Theo Ðỗ Thị Thoan và PGS, TS Nguyễn Thị Bình, sản phẩm của
Mở Miệng là "sự phát triển" của thơ Việt Nam? Chọn góc nhìn văn hóa để tiếp
cận cũng tức là phải sử dụng các giá trị có tính văn hóa để định tính đối
tượng, vì thế chẳng lẽ họ lại coi sự tục tĩu, tính phản văn hóa trong sản phẩm
của Mở Miệng là sự phát triển? Nếu thật sự hiểu biết về văn hóa và về tính văn
hóa trong các sản phẩm do con người sáng tạo, họ sẽ tự thấy, không cần tới
"áp lực chính trị", và càng không cần tới "cơ quan an ninh văn
hóa", không có bất kỳ cơ quan truyền thông nào lại muốn đăng tải "thơ
rác, thơ dơ" của Mở Miệng. Công bố loại sản phẩm đó là tự đặt vào thế đối
lập với quan niệm, thị hiếu lành mạnh của công chúng.
NHÂN DANH “NGHIÊN CỨU” ĐỂ CA NGỢI THỨ “THƠ” RÁC RƯỞI
CẨM KHÊ
Hơn mười năm trước, trên internet xuất hiện loại sản phẩm
được gọi là "thơ" của một số người mà sau khi công bố, đã lập tức
được định danh là "thơ rác, thơ dơ". Rồi cùng với thời gian, được vài
ba cây bút là người Việt ở nước ngoài cổ vũ, mấy người viết này không dừng lại
ở thứ ngôn từ tục tĩu mà đã đi xa hơn, bằng việc sử dụng sản phẩm của họ để
công kích một số giá trị cao quý của dân tộc, công kích chế độ xã hội. Và đáng
tiếc, tại một trường đại học, thứ "thơ" chủ yếu trôi nổi trên
internet ấy lại có người nghiên cứu, ca ngợi, và có thể đã được truyền bá trên
giảng đường?
Cuối tháng
12-2011, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) ra thông cáo báo chí về
việc tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Những tiếng nói ngầm: thơ Việt Nam
hậu đổi mới" - thảo luận về một xu hướng vận động trong thơ Việt Nam đương
đại, trong đó khẳng định: "Buổi thảo luận là một nỗ lực đưa ra những kiến
giải về xu hướng vận động của văn chương "ngầm" trong bối cảnh nghệ
thuật phi chính thống Việt Nam, một xu hướng đã nổi lên và phát triển như một
đối trọng văn hóa đáng kể với văn chương dòng chính trong sự thoái trào của làn
sóng Ðổi mới và bối cảnh toàn cầu hóa, từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước
đến nay... Nhã Thuyên sẽ trình bày một phần kết quả nghiên cứu trong dự án cá
nhân Những tiếng nói ngầm trong thơ Việt Nam hậu đổi mới, trong đó nhấn mạnh
vào sự cần thiết của việc hiểu bối cảnh hình thành, phát triển, sự tiếp nối/đứt
đoạn của thơ Việt Nam đương đại với truyền thống, quá trình bên lề hóa như một
nỗ lực khẳng định những tiếng nói khác trong văn chương, với sự đề cập sâu hơn
ở các hiện tượng thơ như nhóm Mở miệng và các nhà thơ bên lề khác". Sau
đó, dù cuộc tọa đàm không tiến hành thì theo Nhã Thuyên, tạp chí Tia sáng và
Không gian sáng tạo Trung Nguyên đã cho chị "cơ hội để công bố một phần
kết quả nghiên cứu của mình trong buổi thuyết trình thay thế Một góc thơ Việt Nam
đương đại vào ngày 23-6-2012".
Từ sự kiện này,
một câu hỏi đặt ra là: Công trình nghiên cứu của Nhã Thuyên có giá trị tới mức
nào để L’Espace tổ chức tọa đàm? Câu hỏi này có lẽ chỉ người liên quan mới có
thể trả lời. Còn đọc Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên công bố trên một trang
mạng của người Việt ở nước ngoài và so sánh với Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ
văn (bản hiện lưu tại Thư viện Ðại học Sư phạm Hà Nội có số V-LA1/4784 - Luận
văn) của Ðỗ Thị Thoan - tức Nhã Thuyên, do PGS, TS Nguyễn Thị Bình hướng dẫn,
bảo vệ năm 2010 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với đề tài Vị trí của kẻ bên
lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa sẽ thấy mối khăng khít
giữa hai văn bản, nếu không nói Những tiếng nói ngầm thoát thai, mở rộng từ
Luận văn. Vì thế, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Thơ của nhóm Mở miệng có
giá trị như thế nào để Trường đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện một luận văn thạc
sĩ và bảo vệ thành công 10/10; và từ góc nhìn văn hóa, Ðỗ Thị Thoan cùng người
hướng dẫn đã đánh giá ra sao về các sản phẩm của Mở miệng?
Giữa những năm
90 của thế kỷ trước, một vài trang mạng ở nước ngoài công bố sản phẩm của một
số người viết ở trong nước tụ tập trong nhóm tự đặt tên là Mở miệng. Thời kỳ
đầu, mấy người này chủ yếu lấy thơ của tác giả khác rồi sửa sang, thêm thắt để
biến thành của mình. Như từ bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Bùi Chát đã chế
tác thành Thời hoa đỏ lè với các câu như:
"Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao nhậu - Anh nắm tay em bước dọc con
đường vắng vẻ..." và có người gán cho công việc đó cái nhãn hiệu mỹ miều
là "giễu nhại"! Dần dà, mấy người trong Mở miệng bắt đầu công bố các
văn bản chứa đầy thứ ngôn từ tục tĩu mà dẫn lại ở đây sẽ là xúc phạm văn hóa,
xúc phạm thơ ca, và chắc chắn cả những người ca ngợi cũng không thể đọc cho con
cái họ nghe. Và rồi, Mở miệng không dừng lại ở sự tục tĩu, họ đã dùng
"thơ" để công khai bày tỏ thái độ chống đối, phỉ báng một số giá trị
cao quý của văn hóa dân tộc.
Sự xuất hiện của
thứ "thơ" bẩn thỉu này sớm bị phê phán, như đầu năm 2006 báo Công an
TP Hồ Chí Minh đăng bài Nhóm "Mở miệng" với thứ rác rưởi được gọi là
thơ của Trúc Linh. Về "thơ" của một số người, trong đó có nhóm Mở
miệng, nhà thơ Triệu Lam Châu khẳng định: "Tâm hồn chân chính của mỗi bạn
đọc yêu thơ cần phải tăng cường sự miễn dịch đối với những loại thơ như vậy
hoặc tương tự như thế!". Có thể coi đánh giá của Hoàng Lan trên một
website của người Việt ở nước ngoài là phù hợp sản phẩm đó: "Cảm giác
chung khi tiếp cận những bài thơ trên là một cảm giác không thoải mái chút nào,
không "thơ" chút nào. Người đọc bị cuốn vào một thế giới xô bồ, bực
bội, bế tắc, đạp đổ và văng tục vào tất cả... đọc những bài thơ trên đây, người
đọc bị choáng trong một thế giới mà ở đó ý thức văn hóa, ý thức về cái đẹp, ý
thức về những quan hệ nghĩa tình gia đình, cộng đồng, dân tộc không còn nữa, mà
nhường chỗ cho cái tôi cực đoan ít nhiều đã bị tha hóa... đọc những bài thơ ấy
người đọc bình thường sẽ bỏ đi. Vì trong khi đối thoại với nhà thơ, họ luôn bị
nhà thơ văng tục vào mặt (...), luôn phải hứng chịu những bực bội, những đập
phá, những hành vi thiếu văn hóa của nhân vật trong thơ. Ðiều đáng thương là
không biết nhà thơ bực bội vì cái gì, muốn văng tục vào cái gì, muốn đạp đổ vào
cái gì"!
Song Ðỗ
Thị Thoan và người hướng dẫn lại coi sản phẩm của Mở miệng: "hấp dẫn cộng
đồng nghệ thuật và giới trí thức trong/ngoài nước, như biểu hiện của nỗ lực
trên hai phương diện của nghệ sĩ: đổi mới nghệ thuật và đòi hỏi tự do ngôn
luận" (Luận văn, tr.4). Trong Luận văn, sau khi phân tích rối rắm về
"dòng chính" và "dòng ngầm" rốt cuộc, Nhã Thuyên cùng người
hướng dẫn muốn hướng tới sự "thừa nhận chính thức" với sản phẩm của
Mở miệng. Vì với họ: "Dưới áp lực chính trị, truyền thông dòng chính nhìn
dòng văn chương này với con mắt kiêng dè, xa lánh, vì "không chính
thống". Cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn
chặn sự phát triển này" (Luận văn, tr.4)! Như vậy, theo Ðỗ Thị Thoan và
PGS, TS Nguyễn Thị Bình, sản phẩm của Mở miệng là "sự phát triển" của
thơ Việt Nam?
Chọn góc nhìn văn hóa để tiếp cận cũng tức là phải sử dụng các giá trị có tính
văn hóa để định tính đối tượng, vì thế chẳng lẽ họ lại coi sự tục tĩu, tính
phản văn hóa trong sản phẩm của Mở miệng là sự phát triển? Nếu thật sự hiểu
biết về văn hóa và về tính văn hóa trong các sản phẩm do con người sáng tạo, họ
sẽ tự thấy, không cần tới "áp lực chính trị", và càng không cần tới
"cơ quan an ninh văn hóa", không có bất kỳ cơ quan truyền thông nào
lại muốn đăng tải "thơ rác, thơ dơ" của Mở miệng. Công bố loại sản
phẩm đó là tự đặt vào thế đối lập với quan niệm, thị hiếu lành mạnh của công
chúng. Do đó, trong tiểu mục Những khoảng trống (Luận văn, tr.14) việc đặt ra
câu hỏi: "nghiên cứu, phê bình liệu có thể tiếp cận như một sự chia sẻ và
tương tác mạnh mẽ với các hiện tượng đương đại nếu bản thân nó mang đầy định
kiến?" là cố tình đổ lỗi cho nghiên cứu và phê bình. Và dù không có định
kiến, với sản phẩm của Mở miệng, người đọc - bằng các tiêu chí văn hóa của họ,
vẫn có thể phê phán và tự thanh lọc khỏi bộ nhớ. Xét đến cùng, vay mượn quan
niệm về "dòng chính", "dòng ngầm" trong cấu trúc văn hóa
chỉ là phương cách tạo dựng ra một "giả lý thuyết" nhằm biện hộ cho
mục đích mà Ðỗ Thị Thoan và người hướng dẫn muốn hướng tới. Cho nên, cũng chỉ
là ngụy biện khi tác giả Luận văn viết: "Cách ứng xử với hiện tượng văn
học dưới các góc nhìn và cách tiếp cận thuần văn học, chỉ tập trung vào văn bản
sẽ trở nên thiếu chính xác khi văn chương hiện nay đang nỗ lực tham dự vào một
bối cảnh rộng hơn, khi nó là biểu hiện của một cấu trúc xã hội - văn hóa đang
biến động"!
Huy động
tổng lực các đánh giá và ý kiến cổ vũ Mở miệng đã công bố trên internet, Ðỗ Thị
Thoan cố gắng "trường quy hóa" trong bản Luận văn để được mặc nhiên
thừa nhận, từ đó sẽ biến "ngoại vi" thành "trung tâm", biến
"dòng ngầm" thành "dòng chính", biến "phi chính
thống" thành "chính thống", biến "phản văn hóa" thành
"văn hóa"? Ðặt ra câu hỏi này là có lý do, bởi Luận văn này dành hẳn
trang 16 chỉ để cật vấn tại sao cái dòng "văn chương" mà chị gọi là
"bên lề" ấy lại không được "giải mã đúng lúc, không được thừa
nhận, chứ chưa nói đến sự thấu hiểu". Vậy Luận văn đã "giải mã, thấu
hiểu" như thế nào? Trong khuôn khổ một bài báo, không thể đưa ra đầy đủ
dẫn dụ, chỉ có thể kết luận Ðỗ Thị Thoan cố gắng chứng minh Mở miệng ra đời là
một tất yếu, là "một nhóm văn hóa chứ không phải một phong trào là điều
kiện địa - văn hóa". Bằng việc phân tích một cách rất tư biện về quan hệ
trung tâm - ngoại vi, chính thống - phi chính thống, phụ lưu - chính lưu, đặc
biệt là tương quan giữa văn chương với quyền lực chính trị, tác giả đã không
chỉ hướng tới "giải trung tâm", "giải thiêng" để biện hộ
cho Mở miệng, mà còn đưa ra một số giả vấn đề, mà việc phân biệt bắc - nam
trong văn chương là một thí dụ. Và phải nói rằng với quan niệm: "Quan hệ
lề/trung tâm trong lĩnh vực văn chương ở Việt Nam, cũng thường được cụ thể hóa
ở một cặp đôi khác là cặp Hà Nội - Sài Gòn (không phải thành phố Hồ Chí Minh
theo tên trên bản đồ địa lý, một cái tên mới, một cái tên muốn xóa sạch cả lịch
sử và quá khứ của những yêu mến lẫn đau thương vào danh từ của người chiến
thắng của một giai đoạn lịch sử)..." (Luận văn, tr.38), chị như người đứng
ngoài đất nước này và lặp lại y xì giọng điệu của những người chống cộng.
Tại Hội
nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới
đây, sau khi có nhà nghiên cứu lên tiếng phê phán Luận văn của Ðỗ Thị Thoan,
một đại biểu đến từ Ðại học Sư phạm Hà Nội biện hộ đó là nghiên cứu cá nhân, là
quyền của nhà nghiên cứu. Ðiều này không sai, nhưng thử hỏi: Nghiên cứu để biến
"thơ rác, thơ dơ" thành giá trị văn hóa thì liệu có phù hợp với phẩm
cách nhân văn của nhà nghiên cứu hay không? Tại sao các nhà nghiên cứu ở trường
này không tự mình tiến hành mà lại đặt nó "lên vai" học trò, lẽ nào
đó là thủ pháp "mượn tay học trò" để không phải chịu trách nhiệm?
Việc đào tạo, đăng ký và thông qua đề cương, phân công người hướng dẫn, bảo vệ,
và đánh giá luận văn cao học là một quy trình nghiêm ngặt. Học viên không thể
tự đi đến đích cuối cùng nếu không nhận được sự nhất trí của cả quy trình. Vì
thế, vấn đề đặt ra là: Với những nội dung như vậy tại sao Luận văn của học viên
Ðỗ Thị Thoan lại có thể được nhất trí 10/10, phải chăng các cá nhân liên quan
tới Luận văn đều không e dè với các ngôn từ tục tĩu mà Ðỗ Thị Thoan dẫn lại
trong Luận văn? Chẳng lẽ họ không thấy Luận văn rất thiếu tính khoa học, mà gần
như là tập hợp của một số bài báo? Chẳng lẽ họ cũng coi Mở miệng là một
"huyền thoại" khi đồng tình với điều tác giả Luận văn viết:
"Cùng với sự nổi tiếng của Mở miệng, Nxb Giấy vụn đã trở thành một huyền
thoại: Nxb ngoài luồng, huyền thoại về La Hán Phòng nơi hội tụ các anh em giang
hồ, huyền thoại về sự thăm dò của an ninh, huyền thoại của những kẻ sẵn sàng
"đái vào Chúa"... Những huyền thoại xây dựng hình ảnh Mở miệng: lạ,
phá phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền.
Họ là kết hợp của cách tân và phản kháng" (Luận văn, tr.57)!? Tóm lại, dẫu
thế nào cũng không thể nhân danh khoa học để biện hộ cho việc làm ra các sản
phẩm "phản văn hóa". Và đáng quan ngại là căn cứ vào chương trình
giảng dạy bộ môn văn học Việt Nam ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, liệu ai có thể
bảo đảm rằng, "kết quả nghiên cứu" của Ths Ðỗ Thị Thoan và PGS, TS
Nguyễn Thị Bình về Mở miệng đã không được truyền bá trên giảng đường, chí ít là
cho sinh viên ngành văn học?
Nguồn: Báo Nhân Dân