“Ta là người đàn bà cô đơn nhất thế gian này dù
trong ta có quá nhiều bí mật…”. Mười năm nay kể từ ngày tôi gặp chị lần đầu, không
khi nào có cảm giác Đặng Thị Thanh Hương có lấy một phút giây thư nhàn bình
yên. Cũng chẳng có lúc nào thấy trên gương mặt trẻ lâu của chị bóng của
nỗi buồn có lúc thê thảm như những câu thơ chị viết. Ồn ào, náo động, nhiều
tính toán, lắm ham mê, và lúc nào cũng cười giòn tan vui vẻ… Gặp chị ngoài đời
sẽ thấy một Đặng Thị Thanh Hương khác xa với chân dung người đàn bà chơi dao
sắc mà chị tự họa trong những bài thơ thật buồn bã, u sầu.
NGƯỜI ĐÀN BÀ CHƠI DAO SẮC
NHƯ
BÌNH
Con
tằm giăng tơ thành số phận
Quen biết nữ sĩ - nhà báo Đặng Thị Thanh Hương đã
hơn chục năm nay, từng chứng kiến những khoảnh khắc lúc thăng trầm của người
đàn bà có một đời sống náo động này từ ngày chị còn khá trẻ cho đến nay, thấy
chị không thay đổi là bao. Vẫn là người đàn bà mang trái tim bất kham và tâm
hồn hoang dã đến từ miền sơn cước mê mải kiếm tìm khát vọng. Dù ở trên
đỉnh thành công, hay mé vực của sự thất bại. Dù ở trong tâm thế cô đơn, hay đầy
chật chội bởi tình yêu. Ở tâm thế nào thì khi gặp chị vẫn thấy lạc quan vui như
tết. Thở than đấy, vất vả đấy. Ngồi ngẫm lại đời mình thấy buồn, thất vọng, cả
nỗi bẽ bàng nhiều hơn là niềm vui đấy nhưng môi mắt vẫn cười tươi. Nụ cười vô
tư sảng khoái và hàm răng sáng đẹp đã cất lại tuổi trẻ dùm chị như giữ một món
quà quý cho chị bên mình. Cười ngay cả khi vừa đi qua một cuộc hôn nhân mệt
mỏi. Cười khi vừa đánh mất một mối tình sau cuối. Cười khi tiền bạc bỗng một
ngày bỏ mình ra đi trong những dự án làm ăn thất bại. Cười cả khi nhận ra mình
muốn nhiều thứ, khát vọng nhiều thứ, mê mải nhiều thứ. Nụ cười sáng tươi là gia
tài lớn nhất của Đặng Thị Thanh Hương, giúp chị dễ dàng giã từ những niềm cũ,
những thở than số phận...
Nhìn Đặng Thị Thanh Hương không giống một nữ văn sỹ
mộng mơ, lãng mạn. Ở chị lúc nào cũng thấy vẻ tất tả ngược xuôi, ôm đồm bao
toan tính, ham vọng. Chị đặc biệt mê kinh doanh. Kinh doanh và làm thơ là
hai niềm đam mê của chị. Sau thành công của việc mở đại lý đưa hãng mỹ phẩm nổi
tiếng của Nhật Bản Shishedo vào thị trường Hà Nội, Đặng Thị Thanh Hương tiếp
tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang nhà hàng cà phê, fastfood, massage, thẩm
mỹ viện, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Công việc kinh doanh có lúc thành
công, lúc thất bại. Tiền bạc có lúc kiếm được đưa chị lên hàng doanh nhân
thành đạt, một bước đi ôtô sang trọng. Nhưng gặp buổi khó khăn lại đưa chị trở
về với cái xe máy cũ xưa thở hàn vi. Tiền bạc nằm lại ở thị trường bất động sản
vốn đóng băng mấy năm nay, thế nên chị vẫn đùa: “Mình là tỷ phú không tiền
mặt”.
Nói là khó khăn so với ngày xưa thôi, chị vẫn là
người phụ nữ làm báo viết văn, làm thơ thành đạt khi giữ cương vị phụ trách tờ
báo điện tử Tintuconline.com.vn của tòa soạn Vietnamnet. Tác phẩm lớn
nhất, thành công nhất đời chị là cô con gái xinh đẹp thế hệ 9X đang từng bước
tự tin vươn lên để đứng trong hàng ngũ những người trẻ thành đạt ở Sài Gòn. Đây
là niềm tự hào và kiêu hãnh lớn nhất của chị. Chị đã dạy dỗ nuôi con và đầu tư
cho con học hành để có được một nền tảng tri thức cơ bản cho tương lai. Công
việc sáng tác của chị khá đều tay. Từ năm 1982 đến nay, chị đã cho ra mắt 7 tập
thơ: “Cổ tích tình yêu”; “Phiên
bản”; “Vọng đêm”; “Những chiều mưa đi qua”; “Những con ốc chờn ren”; “Trà nguội”;
và một tập truyện ngắn “Con đã đến và đi trong cuộc đời này”. Mới
đây nhất, chị vừa trình làng tác phẩm thơ mới “Người đàn bà chơi dao sắc” để lại được dấu ấn đậm đặc về phong
cách thơ mạnh mẽ, chân thành song cũng bản năng đến hoang dại. Một đặc trưng
riêng biệt của Đặng Thị Thanh Hương. Nếu gói gọn một dòng trong bức chân dung
về mình, Đặng Thanh Hương đã viết: Con
tằm giăng tơ thành số phận/ em - người đàn bà đa đoan với khát vọng kiếm tìm/ ở
đâu đó phía chân mây là ước mơ em…
Xây
đền đài tình yêu và thờ phụng
Đặng Thị Thanh Hương là kẻ đa tình. Cứ đọc thơ chị
thì biết. Không giấu giếm, không mặt nạ, thành thực đến bản năng, thành thực
đến hoang dại, chị tự viết những câu thơ về mình trong tập thơ mới nhất: Người đàn bà chơi dao sắc vừa trình làng bạn đọc như thế này: “những
cuộc tình phù du/ những người đàn ông tẻ nhạt/ họ đã cho ta đầy ngăn kỷ niệm u
buồn/ họ đã cho ta đầy tay những niềm vui không trọn vẹn/ lúc đó ta là đàn bà
với niềm đam mê rất thực/ mà ta gọi là: hạnh phúc”.
Yêu đương là một khát vọng đầy bản năng của loài
người. Ở những người nghệ sỹ, nhà thơ, nhà văn, khát vọng đó càng lớn, càng ráo
riết. Nhưng lẽ đời, càng yêu nhiều càng thấy trống rỗng, cô đơn. Càng yêu nhiều
càng không lấp đầy tay hạnh phúc, không lấp đầy tim nỗi buồn, không lấp đầy tâm
hồn khát vọng bình yên. Mỗi một lần đi qua một cuộc tình kiệt sức lại càng thấy
trống vắng, thiếu thốn. Đàn bà, không cớ gì nhà thơ hay nghệ sỹ, khi yêu có ai
nhớ đường về. Đã không yêu thì thôi, yêu là dâng hiến đến kiệt cùng cho dù sau
đó có thể trắng tay, có thể mất mát. Với chị, đã yêu thì mặc nhiên để cho trái
tim mang quyền hành tối thượng. Đặng Thị Thanh Hương là người phụ nữ đề
cao bản ngã của mình. Chị mạnh mẽ, dám sống, sống thành thực, yêu đến điên dại,
đến đam mê. Chị không ngại ngần bày tỏ những khát vọng thầm kín của mình ngay
cả khi tuổi tác với người khác là một trở ngại. Thì với chị, tuổi tác, miệng
lưỡi thị phi, thói quen soi mói của người đời trở nên vô nghĩa nếu một khi chị
đã yêu: “người đàn bà bước vào tuổi hồi xuân/ nhựa sống bật mầm lên lần
cuối/ để ngày mai vùi vào trong đất/ những tháng năm tuổi trẻ qua rồi”. Hay:
“người đàn bà qua tuổi 40/ tóc khô xác bao lần hò hẹn/ mắt nhớn nhác tìm gương
thần bên cửa/ giật mình soi năm tháng phía sau rồi”.
Yêu từ tuổi thanh xuân cho đến xế chiều. Yêu từ lúc
còn trẻ trung khờ dại trong trẻo cho đến khi từng trải, già dặn, hiểu thấu sự
đời. Dù không phải khi nào tình yêu cũng đơm hoa kết trái viên mãn, biết vậy mà
vẫn yêu như điên, như mê, như si. Tình yêu ở đây là tình yêu cụ thể, cầm được,
nắm được, bằng xương bằng thịt. Tình yêu ẩn chứa cồn cào cơn đói của dục tính.
Tình yêu có sự thèm khát nhức nhối những rung động nhục cảm và khát vọng tinh
thần. Có khi chỉ là nhục cảm thôi, chị than trống trải cô đơn sau mỗi lần tình
tự kiệt mình. Đó mới chính là Đặng Thị Thanh Hương. Đó cũng mới là cái dễ
thương, dễ tha thứ của người đàn bà bản năng và dám sống thành thực theo bản
năng mà không cần phải đeo mặt nạ: “Chúng ta đã cuồng yêu như lửa/ Men
say chất ngất rượu ủ ngàn năm/ Như nham thạch một ngày ngùn ngụt cháy/ Em ngậm
ngải bao năm giờ mới được Trầm/ Hãy cứ sống như ngày mai phải chết/ Hãy yêu như
ngày mai ta mất nhau rồi/ Đêm nay sóng sánh mắt em cười/ Môi em mọng ướt đường
về mưa gió/ Cuốn vào nhau nghiêng trời quán trọ/ Tan vào nhau không biết đêm
dài”… “người đàn bà đã đi qua bể dâu của mất mát và đau khổ/ nhưng sao em vẫn
thấy trống trải hơn/ dẫu vùi mặt trong ái ân cuồng nhiệt”. “Bỏ quên thế gian
miệng tiếng thị phi cười nhạo người đàn bà chơi dao sắc/ con dao em cầm trên
tay là tình yêu đích thực/ dù lưỡi dao kia bao lần cắt vào trái tim nhói đau...
Bao
giờ biết bình yên
Đặng Thị Thanh Hương thuộc típ người ồn ào, lắm tham
vọng. Cũng chẳng có tham vọng gì ghê gớm ngoài tham vọng kinh doanh và khát
khao có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Một gia đình đúng nghĩa đời thường trọn
vẹn có bờ vai ấm vững chãi và có tiếng cười trẻ thơ. Cuộc hôn nhân thứ hai,
không biết liệu đó có phải là cuộc hôn nhân sau cuối của chị không nhưng tôi là
người đã chứng kiến từ đầu, tôi biết chắc đó là cuộc hôn nhân từ tình yêu, vì
yêu mà nên duyên chồng vợ. Phải yêu thương chị nhiều lắm, tôn thờ ngưỡng mộ chị
nhiều lắm người con trai trẻ trung mới dám bước qua những rào cản dư luận để
cưới một người phụ nữ hơn tuổi đã từng lập gia đình, đã có con lớn như chị.
Đáng tiếc sau gần chục năm yêu nhau, anh chị không có với nhau được một đứa con
chung. Vì thế mà giữa anh chị, khoảng trống cứ lớn dần lên… Và tình yêu nếu
thiếu đi những thứ quan trọng, những mắt xích máu thịt ràng buộc nhau, rồi sẽ
như những con ốc chờn ren thêm một lần nữa sợ rằng lại chuội nhau ra trong xa
xót. Nhiều khi đối diện với cô đơn, với nỗi buồn, Đặng Thị Thanh Hương khá sòng
phẳng khi tự vấn mình: “Ta đã chán rồi những mưu mô tính toán hằng
đêm/ Cho đến ngày hôm sau để làm thế nào kiếm được nhiều tiền và được lên chức/
Đồng tiền đầy mồ hôi mặn chát/ Chức danh trên vai nặng trĩu trách nhiệm đời/
Nhưng nếu không có những tham vọng kia liệu ta có thể thành người/ Khi ngày đêm
chỉ ru mình bằng sự bình yên dối trá./ Có phải ta đã sai rồi không khi mơ một
giấc mơ quá sức mình?/ Có phải ta là đàn bà thì chỉ dừng ở hành trình khao
khát/ Mà đừng mơ cao xa, đừng mơ những giấc mơ tiền bạc/ Chỉ là những hy sinh
cho mái ấm gia đình/ Và chắc rằng ta sẽ có bình yên/ Bên một người đàn ông như
bao người lựa chọn”.
Tôi thích cái cách phủi, không cần đeo mặt nạ của
Đặng Thị Thanh Hương. Đi sâu vào thế giới tâm hồn trong những bài thơ chị viết
sẽ thấy một Đặng Thị Thanh Hương thành thực với chính mình đến tàn nhẫn, bẽ
bàng. Mà có vậy mới là chất của Đặng Thị Thanh Hương. Cho dù đọc hết những bài
thơ chị viết, không hiếm cảm giác thấy buồn, thấy chán và cũng thấy thương chị
bởi sao mà lắm nỗi niềm tâm trạng như vậy. Tâm hồn cứ giản đơn hơn, đừng có
phức tạp thế làm gì cho khổ, cứ cười ha hả xênh xang như chị vẫn hằng cười mỗi
lần gặp bạn bè có phải đời nhẹ đi mấy lần không.