Dân gian xưa có câu: “Oai oái như Phủ Khoái xin cơm”. Giờ đây người Phủ Khoái không “oai oái xin cơm”, mà “oai oái kêu oan”. Một trong những nỗi oan của họ là đất đai, là sổ đỏ. Đại tá, nhà văn Lê Lựu là một trong những nạn nhân đang“oai oái” kêu oan trên mảnh đất tổ tiên mẹ cha để lại. Ngày về cố hương nước mắt nhà văn đã tuôn trào vì đất. Lê Lựu không đòi đất, không đuổi bà vợ cả ra đường, ông chỉ đòi trả lại tên mình trên mảnh đất tổ tiên cho ông là người thừa kế, trả lại tên ông chính chủ trên sổ đỏ là cái lí, sau đến cái tình, ông cho ai thì cho, dẫu biết ngày về gặp tổ tiên, ông cũng chẳng thể mang theo mảnh đất này…



CHUYỆN NHÀ LÊ LỰU

NGHIÊM THỊ HẰNG

Tháng 3/2013, nhà văn Lê Lựu gửi đơn tới UBND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đề nghị giúp đỡ đòi lại ngôi nhà 2 tầng và mảnh đất 545 m2 tại xóm Trung Hòa, thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là tài sản của bố mẹ để lại, nhà văn Lê Lựu là người thừa kế hợp pháp nhưng bị bà Hoàng Thị Mỹ (người vợ ông đã ly hôn ngày 11/4/1974 tại bản án số 38/PT-LH) đứng tên chiếm đất thừa kế của ông. Bà Mỹ được UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) cấp sổ đỏ số 0856461 ngày 30/11/1994, vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1046/QSDĐ… Tại bản án ly hôn phúc thẩm giữa nhà văn Lê Lựu và bà Hoàng Thị Mỹ (người vợ cả), TAND tỉnh Hưng Yên tuyên bà Mỹ được đền bù công sức trong khối tài sản trị giá 1 nghìn đồng (hồi đó có thể mua được mấy sào vườn ở nông thôn). Sau ly hôn, bà Mỹ vẫn lưu cư ở tại nhà chồng. Năm 1978, mẹ nhà văn Lê Lựu chết, hai anh em Lê Lựu được thừa hưởng nhà cửa trên diện tích 1.000 m2, trong đó phần của nhà văn có diện tích đất trên 545 m2 và ngôi nhà nơi bà Mỹ đang lưu cư.

Năm 2000, Lê Lựu đã về xây lại nhà thờ tổ họ Lê trên mảnh đất này. Năm 1994, bà Mỹ đã nhận đây là đất của mình, làm thủ tục đứng tên sổ đỏ, chiếm nhà đất hương hỏa của mẹ cha để lại cho nhà văn. Vài năm nay ông mới biết chuyện này, khi người vợ cũ đưa sổ đỏ và nói: "Ông làm gì có đất mà về trồng cây với cối".

Thửa đất của cha mẹ để lại, Lê Lựu được thừa kế, có trong bản đồ của làng của xã từ năm 1960. Đến năm 1986, thời kì đổi mới trong nông nghiệp có Khoán 100, người ta mới đo lại bản đồ ruộng đất, chủ yếu là đất ruộng để giao ruộng khoán sản phẩm cho nông dân.
Sau Khoán 100 đến Khoán 10 vào năm 1993 trở đi, trong nông nghiệp đo lại ruộng đất từ đất thổ canh đến đất thổ cư, làm sổ đỏ để đóng thuế nhà đất và thuế nông nghiệp hằng năm. Đó là bản đồ địa chính (ruộng đất lần thứ 3) từ sau năm 1954. Từ đây đẻ ra sổ đỏ là nguyên nhân của các cuộc khiếu kiện đất đai, có không ít cảnh tan nát gia đình, dòng họ. Nhà văn Lê Lựu là một trong số các nạn nhân.

Không muốn đưa người vợ đã ly hôn cách đây 40 năm ra toà về việc chiếm đất đai của mình, nhà văn muốn giải quyết nội bộ gia đình. Biên bản họp gia đình bàn quyền sử dụng đất thổ cư ngày 18/4/2012 có nhà văn Lê Lựu, bà Mỹ, con gái ông và 6 người trong dòng họ Lê, thống nhất: “Ông Lê Lựu có quyền sử dụng mảnh đất và tài sản trên mảnh đất này đến khi từ trần”.
Biên bản có chữ kí của các thành viên trong gia đình, xác nhận của trưởng thôn, cán bộ địa chính xã, có dấu của Chủ tịch UBND xã và huyện. Nhưng ngay cả nội dung biên bản này cũng không đúng luật, vì chủ đích cuộc họp không xác nhận quyền thừa kế, chủ sở hữu đất đai tài sản của ông Lê Lựu. Nhưng dù sao biên bản này cũng khẳng định Lê Lựu là người có quyền sử dụng đất, không phải là bà Hoàng Thị Mỹ. Trớ trêu thay, bà Mỹ người đang ở nhờ lại được cấp sổ đỏ.
Người ta nói mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Lê Lựu và gia đình ông không muốn tranh chấp xảy ra, cả 3 người con của ông cũng không muốn thế, nhưng chân lí thì chỉ có một, còn tình cảm thì có đôi đường dăm ngả. Chuyện nhà Lê Lựu, phải nói về pháp luật trước, nhà văn đòi quyền sử dụng đất trên mảnh đất tiên tổ mình để lại là hoàn toàn đúng. Các nhà văn, nhà báo, các nhà luật pháp, thương yêu bà Mỹ đến mấy, cũng không thể tìm ra điều khoản nào cho bà Mỹ được thừa kế mảnh đất của tổ tiên ông Lê Lựu để lại?

Mặc dù có biên bản ngày 18/4/2012 nhưng Lê Lựu cho rằng bà Mỹ không thực hiện như cam kết vẫn gây khó khăn cho cho nhà văn khi trở về nhà vì danh chính ngôn thuận hiện tại bà Mỹ vẫn là chủ đứng tên sổ đỏ mảnh đất này. Do những mâu thuẫn trên, ngày 25/6/2013, theo đề nghị của nhà văn Lê Lựu, UBND xã Tân Châu tổ chức buổi hoà giải về đất đai giữa nhà văn Lê Lựu và bà Hoàng Thị Mỹ.

                          

Cả 9 thành viên đại diện cho chính quyền và các đoàn thể của xã Tân Châu và bà Mỹ đều cố tình biến phiên hoà giải xác định rõ chủ đất đai là nhà văn Lê Lựu thành nội dung để bà Mỹ kể công nuôi con, kể tội người chồng phụ bạc. Bà Mỹ nói: Nay tôi chỉ biết ơn nhờ và trông cậy vào chính quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi, người phụ nữ bị chồng phụ bạc, ở vậy nuôi mẹ chồng, con chồng, hiếu thuận với gia đình nhà chồng cả cuộc đời...

Lê Lựu có thể về chính ngôi nhà của mẹ cha để lại, nhưng là kẻ ở nhờ, vì người chủ đứng sổ đỏ hiện nay là bà Mỹ. Nhà văn dứt khoát: “Tôi không đòi đất, không đuổi bà Mỹ ra đường, bà Mỹ vẫn sống ở nhà này, chết thờ ở nhà này, nhưng bà Mỹ phải trả lại tên tôi trên sổ đỏ mà bà gian dối đứng tên, tôi phải đòi lại quyền sở hữu đất đai thừa kế của tôi, đó là sự thật đúng pháp luật”.

Cán bộ tư pháp xã ông Lê Văn Hải cũng như mọi thành viên trong ban hoà giải đều nói: “Bây giờ ông bà già rồi, chết cũng chẳng mang được đất đai đi thế thì tên ai cũng được, trước sau cũng chuyển tên cho chị Lương”. Bà Mỹ không đồng ý vì sợ chuyển tên cho chị Lương (con gái của Lê Lựu và bà Mỹ) ngộ nhỡ Lương lại đuổi bà ra khỏi nhà. Còn nhà văn Lê Lựu chua chát: “Tôi là người được hưởng thừa kế, tôi chưa có tên chủ sở hữu thì có gì để chuyển đất cho Lương?".