Càng gần đây, một số cây bút trẻ viết tiểu thuyết
lãng mạn cũng "lên ngôi" trên một số diễn đàn, xuất hiện tại một vài
sự kiện văn hóa. Từ chỗ tự nhận nghiệp dư, tay ngang, chỉ được biết tới qua
nickname ảo, giờ họ đã bắt đầu ngộ nhận về "tài năng", bắt đầu phát
ngôn. Dù sách của họ chỉ là mô phỏng mô-típ quen thuộc của tiểu thuyết nước
ngoài, vốn từ hạn chế, vụng về trong câu văn, ngữ pháp,... nhưng xem ra ảo tưởng
của họ khá lớn. Không chỉ viết mà họ còn rất chăm chú thiết kế bìa sách, rồi đi
giới thiệu sách, quảng bá sách, trả lời phỏng vấn, lên intơ-nét thông báo lịch
ký sách, hẹn gặp gỡ độc giả. Và đáng tiếc, chính báo chí đã giúp họ trở thành
"tài năng văn chương" mà không cần biết điều quan trọng nhất đối với
mỗi cuốn sách phải là giá trị tư tưởng - nghệ thuật và sức sống lâu bền.
"RÁC VĂN HÓA" QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC DỊCH
VIỆT QUANG
Trong những năm qua, một "làn sóng" tiểu
thuyết lãng mạn xuất xứ từ nhiều quốc gia đã được xuất bản ở Việt Nam; để rồi
dường như tình trạng thái quá của loại sách này trên thị trường sách đã và đang
trở thành một vấn đề phải được lưu tâm, không chỉ vì sự phát triển của văn học
nước nhà, mà còn vì người đọc với tư cách là chủ thể tiếp nhận?
Hiện nay, tiểu thuyết nước ngoài được dịch sang tiếng
Việt vô cùng đa dạng, phong phú. Tại nhiều cửa hiệu, quầy bán sách, tác phẩm
văn học nước ngoài chiếm số lượng áp đảo, có nơi hơn hẳn đầu sách trong nước.
Chưa bàn tới chất lượng bản dịch, chỉ nhìn bìa sách cũng có thể hình dung về nội
dung các tiểu thuyết này. Theo quảng cáo của đơn vị xuất bản thì phần lớn trong
đó là các tiểu thuyết đang ăn khách ở một số quốc gia. Về các tác giả thì được
giới thiệu như nhà văn hàng đầu, là người "phi thường", thậm chí có
khuynh hướng sống "lập dị". Đọc bìa bốn, bìa gấp của nhiều tiểu thuyết
dịch sẽ rất dễ phấn hứng vì thấy thế giới hiện nay có nhiều "tượng đài văn
học lớn"! Trong khi đó, tìm kiếm các tác phẩm văn học kinh điển thế giới
được dịch sang tiếng Việt lại rất khó khăn. Nên nếu muốn đọc, nhiều người phải
tìm đến cửa hàng sách cũ. Các cửa hàng sách cũ làm liên tưởng tới một nét đẹp
văn hóa, đồng thời lại làm liên tưởng tới một thực tế đáng buồn là nhiều tác phẩm
văn học nước ngoài nổi tiếng vẫn được người đọc và giới nghiên cứu, phê bình
trên thế giới tìm đọc và ca ngợi,... lại như mất hút ở Việt Nam!
Gần chục năm trước, báo chí và giới xuất bản không
ngớt lời ca ngợi cái gọi là "dòng văn học Ling Lei"; khi không còn ai
nhắc đến Miên Miên, Vệ Tuệ,... nữa thì họ chuyển sang dịch, xuất bản, ca ngợi...
truyện ngôn tình! Lý giải về tình trạng tiểu thuyết tình cảm dễ dãi được dịch
và xuất bản tràn lan, người thì cho rằng điều đó phản ánh thực tế chung của văn
học toàn cầu; người lấy sự bùng nổ của tiểu thuyết lãng mạn trên mạng xã hội
Trung Hoa làm minh chứng và coi đó là hiện tượng gần gũi với Việt Nam (!). Có
người coi sự phát triển của tiểu thuyết thị dân, tiểu thuyết bình dân là xu hướng
tất yếu của văn học hiện đại; thậm chí có một nhà nghiên cứu ví von đó là biểu
hiện "ngoại biên hóa" nhằm thay thế tiểu thuyết chính thống, kinh điển
(!). Đó là chưa nói có người mượn quá trình hình thành của tiểu thuyết từ
"cận văn học" tới vị trí hiện tại trong văn học để biện hộ... Nhìn
chung nhận xét, đánh giá trên đây nếu không phải là nhầm lẫn, thiếu tính xây dựng
thì cũng là thiếu trách nhiệm với sự phát triển văn học, với người đọc. Dù các
thể loại trữ tình lãng mạn, chuyện hiệp sĩ, anh hùng, thần ma có là khởi nguồn
của tiểu thuyết, thì tiểu thuyết chỉ trở thành thể loại chính thống của văn học
khi nhà văn nhận ra tính "sử thi của đời tư" Bê-lin-xki (Belinski) có
khả năng bao quát nhiều vấn đề trong cuộc sống, từ đó đúc kết những chiêm nghiệm,
đánh giá cá nhân. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, tiểu thuyết đích thực đầu
tiên của châu Âu là Đôn Ki-hô-tê(Don Quixote) của Xéc-van-tét (Cervantes), dù
sáng tác văn học mang khuynh hướng tiểu thuyết có thể đã bắt đầu từ thời Hy Lạp
cổ đại; tình trạng tương tự cũng xảy ra ở phương Đông, như với Trung Quốc, Nhật
Bản. Trải qua hàng nghìn năm, tiểu thuyết bình dân vẫn tồn tại nhằm đáp ứng nhu
cầu giải trí của một bộ phận công chúng nhất định, nhưng không bao giờ có thể
đưa tới các giá trị như văn học đích thực. Thêm nữa, phải chăng việc coi sự tồn
tại của tiểu thuyết bình dân như sự tồn tại "mỹ học của cái khác"
cũng chỉ là thủ pháp vay mượn một khái niệm không có nội hàm tương ứng để bao
biện?
Xét cho cùng thì lợi nhuận mới là lý do khiến nhiều
đơn vị xuất bản ở Việt Nam lơi là nhiệm vụ truyền bá văn hóa, chỉ thấy cái lợi
trước mắt mà quên đi hiểm họa khôn lường. Theo Công ước Bécnơ (Berne), chi phí
để mua bản quyền tiểu thuyết thuộc loại kinh điển của thế giới là khá thấp, có
cuốn gần như cho không. Nhưng có lẽ do việc tổ chức dịch thuật phức tạp nên nhiều
đơn vị xuất bản không muốn thực hiện. Trường hợp Alphabooks dịch và xuất bản
các tác phẩm lớn về triết học, văn học, Công ty Nhã Nam có riêng sách kinh điển,
NXB Trẻ có tủ sách "Cánh cửa mở rộng" hiện rất hiếm hoi. Dịch và xuất
bản tiểu thuyết được coi là đang "ăn khách" trên thế giới cũng rất ít
được quan tâm, vì tuy mang lại lợi nhuận cao nhưng chi phí bản quyền các sách
này khá lớn. Việc Công ty Bách Việt mua bản quyền cuốn Hỏa ngục, NXB Trẻ mua bản
quyền cuốn He-ri Pót-tơ (Harry Potter) cũng rất hạn hữu. Các đơn vị xuất bản chủ
yếu sống nhờ vào việc mua bản quyền loại tiểu thuyết lãng mạn "sến"
không được đánh giá cao tại Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng nhờ vào các chiến dịch
quảng cáo và nhờ vào cả thói quen có phần dễ dãi của một bộ phận người đọc mà
các cuốn sách này vẫn cứ "ngắc ngoải" tại Việt Nam thêm một thời gian
nữa, trong khi ngay ở nơi sinh ra, chúng đã bị rơi vào quên lãng!
Đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng điểm chung của
các tiểu thuyết này là "chủ nghĩa mủi lòng" (chữ của nhà phê bình
Hoài Nam); vì thường là câu chuyện tình yêu qua nhiều sóng gió, éo le và bi hài
nhưng kết thúc trọn vẹn. Làm mủi lòng cho người đọc bằng câu chuyện theo mô-típ
"sến" như vậy, các tiểu thuyết này sớm phải nhường chỗ cho những cuốn
có lối viết "câu khách" hơn. Nên dẫu có thay đổi không gian quá khứ
hay hiện tại, huyền ảo hay thần bí, chúng vẫn không mang tải giá trị nhiều hơn
tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Xít-ni Xây-đơn (Sydney Sheidon) từng làm mưa, làm
gió trên thị trường sách Việt Nam trong các thập niên cuối thế kỷ 20. Tuy
nhiên, Xít-ni Xây-đơn, Quỳnh Dao là các nhà văn có định hướng độc giả riêng; họ
có sự đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi để huy động kiến thức văn hóa, lịch sử, khoa
học vào tác phẩm. Họ khác với hầu hết tác giả được các đơn vị xuất bản ở Việt
Nam tuyển dịch ồ ạt hiện nay. Bởi các tác giả này thường chuyên chú viết dựa
vào bản năng hơn là dựa vào suy nghĩ và chiêm nghiệm chín chắn. Họ có thể viết
bất kỳ điều gì miễn là lôi kéo được độc giả về phía mình. Họ ít quan tâm trau
chuốt, rèn luyện kỹ năng viết, một vài người còn khai thác đề tài sex, mà bộ tiểu
thuyết 50 sắc tháilà một thí dụ. Tuy là nội dung tục tĩu với nhiều đoạn mô tả về
sex, song lý do để nhiều người trên thế giới tìm đọc cuốn sách này là do quảng
cáo quá đà của truyền thông. Nên tờ The New York Timeskhông e dè khi coi đây là
một tiểu thuyết khiêu dâm, nhiều độc giả nước ngoài cũng cùng chung nhận định:
50 sắc thái là cuốn sách "hợp pháp hóa" những thứ tình dục bệnh hoạn;
nhiều người cũng cho rằng mình bị mắc lừa khi mua cuốn sách. Vậy nhưng, 50 sắc
tháivẫn được mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam với lời đánh giá có cánh
trên bìa. Chẳng lẽ nơi dịch, in và xuất bản lại không biết về các đánh giá khen
- chê trên thế giới về cuốn tiểu thuyết này?
Sự có mặt của loại tiểu thuyết lãng mạn dễ dãi của
nước ngoài ở Việt Nam không chỉ lấn át tiểu thuyết chính thống, kinh điển của
Việt Nam và thế giới; mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới người đọc và người muốn
theo nghiệp văn. Với người đọc, các cuốn sách như vậy dễ đưa tới quan niệm lầm
lạc về cuộc sống, đánh giá theo hướng bi quan. Ở nước ngoài, tiểu thuyết lãng mạn
được quy định chặt chẽ về lứa tuổi, nếu vi phạm quy định sẽ phải nhận mức xử phạt
rất nặng. Tuy nhiên, điều này hầu như không tồn tại ở Việt Nam, hoặc nếu có thì
chỉ thể hiện qua ghi chú rất mập mờ: sách dành cho lứa tuổi mới lớn, nội dung
nhạy cảm độc giả cần cân nhắc trước khi xem! Chưa nói chất lượng bản dịch loại
tiểu thuyết này thường rất tệ. Do phải dịch nhanh để đáp ứng nhu cầu, tránh
tình trạng có người tự dịch rồi đưa lên mạng trước, người ta tiến hành dịch một
cách cẩu thả, tối nghĩa. Còn với một số tác giả, không ai cấm họ viết văn,
nhưng viết tiểu thuyết lãng mạn bình dân như đang khiến họ nhận thức sai lầm về
lao động nhà văn. Thường thì điểm xuất phát của một số cây bút trẻ viết truyện
ngôn tình ở Việt Nam là "nghiện" loại tiểu thuyết này đến từ nước
ngoài. Rồi họ mô phỏng theo tiểu thuyết ngôn tình khi sách dịch không còn đáp ứng
được nhu cầu của họ. Họ nhận thấy lợi nhuận từ công việc trên, từ đó họ trở
thành người viết truyện "ngôn tình". Vài năm trước, tác giả như thế
còn thấy e ngại hay tức tối khi bị so sánh hoặc bị coi có phong cách, lối viết
gần gũi với tác giả nước ngoài.
Càng gần đây, một số cây bút trẻ viết tiểu thuyết
lãng mạn cũng "lên ngôi" trên một số diễn đàn, xuất hiện tại một vài
sự kiện văn hóa. Từ chỗ tự nhận nghiệp dư, tay ngang, chỉ được biết tới qua
nickname ảo, giờ họ đã bắt đầu ngộ nhận về "tài năng", bắt đầu phát
ngôn. Dù sách của họ chỉ là mô phỏng mô-típ quen thuộc của tiểu thuyết nước
ngoài, vốn từ hạn chế, vụng về trong câu văn, ngữ pháp,... nhưng xem ra ảo tưởng
của họ khá lớn. Không chỉ viết mà họ còn rất chăm chú thiết kế bìa sách, rồi đi
giới thiệu sách, quảng bá sách, trả lời phỏng vấn, lên intơ-nét thông báo lịch
ký sách, hẹn gặp gỡ độc giả. Và đáng tiếc, chính báo chí đã giúp họ trở thành
"tài năng văn chương" mà không cần biết điều quan trọng nhất đối với
mỗi cuốn sách phải là giá trị tư tưởng - nghệ thuật và sức sống lâu bền. Một xu
hướng viết tiểu thuyết ngôn tình dễ dãi đã hình thành tại Việt Nam, không còn
là tự phát như cách đây vài năm? Sẽ thấy câu hỏi này là có lý khi nhìn vào sự
"thắng thế" của truyện ngôn tình, đó thật sự là điều rất đáng lo ngại,
không chỉ lo ngại cho văn học, mà lo ngại cho cả người đọc.
Dịch thuật, truyền bá các tác phẩm văn chương có giá
trị của thế giới là công việc phải khuyến khích. Không ai có thể phủ nhận trong
những năm tháng trước đây, nhiều tác phẩm dịch đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn
các thế hệ người Việt Nam; cũng là nguồn cảm hứng, gợi mở chân trời sáng tạo
cho các nhà văn, nhà thơ. Song hôm nay, vì lợi nhuận mà dịch các cuốn sách vốn
bị xem là "rác văn hóa", là tác phẩm khiêu dâm của nước ngoài lại là
hành vi đáng lên án. Nhất là khi, việc làm này được sự hỗ trợ của các chiến dịch
quảng bá, các bài giới thiệu hoặc điểm sách chỉ nhằm đánh lừa người đọc. Tiếp
xúc với nhiều nền văn học trên thế giới, người đọc có thể thỏa mãn nhu cầu đọc
và mở mang kiến thức; nhưng sự tràn lan, lẫn lộn của thị trường lại là điều cần
sớm giải quyết.