Câu chuyện của nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Rồi một buổi sáng, mùa xuân ùa tới. Đấy là khi tôi đứng ở hè nhà mình, nhìn vắt qua vườn, thấy cây lê bên vườn nhà cái Lanh đã bật ra những chùm hoa trắng muốt. Cây lê ấy, một cành của nó vươn dài, rủ xuống đầu hồi, chỗ máng nước chảy về, cái Lanh hay ngồi đấy rửa bát. Tôi chạy vùn vụt sang nhà cái Lành, nhảy hai bậc một lên nhà, chạy xuyên qua nhà, phi ra đầu hồi bên kia. Tôi đứng ngẩn ra trước vẻ đẹp kì diệu của những bông hoa lê có năm cánh trắng, cái nhụy với những viên phấn tròn nhỏ xíu đậu rung rinh. Một cơn gió ùa tới, những bông lê chợt run lên. Và một dòng nước lấp lánh từ trong khe suối đột nhiên chảy vòng vèo chậm rãi trên mặt suối đã khô suốt mất thấy tháng mùa đông, trong cái nắng trong suốt xiên qua sương mờ, trong những cơn gió dịu dàng hất theo những hạt mưa xuân bé xíu, nhẹ bẫng”.


NƠI BÌNH YÊN CHIM HÓT

ĐỖ BÍCH THÚY

Nhà tôi khi xưa, bố mẹ tôi trồng cây ăn quả trong một khu vườn lớn. Giữa vườn, một con suối tự nhiên từ trong khe núi chảy ra, chảy qua ba bốn khu vườn hàng xóm, qua đường ô tô, rồi mới ra sông.
Bọn trẻ ở làng, trong đó có tôi, coi con suối thân thiết như một người bạn. Con suối chảy khoảng ba bốn trăm mét, bắt đầu tính từ hàng rào cây sắn vườn nhà tôi, đến hết vườn nhà thằng Thông, thì ra sông. Mùa hè, cả bọn trốn ngủ trưa, mò mẫm dọc con suối câu cá trèo đồi, bắt cua, mò ốc. Con suối nhỏ, nhưng vách cao vút, có đoạn người lớn đứng còn lút đầu. Đấy là do mấy nhà hò nhau đào sâu hơn tự nhiên, bởi khi mùa mưa tới, chỉ cần mưa lớn chừng một tiếng đồng hồ là nước suối đã dâng lên mấp mé bờ. Con suối nhỏ mọi ngày trở nên hung dữ khủng khiếp, cuốn đi mọi thứ dọc đường, nước sôi ùng ục. Mưa lâu hơn, nước không thoát kịp sẽ tràn vào vườn, quét đi lớp màu trên mặt đất; tràn vào ao, cuốn sạch tôm cá người nuôi vất vả cả năm trời, cuốn hết ra sông. Vì thế phải đào sâu xuống. Càng về sau, rừng đầu nguồn mất dần, mùa mưa nước về nhiều hơn, lại đào tiếp.
 
Mùa đông thì nước cạn sạch, như thể có ai đó đã hút hết nước. Mặt suối chỉ đôi chỗ lấp xấp nước. Những viên cuội đầy rêu trở nên khô cong, những bụi dương xỉ chìa ra trên hai bên vách suối gầy guộc xơ xác. Sát nhà tôi có một nhà hàng xóm người Tày. Bà lão nhà ấy hay ngồi sưởi nắng trên sàn phơi lúa trong những ngày đông tháng giá bỗng bừng lên hiếm hoi. Bà ngồi đó, cái miệng móm mém nhai trầu, chốc chốc lại nhổ toẹt một cái. Sàn phơi lúa rất gần suối, bọn tôi thì như mọi khi, mò mẫm cố bắt một con cua già ngủ đông dưới một tảng đá lớn, đột nhiên nghe toẹt một cái, giật bắn, cười ré lên, xô nhau chạy. Đứa nào bị bà nhổ cho một ngụm quết trầu thì cứ gọi là tha hồ khóc mếu. Bà lão thấy bọn trẻ ré lên thì ngóng xuống: Chúng mày bắt được con gì à? To không? Mang lên đây bà nướng cho mà ăn. Thằng Thông y rằng sẽ nói như hét, vì nó biết bà điếc, nói bé bà không nghe rõ: Ối, một con cua to như cái rổ bà ơi. Bà lão lại nói: Hả? Phải mang rổ xuống đựng hả? Cả bọn lại cười ré lên. Bà lão cứ ngồi đấy cho nắng soi vào mặt. Bà bảo, người như ngô như lúa thôi, phải phơi nắng nó mới khỏi mốc. Con dâu bà, cô Canh, đang làm gì đấy trong bếp, nghe thế, nói vọng ra: Bà cứ phơi cho nhiều vào, tí nữa vào trong nhà mà ngạt mũi thì đừng có kêu. Bà nghe câu được câu chăng, nói muối thì việc gì phải phơi, cứ cất kín là được.
Trong vườn nhà bà lão có một cây lê. Cây lê già, thường thì đến mùa cũng cho quả nhưng quả thì bé tí, vừa chua vừa chát. Chỉ khi nào không còn gì có thể nhét vào mồm nữa thì bọn trẻ con mới nghĩ đến việc dùng sào để chọc cho lê rụng xuống. Ngoài cây lê ra còn có vài cây hồng, một cây mít, một cây xoài, hai cây nhãn, và vô số bụi riềng, sả, gừng… Bố tôi hay nhìn qua hàng rào, sang vườn nhà bà lão chẹp miệng: Vườn thì đẹp mà chả cây gì ra cây gì. Mẹ tôi lại nói: Nhà không có đàn ông nên mới thế. Số là con trai bà lão, chồng cô Canh, trong một lần ra sông vớt củi mùa mưa, bị nước lũ cuốn đi mất. Hai ngày sau mới tìm thấy ở tít dưới bến đò cách làng gần hai mươi cây số. Lúc ấy cái Lành mới bảy tuổi, thằng Quyết bốn tuổi. Cây trong vườn nhà cô Canh hầu hết không do trồng mà do tự nhiên hạt ở đâu rơi xuống hoặc từ trong nhà sàn ném ra, gặp đất mọc lên thành cây. Cũng vì thế có cây rất to mà không cho quả, có cây có quả hẳn hoi mà cho cũng không ai lấy. Cỏ dại trong vườn lúc nào cũng ngập lút. Một mình cô Canh quần quật với mấy thửa ruộng, mấy mảnh nương ngoài bãi, trên đồi, hôm nào cũng từ tinh mới tới tối mịt, làm gì còn thời gian mà dọn vườn. Cái Lành học hết lớp tám thì nghỉ học, còn thằng Quyết mới đang kì cạch học đầu cấp hai. Bọn tôi đứa nào cũng hay bị bố đánh đòn vì ham chơi, lười học, vì thế nhìn chị em cái Lành không có bố lại thấy chúng nó sướng, vì chả bị đánh đòn bao giờ. Bà nội nó cũng hiền, lại già nữa, già đến nỗi lưng còng gập xuống chỉ nhìn thấy sàn nhà. Muốn nhìn cái gì thì phải ngẩng lên. Và cũng vì mẹ nó đi làm suốt, nên bọn tôi thường lấy nhà chị em cái Lành làm nơi tụ tập. Bắt được con gì đều mang lên nhà cái Lành hí húi nướng trên bếp than ăn với nhau. Có lần, câu được mấy con cá trèo đồi, cả bọn xiên que nướng trên bếp. Bà nội nó nằm trong buồng đánh tiếng ra, đứa nào nướng cái gì mà thơm thế, không cho bà à? Tôi nhìn cái Lành ngạc nhiên, sao bà mày lại ngửi thấy? Tôi cứ nghĩ già như bà, bé tí như bà, cứ ngồi sưởi nắng là khắc no, không cần ăn cơ. Thằng Thông cười hi hí. Bảo mày cứ nghĩ bà như cái gì không phải người ấy. Thật, cho đến nhiều năm sau, tôi vẫn nghĩ bà có lẽ là người già nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời. Bà giống như quả ớt trên dây phơi của cô Canh, khô quắt, bé tí, nhăn nheo, mắt bà mờ, tai bà điếc, răng bà rụng hết, tóc bà không một sợi đen, thế mà mũi bà vẫn thính ơi là thính. Bọn trẻ con nướng cái gì bà cũng ngửi thấy hết.
Cá chín, cái Lành gỡ một ít ra cái bát con, lại ngồi nhặt sạch từng cái xương bé tí, mang vào cho bà. Bà thích ăn cá, vì cá mềm, dễ nhai, không đau lợi. Một lúc, cái Lành nhờ tôi vào xem bà ăn xong chưa. Tôi cũng thích xem bà ăn thế nào, bèn nhổm dậy đi ngay vào buồng bà. Buồng bà kín mít, tối om, chỉ có một ít ánh sáng lọt qua khe vầu trên sàn nhà. Bà ngồi thu lu trên giường, chăn quấn kín mít, cái bát con đựng cá đã hết sạch. Dưới chân giường, một chậu than đã bắt đầu tàn, vẫn còn hơi âm ấm. Đứng ở trong buồng bà, tự dưng cảm thấy không còn mùa đông nữa, ngay cả tiếng gió bấc rít ù ù bên ngoài cũng chỉ thấy vui tai. 
 
Rồi một buổi sáng, mùa xuân ùa tới. Đấy là khi tôi đứng ở hè nhà mình, nhìn vắt qua vườn, thấy cây lê bên vườn nhà cái Lanh đã bật ra những chùm hoa trắng muốt. Cây lê ấy, một cành của nó vươn dài, rủ xuống đầu hồi, chỗ máng nước chảy về, cái Lanh hay ngồi đấy rửa bát. Tôi chạy vùn vụt sang nhà cái Lành, nhảy hai bậc một lên nhà, chạy xuyên qua nhà, phi ra đầu hồi bên kia. Tôi đứng ngẩn ra trước vẻ đẹp kì diệu của những bông hoa lê có năm cánh trắng, cái nhụy với những viên phấn tròn nhỏ xíu đậu rung rinh. Một cơn gió ùa tới, những bông lê chợt run lên.
Và một dòng nước lấp lánh từ trong khe suối đột nhiên chảy vòng vèo chậm rãi trên mặt suối đã khô suốt mất thấy tháng mùa đông, trong cái nắng trong suốt xiên qua sương mờ, trong những cơn gió dịu dàng hất theo những hạt mưa xuân bé xíu, nhẹ bẫng.
Và chỉ đến trưa thôi, y như một lời hẹn, đàn chim lông đỏ như hoa gạo tháng Ba đột nhiên bay về. Cứ mùa xuân tới là đàn chim này lại bay về. Cả đàn chim hàng trăm con đỏ rực, ùa về thung lũng, đậu kín trên các ngọn cây. Bố tôi nói chúng vừa từ nơi di cư trốn rét quay về khi thấy mùa xuân đã tới. Mùa xuân, đột nhiên tới, trong một buổi sáng tinh mơ, không cần gõ cửa, và mang theo về đàn chim tuyệt đẹp. 
 
Bà nội cái Lành lại ra sàn phơi lúa ngồi hong nắng, ánh mắt hấp háy nhìn những chú chim đang sà xuống vườn, sà xuống suối, sà xuống những tán cây đang nhú đầy lộc non xanh biếc, đậu kín trên ngọn cây lê đang bung nở những bông hoa năm cánh trắng muốt…
Bà nội cái Lành còn sống rất lâu, cho tới tận khi chúng tôi lớn lên, và như những con chim có màu lông đỏ bay đi tìm nơi trú rét. Chỉ có điều chim thì quay trở về nơi thật bình yên ấy, còn người thì thi thoảng lắm mới về, vừa về lại tất tả muốn đi.