Ở chị có một sự tin tưởng và tin
cậy tuyệt đối. Sự tin tưởng đến từ vẻ tự tin cao độ trong chuyên môn của một
người thầy thuốc và sự tin cậy đến từ lòng trắc ẩn toát lên từ một người hướng
lòng theo Phật pháp, tin vào nghiệp quả kiếp người và luôn tâm niệm làm thầy
thuốc là phải cứu người. Thật là oan ức khi một người bác sĩ tận tâm bị một bài
báo khép tội “tiếp tay cho đường đây đẻ mướn”… Ngày chị lao đao giữa dòng thị
phi, hàng chục bệnh nhân giận dữ muốn kéo nhau đến tòa soạn đòi chân lý, đòi lại
danh dự cho một bác sĩ chân chính.
Nhân Ngày Thầy thuốc VN 27-2
BLOUSE TRẮNG GIỮA DÒNG ĐỜI XUÔI
NGƯỢC
TRƯƠNG TÚ CHI
Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, giới
văn nghệ và công chúng TP HCM xôn xao với vở kịch Thiên Thiên của tác giả kiêm
đạo diễn Việt Linh. Nhân vật Thiên Thiên trong mơ mơ hồ hồ đã trở thành hình ảnh
của một người phụ nữ đặc biệt đến khó tin, một người sẵn sàng lắng nghe và chia
sẻ mọi ẩn khuất, mọi đau buồn, cay đắng,.. cho tất cả những ai có nhu cầu sẻ
chia và tìm đến với chị. Nhân vật đẹp đến mức những ai đang bị thử thách sự lương
thiện sẽ cảm thấy nghi ngờ, rằng ngoài đời không thể nào có một người nhẫn nại
như thế. Nhưng ngay giữa lúc xem kịch, tôi đã giật mình khi chợt nhớ ra rằng,
ngay trong đời thường, rất gần gũi với tôi, có một người phụ nữ làm được như vậy.
Chị - bác sĩ Đinh Thị Hồng rất gần, không phải vì chị là hàng xóm, không phải
vì tôi thường xuyên gặp chị, mà vì chị có cái cách chia sẻ rất đặc biệt khiến mọi
người cứ ngỡ chị lúc nào cũng bên cạnh mình.
Chị là một bác sĩ chuyên khoa Sản, nhưng chị đặc
biệt bởi tuổi đời chưa quá 40 nhưng lại đầy bản lĩnh. Khi một thai phụ được chỉ
định phải mổ, chị thuyết phục bệnh nhân cố gắng sanh thường cho tốt, mặc dù đỡ
một ca sanh thường sẽ vất vả hơn. Khi một bệnh nhân bị tuyên bố phải bỏ thai,
chị đã kiên trì giữ thai lại. Cháu bé nay đã lên 5, thông minh, khỏe mạnh bình
thường. Khi một người phụ nữ ở quê, lặn lội đi lên đi xuống thành phố năm lần bảy
lượt để chữa một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm, chị chỉ khám một lần và thôi bệnh,
cả gia đình nay vẫn còn “mang ơn”… Còn rất nhiều trường hợp hy hữu khác, những
tình huống khác liên quan đến tính mạng con người mà nếu gặp bất cứ một bệnh
nhân nào của chị, tôi cũng được nghe kể đi kể lại trong lòng biết ơn. Ơn Trời vì
may đã được gặp chị!
Chị chỉ là một bác sĩ khoa Sản,
nhưng chị đặc biệt bởi cách chị đồng hành cùng thai phụ. Dù là bệnh nhân mới
khám lần đầu hay là bệnh nhân cũ, ai cũng được chị căn dặn nhiều lần, có gì bất
thường em cứ gọi chị, bất cứ lúc nào, 1,2 giờ khuya cũng không sao... Về sau
này, chị chuyển hướng từ Sản sang Hiếm muộn cũng là để đồng hành với bệnh nhân,
kiên trì với bệnh nhân từng tí từng tí một trên chặng đường tìm con đầy vất vả
của họ. Làm việc với phụ nữ, trong một lĩnh vực quá sức phụ nữ, chị lại rất phụ
nữ khi sẵn sàng nghe bệnh nhân kể về cái thai của mình. Một thai nhi thường
xoay quanh nó nhiều câu chuyện của cuộc đời, của tình chồng vợ, của trách nhiệm
nàng dâu, của những oan trái tình yêu, của những trớ trêu tạo hóa…, có những
câu chuyện không thể kể với mẹ, không thể kể với chồng, không thể kể với bạn
nhưng các thai phụ đều muốn kể với bác sĩ Hồng. Khi những bác sĩ khác không kịp nhìn mặt bệnh
nhân khi khám bệnh thì bác sĩ Hồng vẫn cứ sắp xếp thời gian để lắng nghe…
Và có lẽ vì hiểu tính chị mà những
bệnh nhân khác vẫn cứ kiên nhẫn chờ. Vì đến lượt họ, họ cũng sẽ được chị chăm
sóc sức khỏe và vỗ về tinh thần. Ở chị có một sự tin tưởng và tin cậy tuyệt đối.
Sự tin tưởng đến từ vẻ tự tin cao độ trong chuyên môn của một người thầy thuốc
và sự tin cậy đến từ lòng trắc ẩn toát lên từ một người hướng lòng theo Phật pháp,
tin vào nghiệp quả kiếp người và luôn tâm niệm làm thầy thuốc là phải cứu người.
Mà để cứu người, không phải chỉ cần những ca mổ thành công, đôi khi còn cần một
lời động viên, một sự đồng hành đầy cảm thông và trách nhiệm.
Từ khi từ bỏ suất học bổng đi học
nước ngoài dành cho thủ khoa trường ĐH Tổng hợp, bước chân vào giảng đường Y,
cho đến khi chị từ bỏ chức vụ trưởng khoa của một Bệnh viện quốc tế với lương bổng,
địa vị cao để đi sang một bệnh viện nhỏ hơn nhưng được làm khoa hiếm muộn, chị
đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của một người thầy thuốc và hoàn toàn không hề hổ
thẹn với lương tâm. Bởi lẽ, chị đã cứu được nhiều người không bị chết oan, chị
đã chào đón thành công bao nhiêu công dân tí hon, chị đã cứu được rất nhiều gia
đình lao đao ở bờ vực tan vỡ vì chuyện con cái… Chị không thể hổ thẹn vì suốt
bao nhiêu năm cùng vui cùng buồn với hàng trăm mảnh đời bệnh nhân mà chị không
thể nhớ hết mặt, nhớ hết tên, chị đã không hề tơ hào tư lợi. Chị làm việc ở bệnh
viện quốc tế, bệnh nhân là những người khá giả, vậy mà chị vẫn cứ lo họ bị tốn
tiền. Bệnh viện đôi khi phải khiển trách vì bác sĩ Hồng cứ siêu âm miễn phí cho
bệnh nhân. Chị bác sĩ trưởng khoa không bao giờ nhận phong bì cảm ơn và cũng
không cho phép bệnh nhân “làm hư nhân viên” của mình. Ở một bệnh viện quốc tế
khác, môi trường làm việc êm ấm vẫn không ngăn được chị cái quyết tâm mở phòng mạch tư nhân để khám bệnh miễn phí
cho bệnh nhân nghèo hoặc ít ra là khám rẻ cho bệnh nhân, càng được nhiều người
càng tốt. Niềm mơ ước nhiều năm dành dụm chắt chiu mới thực hiện được ấy đã buộc
chị phải có nhiều sự đánh đổi, hy sinh, nhưng chị mãn nguyện. Vì chị tuy thiệt
thòi nhưng giúp ích được cho nhiều người, đặc biệt là các cặp vợ chồng khó có
con. Chị dành cho tất cả mọi bệnh nhân, không phân biệt giàu nghèo, địa vị,
tình yêu thương và sự lo lắng như dành cho những người ruột thịt của mình. Nhiều
lúc tôi chợt hỏi, chị bác sĩ nhỏ nhắn ấy sao lại có trong lòng một trái tim lớn
như vậy...
Vì vậy, thật là oan ức khi một
người bác sĩ tận tâm bị khép tội “tiếp tay cho đường đây đẻ mướn” như trong một
bài báo. Dành cả buổi chiều chủ nhật được nghỉ ngơi hiếm hoi để tư vấn cho một căp
vợ chồng hiếm muộn cách thức tốt nhất để có một đứa con, chị có ngờ đâu, chị đang
là nạn nhân của một màn kịch. Thật uổng cái tình khi chị đã lo lắng cho cặp vợ
chồng giả danh, vốn là các bạn phóng viên trẻ, âm mưu gài chị nói để quay phim,
ghi hình. Ngày chị lao đao giữa dòng thị phi, hàng chục bệnh nhân giận dữ muốn
kéo nhau đến tòa soạn đòi chân lý, đòi lại danh dự cho một bác sĩ chân chính. Có
một làn sóng sôi sục, phẫn uất, nghẹn ngào... Mọi người gặp nhau, kể cho nhau về
chị, về những điều kỳ diệu chị đã dành cho họ, về một trong những người rất hiếm
hoi “thương người” hơn cả “thương thân”! Bao nhiêu nữ hộ sinh từng là nhân viên
của chị bật khóc vì quá thương và quá ức. Ai nỡ lòng gieo tiếng ác cho cò!...
Và con cò trong cơn giông đã thảng
thốt nhận ra mình dại, thương bệnh nhân quá mà quên cả những giới hạn lẽ ra
không nên vượt qua… Con cò có cất tiếng kêu oan nhưng tiếng cò yếu ớt bị át đi
trong tiếng đời xô chảy. Và cũng không thể kêu khi tình ngay lý gian, phim ảnh rành
rành… Chỉ có hàng trăm cú điện thoại của bệnh nhân là vẫn liên tục reo vang:
chúng em tin chị và luôn luôn bên chị! …
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày…,
con cò mảnh mai đã mỉm cười và vươn cánh, ngẩng cao… Cò tin vào luật nhân quả,
cái nghiệp cò phải trả chính là lời thị phi. Cò tin trời cao thấy được tấm lòng
và trái tim của người thầy thuốc luôn nồng ấm...
Khi chị đã nhẹ nhàng hỷ xả, những
bệnh nhân của chị vẫn còn thấy ức vì thương …
Không có gì là to tát khi có một
bác sĩ vững vàng chuyên môn, thương yêu bệnh nhân và hết lòng vì bệnh nhân như
bác sĩ Hồng, nhưng khi mà những giá trị tốt đẹp rất bình dị ấy đang bị phai
nhòa trong dòng chảy siêu tốc của đời sống hiện đại thì hình ảnh của một bác sĩ
như vậy đã trở thành một niềm tin, một ánh sáng của niềm hy vọng. Tin rằng các bác
sĩ chân chính vẫn còn rất nhiều và hy vọng rằng những điều tốt đẹp của tình yêu
thương sẽ ngày càng được nhân rộng ra. Nhân ngày của những người thầy thuốc,
tôi muốn viết để cảm ơn chị. Cảm ơn chị đã rất mạnh mẽ, cảm ơn chị đã luôn kiên
định với con đường tâm đạo mà chị đang đi. Mong chị tiếp tục vững vàng trong sự
nghiệp thầy thuốc đầy thiêng liêng bởi lẽ công việc của không phải chỉ cứu người
mà còn là chăm sóc cho việc sinh nở - cũng chính là chăm sóc cho tương lai. Những
thế hệ mới, những người mẹ của đất nước cần được nâng niu bởi những tấm lòng
bác sĩ như chị.
Nguồn: Báo Kiến Thức Gia Đình số
ra ngày 27-2-2014