Ứng xử với đờn ca tài tử ở vị trí Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sẽ ít nhiều mang tính thách thức phía trước cho người Việt Nam. Trong xu hướng hội nhập, diện mạo văn hóa đang bị tác động bởi trào lưu thứ gì cũng vươn tới… hoành tráng! Xin nhớ cho rằng, với đặc trưng thể loại, đờn ca tài tử không thể mang lên sân khấu lớn phô diễn áo đỏ váy xanh như một bản báo cáo thành tích. Muốn gìn giữ đờn ca tài tử, hãy để nó tồn tại theo lối sống mộc mạc và phóng khoáng của nông dân Nam bộ. Vẻ đẹp đờn ca tài tử không hề cao xa và lạ lẫm, cứ hình dung thật giản dị: một buổi chiều chạng vạng trên dòng kênh lặng lẽ, người chồng dùng mái chèo gõ nhịp vào mạn xuồng ba lá và người vợ ca “Dạ cổ hoài lang”.



KHÔNG GIAN CHO ĐỜN CA TÀI TỬ

UNESCO chính thức công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tin vui này một lần nữa chứng minh sức sống của một dòng nhạc dân tộc thịnh hành vùng sông nước Cửu Long suốt hơn 100 năm qua. Để đờn ca tài tử được vinh danh quốc tế như hôm nay, công lao lớn nhất thuộc về những người nông dân Nam bộ chất phác và hiền hòa. Bởi lẽ, chính họ đã không từ bỏ đờn ca tài tử giữa muôn trùng vây những loại hình nghệ thuật khác đang càng ngày càng trở nên sôi động theo thị hiếu đương thời!
Ở góc độ hình thành, đờn ca tài tử là một phần nhã nhạc cung đình được biến đổi uyển chuyển để hòa điệu với ngôn ngữ văn học dân gian. Dù xuất hiện bằng sự kết hợp quen thuộc của dàn âm thanh gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, hay đơn giản chỉ với một cây guitar phím lõm, thì cái quan trọng nhất tạo nên hồn vía đờn ca tài tử vẫn là không gian biểu diễn.

Đờn ca tài tử thích hợp với cộng đồng chòm xóm, gần gũi và thân tình. Đờn ca tài tử phát huy đầy đủ sức quyến rũ của nó khi sự ấm áp giữa người “đờn” người “ca” và công chúng làm nền tảng cho những phút giây ngẫu hứng. Cụ thể hơn, bài “Xuân Tình”, bài “Nam Đảo” hay bài “Hồ Lan” đều được thăng hoa một cách nồng nàn, khi những người xung quanh đều hóa thân thành những “tài tử” thực thụ!

Ứng xử với đờn ca tài tử ở vị trí Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sẽ ít nhiều mang tính thách thức phía trước cho người Việt Nam. Trong xu hướng hội nhập, diện mạo văn hóa đang bị tác động bởi trào lưu thứ gì cũng vươn tới… hoành tráng! Xin nhớ cho rằng, với đặc trưng thể loại, đờn ca tài tử không thể mang lên sân khấu lớn phô diễn áo đỏ váy xanh như một bản báo cáo thành tích. Muốn gìn giữ đờn ca tài tử, hãy để nó tồn tại theo lối sống mộc mạc và phóng khoáng của nông dân Nam bộ. Vẻ đẹp đờn ca tài tử không hề cao xa và lạ lẫm, cứ hình dung thật giản dị: một buổi chiều chạng vạng trên dòng kênh lặng lẽ, người chồng dùng mái chèo gõ nhịp vào mạn xuồng ba lá và người vợ ca “Dạ cổ hoài lang”.

Trong sự vận hành, đờn ca tài tử kết hợp với ca ra bộ đã hình thành sân khấu cải lương. Ba chặng đường, từ “đờn ca tài tử” đến “ca ra bộ” rồi đến “cải lương” gắn liền với tiến trình bồi đắp văn hóa và cốt cách nông dân Nam bộ. Nói cách khác, đờn ca tài tử là khởi điểm của nghệ thuật trình diễn Nam bộ. Về mặt quản lý Nhà nước, muốn thúc đẩy và quảng bá đờn ca tài tử, chỉ cần trợ giá cho việc thu âm và phát hành những bài đờn-ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc này!


                                  LÊ THIẾU NHƠN