Nhà báo Lê Khánh Hoài kể: “Cuối năm 2007, một lần sang chơi thăm mẹ, mẹ vẫy lại gần, quàng vai tôi rất âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ông Thơ (nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang...”. Thế rồi ít lâu sau, vợ chồng tôi có dịp đi Mỹ. Cho đến khi sắp về nước, nhớ lời mẹ, chúng tôi tìm đến công viên vĩnh hằng, nơi nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ, cung kính thay mặt cho mẹ tôi thắp hương cho nhạc sỹ và thưa với ông những tình cảm của mẹ, cũng như nguyện vọng của mẹ về việc đưa những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của ông để giới thiệu với công chúng… Ngay khi về nước, chúng tôi liền đến thăm mẹ Mẹ tỏ ra rất quan tâm tới những tấm hình chụp khi chúng tôi dâng hương cho nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ. Mẹ xem rất kỹ từng tấm hình với vẻ mặt hết sức chăm chú, nhưng không nói thêm một lời nào…”



MẸ TÔI – TÂN NHÂN

LÊ KHÁNH HOÀI

Năm 2000, sang một thế kỷ mới, mẹ tôi quyết định chuyển vào sống ở TP. Hồ Chí Minh. Vậy là giã từ Hà Nội, nơi mẹ đã gắn bó từ năm 1954, sau khi rời những cánh rừng kháng chiến về đoàn Ca Múa Trung ương, rồi trở thành một người nghệ sỹ của nhân dân, được nhân dân yêu quý, với những bài hát gắn liền với tên tuổi của mẹ…
Thật sự việc mẹ tôi vào TP. Hồ Chí Minh với tôi là niềm một hạnh phúc, vì từ tuổi ấu thơ tới tận lúc bấy giờ, chẳng mấy khi tôi được ở gần mẹ. Ngày nhỏ, tôi ở với ông bà. Lâu lâu nhớ mẹ quá thì xin bà 5 xu đi tàu điện xuống khu văn công Cầu giấy thăm mẹ... Lớn thêm chút nữa theo trường học đi sơ tán, rồi cầm súng ra mặt trận... Đến khi hết chiến tranh thì lại ngược xuôi khi ra bắc, khi vào Nam trên những chặng đường mưu sinh…
Tôi nhớ buổi đầu đón mẹ từ sân bay về, ngay khi tới cửa, mẹ thật sự choáng: “Nhà của Hoài đây thật à?” Mẹ tôi đã không tin nổi là đứa con có thể gọi là nhiều thiệt thòi trên đường đời như tôi, nay lại có một cơ ngơi như vậy. Và cũng vì những căn nhà mà mẹ đã từng ở ngoài Hà Nội, chỉ có khoảng 4m2, 8m2, rồi 16m2 và khá nhất là một căn hộ hơn 30m2 sau này, tất cả đều trong những khu tập thể chật chội, có thể nói là chen chúc nữa…
Mẹ ở đây với chúng tôi một thời gian ngắn, rồi theo nguyện vọng của mẹ muốn có một ngôi nhà riêng, chúng tôi đã tìm mua cho mẹ một ngôi nhà “hơn cả trong mơ”. Đấy là một ngôi nhà nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất, cũng hơn 100m2, có tầng trệt, tầng lầu, có mảnh sân nhỏ trước cửa để mẹ tôi trồng hoa trồng lá… Và ưu điểm nhất của ngôi nhà này là nằm trong khu quân đội, rất yên tĩnh và trật tự trị an rất tốt. Đặc biệt ở đây có rất nhiều các cô, các chú là nghệ sỹ, là tướng tá của quân đội, vốn là bạn thân thiết của mẹ tôi suốt hai cuộc kháng chiến, nên ngoài những lúc tề tựu, thì cũng thường gặp nhau mỗi khi họp chi bộ hay họp khu phố. Mỗi lần như thế quanh bà lại đầy tiếng nói cười vui vẻ…

*
Kể từ ngày bố tôi mất đi, rồi Châu (em trai tôi) và vợ con sang Đức sinh sống, mẹ tôi rất tâm trạng, dù bên mẹ luôn có Như là cô em út của tôi. Vào TP. Hồ Chí Minh, có lẽ mẹ có thêm nhiều nguồn tình cảm an ủi hơn. Ngoài vợ con tôi, đặc biệt là con trai tôi, mẹ tôi còn nhiều bà con thân thiết, nhiều đồng nghiệp, đồng cảnh, và đặc biệt là những người bạn của tôi và của Châu - Hoa… Cũng ở đây tôi thường gặp nhiều đồng nghiệp nghệ thuật thân thiết của mẹ mà từ ngày nhỏ, tôi vẫn gọi là cô, là chú. Như cô Phùng Thị Nhạn, nghệ sỹ Nhân dân, biên đạo múa. Cô Nhạn cũng như cô Chu Thúy Quỳnh, thân với mẹ tôi từ thuở còn ở đoàn ca múa TƯ, và tình cảm ấy luôn thắm thiết qua hàng chục năm, nay lại gần nhau giữa Thành phố nên lại  càng thắm thiết. Hay như cô Lệ Chi - chú Mai Khanh, chú Quốc Trụ, nhất là vợ chồng NSND Ngọc Dâu và chú Trần Chất, một giọng hát quân đội nổi tiếng. Nhiều buổi trưa cô chú chở nhau đến chơi với mẹ tôi, những hào quang một thời mày mày tao tao nói cười ríu rít, rồi cơm cơm nước nước đãi đằng nhau, rồi cùng lăn kềnh ra ngủ như ngày nào đi biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước…
Mặc dù đã giã từ ánh đèn sân khấu nhiều năm, nhưng mẹ tôi vẫn yêu nghệ thuật lắm. Mẹ vẫn thường ngồi hát bên cây đàn pianô chuyển từ Hà Nội vào. Hát cho đồng nghiệp, cho bạn bè, cho đồng chí thân yêu. Rất nhiều lần đến đây tôi đã gặp những vị tướng tên tuổi mà năm xưa ra trận chỉ biết tiếng hát mẹ tôi qua chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu, nay về già mới có cơ hội gặp gỡ nên đã tìm đến đề nghị mẹ tôi hát cho nghe lại những bài hát năm xưa… Những khi ấy thú thật là đứng ngoài cửa lắng nghe, tôi không thể quả quyết rằng hát trên một sân khấu lớn ánh đèn rực rỡ hay chỉ hát riêng cho một người lính suốt cuộc đời trận mạc, thì người nghệ sỹ thấy lúc nào là hạnh phúc hơn?.. Có lẽ với một người say mê lý tưởng và yêu nghệ thuật như mẹ tôi thì mỗi khi cất lên tiếng hát như thế đều là một niềm say mê tột độ và một ý nghĩa sâu sắc như nhau…

*
Trong ba đứa con của mẹ thì đứa hợp với mẹ tôi nhất, được mẹ tôi thương yêu nhất, và cũng chăm sóc mẹ tôi nhiều nhất, chính là Châu. Cũng như tôi, Châu (và cả Như) đều ít được gần bố mẹ. Ngày ấy là con cán bộ, mà lại cán bộ làm văn hóa – nghệ thuật, thì cầm chắc là phải xa bố mẹ suốt, bởi bố tôi thì đi viết báo ở các tỉnh, rồi đi chiến trường. Còn mẹ thì quanh năm suốt tháng đi biểu diễn, khi trong nước, khi ngoài nước, khi thì lăn lội hàng tháng ngoài mặt trận lửa đạn… Tôi ở với ông bà, còn Châu và Như thì đi trại trẻ, đứa trại này, đứa trại kia. Lâu lắm lắm mới được bố mẹ tới thăm một lần… Sau này lớn lên, Châu cũng như tôi nhập ngũ, rồi Châu học đại học kỹ thuật quân sự, rồi sang Nga làm tiến sỹ, rồi lấy vợ cũng là sinh viên Việt Nam học tại Nga là Nguyễn Thanh Hoa, con gái đầu lòng của nhà thơ Tố Hữu. Dạo ấy bác Tố Hữu ngoài là nhà thơ còn là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước. Kể từ đấy, Châu ở chính bên nhà vợ, kể như đi ở rể. Nhưng dù vậy, trong tình yêu của mẹ, Châu bao giờ cũng là đứa con gần gũi nhất. Châu hiền lành, tình cảm, cứ có lúc nào rảnh rỗi là ngồi tâm tình bên mẹ hàng tiếng đồng hồ, không có buồn vui gì mà Châu không tâm sự, không miếng ngon nào là không chia sẻ với mẹ. Châu yêu mẹ lắm lắm, đến mức nhiều khi tôi nghĩ trong trái tim Châu không còn chỗ cho tình yêu nào khác ngoài tình yêu với mẹ… Trước khi mẹ tôi quyết định vào TP. Hồ Chí Minh, Châu và Hoa đã rất muốn đón mẹ sang sinh sống tại Đức (Châu là GS.TS tại Đại học Bochum, đã đưa gia đình sang sinh sống ở đây). Ai cũng cho như thế là rất hợp lý... Nhưng mẹ lại không nghĩ vậy. Khi nhớ con thì mẹ tôi bay sang thăm, có khi ở lại chơi hàng tháng, nhưng ở hẳn bên đó như ao ước của Châu thì không, dù mẹ rất yêu Châu và vợ con Châu…

*
Mẹ tôi là người rất yêu văn học, đọc rất nhiều tiểu thuyết và thân quen nhiều nhà thơ (Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Xuân Quỳnh…). Trước đây khi còn đi biểu diễn, mẹ tôi cũng thường ngâm nhiều bài thơ trên sân khấu và trên làn sóng đài phát thanh, được nhiều người nghe yêu thích. Những ngày vào ở phía nam, mẹ vẫn đọc rất nhiều sách. Đặc biệt hơn là mẹ sáng tác rất nhiều thơ và có nhiều bài thơ, đặc biệt là về tình mẫu tử hay về số phận người nghệ sỹ của mẹ đọc rất xúc cảm (sau này mẹ tôi có gom lại thành tập “Nắng và đời”). Văn học, nhất là thơ ca, như một sự đồng cảm, sẻ chia với mẹ. Qua những dòng thơ ấy, ai cũng cảm nhận được trong con người của mẹ, ngoài là một danh ca, còn là một tâm hồn thơ nhiều rung cảm, nhiều day dứt với đời…
Cuối năm 2007, một lần sang chơi thăm mẹ, mẹ vẫy lại gần, quàng vai tôi rất âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ông Thơ (nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang...”. Thế rồi ít lâu sau, vợ chồng tôi có dịp đi Mỹ. Cho đến khi sắp về nước, nhớ lời mẹ, chúng tôi tìm đến công viên vĩnh hằng, nơi nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ, cung kính thay mặt cho mẹ tôi thắp hương cho nhạc sỹ và thưa với ông những tình cảm của mẹ, cũng như nguyện vọng của mẹ về việc đưa những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của ông để giới thiệu với công chúng…
Ngay khi về nước, chúng tôi liền đến thăm mẹ Mẹ tỏ ra rất quan tâm tới những tấm hình chụp khi chúng tôi dâng hương cho nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ. Mẹ xem rất kỹ từng tấm hình với vẻ mặt hết sức chăm chú, nhưng không nói thêm một lời nào…
Điều hết sức kinh ngạc là chỉ 4 hôm sau, trong một buổi sáng như mọi sáng mai, khi ra quét sân, mẹ bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ. Và kể từ khi ấy, mẹ tôi không một lần mở mắt …
Từng ngày tết trôi qua, chúng tôi cứ ước mong năm mới mẹ sẽ mạnh khỏe hơn, thì bất ngờ sáng mồng 8, hơi thở mẹ trở nên rất yếu ớt... Rồi mẹ tôi lặng lẽ ra đi... Thật ra mẹ đã chuẩn bị cho ngày ra đi từ rất lâu rồi. Mẹ có một chúc thư căn dặn chúng tôi từ nhiều năm trước, và cũng từ ấy, anh em chúng tôi hứa với mẹ sẽ quyết thực hiện chúc thư của mẹ không sai một điều gì…

*
… Mẹ tôi ra đi đã 5 năm, nhưng nhiều người vẫn không nghĩ mẹ đã mất. Chúng tôi, những người con của mẹ cũng như vậy. Đến tận hôm nay, khi đâu đó giữa đất trời, và trong tâm hồn những đứa con, những bạn bè anh em của mẹ, mỗi khi những giai điệu mượt mà của Xa khơi hay Câu hò bên bến Hiền lương, của Chim pongtle hay Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… vang lên, nhiều người vẫn thốt gọi Tân Nhân... Tân Nhân và Xa khơi, Tân Nhân và Câu hò bên bến Hiền lương… vẫn còn sống mãi, đẹp đẽ và vĩnh cửu giữa cuộc đời này…



Nữ NSƯT Tân Nhân tên thật là Trương Tân Nhân, sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Hoạt động Cách mạng từ năm 13 tuổi, từng tham gia trong Đoàn Văn công Quân đội mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào, Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II.
Tân Nhân có một giọng nữ cao trữ tình, đậm chất miền Trung. Bà thành công với nhiều ca khúc dân ca và trữ tình cách mạng như Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Tát nước đêm trăng, Nắng Ba Đình, Tình quê, Ru con (dân ca Nam Bộ), Tình quê hương (Trọng Bằng), Anh về miền Bắc, Chim Pongkle (Nhật Lai), Lăm tơi, Bên nôi con mẹ hát (Lê Lôi), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - thơ Đăng Giao), Nhớ (Lê Yên).. và một số ca khúc nước ngoài. Đặc biệt với Xa khơi, được thu âm vào thập niên 1960, bà được đánh giá là người thể hiện thành công nhất ca khúc này, và đây cũng là một ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi dù đã hơn 50 năm…
Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988). Bà mất năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.