Trong phần lớn những chặng
đường đời đã qua, Nguyễn Ngọc Phú vẫn ngày ngày đều đặn đi về với nơi chốn sinh
dưỡng ra anh: làng Thạch Kim ở vùng biển Cửa Sót. Với anh, quê hương có ý nghĩa
thật đặc biệt: “Tôi đi xa qua những tháng năm dài/ chiếc ba lô xanh màu quân
phục/ mới đến đầu thôn cả xóm làng đã biết/ Quê hương mình đùm bọc lấy hồn tôi”.
Gắn bó với làng quê suốt tuổi ấu thơ, xa cách, rồi anh lại trở về hòa mình với
nhịp sống quen thuộc, tưởng như cảnh vật cũng già theo những trải nghiệm đời người.
Cái khoảnh khắc “Thót một tia tôm càng/ Búng giật lùi kí ức” đã trả tâm hồn
người nghệ sĩ về với bản nguyên của nó, để anh được nhìn vạn vật quanh anh bằng
cái nhìn tươi mới trong sự ngạc nhiên ban đầu.
NGUYỄN NGỌC PHÚ NẺO VỀ TUỔI THƠ
NGUYỄN
THANH TRUYỀN
Đọc Nguyễn Ngọc Phú, tôi thích những câu:
“Hẫng hụt tháng ngày tăm cá/ Thót một tia tôm càng/Búng giật lùi kí ức/ Mơ cầu
vồng bắc sang...”. Cái thế giới biển trời mà tác giả gợi lên bất chợt đưa ta xa
rời những ưu tư, hẫng hụt, chống chênh thường thấy ở cõi đời để về với miền kí
ức trong trẻo, an nhiên, thơ mộng, diệu kì. Khi đọc những bài thơ viết cho thiếu
nhi của anh, tôi lại nhớ đến những hình ảnh thơ sinh động ấy. Những trải nghiệm
đã chìm khuất sau sự liên tưởng rất bất ngờ. Sức nghĩ và sức cảm mới lạ mà trong
trẻo này giải thích vì sao Nguyễn Ngọc Phú lại khiến ta ngạc nhiên thú vị khi
đọc những bài thơ anh có được trên hành trình trở về tuổi thơ.
Trong
phần lớn những chặng đường đời đã qua, Nguyễn Ngọc Phú vẫn ngày ngày đều đặn đi
về với nơi chốn sinh dưỡng ra anh: làng Thạch Kim ở vùng biển Cửa Sót. Với anh,
quê hương có ý nghĩa thật đặc biệt: “Tôi đi xa qua những tháng năm dài/ chiếc
ba lô xanh màu quân phục/ mới đến đầu thôn cả xóm làng đã biết/ Quê hương mình
đùm bọc lấy hồn tôi”(Hồn quê). Gắn bó với làng quê suốt tuổi ấu thơ, xa cách,
rồi anh lại trở về hòa mình với nhịp sống quen thuộc, tưởng như cảnh vật cũng
già theo những trải nghiệm đời người. Cái khoảnh khắc “Thót một tia tôm càng/
Búng giật lùi kí ức” đã trả tâm hồn người nghệ sĩ về với bản nguyên của nó, để
anh được nhìn vạn vật quanh anh bằng cái nhìn tươi mới trong sự ngạc nhiên ban
đầu. Trở về tuổi thơ, trong cái nhìn thơ trẻ, Nguyễn Ngọc Phú được trở về với sự
hồn nhiên, trong sáng, ngộ nghĩnh, vô tư; tạm quên những khúc biến tấu ngày
thường để hát những bài ca vỡ lòng về thế giới.
Thế giới rộng lớn mở ra từ những điều gần
gũi, thân thuộc liên quan đến những đồ vật, con vật quanh ta. Tất cả bỗng trở
nên mới lạ, đầy lí thú. Cây lá vườn nhà, những loài vật, đồ vật được Nguyễn
Ngọc Phú tắm gội bằng cái nhìn trong trẻo, thơ ngây. Đây là những câu hỏi
thường ngày của trẻ thơ ham hiểu biết: “Quả Cau có tai đâu/ Mà gọi là Cau
điếc// Quả Bí không nhọn sắc/ Lại gọi là Bí đao// Mèo có phải quả đâu/ Sao gọi
là Mèo mướp//... Rùa biết gọi: Ba! Ba!/ Ngay từ khi mới nở” (Hỏi); “Ngọn đèn
Đom Đóm/ Kì lạ quá thôi/ Trong mưa càng sáng/ Nháy mắt liên hồi// Bão to không
tắt/ Nhấp nháy hàng mi/ Đom Đóm tài thật/ Hỏi thắp bằng gì?”(Ngọn đèn đom đóm).
Đây là phát hiện bất ngờ khi bé trồng cây hóa ra lại là trồng... xương: “Gân lá
hình xương cá/ Uốn lượn hóa Xương Rồng/ Xòe ra thành xương quạt/ Ô hay: Xương
ta trồng” (Xương lá). Ta vẫn quen gọi ve sầu, nhưng ở đây trẻ thơ không thấy
như thế: “...Dàn đồng ca mùa hạ/ Ve lĩnh xướng mở đầu/ Vít hoa vào thành quả/
Ve chẳng bao giờ sầu”(Ve sầu mùa hạ). Và đây là những khám phá không dễ có
trong những điều ta dễ thấy: “Thập thò Chuồn Lửa/ Nhóm bếp cho bà/ Chuồn Voi
cõng bão/ Qua mây mỡ gà// Nhóng nhánh Chuồn Ớt/ Nhấm khói cay cay/ Chuồn Kim
thì bận/ Vá may suốt ngày// Lim dim Chuồn Đá/ Ngủ gật bờ ao/ Giật mình tỉnh
giấc/ Gánh cơn mưa rào.”(Chuồn chuồn). Nói rằng không dễ có bởi những câu thơ
trên không chỉ cho thấy khả năng quan sát mà còn thể hiện hiểu biết sâu sắc của
người viết về loài vật trong mối quan hệ khăng khít, vi diệu với tự nhiên, thời
tiết. Nhưng, cái hay của thơ cho thiếu nhi là ở chỗ sâu sắc mà vẫn đầy chất trẻ
thơ, bay bổng, lãng mạn: “Cây rơm không có lá/ Nở một giấc mơ vàng/ Cọng rơm
gầy gò quá/ Nuôi chín bao mùa màng// Dáng cây rơm nghĩ ngợi/ Bao vất vả đi qua/
Cho mùi cơm gạo mới/ Thơm lan tỏa trước nhà// Ngày ủ bóng cho gà/ Đêm quây
thành nệm ấm/ Cho giấc mơ của em/ Thơm mật ong đồng ruộng ...”(Cây rơm).
Từ cảm hứng với thế giới vườn nhà, Nguyễn
Ngọc Phú mở rộng tầm quan sát ra không gian đồng ruộng, đất trời. Trong cái
nhìn trẻ thơ, càng mở rộng không gian, nhà thơ càng có thêm nhiều khám phá. Đồng
ruộng là không gian tưởng chẳng còn gì mới mẻ ở đất nước có nền nông nghiệp lúa
nước tự ngàn đời. Thế nhưng, với cái nhìn của một đứa trẻ quê đích thực, Nguyễn
Ngọc Phú đánh thức ở người đọc niềm khao khát trở về thế giới tuổi thơ, làm nên
sự hòa giải kì diệu giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ bằng những câu
thơ vừa chân thực, gần gũi, vừa sống động, vui tươi, đầy bất ngờ. Sự có mặt của
cây gạo giữa đồng quê là theo... cái lí của tự nhiên: “- Bà ơi sao cây Gạo/ Lại
mọc giữa đồng ta/ Tháng ba hoa Gạo đỏ/ Rụng cánh vào phù sa?// - Gạo không làm
ra lúa/ Tỏa bóng rợp cánh đồng/ Che thợ cày thợ cấy/ Giữa nắng trưa oi nồng...”(Cây
gạo). Vẫn theo cái lí của tự nhiên hài hòa, đó là sự tồn tại và sinh trưởng của
cỏ: “Cỏ có tên cỏ Mật/ (Có nấu kẹo được không?)/ Cỏ Gà hay thao thức/ Sợ ngủ
quên ngoài đồng// Cỏ Lác thì dệt chiếu/ Cỏ May ham thêu thùa/ Cỏ Gấu làm vị
thuốc/ Chẳng bao giờ bán mua// Có bao nhiêu thứ cỏ/ Vẫn là cỏ dại thôi/ Đêm nằm
nghe “Nghé ọ”/ Cỏ trở mình tốt tươi” (Cỏ). “Mùa chim” là một bức tranh khoáng
đạt và rộn rã, cũng thể hiện sự hài hòa vốn có của tự nhiên: Mùa chim rộn đồng
ta/ Bay về theo mùa gặt/ Nhặt những gì bỏ sót/ Sau no ấm mùa màng”. Hòa mình
vào tự nhiên để khám phá và nhận thức thế giới trong sự hài hòa, tinh khiết là một
đặc điểm của tâm hồn trẻ thơ. Ở quãng sơ khởi của hành trình sự sống, trẻ thơ
thích đắm mình vào những câu chuyện đồng thoại. Cùng với “Cào cào may áo”, bài
thơ “Cua càng thổi xôi” của Nguyễn Ngọc Phú có chất đồng thoại ngộ nghĩnh đầy
hấp dẫn ấy: “Cua càng đi hội/ Cõng nồi trên lưng/ Vừa đi vừa thổi/ Mùi xôi thơm
lừng// Cái Tép đỏ mắt/ Cậu Ốc vặn mình/ Chú Tôm lật đật/ Bà Sam cồng kềnh// Tép
chuyên nhóm lửa/ Bà Sam dựng nhà/ Tôm đi chợ cá/ Cậu Ốc pha trà// Hai tay dụi
mắt/ Tép chép miệng: Xong/ Chú Tôm về chậm/ Dắt tay bà Còng// Hong xôi vừa chín/
Nhà đã dựng xong/ Trà pha thơm ngát/ Mời ông Dã Tràng// Dã Tràng móm mém/ Rụng
hai chiếc răng/ Khen xôi nấu dẻo/ Nhất cô Cua càng”.
Các sự vật hiện tượng trong không gian
mênh mông và trên bầu trời cao rộng có sức hấp dẫn mãnh liệt với trẻ thơ. Trẻ
thơ luôn quan sát tìm hiểu vạn vật bằng cái nhìn nguyên sơ. Trong những bài thơ
của mình, Nguyễn Ngọc Phú nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn mới mẻ để khơi mở trí
tưởng tượng và sự tự do. Trăng đã và vẫn được trẻ thơ hình dung như quả bóng, nhưng
ở đây là một cái nhìn rất khác: “Mỗi tháng một rằm/ Trăng tròn má bé/ (Gọi Trăng
bằng ông/ Bé thường thích thế!)// Đầu tháng giống lá/ Cuối tháng trổ mầm/ Đêm rằm tròn quả/ Xin mời ông Trăng// Trung
thu phá cỗ/ Nhìn lên vòm trời/ Quả Trăng nhả hạt/ Thành ngàn Sao rơi”(Quả trăng).
Trăng thì thế, còn những vì sao lại có những cái tên càng khám phá càng thấy thật
lạ: “Sao gọi là Sao Chổi/ Quét gì ở trên trời/ (Hay quét bao cơn bão/ Đang rập
rình ngoài khơi)// Sao gọi là Sao Hỏa/ Chắc là nóng quá thôi/ (Sao Hỏa nhưng
lạnh lắm/ Trên đó chẳng có người)// Sao Thần Nông cày ruộng/ Sao Hôm khép lại
ngày/ Sao Mai thường dậy sớm/ Treo sương đầu ngọn cây”(Sao). Người lớn đầy âu
lo khi nghe nói về mắt bão, trẻ con lại quan tâm, cảm nhận và hình dung theo
cách thật đáng yêu: “Trời đang lặng gió/ Mây nổi tê tê/ Khớp xương bà nhức/ Hình
như bão về// Bắt đầu Kiến Lửa/ Gánh gió leo rào/ Chuồn Chuồn rối rít/ Từng đàn
lượn chao// Bão đi đủng đỉnh/ Tính được từng giờ/ Mặt trăng mất ngủ/ Thâm quầng
âu lo// Em tìm mắt bão/ Giấu ở nơi nào/ Mà sao cây cỏ/ Biết trước bão vào” (Mắt
bão). Nét hồn nhiên, đáng yêu của tâm hồn trẻ thơ như thăng hoa trong bài thơ
về nắng: “Nắng sàng qua mắt lá/ Chấp chới nở thành hoa/ Chú Chuồn Kim xâu chỉ/ Thêu
nắng lên mái nhà// Hương nắng tan vào đất/ Cho trái chín ngọt lành/ Cơn mưa rào
bất chợt/ Hoa nắng ngời lung linh// Trưa nay bé chực rình/ Ngắt một chùm hoa
nắng...”(Hoa nắng). Bài thơ kết lại mà vị ngọt nó gợi lên còn ngân mãi trong
lòng!...
Trong hình dung của trẻ thơ, mọi vật
trong tự nhiên đều hành động như con người. Những sự vật hiện tượng vốn vô tri,
theo chiều liên tưởng mạnh mẽ, phong phú tất thảy đều bừng thức sức sống. Với
phép nhân hóa được vận dụng rộng rãi và hiệu quả, Nguyễn Ngọc Phú khiến thế
giới tự nhiên xa lạ trở nên rất gần gũi, và vì thế chuyện của tự nhiên lan tỏa
đến và dừng lại ở những hình dung, vỡ lẽ về cuộc sống con người. Nhìn vào vạn
vật, nảy sinh những nghi vấn, qua quan sát liên tưởng, các em sẽ biết thêm một
điều gì đó mới mẻ, và sẽ tự thức nhận một ý nghĩa nào đó được bật lên tức thời.
Trong thơ Nguyễn Ngọc Phú, các sự vật hiện tượng cũng khoác chiếc áo của riêng
mình trong từng thời điểm, cũng mắc võng, cũng đu đưa nhịp ru,... Trong cái
nhìn trẻ thơ, cơn mưa có cả bộ sưu tập trang phục: “Cơn mưa mặc áo tơi/ Bằng
đám mây màu xám/ Gặp ngày nắng trải phơi/ Áo tơi thành lụa trắng// Mưa bóng mây
áo ngắn/ Cơn mưa bão áo dày/ Mưa ngâu thì áo mỏng/ Áo dài mưa bụi bay// Áo
khoác hờ qua vai/ Cơn mưa rào đỏng đảnh/ Bỗng rùng mình chợt tạnh/ Quên cả cúc
không cài”(Cơn mưa mặc áo). Những sắc màu hình dáng của mưa cuối cùng đọng lại
trong ấn tượng bất ngờ với mưa rào. Cái “rùng mình” của cơn mưa rào điệu đà được
nhà thơ miêu tả rất tự nhiên đem lại cho bạn đọc những phản ứng thú vị. Võng,
nôi là những hình ảnh gắn với tuổi ấu thơ trong căn nhà nhỏ, khi lớn lên các em
lại hình dung về hình ảnh ấy trong vạn vật: “Cầu vồng bắc võng / Sau cơn mưa
rào/ Con thuyền mắc võng/ Bồng bềnh sóng chao// Võng tre kẽo kẹt/ Võng đay xù
xì/ Võng dù thin thít:/ Ngủ đi! Ngủ đi!// Bao nhiêu cánh võng/ Đều mắc hai đầu/
Lưng bà võng xuống/ Biết mắc vào đâu.”(Võng). Khi những liên tưởng dẫn dắt các
em đến đúc kết “Bao nhiêu cánh võng/ Đều mắc hai đầu”, nghi vấn “Lưng bà võng
xuống/ Biết mắc vào đâu” nảy sinh, thì chắc chắn chẳng ai còn đi tìm câu trả
lời cho cái vế “mắc vào đâu nữa” mà sẽ lặng lẽ nhìn vào lòng mình.
Là người con của vùng biển, những bài thơ
cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú mang dấu ấn quê biển có những nét đẹp đặc
biệt. Một thế giới đa sắc màu được miêu tả từ nhiều góc nhìn tạo thành những
thước phim sống động đầy chất thơ. Đó là thế giới của những người lao động miền
biển với công việc hằng ngày của họ, được nhìn bởi cái nhìn so sánh rất ấn
tượng của trẻ thơ: “Giống như một chú cào cào/ Người đi cà kheo dưới nước/ Chiếc
vó thùng thình vớt ruốc/ Hình như vớt cả chiều lên” (Biển). Đó cũng là thế giới
lí tưởng cho bé vui chơi, đùa nghịch, thể hiện mình: “Em chạy thi với sóng/
Sóng luôn luôn dẫn đầu/ Đến bờ rồi em vượt/ Sóng mệt nhoài nằm sau” (Chạy thi
với sóng); “Con thuyền như cánh diều cong/ Chơi trò “dung dăng dung dẻ”/ Bập
bênh bên bờ bên bé/ Thử xem ai nhẹ hơn nào?” (Biển). Ở đó, các cô cậu học trò
có thể có những hình dung thật lạ mà cũng rất có li, kiểu: “Biển là tờ giấy
thấm/ Ngấm từ đêm sang ngày/ Mặt trời là cục tẩy/ Xóa tan bao màu mây.”(Biển và
mặt trời). Cái nhìn trẻ thơ giúp các em phát hiện thấy thiên nhiên vĩ đại mênh
mông kia còn âm thầm làm những công việc tinh vi như thanh lọc thế giới: “Mây
cuộn lên từ biển/ Chở cả cơn mưa rào/ Nước mưa sao ngọt thế/ Vị mặn mòi biển
đâu” (Mây). Với biển, trẻ thơ tha hồ khám phá và không ngớt ngạc nhiên trước vẻ
đẹp và sự giàu có của biển cả quê nhà. Trong muôn ngàn sinh vật biển, chỉ nhắc
đến cá thôi, đã hiện lên bao vẻ kì diệu, hấp dẫn: “Cá Chuồn có cánh đâu/ Bay là
là mặt nước/ Suốt một đời chân thật/ Cá Dơi xòe hai mang// Cá Ngựa chẳng có bờm/
Ăn phù du thay cỏ/ Không biết hỏi: đâu đâu/ Vẫn gọi là cá Chó!// Chẳng rù rì mờ
tỏ/ Sao gọi là cá Ong/ Không cày vỡ ruộng đồng/ Cá Bò chơi bong bóng// Cá Ve
thường lặng tiếng/ Cứ mỗi độ hè sang/ Ríu rít tiếng gọi đàn/ Cá Heo đa cảm nhất/
Chọn bạn chơi thân thiết/ Sao lại gọi cá Lầm/ Mắt cá mọc ở chân/ Nhắc em đi
khỏi lạc” (Cá). Ý nghĩa sâu xa hay bài học của những liên tưởng từ cá cũng
phong phú như bản thân biển cả có muôn vàn loài cá vậy! Biển, qua thơ Nguyễn
Ngọc Phú, sống động và đầy chất thơ dẫn dụ trẻ thơ khám phá không chỉ bởi thế
giới sinh vật biển mà còn hấp dẫn từ những sự vật vốn vô tri như con thuyền trên
sóng nước “Gặp ai cũng gật đầu chào”, cây buồm “Qua bao bão tố/ Buồm vẫn căng
phồng/ Gặp bờ êm ả/ Cánh buồm ngả lưng”, và mắt lưới... Cái nút thắt nhỏ bé là
“mắt lưới” hiện lên lung linh rất thơ: “Gió đan qua mắt lưới/ Làm rối cả tay em/
Cành phi lao trước ngõ/ Đem gió rắc lên thềm// Chiếc vảy cá bắt đèn/ Nở thành
sao lấp lánh/ Chiếc vó tung giữa trời/ Mắt lưới nhìn đăm đắm// Áo cha choàng áo
lưới/ Con sóng cuộn tay mình/ Đi đêm không sợ lạc/ Mắt lưới ngời lân tinh”(Mắt
lưới)! Nếu ở những trường ca về biển, những khúc biến tấu biển, Nguyễn Ngọc Phú
đầy suy tư, trở trăn thì ở những bài thơ viết cho thiếu nhi (hay cho ấu thơ của
chính mình?!) này, tâm hồn anh thấm đẫm chất thơ của trẻ thơ trong trẻo, đẹp vẻ
đẹp hồn nhiên.
Thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú thể
hiện cảm xúc của anh trước bức tranh cuộc sống quanh mình với tất cả những gì gần
gũi với tuổi thơ. Ngoài những sáng tác có thể kể ra theo các đề tài trên, bạn
đọc nhỏ tuổi còn có thể gặp trong thơ anh những cảm nhận, những cái nhìn ngộ
nghĩnh, thú vị khác. Câu chuyện “Mẹ gà con vịt” không lạ lắm với những em bé
quê, nhưng gặp lại trong thơ Nguyễn Ngọc Phú ta lại mỉm cười: “Mẹ gà ấp trứng/
Nở chú vịt con/ Vịt kêu: Lạc... lạc!/ Đôi mắt xoe tròn...” Không ít bạn trẻ sẽ
thấy bất ngờ rồi gật gù trước phát hiện này: “Nước nổi màu bồ hóng/ Không nấu
vẫn bốc hơi/ Hay mùa đông giấu lửa/ Sau màu tro da trời.”(Mùa đông). Các bài “Hạt
điện”, “Bữa ăn: chiếc xe đạp”, “Quả đêm”, “Xe lửa”. “Khói”, “Tóc đèn”, “Tóc
suối”, “Tuổi cây”, ... là những bài thể hiện được cái nhìn tinh nghịch, ham
khám phá của trẻ thơ. Ở mỗi bài, có thể lẩy ra những phát hiện miêu tả tài hoa
mà rất thơ trẻ.
Không gian thiên nhiên và không gian sinh
hoạt miền quê biển ùa vào thơ anh theo những chiều liên tưởng phong phú và mãnh
liệt. Thơ thiếu nhi thường được lập tứ nhờ cảm xúc mới mẻ và liên tưởng hết sức
bất ngờ, thú vị. Nguyễn Ngọc Phú không chỉ có được những cảm xúc và liên tưởng
trong mỗi bài thơ, hơn thế, cảm hứng tuổi thơ bừng thức đã dắt dẫn con người
thi sĩ giàu kinh nghiệm mở rộng trường liên tưởng ở phương diện đề tài, nên anh
có được không chỉ là những chùm bài mà là những chuỗi bài. Nói như đại thi hào
R.Tagore, thế giới tuổi thơ là nơi “lý trí lấy luật của mình làm diều đem thả”(trích
“Thế giới của bé”, tập “Trăng non”), lí trí nhường cho/ chịu sự dắt dẫn của cảm
xúc, của liên tưởng. Những liên tưởng mở rộng lan tỏa tự nhiên, ngẫu nhiên, hồn
nhiên theo những trường nghĩa giúp Nguyễn Ngọc Phú có được rất nhanh các chuỗi
bài. Liên quan đến cây thì có các chuỗi: cây rơm - cây buồm, lá - hoa - quả -
hạt... Từ “quả” lại có: quả mùa thu - quả đêm - quả trăng... Từ “áo” thì có: áo
- cơn mưa mặc áo - cào cào may áo... “Mắt” lại có: mắt bão - mắt lưới... Từ
điểm xuất phát, các liên tưởng dần chuyển nghĩa cả hệ thống ngôn từ. Đó là một
đặc điểm nổi bật của hình thức thơ thiếu nhi Nguyễn Ngọc Phú. Dung lượng ngắn
gọn, liên tưởng bất ngờ, vận dụng nhuần nhuyễn các thể thơ, các thủ pháp so
sánh, nhân hóa, trùng điệp, tính đối thoại,... Nguyễn Ngọc Phú thực sự đã làm
nên một hành trình về lại tuổi thơ của chính mình, khám phá và sẻ chia thế giới
diệu kì của tâm hồn trẻ thơ, để thêm một lần được sống đời sống mơ mộng, hồn
nhiên, thánh thiện.
Nguyễn Ngọc Phú rất chăm chút cho những
bài thơ thiếu nhi của mình, chăm chút cho sự ra đời của tập “Mùa chim”. Thành
công của tập thơ này chắc chắn sẽ mở ra những hướng sáng tạo mới trong anh. Người
đọc chờ đợi và mong muốn đề tài được mở rộng hơn, thế giới trẻ thơ được nhìn
bởi nhiều chiều hơn, có lung linh mà cũng có suy tư, có không gian ngoại cảnh
để vui chơi như đã miêu tả mà cũng có không gian tâm lí với những nghĩ ngợi từ
góc nhìn hồn nhiên nhưng không kém sâu sắc của con trẻ. Một vài chi tiết thơ nếu
trau chuốt hơn thì hiệu quả thẩm mĩ sẽ cao hơn. Chẳng hạn khổ thơ “Lời ru chắp
cánh/ Bay vào ca dao/ Cánh diều ru gió/ Lên cao, bay cao...”cuối bài “Ru” nên
đảo trật tự hai dòng sau lên trước. Hay câu thơ “Tính thuyền thường hay... xấu
hổ/ Gặp ai cũng gật đầu chào”, liệu tâm lí các em có như thế?! Bài lục bát “Tóc
Suối” khá hay, như cái kết sẽ có sức gợi hơn nếu trong câu “Từ con thác bạc
lưng chừng/ Lượn thành tóc suối ngập ngừng... trước em” đảo chữ “tóc suối”
thành “suối tóc”.
Trong
ấn tượng của bạn đọc, đã có một Nguyễn Ngọc Phú của những trường ca giàu trải
nghiệm, những vần thơ về biển nặng suy tư và một Nguyễn Ngọc Phú khá sắc sảo
trong thẩm bình thơ. Với những bài thơ thiếu nhi đã viết trên hành trình trở về
tuổi thơ, Nguyễn Ngọc Phú khẳng định được những nét riêng và mở ra nhiều triển
vọng. Biêlinxki nói “Sách cho thiếu nhi phải là hội hè”. Những bài thơ của
Nguyễn Ngọc Phú, chủ yếu tập hợp trong tập “Mùa chim” ( Nxb Hội nhà văn, 2013)
thực sự đã mở ra những không gian như thế. Anh đã viết những vần thơ trong
trẻo, tươi mới khơi gợi trong các một cách tự nhiên lòng yêu làng cảnh, yêu trời
biển quê hương, yêu những điều bình dị thân thuộc mà rất diệu kì trong cuộc sống...