Đầu tháng 5-2014, người dân Việt Nam đã bày tỏ thái độ bức xúc khi phía Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan nước sâu HD 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí cùng nhiều tàu bảo vệ vào vùng lãnh hải nước ta. Nói về “Đảo chìm” những ngày biển Đông nổi sóng, để chúng ta nhắc nhau “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, giông bão chưa ngưng trong tâm hồn mỗi con người”



 “ĐẢO CHÌM” PHÍA BIỂN ĐÔNG CUỘN SÓNG

BÌNH NGUYÊN TRANG

"Đảo chìm" là cuốn sách nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến. Trên blog của mình, Trần Đăng Khoa cho đăng tải lại "Đảo chìm". Thật bất ngờ, những tranh luận và thông tin liên quan đến "Đảo chìm" qua comment của độc giả khắp nơi đã gây một nỗi xúc động rất  mạnh. Không chỉ thể hiện tình cảm của mình với biển đảo, thông qua một tác phẩm văn học, bạn đọc còn "bóc mẽ" nhà văn ở những câu chuyện rất đáng yêu. Thông qua trang web của mình, nhà thơ thần đồng còn có cơ hội được gặp lại những nhân vật mà anh đã viết trong "Đảo chìm" hơn 30 năm về trước.

Trên trang blog cá nhân của mình, Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Hiện nay Trường Sa vẫn là một vùng sóng gió bất an nhất. Nếu đất nước có biến động thì chắc cũng bắt đầu từ quần đảo này… Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến nơi vị trí của hòn đảo thì chắc các bạn cũng khó mà hình dung được, bởi nó trừu tượng quá, mông lung quá. Xin các bạn hãy nhìn lên bản đồ. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình một bà mẹ già gầy gò, đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn phải lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra biển Đông. Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa đấy. Trường Sa, nói theo chữ của các cụ ta xưa thì nó là một dải cát dài. Nhưng cái hòn đảo tôi muốn dẫn các bạn tới còn chưa có cả cát nữa kia. Nó mới đang là một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước ba mét, như một cái bào thai, một mô hình xã hội tốt đẹp còn ở thì tương lai.

Các chiến sĩ của ta đã dựng chòi giữa sóng gió hoang vu để canh giữ, bảo vệ. Nhiều đêm ngồi trên cái chòi bạt này, giữa một bầu mây nước hỗn mang, tôi cứ ngỡ mình đang ở thời tiền sử, đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó như đang quẫy đạp, đang giãy giụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa, nó mới nhô lên kia. Vậy mà bao nhiêu kẻ đã nhòm ngó, rình rập. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy. Nhiều hài cốt của cán bộ chiến sĩ Trường Sa vẫn còn nằm dưới đáy biển đắng chát kia.
Ra đến Trường Sa, tôi mới hiểu vì sao nước biển mặn. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa. Mặn như máu. Nếu bây giờ, các bạn có dịp đặt chân thực sự lên hòn đảo huyền thoại ấy, các bạn sẽ thấy hòn đảo khác rất nhiều với những gì tôi kể. Một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên. Bên cạnh cái "lô cốt" sừng sững như một pháo đài này, Bộ Tư lệnh Hải quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi đã ở, như một bảo tàng, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa. Nhưng dù chúng ta có nâng niu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng sẽ bị hoen gỉ trong nước mặn. Mọi sự việc dù cảm động đến đâu rồi cũng phai mờ qua những biến động của thời gian. Tôi nghĩ thế và tôi đã lẩn mẩn ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái "bảo tàng" nho nhỏ cho bạn đọc, những người đến sau, không được thấy những gì tôi thấy".

Không chỉ cá nhân người viết mà rất nhiều bạn đọc đã từng đến với “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa đều không thể quên ấn tượng mạnh mẽ mà cuốn sách mang lại. Câu chuyện về những người lính làm nhiệm vụ canh giữ hòn đảo còn đang chìm sâu trong nước biển, như "buông neo cho Tổ quốc khỏi trôi dạt" hiện lên sống động, hài hước, cảm động và vô cùng nhân văn. “Đảo chìm” đã được tái bản rất nhiều lần (trung bình mỗi năm tái bản 3 lần). Đó là cuốn sách có khả năng quyến rũ độc giả từ những dòng chữ đầu tiên đến dòng chữ cuối cùng. Mặc dù vậy, nhà thơ Trần Đăng Khoa có lẽ vẫn không khỏi bất ngờ khi nhận ra sức kết nối và sự tương tác mạnh mẽ với độc giả của mình nhờ Internet. Và ngay cả những bạn đọc đã từng say mê “Đảo chìm” cũng có thêm được những chi tiết quý giá xung quanh câu chuyện.

Nhân vật nhận mình là y tá trong “Đảo chìm” viết: "Tôi là Huy Liêm, nhưng anh Khoa chỉ nhớ mỗi tên đệm của tôi… Mọi tình tiết trong truyện đều chính xác, chỉ có chi tiết tôi mổ ruột thừa cho Thiêm thì anh có mô- đi-phê, thực ra tôi mổ qua sự chỉ dẫn của bác sĩ ở đảo Trường Sa lớn. Tôi chưa mổ bao giờ, phải có tư vấn qua điện thoại vô tuyến điện. Nhưng ca mổ thành công. Còn chuyện Nàng An-ta-na-mê-ra cũng rất đúng, nhưng không phải lợn mà là chó. Con chó An-ta-na-mê-ra rất khôn, biết làm xiếc như anh Khoa mô tả, nhưng không hiểu vì sao anh Khoa lại đổi thành lợn thì tôi không hiểu. Lợn thì hay hơn chó chăng?".

Trong “Đảo chìm” chúng ta còn nhớ nhân vật chính trị viên Thuận, tên thật ở ngoài đời là Trần Trọng Trí, một vị thủ trưởng rất ân tình với anh em lính tráng. Thuận có cô con gái tên là Trần Thị Tương còn đang tuổi "đái dầm", mà anh lính nào cũng tranh nhau nhận ông là "bố vợ". Nay, nhờ Internet, Trần Đăng Khoa nhận được những dòng comment của Chính trị viên Thuận: "Đọc lại cuốn sách viết về Trường Sa tôi đã khóc. Con gái tôi, cháu Trần Thu Hà mà ông Khoa gọi là Trần Thị Tương (nhân vật trong “Đảo chìm”) nay đã 37 tuổi, có hai con gái. Cháu ngoại tôi đã học lớp 12, cháu đọc chuyện này, thoạt đầu cười, sau thì khóc. Nó không biết đây là chuyện ông Khoa viết về ông nó, mẹ nó". Cô bé Trần Thu Hà, được nhà thơ đổi tên Trần Thị Tương để đưa vào tiểu thuyết nay tuổi đã ngoài 30. Viết cho Trần Đăng Khoa, cô kể cô đã sưu tầm đủ 25 cuốn "Đảo chìm" trong 25 lần tái bản. Và cô nhận xét rất sắc sảo: "Cuốn sách rất hay nhưng cháu rất ngạc nhiên khi không thấy có một giải thưởng nào cả, kể cả giải thưởng chuyên ngành của Bộ Quốc Phòng hay Tổng cục Chính trị. Điều lạ hơn, cũng không thấy một nhà phê bình nào nhắc đến nó lấy một chữ. Vậy thì rõ ràng có một dòng văn học rất chính thống mà lại nằm ở ngoài Hội Nhà văn và các cơ quan chuyên ngành của văn học".

Tôi hình dung nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ cười mủm mỉm khi đọc những dòng chia sẻ từ những độc giả đã từng là lính ngoài đảo xa như ông. Một độc giả viết: "Tôi là người lính biển, đã nhiều năm làm bác sĩ ở Trường Sa…Tôi rất thích những trang đối thoại của ông Khoa, vì thấy nó rất sống động, rất lính. Có lẽ sau Phạm Tiến Duật, đây là cây bút giàu chất lính nhất, mà là lính trẻ. Khá thật, mặc dù ông Khoa ở Hải quân có mấy năm thôi, và ông ấy cũng đi đảo lớt phớt lắm, chứ không đằm mình như tụi lính tráng thật sự chúng tôi."
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể về cuộc "hội ngộ" với “Đảo chìm” trên nước Đức: "Năm ấy vợ tôi sinh con. Tôi được Khoa tặng “Đảo chìm” đã lâu mà chưa thèm đọc. Bụng nghĩ, Khoa thi sĩ, Khoa nhà thơ thần đồng, biết quái gì về văn xuôi mà chìm với nổi. Vợ sinh em bé, tôi phải một mình thân cò lặn lội, bán hàng kiếm sống, nhớ chuyện nổi chìm, tôi mang theo cuốn sách mỏng của Khoa ra đọc. Cuốn sách hút hồn, tôi đọc liên tục". Mặc dù vậy, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng không ngại "bóc mẽ" ông bạn thần đồng: “Ở “Đảo chìm”, Khoa viết lời dẫn, nói là ghi lại chuyện thật, nhưng tôi thừa biết nhiều đoạn hắn phịa, phịa 100 phần trăm, như câu chuyện vị tướng với người lính. Tôi là lính chiến, 11 năm đánh nhau, tới hơn 500 trận, từng được huân chương chiến công, nên ai viết bốc phét là tôi biết tỏng".

Buồn cười, lại có bạn đọc "phát hiện" Trần Đăng Khoa, mặc dù viết rất hay về tư lệnh, Thượng tướng Giáp Văn Cương, nhưng lại có những chi tiết "bịa", "như việc ông Cương đánh trận ở Điện Biên Phủ. Ông Cương là lính thời Điện Biên, nhưng không biết gì về Điện Biên. Khi trận Điện Biên xảy ra, mặt trận của ông Cương lại ở chiến khu Đông Triều. Riêng điều này thì chú Khoa đếch biết gì cả. Nhưng cũng không phải vì một chi tiết vặt ấy mà hỏng cả một cuốn sách đặc sắc".

Nếu bạn đã yêu cuốn Đảo chìm vì sự hóm hỉnh của nó, thì chính những chi tiết được cung cấp rất thật, từ những nhân vật cũng như độc giả, những người từng ở trong cuộc, sẽ làm cho sự cảm nhận của bạn về cuốn sách trở nên thú vị gấp nhiều lần. Riêng cuộc tranh luận về cái chết của nhân vật liệt sĩ Hai Ùm trong “Đảo chìm” làm rơi nước mắt nhiều độc giả, bởi nó dựa trên tình yêu biển đảo và tinh thần tự tôn dân tộc một cách sâu sắc. Nếu không có sách in, bạn có thể dễ dàng tìm thấy “Đảo chìm” trên nhiều trang web khác nhau.
Riêng trang cá nhân của Trần Đăng Khoa, từ khi nhà thơ đưa “Đảo chìm” lên, như cách "cắm một cột mốc chủ quyền lãnh thổ theo cách của riêng tôi cho quần đảo thiêng liêng này", chỉ trong một tuần, đã có hơn 2.000 comment về cuốn sách. Đặc biệt, đây không phải những comment tầm phào, mà là những chia sẻ hết sức nghiêm túc về văn chương, về biển đảo, về tình yêu nhân dân, Tổ quốc, về sự quý mến, trân trọng nhà văn.

Theo dõi những tranh luận thẳng thắn, sòng phẳng của độc giả về cuốn sách, có thể nói không ngoa rằng, sự thú vị, bổ ích mà nó mang lại còn lớn hơn những cuộc hội thảo văn học vô bổ ở đâu đó đã và đang diễn ra. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay, ông thật sự bất ngờ trước những lời "bóc mẽ" rất tinh tường của bạn đọc. Nhiều đoạn, ông đã định chỉnh lại theo tư liệu mà bạn đọc, những người trong cuộc cung cấp. Nhưng rồi ông lại thôi. Vì đây là tiểu thuyết. Những nhận xét của bạn đọc, chính là phần tư liệu bổ sung, cho ta thấy từ vẻ đẹp có thật của đời sống, đến khi lên trang sách, nó đã được biến hóa như thế nào?

Bởi thế, trong lần tái bản “Đảo chìm” sắp tới, ông sẽ xin phép các nhân vật tham gia diễn đàn trong trang mạng cá nhân của mình để đưa tất cả những comment của họ vào phụ lục cuốn sách, để độc giả có thêm những thông tin quý báu về đời sống của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, và về chính cuốn sách, một tác phẩm văn học được công chúng đánh giá là một trong không nhiều cuốn sách hay nhất viết về Trường Sa từ trước tới nay