Khi đến khu tháp Chăm ở
Mỹ Sơn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, người ta đe ở đó vẫn còn bom đạn
nằm sâu dưới đất, có thể nổ bất cứ lúc nào. Tôi cho là hão huyền, đã hơn 40 năm
rồi còn gì, chiến tranh đã qua đi. Nhưng khi đến nơi, cô thuyết minh xác nhận
đó là điều có thật, tôi đâm hồi hộp. Và câu chuyện bắt đầu từ những trái bom
câm đang nằm ngủ trong quên lãng với thời gian. Khu tháp Chăm đầu tiên hiện ra
trước mắt chúng tôi. Đỏ au trong nắng mới.
Kỳ bí ráng đỏ Mỹ Sơn
VƯƠNG
TÂM
Người
hiệp sĩ của Thánh địa Mỹ Sơn
Giọng người thiếu nữ trở nên ngọt ngào
khi nhắc đến cái tên Kazic, một kiến trúc sư người Ba Lan, khi dẫn đầu đoàn khảo
cổ và trùng tu di tích đến làm việc tại đây vào năm 1980. Mới bắt đầu vạch lá
tìm đường đến chân tháp Chăm, ông và đồng nghiệp đã dẵm lên những quả bom.
Chúng phát nổ, sáu người đã tan xác và 11 người khác bị thương nặng. Thật may,
ngài kiến trúc sư Ba Lan kia chỉ bị thương nhẹ, nhưng đó cũng là một sự đe dọa
khủng khiếp cho bất cứ ai muốn đụng đến khu Thánh địa này.
Dường như ai cũng nhụt chí, nhưng chỉ có
mỗi Kazic là quyết đi tới cùng, và đã ở lại. Thật kỳ lạ, số phận con người này
cũng bí hiểm như tháp Chăm vậy, ông cởi áo choàng lên một ngôi tượng cụt đầu và
im lặng. Bạn bè ngăn cản. Vợ con gọi về. Bom đó! Nhưng không Kazic nguyện thề
và xin chết với Mỹ Sơn. Ông còn nói, khi chết xin được chôn tại khu rừng hoang
dại này. Từ đó, ông gắn bó với Mỹ sơn suốt 16 năm, với công việc trùng tu và giữ
gìn sao cho từng ngôi tháp đừng đổ gục với thời gian. Đó là những công trình kiến
trúc Chăm độc đáo, và là những nhân chứng lịch sử ngàn năm, có một không hai ở
Việt Nam.
Nhắc lại chuyện bom mìn, người hướng dẫn
viên còn kể, cách đây mấy năm, bộ đội công binh của ta đã phát hiện và tháo gỡ
kịp thời một trái bom ước chừng nửa tấn thuốc nổ, trong khu Thanh địa Mỹ Sơn.
Quả bom này có sức công phá rất lớn với đường kính tàn phá hơn 500m. Vậy nếu nổ
nó có thể san phẳng toàn bộ quần thể tháp Mỹ Sơn. Thật kinh hãi.
Kazic được tạc tượng!
Theo chương trình rà phá bom mìn, bảo vệ
di tích Mỹ Sơn, được tiến hành song song với việc trùng tu tôn tạo các tháp, quả
là chuyện không hề đơn giản và gặp không ít khó khăn. Bom có thể nổ nếu không
kiểm soát được những sinh hoạt, lao động của chính những người dân bản địa như
đào đất trồng cây, dọn đốt cỏ, hoặc để ô nhiễm môi trường bởi ngay chính du
khách đến với Mỹ Sơn. Thật đáng lo ngại cho Thánh địa có một không hai này.
Đúng như kiến trúc sư Kazic đã từng đánh giá: “Người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá; biết dựa
vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm và hùng vĩ. Đây là
một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà chúng ta
còn lâu mới hiểu hết”
Mọi chuyện đối với các thiên thần
Apsara, giờ đây không chỉ là khắc chạm, tìm ra những điều bí ẩn của viên gạch
xây tháp, chất kết dính của chúng, ngay từ khi được công nhận là di sản văn hoá
thế giới năm 1999, mà còn là bom và mìn.
Nói như vậy mới biết ông Kazic có công
lớn đến thế nào trong công việc bảo tồn di tích mang tầm cỡ thế giới này. Ông
đã vượt qua sự đe dọa thường trực của bom đạn, nằm sâu dưới lòng đất và những
khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, nhưng con lũ và sự đói khát để gắn bó với Mỹ
Sơn. Kazic đã tình nguyện ở lại, sau hơn 10 năm làm việc theo hợp tác giữa hai
nước Ba Lan và Việt Nam, để “xin chết” với Mỹ Sơn. Chuyện như không tưởng với
những nhà trí thức phương khi đến làm việc tại Việt Nam, trong những năm khốn
khó. Tôi nghe giọng người thuyết minh như nghẹn lại. Người ta nói ông Kazic đã
bị ma hời ám, hay bị những nàng vũ nữ Apsara quyến rũ, hoặc do trời đầy.
Từ đó, ông sống với đúng nghĩa một người
lao động tiều phu, không bước ra khỏi khu rừng, để chăm sóc cho từng viên gạch
vỡ và khai quật những di tích của tháp Chăm còn bị vùi lấp theo thời gian cùng
với đạn bom chiến tranh. Thêm nữa, thời tiết, môi trường nơi đây thật đối chọi dị
thường. Có mùa ngày nóng bỏng, tối lạnh buốt, ảnh hưởng bởi khí hậu gió Lào khắc
nghiệt, nhưng cũng không làm Kazic nản chí. Người ta hỏi, vì sao ngôi tháp này
không lún xuống, đó là công của Kazic. Hoặc ai đó nói, khu tháp kia không lụi
tàn, là nhờ ơn Kazic cũng không sai. Đến trong mơ ông cũng chỉ nghĩ đến làm
cách nào giữ các ngôi tháp được vẹn toàn nhất, đúng với chính nó nhất, đã từng
tồn tại hơn 1000 năm. Kazic là thế. Ông mất sau đó 7 năm (1997), vừa tròn tuổi
53, như một định mệnh tại Việt Nam.
Kẻ
“điên rồ” thứ hai
Du khách đến đây, ắt hẳn nhiều người biết
đến họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, bởi nhà anh nằm trong khu dịch vụ “Homestay”. Hơn
nữa, nơi anh ở thực sự đúng với nghĩa nhà tranh vách đất, trên một khu đất rộng
cùng những tiểu cảnh, hoa lá chim muông…Chúng hồn nhiên như chính anh vậy. Người
đã làm việc và gắn bó với Mỹ Sơn hơn 30 năm qua.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chính là một
trong những người đầu tiên làm việc với ông Kazic, ngay từ năm 1980. Phải nói
anh cũng bị ma hời Chăm dụ như ngài kiến trúc sư Ba Lan kia vậy. Là con cháu
dòng tộc vua nhà Nguyễn, tốt nghiệp Mỹ thuật ở Huế, nhưng lại xung phong vào
làm việc tại Mỹ Sơn. Nhà thì ở Thành phố Đà Nẵng, nhưng lại cứ nằng nặc đòi xa
vợ con để vào khu rừng thiêng nước độc này. Rõ là “điên”! Nhiều người nói thế.
Cứ thích sống với rắn rết và suối cạn cùng muỗi vắt chứ báu gì. Gàn chả được,
người vợ hiền đành cam chịu lo cho chồng khăn gói ra đi, về miền hoang gió rít.
Thế là cả một đời ghi chép và vẽ tháp
cũng những tượng Chăm cổ. Lẽo đẽo theo chân nhà kiến trúc sư Kazic trọn 16 năm
có lẻ, học lắm thứ và cũng tích tụ được nhiều điều ngón nghề bảo tồn. Mặc cho
những lời đồn ai gắn bó với tháp Chăm Mỹ Sơn sẽ khổ cả một đời, nếu không bị ma
hời dụ thì cũng bị dính bệnh chết lúc nào không hay, nhưng người họa sĩ này quyết
dấn thân. Sự đam mê với những viên gạch đỏ thắm với thời gian và sự quyến rũ của
vẻ đẹp kiến trúc Chăm đã làm cho Nguyễn Thượng Hỷ nguyện sống chết với hoài bão
của mình.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ!
Người ta còn nói anh càng ngày càng
“điên” với Mỹ Sơn cho dù đã 33 năm gắn bó, khi vừa được thăng chức trưởng phòng
quản lý di tích thì lại xin về hưu. Mà đâu đã đến tuổi nghỉ chế độ, sinh năm
1956, anh xin về để đi vẽ. Một đời sống với Mỹ Sơn hẳn anh sẽ vẽ về những ngôi
tháp và những con người Chăm. Chắc thế, bởi lâu nay người ta đã coi anh là một
họa sĩ người Chăm. Nhưng còn “điên” hơn, anh không về thành phố mà vẫn ở lại
nơi Thánh địa này, trên một ngọn đồi đầy sim mua và sỏi đá. Anh xây một ngôi
nhà lá và vẽ ở đó từ năm 2012 đến nay. Không biết anh học ở đâu, mà cái nền nhà
được anh làm hết sức lạ. Anh dùng tro rơm, trộn với đất và muối, rồi nện chặt,
tạo nền nhà lúc nào cũng mát. Cái nền móng là quan trọng nhất, đúng như cái nền
của tháp Chăm vậy, nhờ nền mà ngôi nhà mới vững, đỉnh tháp mới tồn tại ngàn năm
nay. Anh nghĩ thế và đi khắp thiên hạ chỉ học làm cái nền cho một ngôi nhà
tranh vách đất cổ xưa. Và giờ đây anh là một chuyên gia tư vấn về nhà cổ. Tưởng
làm dịch vụ “Homestay” trúng lắm, nhưng anh lại chẳng lấy tiền ai, cứ như nhà
chung của người Chăm vậy. Vào thì nghỉ lại. Gặp nhau thì trò chuyện. Khách nghe
anh kể hàng trăm câu chuyện Chăm và cuộc đời của những ngôi tháp đầy bí ẩn với màu
son của gạch đá. Khách đỡ mệt ra đi anh lại cầm cọ vẽ. Thế thôi. Ai cũng nói
anh dại. Đưa tiền anh không nhận. Trồng hoa cho người ta ngắm. Đào hồ thả cá
cho người ta đùa vui. Trồng tranh tre trĩu trịt gió với những âm thanh chuông vầu,
chuông nứa làm ngọt tai mọi người để làm gì.
Đó là một tấm lòng. Đúng như cố nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn đã từng cất lên những âm thanh chỉ để gió cuốn đi hay sao. Gặp
anh tôi thấy rưng rưng khó tả. Tôi đi rất nhẹ trong ngôi nhà anh. Gió bốn
phương mát rượi ùa vào căn nhà lá, sau cái nắng oi ả của một hành trình đi bốn
khu trong Thánh địa Mỹ Sơn. Tôi ngây ra trước bức tranh vũ nữ của anh treo trên
vách nứa. Người ta gọi anh là họa sĩ người Chăm cũng đúng vì hơn 30 năm gắn bó,
đất và nước cũng những ngôi tháp Chăm đã nuôi dưỡng anh. Tóc anh bồng bềnh một
sắc Chăm. Râu anh hồn nhiên một vẻ Chăm. Và gương mặt anh gồ ghề sương gió và đầy
nhân hậu của một tinh thần Chăm. Anh đó, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ hồn nhiên như
cây cỏ, cũng nguyện chết cùng Chăm như hiệp sĩ Kazic vậy. Tôi lặng lẽ bước ra
khỏi ngôi nhà đất. Anh bắt đầu cầm cây cọ và viên gạch son hiện lên trên toan.
Ám
ảnh Mỹ Sơn
Nắng chiều vàng rực nhưng cái vầng hừng
lên từ Thánh địa Mỹ Sơn lại đỏ như son vậy. Những viên gạch đỏ au với thời gian
quả là sự kỳ bí của sắc tộc Chăm. Năm ngoái người ta vừa tổ chức thi hoa hậu
các dân tộc lần thứ 3 tại đây. Những nhan sắc đã hiện lên cùng với những màu thời
gian, với vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Đó là khi những vũ nữ Apsara hiện về. Những
đường cong vẽ lên không trung những hình tượng đầy ám ảnh về cái ráng đỏ huyền ảo
của những ngọn tháp, mà người Chăm đã từng ngợi ca về quá khứ rực rỡ của mình.
Tôi chợt nhớ đến giai điệu khúc ca “Mưa bay tháp cổ” của Trần Tiến, cứ ngân nga
và kỳ bí: “Cong cong năm ngón ngũ hành /
Trăm năm vũ điệu / Nam mô - nam mô - nam mô - Silva / Một vòng thôi miên, thôi
miên Apsara…”