Lần đầu tiên gặp nhau ở sân bay Lộc Ninh, Đỗ Nam Cao đã bị cô tù nhân  Trần Thu Hồng hút mất hồn! Hình như đòn roi hà khắc của nhà tù  không đủ sức làm thui chột tuổi xuân của cô gái xứ Quảng!  Khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt đen láy dưới cặp lông mày nét ngang  và mái tóc xanh mượt, Trần Thu Hồng toát lên vẻ đẹp hồn nhiên và  trong sáng. Đỗ Nam Cao viết những bài báo về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường cũng như trong lao tù của Trần Thu Hồng và làm thơ tặng cô. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó.  Khi Trần Thu Hồng ra Bắc an dưỡng và học văn hóa, từ chiến trường miền Nam, Đỗ Nam Cao  tìm mọi cách gửi áo ấm và  những lá thư động viên an ủi người yêu.




    TRÁI TIM ẤM ÁP VƯỢT QUA GIÔNG BÃO CUỘC ĐỜI

                                         MINH DIỆN
        
              Năm 1992, tôi viết bài báo “Chuyện làng Lòi”, kể về  thân phận những nữ Thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở quê tôi. Đó là những người  hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, hòa bình về quê,  bị lỡ dở, đành  kiếm một đứa  con an phận.  Nhưng các chị bị dư luận xã hội dị nghị, nên phải rủ nhau nhau ra bãi bồi ven sông  lập một cái làng nhỏ, lam lũ làm ăn, đùm bọc lấy nhau sống quãng đời còn lại. Một tuần sau khi đăng  bài báo ấy, Trần Thu Hồng, một cán bộ ở Công ty lương thực TPHCM tới gặp tôi, trao tận tay 5.000.000 đồng. Thu Hồng  nói: “Đọc bài báo của anh,  em thương các chị làng Lòi quá. Đây là tiền riêng của em gửi tặng các chị. Anh  trao cho các chị giúp em và cho em gửi lời thăm các chị!”. Tôi nói sẽ đăng tin Trần Thu Hồng gửi tiền cho chị em làng Lòi trên báo Tiền Phong, Trần Thu Hồng lắc đầu: “Đừng, việc em làm thấm  gì với các chị ấy!”.
              Bấy giờ, năm triệu đồng rất lớn, và đối với các cựu thanh niên xung phong làng Lòi đang hết sức khó khăn, thì tình cảm và vật chất mà Trần Thu Hồng dành cho họ không gì sánh được. Vì vậy khi vào miền Nam công tác, Anh hùng quân đội Trịnh Tố Tâm, Bí thư trung ương Đoàn,  đã bảo tôi đưa tới gặp Trần Thu Hồng, để anh thay mặt chị em cựu thanh niên xung phong trực tiếp cảm ơn chị. Tôi quen thân Trần Thu Hồng và chồng chị- nhà thơ Đỗ Nam Cao từ đó.

              Trần Thu Hồng sinh ra và lớn lên ở huyện Điện Bàn - Quảng Nam, gọi  Trần Thị Lý (người con gái mà  nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: “Điện giật dùi đâm dao cắt lửa nung. Không giết được em người con gái anh hùng”) bằng cô ruột. Năm mười tuổi Thu Hồng  theo các chú các anh hoạt động cách mạng. Năm 1968, mới mười ba tuổi, Trần Thu Hồng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa  bắt giam ở nhà tù Non Nước- Đà Nẵng sau đó đưa ra nhà tù Phú Quốc. Năm  1973, Trần Thu Hồng được trao trả ở sân bay Lộc Ninh.
             Trong số nhà báo đi đón  tù nhân ngày ấy có một phóng viên trẻ tên là Đỗ Cao Sơn, bút danh  Đỗ Nam Cao. Sinh ra và lớn lên ở làng Liên Hòa huyện Phú Xuyên- Hà Nội, Đỗ Nam Cao tốt nghiệp khóa 12, khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội, cùng khóa với Phạm Quang Nghị, Trần Thị Thắng, Lê Quang Trang… Sau đó Đỗ Nam Cao học Trường viết văn Quảng Bá của Hội nhà văn Việt Nam, cùng những cây bút tài năng  như Bế Kiến Quốc, Vũ Ân Thi, Nguyễn Thị Hồng....  Năm 1971, Đỗ Nam Cao vào chiến trường miền Đông Nam bộ, trực tiếp cầm súng và cấm bút trên các vùng đất nóng bỏng lửa khói  Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng...

                                   
Trần Thị Hồng tại buổi gặp mặt kỷ niệm 1 năm ngày mất Đỗ Nam Cao!



                 Lần đầu tiên gặp nhau ở sân bay Lộc Ninh, Đỗ Nam Cao đã bị cô tù nhân  Trần Thu Hồng hút mất hồn! Hình như đòn roi hà khắc của nhà tù  không đủ sức làm thui chột tuổi xuân của cô gái xứ Quảng!  Khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt đen láy dưới cặp lông mày nét ngang  và mái tóc xanh mượt, Trần Thu Hồng toát lên vẻ đẹp hồn nhiên và  trong sáng .
                 Đỗ Nam Cao viết những bài báo về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường cũng như trong lao tù của Trần Thu Hồng và làm thơ tặng cô. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó.  Khi Trần Thu Hồng ra Bắc an dưỡng và học văn hóa, từ chiến trường miền Nam, Đỗ Nam Cao  tìm mọi cách gửi áo ấm và  những lá thư động viên an ủi người yêu.
                Ngày Sài Gòn giải phóng họ gặp lại nhau,và  lễ cưới được tổ chức trong niềm vui chung cùa gia đình, bạn bè. Niềm vui được nhân lên, khi  tập thơ đầu tay “Những cánh cò lửa” của Đỗ Nam Cao  ra mắt bạn đọc  và sau đó  cô con gái đầu lòng của anh chào đời.

                Ai cũng nghĩ những cánh cò sẽ mãi mãi bay lượn trên cánh võng đứa con gái xinh đẹp, và ngọn lửa tình yêu sẽ ấm mãi gia đình  nhà thơ Đỗ Nam Cao, không ngờ  bi kịch đã giáng xuống đầu họ. Đang làm cán bộ tổ chức ở Quận ủy quận 1, Trần Thu Hồng được điều về Công ty lương thực TPHCM, do bà Nguyễn Thị Ráo- Ba Thi làm giám đốc. Ngày ấy tên tuổi Ba Thi nổi tiếng khắp ba miền. Bà từng “vác rá đi xin” từng lon gạo, cân thịt cho thành phố thời bao cấp. Bà là  một người liêm khiết, hết lòng vì  dân,  xốc vác dám nghĩ dám làm, được lãnh đạo các cấp hết sức tin tưởng, nhưng bà  quá tự tin đến mức đôi khi hơi duy ý chí. Bà phóng tay mở ra nhiều dự án ngoài khả năng quản lý của mình, để cho những kẻ cơ hội lợi dụng...
              Là một cán bộ năng nổ, Trần Thu Hồng trở thành cánh tay đắc lực của Ba Thi, trực tiếp tham gia các dự án  phát triển như một cơn lốc của nữ giám đốc lẫy lừng dạo ấy. Những khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu công nghiệp mọc lên. Các liên doanh, liên kết mở rộng từ Nam ra Bắc. Chỗ nào cũng có bóng dáng Trần Thu Hồng, xông xáo  như con thoi, thực hiện  những nhiệm vụ được giao. Người yêu  nhiều,  kẻ ghen ghét cũng lắm. Người ta ai cũng muốn nhiều hơn cái họ cần! Trần Thu Hồng rơi vào vũng xoáy quyền lực, tiền bạc và đố kỵ lúc nào không hay.

               Công ty lương thực TPHCM lao xuống vực, thua lỗ do đều tư tràn lan. Tất cả tội lỗi đổ lên đầu “cái con Hồng” dù không phát hiện Trấn Thu Hồng tham nhũng đồng nào. Trần  Thu Hồng phải trả giá thay cho cách nghĩ, cách làm vội vã của cấp trên. Cô bị bắt và bị tuyên án tử hình, rồi giảm xuống tù chung thân.
               Đó là những ngày kinh khủng nhất của Trần Thu Hồng.  Cô tuyệt vọng, có lúc hoảng loạn như bị tâm thần. Mới trước đó báo đài hết lời ca ngợi, bạn bè không đếm hết, có những người nhận chị, nhận em săn đón ân cần hơn ruột thịt. Tình hình thoắt đảo ngược, nhiều tờ báo  quay ngoắt lại xỉa xói, moi móc. Và những người anh, người em  ân cần ngày nào cũng  tránh xa, chỉ còn lại một vài người bạn chưa hề lợi dụng  cô, và người chồng có thời kỳ ly thân, vẫn ở bên cạnh chăm sóc sức khỏe, an ủi tinh thần và  gỡ oan trái giúp cô. 

        Một lần vợ chồng tôi tới thăm Trần Thu Hồng trong phòng giam. Nhìn cô tiều tụy, vợ tôi không cầm được nước mắt. Trần Thu Hồng khóc nói với chúng tôi: “Em thương anh Cao quá anh chị ơi! Anh ấy khổ vì em. Em đã có lỗi với anh ấy!”. Qủa thật  hiếm có người chồng nào giàu lòng vị tha và cao thượng như Đỗ Nam Cao. Anh quên  hết chuyện cũ, bỏ ngoài tai mọi lời ong tiếng ve, dồn hết tình cảm và lý trí chăm sóc và minh oan cho vợ.  Hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến  tháng khác, đằng đẵng suốt  mười năm trời, người đàn ông có vóc dáng  lênh khênh, mái tóc xòa ôm lấy khuôn mặt thi sỹ ấy, không ngơi nghỉ một ngày nào. Anh vừa làm việc kiếm đồng lương nuôi con, vừa đi gõ khắp các cửa kêu cứu cho vợ. Luât sư Phan Trung Hoài đã phải thốt lên: “Tôi không ngờ anh Đỗ Nam Cao sắt đá đến thế. Anh không chịu lùi bước trước bất kỳ trở lực nào!”

     Trong những tháng ngày ấy có hai “người bạn” gắn bó với Đỗ Nam Cao như bóng với hình , là rượu và thơ. Rượu giúp anh  khuây khỏa,  thơ giúp tâm hồn anh bình lặng, không chao đảo, không quắt quay! Bên chén rượu khuya, Đỗ Nam Cao viết những câu thơ  trên vỏ bao thuốc lá: “Cái thời thiếu vắng hơi ấm lửa/ Ta ngờ ta sống nửa tâm hồn/ Ta ngờ luôn nửa hồn ta còn lại!” và “Những chiếc lá bàng rơi màu đỏ thắm/ Anh cầm mà không thể buông ra” 
                                
                Sau mười năm,  nỗi oan ức được làm sáng tỏ, Trần Thu Hồng được trả lại những quyền lợi chính đáng. Cái quý giá nhất đối với Trần Thu Hồng khi được trả tự do không phải là của cải vật chất, mà là tình yêu  người chồng Đỗ Nam Cao đã dành cho chị. Nhà báo, nhà thơ chiến sỹ ấy đã với trái tim bền bỉ, đã vắt kiệt sức mình để giữ ngọn lửa tình yêu mà anh thắp lên giữa sóng gió cuộc đời.

               Nhà báo nhà thơ Đỗ Nam Cao bị bệnh ung thư gan, có lẽ do anh uống nhiều rượu trong những năm tháng đau buồn. Anh đã ra đi vĩnh viễn vào ngày 8-11-2011 , nhưng ngọn lửa tình yêu của anh vẫn cháy: “Làng ơi! Cúi lạy Thành Hoàng. Cho con được phép khẽ khàng thăm quê. Ngõ quen trâu dẫn lối về. Vườn xưa mất dấu trăng thề vườn xưa...” và “Tôi ôm con ghì Trường Sa vào ngực. Bãi đá ngầm cào rách thịt da tôi”! Mọi thứ đều tàn lụi, nhưng tình yêu thì không. Đỗ Nam Cao đã giành trọn vẹn tình yêu cho vợ con và quê hương xứ sở , và vì thế, tuy không phải là một người nổi tiếng, anh vẫn được trân trọng và  sống trong tim bè bạn và mọi người!