Quan niệm của nhạc sĩ Trần Minh Phi: “Có người nói,
bài hát chỉ là một tờ giấy với những nốt nhạc vô tri bằng mực. Phải nhờ ca sĩ
thổi hồn vào đó thì nó mới long lanh thành cuộc sống muôn màu. Cho nên, có bài
hát phải gặp đúng người ca sĩ tri âm tri kỷ thì nó mới cất cánh bay trên bầu
trời đời sống xã hội và nghệ thuật. Điều này cũng là hiển nhiên. Nhưng cũng như
hai vế của bất đẳng thức. Nó chỉ là một bất đẳng thức ý nghĩa khi có hai vế.
Tức là cũng phải nghĩ ngược lại, ca sĩ mà không có bài hát để ca hay không gặp
đúng bài hát phù hợp với chất giọng mình thì họ cũng như con chim cánh cụt hay
ngọn đèn không dầu, chỉ là ngọn đèn không ánh sáng!”
CHUYỆN TÌNH VÀ TIẾN TRONG ÂM NHẠC
TRẦN MINH PHI
Giữa thời đại thị trường thì nghệ thuật khó thoát
được số phận của hàng hóa. Hoặc ít ra nó cũng phải thỏa mãn cái tiêu chí: đi
tìm được đồng tiền để tái sản xuất ra nghệ thuật. Vậy tìm được sự bắt tay này
có khả thi không và biên độ giao thoa của cái bắt tay đó có thể tối đa hóa đến
tỷ lệ là bao nhiêu hạn mức? Âm nhạc là nghệ thuật nên cũng phải đối diện với
bài toán khó đó.
Bản chất
của nghệ thuật và thương mại rõ ràng từ khởi thủy đã không ăn nhập gì nhau nên
tìm cho nó một sự đồng điệu quả là nan giải mà có người còn cho rằng bất khả
thi. Nghệ thuật là thế giới của cái Tôi lẻ loi, nó có hướng đến xã hội thì cũng
thông qua lăng kính chủ quan và không hề bị áp lực bởi đám đông. Còn thương mại
thì ngược lại, mục tiêu tối thượng là đám đông nhu cầu khách quan sau đó mới
tính đến cái nội tại tự nó. Cho nên thuở xa xưa, nghệ sĩ không phải quan tâm
đến chuyện tác phẩm hay sản phẩm có bán được không vì họ đã được bổng lộc của
vua chúa để tồn tại. Sau này, nhà nước đóng vai trò là bầu sữa của nghệ thuật.
Cho nên họ yên tâm bay nhảy và hát ca trong lăng kính của mình.
Nhưng khi bước vào nền kinh tế thị trường thì sao?
Ai nuôi sống nghệ sĩ để họ hát ca? Câu trả lời đã nằm trong phần mở đầu, nói
nôm na nghĩa là họ phải bán cái nghệ thuật của mình, tức là biến nghệ thuật
thành hàng hóa để trao đổi, tạo ra giá trị kinh tế để nuôi sống mình, và nói
cho có hơi hướng văn nghệ là nuôi sống nghệ thuật của mình. Lúc này, ngoài sự
trăn trở để sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ còn một mối lo khác là nghệ thuật của
tôi có bán được không? Với những người theo trường phái duy mỹ hay duy tâm thì
nỗi lo này - qua cái nhìn hời hợt - là một cái gì quá tầm thường hay không muốn
nói là thấp hèn.
Nói riêng đến âm nhạc trong lĩnh vực ca khúc thôi
thì có hai đối tượng làm nghệ thuật, đó là nhạc sĩ và ca sĩ. Từ lâu người ta đã quen dần chuyện ca sĩ hát là phải được trả
tiền. Từ người hát rong kiểu ăn xin cho đến ca sĩ phòng trà hạng bét hoặc ca sĩ
trên sân khấu thượng thặng hễ mở miệng ra hát là phải có tiền. Tùy theo vị trí
của người hát, tùy theo lòng hảo tâm hay là một cuộc mặc cả dựa trên tiếng tăm
và sức hút công chúng của người hát mà số tiền đó nhiều hay ít.
Người ta không thắc mắc gì thêm vì đó là chuyện hiển
nhiên của người "bán vui" và người "mua vui". Cho dù nhiều
ca sĩ, mà hầu như là tất cả ca sĩ, đều lâm ly tâm sự rằng họ đều muốn đem tiếng
hát phụng sự cho cuộc đời, hát cho một niềm đam mê cái đẹp của tâm hồn, hát để
chia sớt nỗi niềm của cuộc đời, vân vân và vân vân… thì họ hiếm khi miễn phí
tiếng hát của mình. Có khi nó còn có một cái giá mà chỉ người thượng lưu mới
mua nổi. Cho nên, chuyện ca sĩ là nhà tỷ phú thì đâu có gì lạ. Nhưng lạ lùng là
nếu xã hội có trôi tuột trong cơn khủng hoảng kinh tế
thì hầu như chỉ có giới ca sĩ là an nhiên tự tại như một đối tượng miễn nhiễm
tuyệt vời.
Nhưng ca sĩ hát bằng cái gì? Thì bài hát! Hiển
nhiên! Nhưng bài hát là sự sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ lại không có được
cái nhìn công bằng như trên. Nhiều khi có cảm tưởng người ta nghĩ rằng bài hát
là trên trời rơi xuống vậy, hay họ nghĩ rằng cái anh chàng nhạc sĩ là một siêu
nhân hay vị thánh có thể thở bằng không khí mà viết nhạc! Không hiểu sao cùng ở
một vị trí lao động nghệ thuật, ca sĩ được chấp nhận bán tiếng hát của mình
không chút khinh khi nhưng nhạc sĩ thì không. Làm như có một mặc định cho rằng
nhạc sĩ là người hưởng hương hoa thôi, anh không được biến bài hát của mình
thành hàng hóa vì đó là một sự xúc phạm… nghệ thuật(?!).
Cho nên có một thời gian khá lâu người ta mặc nhiên
xài chùa các bài hát mà không một chút thắc mắc hay áy náy (họ chỉ có cảm giác
đó khi nghe miễn phí ca sĩ hát). Nhưng giả dụ là có một ông nhạc sĩ nào đó
chẳng cần tiền bạc gì hết khi người ta hát nhạc mình mà ông chỉ cần sướng cái
Tôi khi được thấy người ta hát và nghe nhạc mình say mê rồi tôn thờ mình là vĩ
nhân. Song, nếu ông biết người ta đang làm giàu bằng phương tiện chủ yếu là các
bài hát của ông, và người nghe phải móc túi để nhét vào cái ví căng phồng của
bầu sô ca nhạc thì ông phải suy nghĩ lại nếu ông là một người có lòng tự trọng
hay ông không phải là người… cõi trên! Nếu ông quá giàu để không thấy tiền bạc
là cần thiết thì ông cũng đòi lại cho được sự công bằng trong thương mại vì hai
mục tiêu: Một, không thể ngu ngốc để người khác lợi dụng mình làm giàu. Hai,
dùng số tiền đó để làm từ thiện cho những người đang thiếu thốn còn hơn là dồn
hết cho những kẻ đang thừa mứa.
Có người nói, bài hát chỉ là một tờ giấy với những
nốt nhạc vô tri bằng mực. Phải nhờ ca sĩ thổi hồn vào đó thì nó mới long lanh
thành cuộc sống muôn màu. Cho nên, có bài hát phải gặp đúng người ca sĩ tri âm
tri kỷ thì nó mới cất cánh bay trên bầu trời đời sống xã hội và nghệ thuật.
Điều này cũng là hiển nhiên. Nhưng cũng như hai vế của bất đẳng thức. Nó chỉ là
một bất đẳng thức ý nghĩa khi có hai vế. Tức là cũng phải nghĩ ngược lại, ca sĩ
mà không có bài hát để ca hay không gặp đúng bài hát phù hợp với chất giọng
mình thì họ cũng như con chim cánh cụt hay ngọn đèn không dầu, chỉ là ngọn đèn
không ánh sáng!
Ca sĩ và nhạc sĩ khi đã tương hợp nhau để tạo nên
tầm bay xa và rộng cho những bài hát trong tâm hồn người nghe thì phải nói giữa
họ đã có một mối liên kết tình nghĩa thâm sâu. Nó như một nửa của nhau mà nếu
thiếu một trong hai thì không bao giờ có sự hoàn thiện nghệ thuật. Vậy vì cớ gì
ca sĩ có thể quyết định mặc cả mua bán giọng hát của mình không một chút thị
phi thì người nhạc sĩ lại không có cái quyền tương đồng đó?
Cần nhớ rằng chẳng bao giờ có sự mua bán hay trao
đổi giá trị kinh tế gì giữa ca sĩ và nhạc sĩ, như kiểu: "Em hát bài anh
thì phải trả tiền cho anh!". Người trả tiền ở đây bao giờ cũng là người
nghe mà người đại diện trả chính là nhà kinh doanh âm nhạc. Họ trả tiền để
thưởng thức vẻ đẹp đứa con chung của nhạc sĩ - ca sĩ. Tiền đó được chia cho cả
hai. Nếu chỉ có một bên hưởng thì không chỉ tình nghĩa đã bị bôi đen mà về mặt
pháp luật đó là một hành vi phạm pháp.
Chỉ có trường hợp ca sĩ đồng thời cũng là nhà kinh
doanh âm nhạc khi đứng ra tự tổ chức bán vé cho giọng hát của chính mình thì
mới trả tiền cho nhạc sĩ. Và khi đó nếu người ca sĩ có trả tiền cho nhạc sĩ
cũng chỉ là trong mối quan hệ giữa bầu sô với nhạc sĩ mà thôi. Quan hệ giữa
nhạc sĩ và ca sĩ nếu tách ra khỏi môi trường thương mại thì đích thị là mối
quan hệ nghệ thuật tinh khiết và thiêng liêng.
Cho nên một ngày đẹp trời nào đó mà tự dưng rơi
xuống một tờ hợp đồng mua bán giữa một nhạc sĩ với một ca sĩ, đại ý là cho phép
ca sĩ đó sử dụng nhạc của mình với một số tiền cụ thể thì đó là một điều vớ vẩn
hết sức của trời đất. Và nó tựa như là một sự xúc phạm vào mối tình nghĩa tri
âm tri kỷ giữa người viết nên những nốt nhạc và người thổi hồn cho con suối
nhạc róc rách âm thanh mê hoặc. Đó là sử dụng để hát, còn sử dụng để kinh doanh
kiếm tiền thì nó nằm ngoài phạm trù tình nghĩa này rồi.
Không bao giờ có tờ hợp đồng mua bán tác quyền nào
giữa nhạc sĩ và ca sĩ cả. Chỉ có hợp đồng mua bán tác quyền giữa nhạc sĩ và
người kinh doanh âm nhạc mà thôi!