Thơ Lò Ngân Sủn ít vần điệu như cách nói dân dã của người miền núi, nhưng giàu hình ảnh và đầy triết lý. Chính vì thế mà thơ Lò Ngân Sủn có gương mặt rất riêng không lẫn với ai được. Tháng 10/1991, khi Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Lò Ngân Sủn vận động tôi cùng anh lên Lào Cai, nhưng tôi không đi được, vì đã xin vợ con về Yên Bái rồi. Như vậy chỉ có một mình anh trong cơ quan thường trực Hội Văn nghệ lên Lào Cai lập Hội. Sau Lò Ngân Sủn trúng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, anh được điều về Hà Nội công tác, từ đó tôi thi thoảng mới gặp được anh. Kể từ khi anh bạo bệnh thì chưa lần nào gặp anh cả, mặc dù gặp bạn bè văn nghệ vẫn nhắc tới tên anh. Nay anh đã khuất núi, người “Con của núi” đã trở về với núi rừng...



LÒ NGÂN SỦN NGƯỜI CON CỦA NÚI ĐÃ VỀ VỚI NÚI

THÁI SINH

Nhà thơ Lò Ngân Sủn, SN 1945, dân tộc Giáy, quê Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai, nguyên Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Do lâm bệnh lâu ngày, ông đã từ trần đêm 15/12/2013 tại Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.

Chiều 17/12/2013, được tin nhà thơ Lò Ngân Sủn tạ thế khiến tôi vô cùng bàng hoàng: Thế là người “Con của núi” đã trở về với núi, trở về với đất mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng hồn thơ Lò Ngân Sủn. Vậy là anh đã trở thành người thiên cổ, tôi cứ rưng rưng nhớ lại những năm tháng cùng anh trong ngôi nhà Văn nghệ Hoàng Liên Sơn.

Năm 1988, sau Đại hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, nhà thơ Ngọc Bái từ Quân khu II về nhậm chức Chủ tịch, Lò Ngân Sủn trúng chức Phó Chủ tịch Hội, tôi được phân công làm biên tập. Ngày ấy ba tháng mới ra một số báo phải xin giấy phép xuất bản của Sở Văn hoá - Thông tin, nên chẳng có việc gì làm, chúng tôi dành phần lớn thời gian để sáng tác văn học nghệ thuật.
Ngọc Bái và Lò Ngân Sủn thấy rằng nhiều tác giả ở Hoàng Liên Sơn đủ số lượng tác phẩm để đứng tên riêng trong một tập sách, còn cứ đứng chung thì khó thành tác giả được. Đó là nhu cầu của các tác giả, nhưng kẹt nỗi ngân sách không thể cấp tiền cho tác giả in sách, nên tác giả phải tự bỏ tiền in sách. Tất nhiên Hội Văn nghệ hỗ trợ xin giấy phép xuất bản, giới thiệu tác phẩm...
Tập thơ đầu tiên của Lò Ngân Sủn “Chiều biên giới” xuất bản năm 1989, tôi được phân công biên tập. Nói biên tập cho vui, chứ tôi là lính mới tò te sao dám biên tập thơ của Lò Ngân Sủn. Tuy nhiên, khi cầm tập bản thảo mà Lò Ngân Sủn đưa cho, anh bảo tôi: Thái Sinh xem rồi trao đổi với mình nhé. Mới đầu anh chọn khoảng 35 - 40 bài, tôi trao đổi với anh: “Chiều biên giới” là bài thơ nổi tiếng của anh, đã được phổ nhạc. Nếu anh chỉ in một tập thì dồn những bài hay vào trong tập này, nếu anh định in thêm vài tập nữa thì anh cần để dành cho những tập sau.
Sau nhiều ngày suy nghĩ Lò Ngân Sủn quyết định chỉ in 30 bài. Tập thơ này Ngọc Bái chịu trách nhiệm xuất bản, tác giả tự phát hành, với số lượng 720 cuốn chỉ vài tháng anh bán hết veo. Một hôm anh mời tôi cùng Ngọc Bái và một số anh em văn nghệ ra quán thịt chó dựng ngay cổng Hội Văn nghệ. Lò Ngân Sủn cười hè hè bảo chúng tôi: Bữa thịt chó này mừng cho tập “Chiều biên giới” của tôi... Nói rồi anh dùng đũa đánh bát nước chấm mắm tôm sủi bọt rồi mút đầu đũa cười hè hè khiến mái tóc quăn đen nhánh bung xuống trán...

Năm 1990, Lò Ngân Sủn in tiếp tập thơ “Những người con của núi”, tôi lại được cử biên tập. Ban đầu anh lấy tên tập sách “Con của núi”, trong tập sách có bài thơ "Những người con của núi", tôi hỏi anh: "Những người con của núi", tên hay như thế, sao anh không lấy làm tên chung cho tập thơ? Lò Ngân Sủn không nói gì, mấy ngày sau anh mới bảo tôi: Mình đồng ý lấy tên "Những người con của núi" theo đề nghị của Thái Sinh.
Tập thơ được in ra, có một chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Lò Ngân Sủn vốn xuề xoà, mọi thứ đối với anh đều đơn giản. Khi tập thơ "Những người con của núi" in ra tôi được Hội cho một tập theo “tiêu chuẩn” biên tập. Sau vài tháng Lò Ngân Sủn bảo tôi: Mình phát hành hết tập "Những người con của núi" rồi, có một người bạn rất thân nhưng bây giờ không còn tập nào để tặng nữa, Thái Sinh cho mình xin tập thơ do Hội phát để mình tặng người đó... Khi tôi đưa tập thơ cho Lò Ngân Sủn anh cười hè hè rồi cảm ơn tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng phóng đi.

Thơ Lò Ngân Sủn đẫm chất dân ca Giáy. Tôi có cảm giác anh sinh ra từ vùng núi Bản Qua, đắm mình trong những bài dân ca quê mình nên thơ anh giàu chất dân ca. Anh đã phát triển nhiều câu dân ca, ngạn ngữ của dân tộc mình thành một bài thơ với cách suy nghĩ rất hiện đại. “Không sợ nhà chật/Chỉ sợ lòng người chật” để sáng tác bài thơ "Lòng người" (Con của núi - NXB Văn hóa Dân tộc - 2001) với những câu:
“Lòng người như biển cả, trời đất mênh mông
Lòng người như cái ống bơ đong bữa ăn hàng ngày
 Lòng người là dòng sông không đáy
Lòng người là cái máy sinh sự...”
Hay như câu “Ngồi thì co/Đứng thì thẳng/Làm người thật khó” trong bài "Làm người":
Để trở thành một người biết sinh con đẻ cái
Như thế chưa khó
Để trở thành một người biết ăn ngon mặc đẹp
Như thế vẫn chưa khó
...
Làm người khó nhất là: Sống!”

Thơ Lò Ngân Sủn ít vần điệu như cách nói dân dã của người miền núi, nhưng giàu hình ảnh và đầy triết lý. Chính vì thế mà thơ Lò Ngân Sủn có gương mặt rất riêng không lẫn với ai được.

Tháng 10/1991, khi Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Lò Ngân Sủn vận động tôi cùng anh lên Lào Cai, nhưng tôi không đi được, vì đã xin vợ con về Yên Bái rồi. Như vậy chỉ có một mình anh trong cơ quan thường trực Hội Văn nghệ lên Lào Cai lập Hội. Sau Lò Ngân Sủn trúng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, anh được điều về Hà Nội công tác, từ đó tôi thi thoảng mới gặp được anh. Kể từ khi anh bạo bệnh thì chưa lần nào gặp anh cả, mặc dù gặp bạn bè văn nghệ vẫn nhắc tới tên anh. Nay anh đã khuất núi, người “Con của núi” đã trở về với núi rừng, tôi viết những dòng này xin được thắp một nén tâm nhang cho người bạn văn một thuở.