Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế với tư cách chủ biên cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” phản hồi bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Vừa rồi, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhà thơ Trần Đăng Khoa, vốn là nhà thơ chúng tôi yêu mến, lên tiếng bức xúc về cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do tôi và các cộng sự thực hiện mới xuất bản gần đây đã “xâm phạm bản quyền”  (Đi đánh thần hạn) của anh. Nhưng thực tế, khi biên soạn công trình này, chúng tôi không hề có ý định “cầm nhầm” và biến báo mà đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc được nêu trong phần đầu công trình. Để nhà thơ và bạn đọc hiểu rõ, chúng tôi xin được thưa lại vài điều như sau…”



Đôi lời thưa lại nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc 
      về cuốn "Từ điển type truyện dân gian Việt Nam"

NGUYỄN THỊ HUẾ 

1. Cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do một tập thể biên soạn, PGS.TS. Nguyễn Thị Huế chịu trách nhiệm chủ biên. Đây vốn là một công trình cấp Bộ. Sau khi được Hội đồng nghiệm thu thông qua, chúng tôi đã tiến hành sửa chữa, bổ sung trên cơ sở góp ý của Hội đồng và công bố vào cuối năm 2012 đầu năm 2013, với tổng số trang in là 1099 trang, khổ 16 x 24 do Nhà xuất bản Lao động ấn hành. Mong muốn của chúng tôi là công trình sẽ cung cấp cho bạn đọc phổ thông cũng như các nhà chuyên môn danh mục truyện dân gian Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và hữu ích. Đây là cuốn sách thuộc dạng tra cứu, giúp tra cứu nguồn truyện kể dân gian Việt Nam theo từng type (kiểu truyện). Cuốn sách được ra đời trên cơ sở tập hợp gần 220 đầu sách sưu tầm, biên soạn truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam của các nhà sưu tầm biên soạn từ trước đến nay. Nhóm biên soạn  đã liệt kê nguồn xuất xứ các công trình sưu tầm biên soạn này với đầy đủ các thông tin (người sưu tầm biên soạn, tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản…) ở mục Bảng viết tắt và danh mục sách biên soạn (tr. 29- tr. 45). Từ đó chúng tôi xây dựng 761 mục từ, cũng tức là 761 danh mục type (kiểu truyện) với 2270 cốt truyện dân gian. Như mục Phàm lệ biên soạn đã nêu rõ “Khác với các tuyển tập, bộ thư mục này không bao gồm toàn bộ nội dung của một câu chuyện nào mà chỉ có phần tóm lược theo kết cấu cốt truyện của một bản truyện kể đại diện hoặc là tổng hợp các bản kể. Phần tóm tắt này được trình bày kết hợp với việc lập danh sách liệt kê tên gọi của tất cả các văn bản truyện kể khác nhau của truyện đó và được gọi là một type truyện hay một kiểu truyện được sắp xếp theo từng thể loại và đánh số thứ tự”.

2. Chúng tôi ý thức được sự khó khăn khi phải bao quát số lượng lớn truyện kể cũng như việc tổ chức, sắp xếp sao cho hợp lý các mục từ để thuận tiện cho việc tra cứu của người đọc.  Công việc ấy đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ cụ thể, nhưng mặt khác, chúng tôi cũng hiểu, quả thật công trình rất khó tránh khỏi những thiếu sót,  bất cập. Bởi vậy, với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn mong nhận được những đóng góp để công trình được hoàn thiện hơn.
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về công trình của chúng tôi với một số ý kiến đóng góp, đặc biệt, trực tiếp đề cập đến mục từ số 8: Đi đánh thần hạn (tr.60). Xin được tóm lược nội dung mục từ đó như sau:
-         Số lượng bản kể:
Đi đánh thần hạn (Kinh)
           VHDGBL, 4-6
-         Dân tộc: Kinh
-         Vùng lưu truyền: Miền Nam
Thần Hạn hán uống rượu nhiều, khát nước hút cạn hết nước sông do thần Mây, thần Gió mang tới. Người kéo nhau đi kiện. Chàng trai cùng các vật giúp người đi kiện:
-         Sói làm đạn
-         Cây thông làm mũi tên
-         Cây dừa làm kiếm
-         Cây mía làm dao, mác
-         Cua xin làm ngựa
Đạn sói bắn mù mắt thần Hạn hán, nước mắt thần chảy thành cơn mưa, máu thần thành bảy sắc cầu vồng mũi thần khạc ra sấm.
Để tránh lan man, dài dòng làm mất thì giờ của bạn đọc, chúng tôi xin nói về ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa về sự  liên quan giữa  sử thi - truyện thơ  Đi đánh thần hạn do anh sáng tác và mục từ truyện số 8 Đi đánh thần hạn trong công trình như sau:
Trong mục từ trên, cụm từ viết tắt VHDGBL, 4- 6 là nhằm chỉ nguồn tư liệu mà chúng tôi sử dụng, đó là cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu (Tư liệu số 208 ở Bảng viết tắt…),  do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005. Đây là công trình do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH&NV - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, kết quả của các đợt sưu tầm ( với 34 lượt giảng viên và 474 lượt sinh viên trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu). Thời gian sưu tầm là từ 29-10-2002 đến 17- 11- 2002 và từ 07- 04-2003 đ ến 26-04-2003 (trích Lời nói đầu). Đây chính là nguồn tư liệu mà chúng tôi đã sử dụng để biên soạn mục 8 của Từ điển.
Truyện mà chúng tôi dựa vào để tóm tắt là truyện Đi đánh thần hạn được  xếp ở phần Thần  thoại (từ trang 4 đến trang số 6). Từ khi cuốn sách Văn học dân gian Bạc Liêu được công bố đến nay đã có một độ lùi về thời gian và trong thời gian ấy không hề có một  ý kiến phản hồi nào nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm sử dụng những bản kể trong đó ( có công khai nguồn trích dẫn, sử dụng). Năm 2011,  Văn học dân gian Bạc Liêu được nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản có bổ sung. Truyện Đi đánh thần hạn (từ trang 29 đến trang 31) cũng có nội dung như bản kể năm 2005. Như vậy, về nguyên tắc chúng tôi đã sử dụng văn bản truyện kể đều có xuất xứ và ở dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản.

3. Như đã nói, việc nhà thơ Trần Đăng Khoa  chỉ ra có sự trùng tên, trùng nội dung giữa tác phẩm của anh và tác phẩm của anh và mục từ Đi đánh thần hạn trong công trình đối với chúng tôi thật sự là một bất ngờ. Về phần mình, chúng tôi xin thừa nhận, do chuyên về nghiên cứu văn học/ văn hóa dân gian nên chúng tôi không có điều kiện đọc hết những sáng tác văn học hiện đại, trong đó có sử thi - truyện thơ “Đi đánh thần hạn” của anh, mà theo anh thì Nhà xuất bản Kim Đồng đã in đi in lại nhiều lần. Đây là một thiếu sót đáng tiếc của nhóm biên soạn, trước hết là của chủ nhiệm công trình. Nếu được đọc tác phẩm của anh thì chắc chắn chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng bản kể “Đi đánh thần hạn” trong công trình “Văn học dân gian Bạc Liêu”.
Cũng xin được nói thêm rằng, ngoài việc sử dụng nguồn truyện Đi đánh thần hạn trong cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu, chúng tôi không hề sử dụng một nguồn tư liệu nào khác.  Vậy nên nếu như có mối liên quan nào giữa truyện kể “Đi đánh thần hạn” của Bạc Liêu với sử thi - truyện thơ “Đi đánh thần hạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa thì chúng tôi không hề “phù phép” hay “nhầm lẫn” vì nhóm biên soạn thực hiện công trình trên nguồn tư liệu theo hình thức gián tiếp chứ không có điều kiện trực tiếp điều tra về mối liên quan giữa hai tác phẩm. Nhưng dù muốn hay không, cũng tôi cũng xin thành thật xin lỗi vì sự bất cẩn này (mặc dù, chúng tôi không sai, không vi phạm nguyên tắc biên soạn công trình theo nguyên tắc folkloer học).
Từ vấn đề trên đây, chúng tôi cũng xin được nói đến một hiện tượng thú vị là sự dân gian hóa các tác phẩm văn học viết. Rất có thể người dân Bạc Liêu đã cung cấp một câu chuyện được một nhà thơ sáng tác ( cụ thể là Trần Đăng Khoa) mà họ đã dân gian hóa và tưởng là sản phẩm văn học dân gian cho các soạn giả cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu (mà chúng tôi đã sử dụng như là nguồn dẫn cho công trình của mình).

Trong lịch sử văn học, hiện tượng văn học viết có nguồn gốc từ truyện kể, hay thơ ca dân gian hoặc ngược lại (dân gian hóa văn học/ truyện kể thành văn)  cũng là một hiện tượng phổ biến được nhiều người biết đến. Thí dụ, từ truyện Quan Âm Thị Kính đã được tác giả truyện thơ Nôm xây dựng thành truyện Nôm cùng tên, hoặc từ truyện cổ tích Trạng Gầu đã đựơc viết thành truyện Tống Trân Cúc Hoa, hoặc từ truyện cổ tích Tú Uyên Giáng Kiều đã được viết thành truyện Bích câu kỳ ngộ. Chúng tôi cũng có thể lấy ví dụ trong thơ ca, chẳng hạn bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
                                             (Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, 1928)
được cho là có nguồn gốc từ bài thơ của Lý Thân (780 – 846) đời Đường mà nhà thơ Khương Hữu Dụng đã dịch trong tập Thơ Đường (Nhà xuất bản Văn hoá, Viện Văn học, 1962):
Xới lúa trời đứng bóng
Mồ hôi đổ xuống đồng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng
      Hoặc như  bài ca dao về Hà Nội mà ai nấy đều thuộc:
Gió đưa cành trúc la đ à
Tiếng chuông Trấn V ũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
                            (Tục ngữ ca dao dân ca Vi ệt Nam của Vũ Ngọc Phan (1956)
lại được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê (1839 – 1902) được in trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ X ương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt  gương Tây Hồ
Theo đó thì một tác phẩm văn học được phổ biến trong dân gian ( khiến nhiều người nhầm tưởng là thơ ca dân gian) nhưng hoá ra lại là tác phẩm của một nhà thơ nhà văn cụ thể nào đó mà không phải ai cũng biết và ngược lại. Những hiện tượng trên có thể dẫn ra rất nhiều, và đây thực sự là câu chuyện thú vị những cũng hết “chông gai” trong việc phân định các loại hình văn học  cả đối với cả người sáng tác lẫn nghiên cứu văn học, nghiên cứu folklore. Các nhà folklore đã gọi hiện tượng này là tác phẩm folklore có nguồn gốc văn học.
Là những người gắn bó với công tác nghiên cứu lâu năm, ý thức nghiêm cẩn về nghề nghiệp, chúng tôi xác định mỗi kết quả đạt được phải bắt đầu từ mồ hôi và công sức của mình. Xuất phát từ ý thức như thế, chúng tôi thực lòng mong muốn cuốn sách  của chúng tôi sẽ là một đóng góp nhỏ bé vào quá trình nghiên cứu văn học dân gian cũng như truyện kể dân gian Việt Nam. Biết rằng, công trình khó tránh khỏi những sai sót, chúng tôi xin được đón nhận những ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan, và công bằng, thiện ý của bạn đọc cũng như những nhà chuyên môn.

                               

Hiện nay, dư luận đang lên án gay gắt nạn xâm phạm bản quyền cũng như nạn học giả, bằng giả, nạn tiêu tốn tiền thuế của dân đã trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn nạn này. Nhưng thiết nghĩ, sau khi lắng nghe ý kiến của chúng tôi, nhà thơ và bạn đọc sẽ hiểu hơn vấn đề: công trình của chúng tôi không hề sử dụng tác phẩm của nhà thơ với dụng ý ngoài khoa học mà biên soạn trên nguồn tư liệu đã được công bố cách đây 8 năm về trước và được tái bản cách đây 2 năm.

Nhân đây, chúng tôi  cũng xin được gửi tới nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc bản scan bìa sách Văn học dân gian Bạc Liêu và toàn bộ nội dung truyện kể Đi đánh thần hạn để tiện theo dõi và so sánh.
Trân trọng!