất kỳ vọng vào số lượng sách bán ra của
tôi, nếu sách ế thì tôi cũng ngượng với họ. Phần vì tôi luôn lo lắng một ngày
đẹp trời nào đó sẽ bị độc giả bỏ rơi. Đó chính là cái ngày tôi sẽ dừng bút.
Điều này cũng hệt như khi ta yêu một người và rồi đến một ngày người kia không
còn yêu ta nữa. Nhiều người có khả năng yêu đơn phương, còn tôi thì chịu. Tôi
không thể cứ cố yêu hoặc cứ cố viết khi độc giả thưa vắng dần.
Phẩm tính của nhà văn là trí tưởng tượng
Bùi Việt Thắng: Mỗi
người viết lúc khởi đầu sáng tác đều muốn chọn cho mình một bút danh, càng mới
lạ càng hay, càng gây sự chú ý của độc giả. Gần đây xuất hiện những bút danh lạ
như Keng (tên thật là Đỗ Thùy Linh), Hà Kin (tên thật là Vũ Thu Hà)... Còn Di
Li?
Di Li: Đến truyện
ngắn thứ ba thì tôi gửi đến báo Người Hà Nội, nhà thơ Bế Kiến Quốc lúc đó là
Tổng Biên tập đã gợi ý không nên đặt dưới tác phẩm của mình một cái tên, dù rất
đẹp nhưng đơn giản, dễ bị lẫn vào số đông. Rồi sau đó nhà thơ tài hoa này đã
tìm cho tôi một cái bút danh: Di Li (ghép hai chữ cái đầu của chữ đệm và tên).
Tôi nghĩ bút danh này sẽ đi suốt đời văn của mình. Tôi hay nghĩ nhiều đến từ
"định mệnh". Đôi khi một bút danh cũng là định mệnh vậy.
Bùi Việt Thắng: Theo
nhà văn có thể có một cách hiểu khác về cái gọi là "vốn sống" đối với
người sáng tác?
Di Li: Nhà văn
Mario Vargas Llosa cho rằng sự tưởng tượng thuần túy không tồn tại trong các
lãnh địa của văn học. Tôi cũng nghĩ như vậy. Trí tưởng tượng của nhà văn, dù có
bay bổng đến mức nào cũng phải bắt nguồn và gắn kết với trải nghiệm của nhà văn
đó, cho dù là thể loại khoa học viễn tưởng. Muốn viết truyện khoa học viễn
tưởng, nhà văn cũng phải hiểu rất nhiều về các ngành khoa học. Vì thế các nước
kém phát triển đâu có tồn tại thể loại này. Nhưng có trải nghiệm và văn phong
tốt mà không có trí tưởng tượng phong phú thì người đó sẽ không trở thành nhà
văn mà thành nhà báo thì tốt hơn.
Bùi Việt Thắng: Đúng
như thế! Sau khi đăng quang tại Cuộc thi truyện ngắn (2005-2006) do Tạp chí Văn
nghệ Quân đội tổ chức, từ năm 2007 đến 2012, DiLi đã ra mắt bạn đọc 6 tập
truyện ngắn, 1 tập bút kí, 1 tập tản văn, 1 tập chân dung văn học và một
tiểu thuyết dài ngót 600 trang (chưa kể các tác phẩm văn chương dịch từ tiếng
Anh và giáo trình tiếng Anh chuyên ngành Thương mại). Chưa tính đến sự đánh giá
của văn giới, chỉ tính đến công việc của một người vừa sáng tác vừa dạy học, đã
làm được trong chừng ấy thời gian, cũng đủ để nhiều người tâm phục khẩu phục!
Viết được như thế, theo DiLi, là nhờ có nhiều vốn sống hay nhờ vào trí tưởng
tượng?
Di Li: Trí tưởng
tượng tôi có từ lúc còn nhỏ, nhưng khi còn rất trẻ, tôi đâu có viết được. Thậm
chí cuốn Nhật ký mùa hạ đơn giản là những câu chuyện ghi lại hồi ức tuổi học
trò, vậy mà mãi đến năm ngoài 20 tuổi tôi vẫn chưa thể viết được. Tôi chỉ có
thể hoàn thành nó khi đã thật chín chắn. Vốn sống và trải nghiệm thường lại
không phải là thứ mà ta trải qua để rồi chép vào, mà chính là nguồn "đầu
vào" dồi dào để định hình nên tư duy và thế giới quan của nhà văn, để rồi
khi tưởng tượng thì trí tưởng tượng được phái sinh từ chính cái nền văn
hoá và thế giới quan của người đó. Vì thế, dễ hiểu khi đọc văn của một người,
ta hình dung ngay được xuất thân, giáo dục, tính dân tộc, tư duy thẩm mỹ… của
nhà văn đó.
Bùi Việt Thắng: Người
ta vẫn nói đến vai trò quan trọng của những "ấn tượng" đời sống đối
với người sáng tác. Trong quá trình viết, DiLi đã sống với những ấn tượng như
thế nào?
Di Li: Ấn tượng
đời sống, đối với một người bình thường, tôi nghĩ có khi quan trọng, có khi
không. Nhưng với nhà văn thì lúc nào cũng quan trọng. Chẳng hạn, cách đây hơn
mười năm, trong một chuyến đi rừng, tôi phải nghỉ lại ở một quán trọ ở thị trấn
Nho Quan (Ninh Bình), lần đầu tiên tôi nghe tiếng gió hú trong đêm. Lần đó tôi
đã trải qua nhiều cảm giác và cho đến giờ, tiếng gió hú đầu tiên ấy và cũng là
duy nhất ấy đã thuộc về kí ức, một kí ức luôn xao động những âm thanh thuộc về
miền bóng tối.
Bùi Việt Thắng: Viết
truyện ngắn, như người ta vẫn nói, rất cần những ấn tượng như thế. Vì mỗi
truyện ngắn là một trường hợp, một cảnh huống tâm trạng, một biến cố có ý nghĩa
bước ngoặt đời sống. Nhưng để viết được một cuốn tiểu thuyết dài như
"Trại Hoa Đỏ" thì Di Li đã huy động ấn tượng như thế nào?
Di Li: Tôi vẫn
nghe các nhà văn, nhà lí luận - phê bình chỉ ra rằng muốn viết tiểu thuyết cần
phải trường vốn, hiểu là vốn sống theo quan niệm truyền thống. Đúng là khi viết
một truyện ngắn, cần phải tựa vào một ấn tượng nào đó. Nhưng khi viết một tiểu
thuyết, nhất là tiểu thuyết dài như Trại Hoa Đỏ(gần 600 trang), thì ấn
tượng vẫn là chỗ dựa quan trọng, rất cần thiết, nhưng không đủ. Điều cốt
tử nhất là cần phải huy động tối đa trí tưởng tượng của nhà văn. Nhưng, dù là
tưởng tượng bay bổng đến đâu cũng phải trên một nền tảng hiện thực vững chắc.
Cái nền hiện thực ấy là tổng hợp những gì nhà văn đã sống, đã trải nghiệm, đã
chứng kiến, đã nghe kể, đã đọc…, rồi liên tưởng. Chẳng có tưởng tượng nào mà
không bắt đầu từ chân trời hiện thực. Mỗi khi viết xong một truyện ngắn, tôi
cảm thấy sảng khoái, nhẹ nhõm. Nhưng khi viết xong tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ,
bản thân cảm thấy như là kiệt sức. Kiệt sức vì đã vắt óc ra để suy nghĩ, để bài
binh bố trận vì viết tiểu thuyết là tổ chức một trận đánh lớn.
Bùi Việt Thắng: Ở
bìa 4 tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ" có dẫn một nhận xét: "Đọc Trại
Hoa Đỏ, dù có trí tưởng tượng phong phú, bạn cũng sẽ khó mà đoán được điều gì
về kết cục rất bất ngờ của câu chuyện" (hnv. vn). Như vậy là để viết được
một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, tác giả phải sở hữu một trí tưởng tượng lớn gấp
nhiều lần độc giả?
Di Li: Xin thú
thật là, tôi cũng chưa thể nói dứt khoát rằng trí tưởng tượng của nhà văn cần
phải lớn hơn độc giả nhiều lần, hay biết đâu ngược lại cũng nên! Thật ra thì
nhà văn, trước hết cũng là con người như đồng loại của mình mà thôi. Trí tưởng
tượng của một người là có giới hạn mà cuộc đời thì vô hạn. Đó là một mâu thuẫn
muôn thuở, nhà văn thời nào cũng phải đối diện.
Bùi Việt Thắng: Vậy
theo DiLi, bằng cách nào nhà văn nuôi dưỡng được trí tưởng tượng của mình để
sáng tác?
Di Li: Không thể
nuôi dưỡng trí tưởng tượng bằng nước lã được, cũng không thể bằng cách thủ công
là đi thực tế. Đi thực tế là để nạp vốn sống mới và gây cảm xúc, nuôi dưỡng cảm
xúc chứ không chỉ nhờ đi thực tế mà thành thông thái. Bởi vì tôi biết có người
Việt Nam
mình ở nước ngoài đến mười năm trời mà vẫn không nói được cho tử tế tiếng nước
sở tại. Một nguồn nuôi dưỡng trí tưởng tượng của nhà văn - đó là sách, là văn
hoá đọc. Có nhiều cách học, học trong đời sống, học trong sách vở, học bằng trí
tưởng tượng - đó là khả năng suy đoán, khả năng đặt giả thiết, khả năng phân
tích và tổng hợp. Và nữa, là tình yêu cuộc sống, con người đến cái mức đốt cháy
trái tim đến thành trí tuệ và đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim như một
nhà văn lớn đã nói.
Bùi Việt Thắng: Câu
hỏi cuối cùng đặt ra cho DiLi - Nếu như đến một ngày nào đó, khi cảm thấy năng
lực tưởng tượng của bản thân bị mai một, thậm chí không còn nữa, lúc đó liệu
tác giả của những cuốn sách có nhiều người đọc trong quá khứ, sẽ hành xử như
thế nào?
Di Li: Tôi có một
lòng kiêu hãnh và tự trọng quá đáng, đến độ đôi lúc đâm biến thành… mặc cảm. Có
lẽ không nhiều người biết sau mỗi lần ra một cuốn sách, tôi thường gọi điện đến
đơn vị phát hành và hỏi xem sách có bị ế hay không. Phần vì các nhà sách thường
rất kỳ vọng vào số lượng sách bán ra của tôi, nếu sách ế thì tôi cũng ngượng
với họ. Phần vì tôi luôn lo lắng một ngày đẹp trời nào đó sẽ bị độc giả bỏ rơi.
Đó chính là cái ngày tôi sẽ dừng bút. Điều này cũng hệt như khi ta yêu một
người và rồi đến một ngày người kia không còn yêu ta nữa. Nhiều người có khả
năng yêu đơn phương, còn tôi thì chịu. Tôi không thể cứ cố yêu hoặc cứ cố viết
khi độc giả thưa vắng dần. Nhiều nhà văn vẫn duy trì viết bằng cách níu kéo vào
một niềm tin mãnh liệt: Có thể bây giờ độc giả không hiểu nổi ta, có những danh
nhân đến thế kỷ sau mới được nhận diện kia mà. Tôi không nghĩ được như thế. Tôi
chỉ nghĩ rằng ở thời đại internet mà một phần triệu giây thông tin đã dội đến
toàn cầu, nếu không ai muốn đọc sách của tôi nữa thì là do tôi viết dở thật chứ
không phải do độc giả không đủ thông minh để nhận diện ra mình.
Bùi Việt Thắng: Cảm
ơn nhà văn DiLi đã tham gia cuộc trò chuyện lí thú và bổ ích này để giúp Quán
văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội liên tục phát triển và ngày càng phong phú,
hấp dẫn!
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội