Dân gian có câu “Nói trước bước không qua” thế mà Giáo
sư Nguyễn Văn Hạnh nói sau bước cũng không qua! Ở mấy dòng cuối tham
luận tại hội thảo “Phát triển văn học…” vừa in lại trên Tạp chí Văn học số
6-2014 (trang 25 đến trang 32). Ông có ý khuyên mọi người nên theo lời cụ Lê
Quý Đôn: “văn chương là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác,
phân tích thì được nhưng không nên chê mắng”. Chí lí quá. Vậy nhờ Giáo sư
phân tích cho hai trường hợp. Nhà phê bình - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh
trong “Hồi ký” đã gọi các đồng nghiệp là hắn, là y, là thằng…
là thợ đánh hàng tôm hàng cá. Khi chưa được gì thì thắp hương kính cẩn
khấn vái xin Bác phù hộ cho. Được rồi thì gọi Bác là ông. Đến 110 lần “Ông”
trong một bài văn ngắn. Và một nhà văn mà Giáo sư cho là có tài
năng, xông xáo, trung thực là Nguyễn Huy Thiệp, đã nói ở Thụy Điển:
Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh ấy (cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc-
Xem Trần Đăng Khoa. Văn nghệ quân đội số 596 tháng 4-2004), qua năm
2012 lại hớn hở nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội - một thành quả của cuộc
chiến tranh ấy.
NÓI SAU BƯỚC CŨNG KHÔNG QUA
(Gửi Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh!)
CHU GIANG
Nếu Giáo sư phân tích cho thấu đáo, cho rõ ra sự thật,
cho bạn đọc thấy “mà trong lẽ phải có người có ta”(Nguyễn Du) hai trường hợp
này thôi thì cũng đủ minh định cho cả cuộc đời sự nghiệp học thuật của
giáo sư! Nhưng thế thì khó cho Giáo sư quá. Quá thân hoặc quá ngưỡng mộ đều khó
tránh được sự thiên vị, khoe mặt này đậy mặt kia… Nên tôi phân tích giúp Giáo
sư về bài tham luận trên mà chúng tôi cho rằng Giáo sư đã khéo léo rào trước
đón sau nhưng vẫn không bước qua được lẽ phải thông thường.
1. Giáo
sư viết: Nguyên Ngọc bị buộc thôi chức TBT báo Văn Nghệ. “Cánh” đổi mới bị
“đánh” dồn dập.
Nếu đổi mới đúng đắn, trong sáng thì ai dám “đánh”,
thì có thừa tự tin tự trọng để không hậm hực nhận mình là “Cánh”. Chữ cánh cũng
nên phân tích. Chim muông, gia cầm thì có hai cánh. Vật dụng thủ công hay cơ
khí, điện khí dùng sức đẩy thường có hai đến bốn cánh (các loại cánh quạt, chân
vịt, cối xay gió...). Nhưng con người thì lắm cánh lắm. Cánh tay chỉ
có hai nhưng phe cánh thì nhiều. Thời Đinh, Lê có thập nhị sứ
quân cơ mà! Có cánh đổi mới thì phải có cánh không đổi mới, là
những ai vậy? Sao “Cánh” đổi mới lại bị “đánh” dồn dập? Ai “đánh” thế? Hỏi như
thế còn quá trả lời. Chỉ buồn về sự nói sự viết, sự ngôn luận của Giáo sư
không được đứng đắn. Công cuộc đổi mới do Đảng phát động, tổ chức, lãnh đạo.
Việc “điều binh khiển tướng” cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với tình hình,
với hiện thực cuộc sống… là một công việc quan trọng của quốc gia, của Đảng,
sao giáo sư - một Đảng viên lão thành đã có sáu mươi lăm tuổi Đảng - lại gọi là
“đánh”, là “buộc”... Hồi Giáo sư được điều động từ chức trách Hiệu trưởng trường
Đại học Sư phạm Huế ra làm Phó ban Văn hóa - Văn nghệ TW, có phải là
“buộc” phải làm không? Còn vì sao Đảng không tiếp tục giao một diễn đàn, một vũ
khí, một trận địa quan trọng như tờ Văn Nghệ cho Nguyên Ngọc thì Giáo
sư lại lờ đi. Lẽ phải, có người có ta mà lại thế ru? Giáo sư nên đọc bài
“ Nguyên Ngọc từ một góc nhìn” của Trần Kinh Bắc trên Văn Nghệ TP.HCM số
301 ngày 15-5-2014 đã vạch trần thực chất con người Nguyên Ngọc. Việc không tiếp
tục giao tờ Văn Nghệ vào tay một con người cực đoan bè phái có ý đồ biến tờ báo
của Hội Nhà văn thành tờ báo của “phe ta” (tức “cánh” đổi mới như Giáo sư nói)
là rất đúng đắn kịp thời. Giáo sư đã đọc Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu
chưa? Không nên chê mắng, không nên bốc thơm mà phải nên phân tích. Giáo sư thử
phân tích vì sao Nguyên Ngọc lại đề cao Bóng đè như vậy?
2. Giáo
sư ca ngợi Trần Độ và kể lể khoe khoang công lao của hai người khi
tham mưu, chuẩn bị tài liệu cho lãnh đạo cấp trên. Chỗ này rất nên phân
tích. Xin nêu ba ý:
A. Bộ
phận tham mưu giúp việc của một cấp lãnh đạo có chức năng thực hiện nhiệm vụ được
giao, đề xuất ý kiến, ý tưởng (tham mưu). Ấy là lẽ thường xưa nay, có gì mà phải
khoe công kể việc. Nghị quyết của Bộ Chính trị, dù được tham mưu, chuẩn
bị như thế nào thì cuối cùng vẫn là công việc, là trách nhiệm tập thể của
Bộ Chính trị. Có cá nhân ủy viên Bộ Chính trị nào khoe công kể việc rằng tôi
đã… Huống hồ là tham mưu giúp việc. Tổng thống Mỹ có cả một tiểu bang chuẩn bị
diễn văn, nhưng danh chính ngôn thuận vẫn là tổng thống đấy chứ.
B. Người
xưa nói đường xa đi được chín phần mới xem như đi được một nửa. Cái phần cuối
cùng mới là quyết định. Ông bà ta thường nói: trèo cau đến buồng… đến buồng mà
hụt hơi tụt xuống thì vẫn là chẳng được quả gì. Nếu đến buồng mà lạc hướng lao
ra cây khác thì… Thì nhờ Giáo sư thêm cho vài chữ. Chuẩn bị tốt cho cấp trên ra
được Nghị quyết là tốt, đáng khen. Nhưng chuẩn bị Nghị quyết một đường, khi tổ
chức thực hiện lại làm một nẻo. Quan điểm định hướng rộng, dọn sẵn
món ăn cho người đọc, chẳng phải là nhảy sang hướng khác đó sao?
Tự khen tự khoe cùng gốc với tự đắc tự mãn tự kiêu tự
sướng… Đã tự mình thường không khách quan. Nghị luận về những người đã quá cố
phải rất thận trọng. Vì họ không hồi âm lại được. Chỗ này Giáo sư quá tự
mình không đủ độ tin cậy.
Tôi thường nghe các vị lãnh đạo - nhất là lãnh đạo
cao cấp - bao giờ cũng rất thận trọng. Những cuộc nói chuyện, những lời phát biểu
dù có chuẩn bị hay không, khi báo chí đưa tin, in lại… đều phải được các vị xem
lại. Chỗ này Giáo sư đã quá lạm. Các vị Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên
Giáp… mà còn tại thế chắc Giáo sư không dám nói năng như vậy.
Ông Trần Độ và Giáo sư chủ trương đổi mới theo mô
hình của Liên Xô cũ, thời Goocbachop cải tổ. Theo hồi ký của Ligatrop thì lúc
đó Đảng Cộng sản Liên Xô đã mất quyền lãnh đạo vì đã để cho quyền lực thứ tư
thao túng và kiềm chế, nó đã trở nên một thứ bạo lực chính trị số đông mà nó điều
khiển được. Và bạo lực này đã đánh vào lòng người, không đánh mà thắng… Khi
Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì việc xem xét ngay lại kinh nghiệm, mô hình đó là
cần thiết, hợp lí.
C. Ông
Lê Đức Thọ nguyên ủy viên BCT, Trưởng ban Tổ chức TW trong khoảng thời gian dài
và quan trọng của Đảng và lịch sử dân tộc. Nếu nghĩ ra được điều gì thì ông có
thừa quyền và trách nhiệm để làm, nếu là vấn đề ở phạm vi |Bộ Chính trị thì ông
sẽ đưa ra Bộ Chính trị, còn phải chờ đến một cấp nào cao hơn nữa, phải đến ông
Trần Độ mới làm được? Cũng thế, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết chung với
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh cuốn Vấn đề dân cày với bút danh Qua Ninh
và Vân Đình từ trước cách mạng. Ông hiểu vị trí của Đề cương Văn hóa Việt
Nam 1943 là như thế nào… Tôi không tin lời khen Nghị quyết 05 của
Bộ Chính trị (khóa VI ) về văn hóa - văn nghệ là hay nhất từ xưa tới nay…
mà Giáo sư đưa ra. Mượn lời người khác để khen mình thôi thì cũng được nhưng phải
trung thực, có sở cứ chắc chắn. Đối với các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng rộng
lớn, càng phải nghiêm túc, nhất là họ đã qua đời. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đã được nhân dân phong Thánh sau khi qua đời. Tốt nhất là Giáo sư hãy đưa ra sở
cứ, băng ghi âm hoặc ghi chép của thư ký riêng, của văn phòng của các Vị. Chớ
nên sáo mượn oai đại bàng… làm ảnh hưởng đến tên tuổi các cụ!
3. Thế
cũng là chê mắng…
A. Giáo
sư viết: “Hà Xuân Trường là cán bộ chính trị được cử sang phụ trách công tác
văn hóa - văn nghệ, nên suốt thời gian tại nhiệm không lưu lại dấu ấn nào thật
rõ rệt về đổi mới văn hóa - văn nghệ”. Thế có phải là chê không nhỉ? Thế thì
Trung tướng Trần Độ, một cán bộ quân sự, đã lưu lại dấu ấn nào…? Không
rõ Giáo sư làm phó cho ông Trần Độ trong thời gian dài, thấy ra những
dấu ấn gì? Tôi thì được ông Trần Độ lãnh đạo, nên có mấy dấu ấn rất đậm, xin
chia sẻ với Giáo sư, với các Giáo sư và bạn đọc:
Năm 1978, khi làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa
kiêm Bí thư Đảng Đoàn, như Bí thư Ban cán sự Bộbây giờ. Thực quyền
hơn cả Bộ trưởng. Ông Trần Độ chủ trương chuyển Nhà xuất bản Văn học
lúc ấy đang thuộc Hội Nhà văn, về trực thuộc Bộ Văn hóa. Trong buổi họp tại Nhà
xuất bản Văn học ở 49 Trần Hưng Đạo, ông trực tiếp phổ biến quyết định về chức
năng nhiệm vụ mới của NXB Văn học là chỉ in những tác phẩm có giá trị đã được
khẳng định, chọn lọc. Cố nhà văn Nguyễn Thế Phương thắc mắc: Thế thì nên gọi
là Nhà tái bản Văn học, việc gì phải gọi là nhà xuất bản nữa. Ông Trần Độ
giải thích: Văn hóa - văn nghệ cũng như quân sự. Phải có bộ binh pháo binh,
súng to súng nhỏ… Việc xuất bản tác phẩm mới phục vụ phong trào sẽ giao cho Nhà
xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn… Đến nay thì thấy ấn tượng võ biền trong
công tác văn hóa - văn nghệ của Trần tướng quân là quá rõ.
Trong cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ trẻ ở 49 Phan Đình
Phùng, ông Trần Độ với tư cách là Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ TW trực tiếp dự
và kết luận buổi gặp mặt. Nói là trẻ cũng không hẳn thế. Hôm đó đạo diễn Trần
Văn Thủy nói rất nhiều. Một bạn trẻ khác bảo thế hệ chúng tôi đã bị lừa dối.
Đâu phải đường ra trận mùa này đẹp lắm… Tôi nhớ nhà văn Cao Tiến Lê hôm đó phát
biểu: ở quê ông, muốn biến cây khế chua thành ngọt người ta thường chôn dưới gốc
xác con mèo hay chó chết, quét vôi quanh gốc… không biết Ban định biến chúng
tôi thành chua hay ngọt. Tôi đã phát biểu, trực tiếp hỏi ông Trần Độ: Hồi đó đồng
chí làm tướng cầm quân, có lừa dối chúng tôi không?... Ông Trần Độ không trả lời
trực tiếp, cụ thể, mà kết luận: hôm nay chúng ta gặp nhau là để tập lắng nghe.
Hóa ra biết lắng nghe cũng không phải dễ… Tướng cầm quân quả là đa mưu túc
kế… Nhà báo lão thành Đặng Minh Phương kể lại ông Trần Độ giải thích cho cán bộ
ở Nha Trang (Khánh Hòa) đại ý đôi chân của người mua vé quyết định giá trị của
bộ phim. Lá phổi của mỗi người sẽ tự thanh lọc bụi bặm trên đường Trần Phú (đường
phố lớn dọc bờ biển Nha Trang). Thương cho mấy trăm ngàn người dân Nhật Bản năm
1945, lá phổi của họ yếu quá, không thanh lọc được bụi phóng xạ nguyên tử…
B. Giáo
sư viết: Nguyễn Đình Thi ví con người là hạt bụi lấp lánh tư tưởng, bị
Dương Thu Hương chỉ trích gay gắt.
Dương Thu Hương chưa đủ sức hiểu câu nói của
Nguyễn Đình Thi, chẳng kể làm gì. Nhưng Giáo sư, chẳng lẽ Giáo sư không biết
câu nói của Đề-các hay sao? (con người là một cây sậy có tư tưởng).
Thế có phải là mượn lời Dương Thu Hương để chê mắng.
Tiếc là cả hai thầy trò đều… như thế cả.
C. Giáo
sư tán thưởng Nguyễn Đăng Mạnh về câu phát biểu: “… lãnh đạo đã khinh bỉ văn nghệ sĩ, quản lý văn nghệ theo lối
chăn vịt đàn... Con người ta mà bị khinh bỉ mãi thì tự nhiên thấy mình nhỏ
bé, mà nếu được tôn trọng thì sẽ tự thấy mình cao lớn hơn..”.
Trước hết, câu nói đó bộc
lộ một khẩu khí tầm thường. Khinh - trọng, vinh - nhục, sang - hèn... Trước hết
là ở mình, trong mình, của mình, do mình. Cái ở ngoài mình là phụ... Kẻ khinh bỉ
người khác thường là tiểu nhân, vênh vang tự đắc những sự thấp bé vụn vặt. Gặp
sự thế, phải nhẫn, phải thương xót cho họ còn vô minh mê lầm, không nên chấp
ngã. Nhân văn ra, phải giúp đỡ, giáo hóa cho họ. Nhà văn cũng nên “Độc hành kỳ
đạo. Độc thiện kỳ thân”… Còn thời gian đâu mà trôi nổi theo sự khinh trọng bên
ngoài.
Sau nữa là bịa đặt, vu
cáo. Có sự này sự kia giữa cá nhân quản lý lãnh đạo với cá nhân nghệ sĩ trong
những sự vụ cụ thể. Nhưng khái quát, vơ đũa cả nắm thì không được. Và trong thực
tế như thế nào? Xin dẫn mấy người mà tôi biết:
* Nhà thơ Quang Huy. Nguyên là nhà giáo nhiều năm dạy
học ở Nghệ An. Hoạt động văn học ở đây. Sau năm 1975 chuyển về Trung tâm phương
pháp Câu lạc bộ Bộ Văn hóa - Hà Nội. Khoảng năm 1983 về Nhà xuất bản Văn học
làm trưởng phòng sau đó sang làm phó cho Giám đốc NXB Văn hóa - thông tin Lữ
Huy Nguyên. Từ năm 1989 lên làm Giám đốc NXB Văn hóa - thông tin cho đến ngày về
nghỉ hưu. Vào Hội Nhà văn năm 1978. Có giải thưởng Văn học từ các năm 1961,1968,1983.
Nếu cứ ở cấp III Yên Thành - Nghệ An thì sẽ ra sao? (Tuy vùng này giàu lúa gạo:
Nghệ Yên - Thành, Thanh Nông Cống...). Có thể bạn đọc thiệt mất một nhà thơ.
* Nhà thơ Vũ Quần Phương nguyên bác sĩ y khoa ở Bộ Y
tế về làm biên tập thơ ở Đài tiếng nói Việt Nam từ năm 1972. Năm 1985
về NXB Văn học làm trưởng phòng. Năm 1991 được mời về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ
Hà Nội. Sau đó được giới thiệu bầu vào Quốc hội. Ông là một nghệ sĩ - nghị sĩ
ngoài Đảng. Nếu ông vẫn ở Bộ Y tế hành nghề bông băng, dao kéo thì cuộc đời chẳng
đã mất đi một đống tro tuyệt vời của cái đẹp đó sao! (Em đi lửa cháy trong bao
mắt/ Anh đứng thành tro em biết không. Áo đỏ - thơ Vũ Quần Phương).
Còn một “Con vịt” rất độc đáo nữa là chính Giáo sư
Nguyễn Đăng Mạnh. Ông là một nhà giáo. Có bài viết từ những năm sáu mươi thế kỷ
trước vào Hội Nhà văn năm 1978. Giải thưởng Hội Nhà văn 1979. Nhờ biên soạn Tuyển
tập Nguyễn Tuân (NXB Văn học 1981-1982) mà nên có tiếng. Ấy là tính thời
điểm trước ngày ông phát biểu (1987). Còn sau này thì Danh hiệu và giải thưởng
rất nhiều. Phải chăng nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh là một “con vịt lạc đàn”, không
bị lãnh đạo chăn dắt?
Những phân tích trên chứng tỏ phát biểu của Nguyễn
Đăng Mạnh là không có cơ sở, không tin cậy được. Giáo sư thấy có đúng không?
Chê mắng đúng, có cơ sở đã là không nên. Chê mắng không đúng thì còn ra thế nào
nữa. Hóa ra Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã không biết gì về một người Việt Nam lỗi
lạc - một nhà bác học - là Lê Quý Đôn. Các giáo sư đều là đồng nghiệp, đồng sự ở
khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Sao Giáo sư không giảng giải cho Thầy Mạnh
ngay từ đầu, trước năm 1980, về Lê Quý Đôn, có phải hay không? Học thầy
không tày học bạn mà lại; hay các giáo sư đều đã chê mắng chán chê, về
già có thời giờ đọc Lê Quý Đôn, mới sững người ra. Nhưng thà muộn còn hơn
không. Còn bao nhiêu người chưa được đọc Lê Quý Đôn. Nên phải dẫn ra. Việc làm
này của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh là đáng ghi nhận. Có thể thể tất cho Giáo sư tất
cả những gì ông đã làm trước khi đọc và trích dẫn Lê Quý Đôn. Tôi học tập tinh
thần đó trong bài viết này. Chỉ phân tích việc làm mà không có ý gì về người
làm. Mong các giáo sư hiểu cho như vậy.
4. Đảng
viên sao lại khi gần khi xa…?
Thật buồn khi phải phân tích đoạn văn của giáo
sư: tôi đã sáu mươi lăm tuổi Đảng, nhưng chưa bao giờ thấy gần Đảng như buổi
đầu đổi mới ấy (trang 30, bài đã dẫn). Giáo sư đến với Đảng như cuộc tình
trong câu thơ Thế Lữ: Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / Ngàn năm hồ
dễ mấy ai quên. Thế gần mười năm được Đảng kỳ vọng tin tưởng gửi đi đào tạo ở Đại
học Lômônôxốp Mátxcơva - Liên Xô cũ, từ một lưu học sinh trở thành một Tấn sĩ
văn chương, Giáo sư thấy gần Đảng bao lăm? Năm 1970, Giáo sư giảng giải suốt một
ngày cho học viên lớp Báo chí - Xuất bản Trường Tuyên huấn TW ở Hội trường Thái
Hà ấp về vai trò của thế giới quan và thế giới quan trong thơ Tố Hữu rồi
tiếp đó là công trìnhThơ Tố Hữu - Tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng
chí (NXB Văn học 1980), thì Giáo sư thấy gần Đảng bao lăm? Còn bây giờ,
vào lúc này, khi đọc bản Tham luận, Giáo sư thấy còn gần Đảng nữa không?
Người cộng sản lấy lý tưởng cách mạng làm mục đích, lấy đạo đức cách mạng làm nền
tảng, khi gian khổ khó khăn, lúc thuận lợi... đều phải kiên trung, thắng không
kiêu bại không nản. Nay Giáo sư lại đem cái cá nhân mình ra mà đối đãi với Đảng,
việc gì của Đảng mà hợp ý mình thì rất hăng say, ngược lại thì… thì thật khó
phân tích. Cho nên “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa
cá nhân” (Hồ Chí Minh) là một công việc khó khăn lắm.
Giáo sư thật đáng kính về đường tuổi tác (sinh năm
1930). Nhưng tâm hồn tư tưởng, tình cảm, tinh thần… khi đã kết vào con chữ hiện
trên trang sách báo... thì không còn là của riêng Giáo sư nữa. Vì còn có người
đọc. Mà chắc giáo sư cũng mong như thế. Nếu những sự phân tích trên đây có điều
gì làm Giáo sư không được vui như cái buổi ban đầu ấy, mong Giáo sư thể tất
cho. Vả theo lời khuyên của Giáo sư, tôi chỉ phân tích, không hề dám
nửa lời chê mắng, mong Giáo sư xét cho chỗ ấy thì đội ơn vô cùng!
Hà
Nội, đầu tháng 7 năm 2014
Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM