Người mẹ  của tác giả Lê Thiếu Nhơn, tôi dám chắc bà hiểu con, nhưng chưa dám chắc bà nghĩ con mình đã lớn khôn. Người mẹ nào chẳng vậy. Tác giả bây giờ mới nói cho ta hay: “mẹ cũng thèm món ngon/ mẹ cũng ước hoa hồng/ mẹ cũng cần dăm đồng bạc lẻ chẳng phải đắn đo cho bàn tay trẻ ăn mày bớt trống vắng”. Người con trai đã hiểu mẹ đến nhường này phải từng trải thấu đời mới  viết ra được câu thơ vậy. Tôi dám chắc người mẹ của Lê Thiếu Nhơn cúi xuống mỉm cười và hài lòng lắm với cách nghĩ này của con trai. Hiểu mình hiểu người là một thứ hạnh phúc vô giá. Mẹ hiểu con trai, và con trai hiểu mẹ cũng là một hạnh phúc vô giá.






Thơ  an ủi mẹ

Dáng mẹ tất tả buổi chợ sớm, vội vã bữa cơm chiều
Giúp tôi vừa giong buồm lớn khôn vừa thả neo thơ ấu
Lòng mẹ nhẫn nhịn mở ra biển rộng cảm thông
Tôi không thể lấy mái gianh nghèo mộng mơ ý tứ

Thi ca làm sao đưa ta đến nhà hàng
Thi ca làm sao thay tiền  mừng tiệc cưới
Mẹ cũng thèm món ngon. Mẹ cũng ước hoa hồng
Mẹ cũng  cần dăm đồng bạc lẻ chẳng phải đắn đo
cho bàn tay đứa trẻ ăn mày bớt trống trải

Tôi lẽ nào cậy ngọn đèn hư ảo vầng trăng
Viết ngàn câu sóng xô lên mắt mẹ
Lê Thiếu Nhơn

    Đây là một bài thơ trong tập thơ  “Bản tường trình giấc mơ đi vắng” của nhà  thơ, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Tập thơ mỏng, nhiều ngẫm ngợi về thế sự, về cõi người. Ở tuổi ba mươi, anh đã viết: “cái được đáng lo/ cái mất đáng mừng”.
    Bạn đọc ngỡ như vừa gặp một người đứng tuổi, từng trải, và giấy phút thăng hoa nhất tác giả mới tổng kết được một giá trị sống và viết ra nhẹ như không. Bạn còn thấy  như  anh vừa già đi nhanh quá. Thời cuộc không cho phép người cầm bút trẻ, nghĩ trẻ. Viết được thế là khó. Riêng một bài “Thơ an ủi mẹ”, viết như trải lòng. Đứa con trai tận hiếu, sâu sắc nghĩ về mẹ. Lê Thiếu Nhơn biết cả: “dáng mẹ tất tả buổi chợ sớm, vội vã bữa cơm chiều/ giúp tôi vừa giong buồm lớn khôn vừa thả neo thơ ấu”.

Lê Thiếu Nhơn bước đi rất  xa, và tác giả còn biết ngoảnh lại. Anh thấm hiểu mẹ mình bao dung, thấm hiểu nhẫn nhịn, thấm hiểu cái cách làm mẹ, biết chịu đựng mọi hy sinh cho con, sải cánh cho con bước ra biển đời. Anh cũng tận hiểu sự khó nhọc của thơ ca, góc khuất của thơ ca. Vì thơ ca không thể và không bao giờ có thể hái ra tiền, như người ta bước chân đi làm kinh tế, vì nỗi,  thơ  thức tỉnh con người, giúp người nhìn nhận ra sự thánh thiện, cứu rỗi những lúc phận  người ta mỏng manh, cô đơn nhìn thấy những mảng sáng khác biệt của đời sống.
Lê Thiếu Nhơn nhìn ra:  “Thi ca làm sao đưa ta đến nhà hàng/  Thi ca làm sao thay tiền mừng tiệc cưới”. Thời @, thơ không dám đọc to ở nhà hàng nhiều sao  sang trọng, càng không thể đặt chân đến khách sạn 5 sao. Thơ hay có khi nhìn đi nơi khác. Ở một nhà hàng rực rỡ trong thứ ánh sáng đủ màu, thơ hay đủ ngậm ngùi với mọi xa hoa khác.
Nhưng thơ hay có sức mạnh riêng. Khi thức tỉnh một thân phận yếu đuối lại không cần thuyền cứu hộ mà vẫn cứu rỗi một phận người. Giá trị của thơ hay mới ngàn đời tồn tại.

Người mẹ  của tác giả Lê Thiếu Nhơn, tôi dám chắc bà hiểu con, nhưng chưa dám chắc bà nghĩ con mình đã lớn khôn. Người mẹ nào chẳng vậy. Tác giả bây giờ mới nói cho ta hay: “mẹ cũng thèm món ngon/ mẹ cũng ước hoa hồng/ mẹ cũng cần dăm đồng bạc lẻ chẳng phải đắn đo cho bàn tay trẻ ăn mày bớt trống vắng”.
Người con trai đã hiểu mẹ đến nhường này phải từng trải thấu đời mới  viết ra được câu thơ vậy. Tôi dám chắc người mẹ của Lê Thiếu Nhơn cúi xuống mỉm cười và hài lòng lắm với cách nghĩ này của con trai. Hiểu mình hiểu người là một thứ hạnh phúc vô giá. Mẹ hiểu con trai, và con trai hiểu mẹ cũng là một hạnh phúc vô giá.

   Khúc kết bài thơ anh viết: “Tôi lẽ nào cậy ngọn đèn hư ảo vầng trăng/ viết ngàn câu thơ sóng xô lên mắt mẹ ?”. Câu thơ mở ra những lối rẽ của sóng thời gian, đứa con trai  biết làm thơ này nghĩ tận cùng cho mẹ. Con trai sẽ không chất sóng lên vai mẹ nữa, nhưng để sóng xô lên mắt mẹ như  một tạng người của Lê Thiếu Nhơn, ắt không ít người mẹ, ước thay, giá như mình cũng nuôi dạy con được nên người như vậy. Âu cũng là một công trình khoa học của riêng người mẹ. Một công trình nuôi dạy con của riêng người mẹ, xưa nay không hề có thể cho  điểm trên giảng đường một trường đại học quốc gia nào.

                                     HOÀNG VIỆT HẰNG



Nguồn: Chuyên mục “Đến với bài thơ hay”, Báo Hạnh Phúc Gia Đình số ra ngày 21-2-2014