Khi nghe tin nhà văn Tô Hoài giã biệt cõi nhân sinh trưa ngày 6-7-2014, bất giác tôi nhớ đến ánh mắt và nụ cười của ông. Tô Hoài có ánh mắt rất quái, cái nhìn sắc sảo của ông thường lia rất nhanh rồi khép lại lim dim nửa như đồng cảm nửa như nắc nỏm, bất kể nhìn con người nào hay bất kể nhìn sự việc nào. Còn nụ cười của Tô Hoài cũng rất đặc biệt, ngoài kiểu cười tủm tỉm khá đáo để thì khi ông bật cười cũng rất khó phân biệt âm thanh phát ra. Tôi vẫn mường tượng tiếng cười của Tô Hoài là một thứ hợp âm pha trộn giữa sự sảng khoái của kẻ thắng bạc và sự đắc ý của kẻ lịch lãm!



TÔ HOÀI CHẤT LƯỢNG SỐNG TRỞ THÀNH CHẤT LIỆU VIẾT

LÊ THIẾU NHƠN

Tô Hoài là một nhà văn viết suốt đời. Thời thơ ấu trong xóm lao động nghèo và thời niên thiếu vất vả làm thuê nhiều nghề khác nhau, cũng trở thành một phần tích lũy cho trang viết của Tô Hoài. Tính từ những truyện ngắn khởi nghiệp  viết ở tuổi 18 như “Một đêm sáng trăng suông” hay “Bụi ô tô” in trên Hà Nội Tân Văn đến khi qua đời ở tuổi 95, Tô Hoài có số lượng tác phẩm đồ sộ nhất trong các nhà văn Việt Nam đương đại.
Trước đây, người ta vẫn cho rằng Lê Văn Trương giữ kỷ lục về đầu sách, với hơn 100 quyển. Thế nhưng, kiểm kê gia sản văn chương của Tô Hoài thì con số vượt xa rất nhiều. Tác phẩm của Tô Hoài có nhiều cuốn được gộp lại thành một cái tựa riêng, nên thật khó nói bao nhiêu cho chính xác. Một lần tôi nêu băn khoăn ấy, và được nhà văn Tô Hoài khẳng định, ông có 150 cuốn viết cho người lớn và hơn 70 cuốn viết cho trẻ em.

Năm 1941, Tô Hoài viết truyện dài thiếu nhi “Con dế mèn” in nhiều kỳ trên báo khá được tán thưởng. Sau năm 1945 ông viết tiếp, và đến năm 1954 cho in bản hoàn chỉnh có tên gọi “Dế mèn phiêu lưu ký”. Chính cuốn truyện đồng thoại thành công vượt trội này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và giúp Tô Hoài có dịp đặt chân đến rất nhiều quốc gia. Ngoài “Dế mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài còn nhiều trang văn đẹp đẽ dành cho tuổi thơ như “Nhà Chữ”, “Đảo hoang”, “Chuyện nỏ thần”.... Nếu tính toán chi ly, hơn một nửa sách thiếu nhi tái bản hàng năm của Nhà xuất bản Kim Đồng thuộc về Tô Hoài.

Tuy nhiên, mảng sách thiếu nhi không phải tất cả sự nghiệp của Tô Hoài. Ngoài tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài có thể chọn lọc hơn 100 truyện ngắn nổi bật. Bên cạnh những cuốn sách mang tính “chuyện cũ Hà Nội” thì không thể không nhắc bộ ba tiểu thuyết “Quê nhà”, “Quê người” và “Mười năm” phản ánh sự chuyển biến nửa đầu thế kỷ 20 trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, mà Tô Hoài dành không ít tâm tư quan sát, thấu hiểu và sẻ chia. Thế nhưng, đóng góp độc đáo của Tô Hoài với văn xuôi Việt Nam là mảng tự truyện.
Trong quan niệm của Tô Hoài, nhà văn cũng như một nhân vật trực tiếp tham gia vào vui buồn đời sống. Ý thức được mất ngỡ riêng tư của nhà văn luôn gắn với thăng trầm của xã hội, Tô Hoài viết lại những trải nghiệm bản thân từ rất sớm: năm 21 tuổi viết “Cỏ dại”, đến năm 58 tuổi viết tiếp “Tự truyện”. Sau hai lần thử bút ấy, Tô Hoài thành thục thể loại này và liên tục tung ra “Cái bụi chân ai” và “Chiều chiều”. Cái tài của Tô Hoài ở tự truyện là ông viết với thái độ điềm tĩnh, kể cả mặt xấu hay mặt tốt, kể cả ngọt ngào lẫn chua chát. Nhờ những trang văn Tô Hoài, công chúng mới có dịp nhìn cận cảnh tính cách Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng hay Nguyễn Bính. Cũng nhờ những trang văn Tô Hoài không ngần ngại “người đã sợ cả người”, mà đời sau biết rằng triết gia Trần Đức Thảo có những lúc não nề “đã lâu tao không muốn quen thêm một ai trên đời này nữa”.

Sự thông tuệ của Tô Hoài được nâng lên rất nhiều bởi một trí nhớ ưu việt, dù từ khi bước qua thế kỷ 21 ông đã phải gánh chịu bệnh gút và bệnh tiểu đường. Được ngồi hầu chuyện ông là một cái thú khó cưỡng lại. Lần nào có dịp ra Hà Nội, tôi cũng tranh thủ ghé đến thăm ông, khi thì ở phố Đoàn Nhữ Hài khi thì ở C3 Nghĩa Tân. Nếu không gặp được ông ở địa chỉ nọ thì chạy sang địa chỉ kia. Sự luân chuyển này theo Tô Hoài giải thích: “Nếu đau yếu thì sang Đoàn Nhữ Hài, vì có bà cụ chăm sóc và gần... bệnh viện Hữu Nghị. Còn nếu có thể cầm cự thì ở C3 Nghĩa Tân, vì có thể túc tắc viết và có con gái là dược sĩ tiêm thuốc dùm!”.

Phòng văn của Tô Hoài xây nhô ra mảnh vườn, trông như cái lô cốt. Khi đã ở tuổi 90, Tô Hoài vẫn thường ngồi ở đấy, ngỡ cách biệt thế gian mà chuyện gì ông cũng biết. Tô Hoài bảo rằng “mình đọc rất tốn sách và rất tốn báo”, nhưng cái tài của ông không phải tiếp nhận thông tin mà nhìn ra bản chất của thông tin. Tô Hoài không tranh biện và không gay gắt, nhưng đã nói ra thì khó ai cãi được. Tô Hoài từng làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội suốt 30 năm và cũng từng làm... Tổ trưởng Tổ dân phố không ít năm, mà với Tô Hoài thì hai cái chức ấy chỉ ngang nhau trong việc suy tư để viết văn. Chất lượng sống trở thành chất liệt viết! Tô Hoài cứ lấy trải nghiệm của mình ra mà viết là thành tác phẩm. “Miền Tây” cũng vậy, mà “Ba người khác” cũng vậy. Những năm cuối đời, Tô Hoài dự định viết một cuốn sách về thời bao cấp, không biết có kịp để lại trong di cảo của ông không!

Khi nghe tin nhà văn Tô Hoài giã biệt cõi nhân sinh trưa ngày 6-7-2014, bất giác tôi nhớ đến ánh mắt và nụ cười của ông. Tô Hoài có ánh mắt rất quái, cái nhìn sắc sảo của ông thường lia rất nhanh rồi khép lại lim dim nửa như đồng cảm nửa như nắc nỏm, bất kể nhìn con người nào hay bất kể nhìn sự việc nào. Còn nụ cười của Tô Hoài cũng rất đặc biệt, ngoài kiểu cười tủm tỉm khá đáo để thì khi ông bật cười cũng rất khó phân biệt âm thanh phát ra. Tôi vẫn mường tượng tiếng cười của Tô Hoài là một thứ hợp âm pha trộn giữa sự sảng khoái của kẻ thắng bạc và sự đắc ý của kẻ lịch lãm!


                                     Sài Gòn, 6-7-2014