Vùng quê nghèo vùng sâu, vùng xa Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng)
mấy ngày gần đây bỗng xôn xao bởi tin anh chàng “nhà văn trẻ” Cusiu - con của
“ông Cường lâm trường” - bị bắt vì có hành vi lừa đảo. Trên mạng Internet, Đoàn Mạnh Quang ( được biết đến qua tập
truyện “Chị ơi! Anh yêu em!”) đã lập ra một số trang web cá nhân để rao bán các
mặt hàng điện tử như laptop, điện thoại di động... Bằng cách “thỏa thuận” giao
tiền qua tài khoản khoảng 30% trước khi giao hàng, Quang đã chiếm dụng của một
số “khách hàng” một khoản tiền được cho rằng là không nhỏ. Ngày 5.1, tại TPHCM,
một số khách hàng đã đón lõng và bắt Quang giao cho cơ quan công an. Hiện Đoàn
Mạnh Quang đang bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm
đoạt tài sản”.
GIA CẢNH CỦA CÂY BÚT TRẺ VỪA BỊ BẮT VÌ TỘI LỪA ĐẢO
Cuối tuần vừa qua, chúng tôi đã tìm về thị trấn nhỏ
bé vùng sâu huyện Đạ Tẻh để gặp cho bằng được người bố của Đoàn Mạnh Quang
(“Cusiu”) là Đoàn Mạnh Cường (“Cường lâm trường”) để tiếp cận thông tin dưới một
góc độ khác. Chúng tôi đã liên tục gọi vào số máy có đuôi là “...457” để hẹn
ông Cường, nhưng không tài nào liên lạc được; vào ra ngôi nhà riêng của ông Cường
đến mấy lần, nhưng cũng không gặp được vì ông luôn vắng nhà.
“Ông ấy đi rừng suốt. Trên rừng, điện thoại không
liên lạc được” - một người hàng xóm của ông Cường cho biết. Bởi vậy, vào một buổi
sáng thật sớm, sau khi bấm vào số máy có đuôi là “...457” vẫn không liên lạc được,
chúng tôi đã đường đột đến nhà ông. Chỉ mới tinh mơ, nhưng chiếc xe máy của ông
Cường đã dựng sẵn trước nhà và quay đầu ra ngoài đường.
“Đau
đầu lắm, anh ạ!”
Biết không thể từ chối cuộc gặp, ông Cường sau khi mặc
sẵn áo quần đi làm việc đã ngồi vào bàn trà và tiếp chuyện chúng tôi một cách
khá miễn cưỡng. Chúng tôi động viên mãi, ông Cường mới hé răng: “Vụ việc thằng
Quang con tôi nó sai đến đâu thì cứ để cho pháp luật xử lý. Mấy hôm nay, tôi thực
sự đau đầu vì chuyện này. Hàng xóm ở đây nhiều người biết chuyện cứ hỏi han tôi
đủ thứ. Có người thì chia sẻ, nhưng cũng có người tọc mạch, khổ lắm. Có người
còn photocopy mấy bài báo viết về thằng con tôi đưa cho nhiều người đọc, tôi
càng khổ tâm...”. Nhìn người đàn ông tuổi 54 - từng là một cán bộ nhà nước này,
chúng tôi phần nào hiểu được tâm trạng xót xa của ông.
Trong câu chuyện chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ với chúng
tôi, ông Đoàn Mạnh Cường có đến hàng chục lần lặp lại câu nói “Đau đầu lắm, anh
ạ!”. Quả thật là ông Cường đang rất “đau đầu” khi phải đối mặt với sự thật về sự
“hư hỏng” của đứa con trai đầu, khi phải đối diện với những người hàng xóm và cả
bạn bè đồng nghiệp với cái nhìn không được thiện cảm lúc vào ra giáp mặt, lại
thêm chuyện khổ sở bởi luồng thông tin trên mạng ngày một dày thêm về “sự lừa đảo”
của đứa con trai...
Hiểu tâm trạng này của ông Cường nên chúng tôi chỉ
thỉnh thoảng mới đề cập thẳng vào vấn đề chính của chuyến về vùng quê Đạ Tẻh
heo hút nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng lần này. Hơn nửa tiếng đồng hồ
ngồi với nhau, câu chuyện của chúng tôi phần nhiều là xoay quanh chuyện làm cán
bộ quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Đạ Tẻh, chuyện đi kinh tế mới...
Ông Cường kể: “Quê tôi ở Hà Tây. Năm 1977, gia đình
tôi đi kinh tế mới vào vùng đất Đạ Tẻh này đây. Mười năm sau - năm 1987, khi tốt
nghiệp ngành lâm nghiệp từ một trường ở Đồng Nai, tôi được nhận vào công tác tại
Lâm trường Đạ Tẻh và được bố trí làm ở bộ phận quản lý bảo vệ rừng suốt từ đó đến
tháng 2.2013 thì về hưu sớm theo chế độ. Hiện tôi đang hợp đồng làm việc với một
công ty tư nhân cũng chuyên về lĩnh vực lâm nghiệp. Vật lộn với cuộc sống thường
nhật cũng vất vả lắm chứ chẳng sướng gì đâu, anh ạ!”.
Suốt 2 ngày vào ra ngôi nhà của ông Cường, tôi cảm
nhận được cuộc sống của gia đình này không mấy khá giả. Gia đình ông Cường hiện
sống trong một ngôi nhà xây cấp bốn nằm khuất trong một con hẻm hẹp và cụt thuộc
đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh. Người chúng tôi thường xuyên gặp khi
đến ngôi nhà này là mẹ ruột ông Cường, bà nội của Cusiu Đoàn Mạnh Quang.
Cụ năm nay đã 83 tuổi, hai mắt không còn nhìn thấy
gì, còn đôi tai thì cũng nghe không được rõ lắm. Sau khi vợ mất (1990), ông Cường
một mình gánh vác luôn cả việc nhà, chăm sóc người mẹ già và 3 đứa con nhỏ. Ông
sống vậy chăm nom gia đình, không đến với người phụ nữ nào khác cho đến giờ
này.
“Một mình chạy vạy lo toan cho 3 đứa con nhỏ và một
mẹ già là khá vất vả ở cái thị trấn nghèo này chứ chả chơi đâu anh. Cái cảnh gà
trống nuôi con, nhọc lắm!” - ông Cường tỏ ra cởi mở hơn. Nhưng ngay lập tức,
ông lại “rút vào vỏ ốc” do ông tự tạo: “Con cái hư hỏng đến mức ấy, nỗi khổ này
không mấy ai thấu hiểu cho tôi đâu! Thôi thì cứ để chờ cơ quan điều tra kết luận.
Nó có tội đến đâu, xử đến đó”.
Tiếc
cho một cây bút có triển vọng
Ông Cường chủ động lên tiếng: “Hơn nửa năm rồi nó
không về nhà, mà cứ ở rịt dưới Sài Gòn. Thỉnh thoảng tôi điện hỏi thăm thì nghe
cháu nó bảo đang bận viết cuốn sách gì gì đó. Riêng chuyện này thì tôi tin thằng
Quang nhà tôi. Nó có viết thật đấy. Hôm rồi đọc mạng, thấy có người bảo nó lợi
dụng chuyện viết lách tạo uy tín để lừa đảo, tôi thấy buồn...”. Theo ông Cường,
chuyện viết lách của Quang và chuyện “lừa đảo” có thể có liên quan với nhau,
nhưng cái này không phải là nguyên nhân chính của cái kia.
Ông Cường kể rằng, trước đây Quang có theo học tại một
trường cao đẳng tài chính chuyên ngành kế toán, nhưng bỏ học giữa chừng vì thấy
nghề kế toán không hợp với khả năng. Sau khi nghỉ học, Quang kiếm sống bằng việc
làm thuê cho một công ty kinh tế.
Trong lúc này, Quang có viết được hai cuốn truyện vừa
là “Chị ơi... Anh yêu em” và “Em gái của trời”. Điều đáng nói, theo ông Cường,
nguyện vọng của con trai mình là sẽ thi vào một trường đại học chuyên ngành xã
hội hoặc báo chí để tiếp tục con đường viết lách. Thế nhưng, có lẽ vì ham mê cờ
bạc, trót “theo lao” nên cơ sự mới đổ vỡ ra như thế. Chúng tôi hỏi: “Nghe bảo
có lần anh đã mang tiền xuống Sài Gòn để trả nợ thay cho Quang?”. Ông Cường gật
đầu: “Nó là con tôi mà! Tôi không dung túng, nhưng phải cứu nó để nó có cơ hội
quay trở lại làm người tốt. Có ai ngờ đâu...”.
Ông Cường nói tiếp: “Tôi chấp nhận cho cháu nó nghỉ
ngang ở trường cao đẳng để thi vào một trường đại học báo chí hoặc một đại học
xã hội nào đó để theo đuổi nghiệp văn chương. Nói thật, làm bố mẹ, thấy cháu nó
có chút danh tiếng nhờ một hai cuốn sách, tôi vui lắm.
Tôi vẫn động viên cháu tiếp tục viết. Vừa viết vừa
theo học đại học. Dạo trước, có người đặt vấn đề chuyển thể một trong hai cuốn
sách của cháu Quang thành phim, tôi mừng. Rồi thêm nữa, có một nhà xuất bản ở
ngoài Hà Nội mời Quang cộng tác, sau đó có thể thành người của họ, tôi cũng rất
vui. Tuy nhiên, tôi vẫn hướng cháu tiếp tục học hành cho tử tế để có được bằng cấp
(năm nay cháu Quang chỉ mới 24 tuổi), sau đó sẽ trở thành người chuyên viết văn
hoặc làm báo”.
Trước khi gặp bố đẻ của “nhà văn trẻ” Cusiu Đoàn Mạnh
Quang, chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với một người quen biết với gia
đình Đoàn Mạnh Quang là nhà văn Nguyễn Thanh Hương. Nhà văn Nguyễn Thanh Hương
là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại Đạ Tẻh, là Chi hội trưởng Chi hội
VHNT phía nam (gồm 3 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên) thuộc Hội VHNT tỉnh
Lâm Đồng.
Nhà văn Thanh Hương kể: “Cách nay khoảng chục năm,
tôi có viết về tấm gương ông Đoàn Mạnh Cường - bố của Đoàn Mạnh Quang, khi ông ấy
còn là cán bộ của Lâm trường Đạ Tẻh, nên có biết ông ấy và gia đình của ông. Thời
gian gần đây, tôi có đọc được một số truyện của con ông Cường là Đoàn Mạnh
Quang. Nói thật, ở vùng quê lam lũ Đạ Tẻh này, có một người đủ khả năng vượt
qua lũy tre làng theo nghiệp viết lách là quý lắm rồi; đằng này, Quang là người
viết được. Tôi cho rằng đó là một cây bút có triển vọng.
Theo chỗ tôi biết thì Quang là người từ đầu không chọn
nghề chữ nghĩa để theo đuổi nhưng lại có duyên với văn chương, nên với tư cách
là một người cầm bút ở xứ nghèo Đạ Tẻh này, tôi ủng hộ việc viết lách của
Quang...”. Rồi, giọng ông nhà văn trở nên buồn buồn: “Cứ nghĩ, xứ nghèo Đạ Tẻh
của tôi trong tương lai không xa sẽ có thêm một nhà văn, một người cầm bút đúng
nghĩa, ai ngờ... Thật tiếc cho một cây bút có triển vọng...”.
Bố của “nhà văn trẻ” Cusiu nói: “Sau khi sự việc xảy
ra, tôi đã vài lần xuống TPHCM để gặp cơ quan điều tra theo yêu cầu của họ và
được biết là cho đến tận giờ cũng chưa biết chính xác là có bao nhiêu người là
nạn nhân của Quang và số tiền trong vụ việc này chính xác là bao nhiêu.
Nhưng thôi, càng nói càng thêm đau lòng!” - vừa nói,
ông Đoàn Mạnh Cường vừa đứng lên khỏi ghế và liếc nhìn đồng hồ. Chúng tôi biết
là cuộc trò chuyện miễn cưỡng này đã đến lúc kết thúc!
Nguồn: THI HOÀNG – Lao Động