Có lần, tôi nửa đùa nửa thật với một vị lãnh đạo ngành an ninh: “Cứ thêm một nhà báo hay thêm một nhà văn bị bắt, thì tôi thêm một lần bị đẩy ra khỏi danh sách những người cầm bút có tên tuổi tại Việt Nam!”. Không ngoa chút nào, chỉ cần các anh chị Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Hoàng Khương, Lê Nguyễn Hương Trà… viết về những ngày tháng tăm tối của họ thì tôi chỉ có nước chạy theo xách dép. Dù bất đắc dĩ, nhưng trải nghiệm mất tự do luôn vượt xa tưởng tượng của bất kỳ ai!
Trong vụ án Năm Cam từng có ba nhà báo phải chịu lao tù: Trần Mai Hạnh, Quang Thắng và Hoàng Linh. Tôi thân thiết Trần Mai Hạnh nhất, vì nhà thơ Bùi Kim Anh- vợ của anh luôn đối đãi với tôi như một đứa em trong nhà. Lần nào có dịp ra Hà Nội, tôi đều tranh thủ đến thăm anh chị. Và bao giờ khi từ biệt, tôi cũng chân thành nói với nhà báo Trần Mai Hạnh: “Em luôn chờ đợi hồi ký của anh!”.
 Nhà báo Quang Thắng trước kia làm báo Công An TPHCM, từ ngày được quay về đời thường thì dường như chả hứng thú gì với chữ nghĩa nữa. Còn nhà báo Hoàng Linh bây giờ làm nhân viên morat ở báo Tuổi Trẻ, nhưng vẫn lặng lẽ viết. Tự truyện “Đi trong sương mờ” của Hoàng Linh vừa công bố mấy chương, không chỉ có sức truyền tin của một nhà báo mà còn có sức lay động của một nhà văn. Chúc mừng Hoàng Linh, chúc mừng anh trở lại và lợi hại hơn xưa!



ĐI TRONG SƯƠNG MỜ

Trích tự truyện của HOÀNG LINH

Ngày 22/3/2002 , trên đường đi từ nhà đến cơ quan, vừa qua khỏi UBND P.Thạnh Lộc Q.12 tôi bị chiếc xe taxi ép vào lề, phía sau là hàng chục xe máy đầy người nhảy xuống cùng lúc xông vào đè tôi xuống đường rồi ấn vào băng sau taxi, bịt mắt khóa tay: anh em đưa anh Linh về cơ quan làm việc, đề nghị anh chấp hành!”
Giấy tờ tùy thân và điện thoại bị thu giữ. Xe chạy khoảng hơn 30 phút thì chậm lại rẽ vào con đường trải đá nghe lào xào.Tôi được xốc nách đưa ra khỏi xe và ấn vào ghế ngồi, âm thanh và sức nóng chiếu vào mặt cho biết họ đang quay phim chụp ảnh. Rất lâu sau, vải băng bịt mắt và khóa tay mở ra. Hai người mặc thường phục tự giới thiệu điều tra viên cao cấp của Bộ Công an đưa tôi qua căn phòng khác phát giấy viết, trả lại giấy tờ tùy thân và điện thoại: “anh tự khai về mối quan hệ của anh và Trương Văn Cam”.
 -Tôi có thể sử dụng điện thoại không?
 -Bình thường.
 Căn cứ vào thái độ của họ tôi đoán rằng vẫn chưa có lệnh bắt hoặc lệnh bắt chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn.Tôi thăm dò:
 -Tiêu đề là gì?
 -Ghi là bản kiểm điểm.
Trong thời gian này tôi nhận được cuộc gọi của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, nhà báo hẹn tôi sáng nay đến quán cà phê AQ để phỏng vấn, tôi hẹn lại sáng mai nhưng lòng thầm nhủ chắc là còn lâu lắm mới được cà phê với NHL. Đến trưa hai anh công an đưa tôi ra căn-tin ăn cơm, đây là nơi tôi đến nhiều lần rồi với những người bạn bên công an nhưng hôm nay tư thế của tôi hoàn toàn thay đổi. Họ gọi món ăn và nói chuyện bình thường, những người quen chạm mặt chào hỏi duy chỉ có anh trưởng công an một quận vừa chạm mắt vào bàn của chúng tôi đã nhìn đi nơi khác và vội vã bỏ phần cơm đang ăn xô ghế đứng lên đi. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu tối nay tôi sẽ không được về nhà rồi.
 Họ cho tôi vào lại căn phòng cũ và bỏ đi mất, không còn gì để làm tôi nằm lăn ra đất ngủ,  phó mặc mọi việc cho số phận. Trời sập tối một người mặc thường phục to lớn dị thường cùng vào với nhiều công an cảnh phục tống đạt cho tôi lệnh bắt tạm giam .Tôi được bàn giao cho 2 anh công an ban sáng:
 - Sự việc đến nước này chắc anh đã hiểu, bây giờ chúng tôi sẽ thực hiện lệnh khám xét, anh muốn chứng kiến việc khám xét ở nhà hay tại báo Tuổi Trẻ?
 - Hãy khám xét nhà tôi ở Hóc Môn, xin làm nhẹ nhàng.
 - Được.
Họ đã giữ lời, chỉ một chiếc xe, không có cảnh sát giao thông mở đường, không có báo chí. Chẳng có gì để thu giữ, họ trả lại tôi tất cả số tiền tôi có, chỉ 7 triệu đồng:
 - Anh đưa cho người nhà để lo cho hai con anh, sự việc sẽ còn kéo dài.
 Chị Nương, vú em của 2 con tôi vừa nói, vừa khóc:
 - Em an tâm, chị sẽ không bỏ 2 đứa con em đâu.
 Bé gái tự dưng la lên :mấy chú lính bắt ba. Tôi ôm con gái vào lòng:
- Ba nhớ mua súp cua cho con.
Bao giờ cũng vậy, khi đi uống bia với bạn bè tôi thường mua súp cua về cho bé. Nhìn mấy chú công an, bé nghĩ là bạn ba rủ ba đi nhậu như mọi ngày.
Quay sang đứa con trai 7 tuổi:
- Con ráng học giỏi, chơi game ít thôi, ba đi thời gian rồi sẽ về, ba không làm gì sai đâu!
- Con không tin ba!
Lòng tôi đau như cắt. Nhưng thôi tôi không giải thích gì thêm, thời gian không còn nhiều, sau này cùng với sự trưởng thành có thể các con sẽ nhìn sự việc khác đi!
Anh Bé, tổ trưởng dân phố được mời chứng kiến xin đưa tiễn tôi một đoạn đường, khi vừa đủ xa anh xuống xe: Hoàng Linh hãy bảo trọng, đi sớm về sớm!

Trong ngày đầu tiên bị bắt, giam chung với tôi là một đại gia trong ngành bất động sản và một cậu em tên Hải. Tôi và Hải nắm hai đầu chiếc chiếu đưa qua đưa lại cho cái phản xi măng mau khô để nằm ngả lưng sau một ngày bị hỏi cung dồn dập. Đang đung đưa chiếc chiếu như tát gàu sòng, Hải dưng không hét lớn:
-Cầm máy lên!
 Tưởng anh chàng hóa rồ nào ngờ các phòng khác cũng hét lên như vậy, ngay sau đó tôi biết  đây là những lời yêu cầu ca nhạc. Giọng ca cao vút cất lên từ dãy lầu đối diện“Cầm máy lên, gọi đến anh…”
Bài ca đã dứt nhưng sự phấn khích chưa dừng lại:
-Tiếp đi, thương nhiều nhớ nhiều nha.
Có vẻ thân thiết hơn, Hải gọi đích danh nàng ca sĩ tù ngục:
-Bích Đào! Cưới anh nha?
-Chừng nào cưới?
-Về đời cưới!
-Chừng nào về đời?
-Sắp rồi!
-Không, em “dựa cột” thôi!
“Nếu mai em chết anh có buồn không…”.  Cô nàng ca tiếp, bài này ca từ thê lương quá nên không ai la hét nữa, chìm vào im lặng. Hải nói mình yêu Bích Đào, mong ngóng từng giây chờ tối đến để được nghe tiếng hát của nàng.
-Cô nàng trông thế nào?
-Hải không biết mặt !
-Không biết mặt mà yêu?
-Ông thầy là tù “con so”! chẳng biết gì cả! Đó là tình tù…

***                                                               
Đột ngột chuyển đến trại khác, hình như toàn bộ đại ca của giới giang hồ Nam Bắc đều có mặt đủ, nhưng không phải để họp mặt mà là bị bắt. Cậu Quý ở cùng tôi và Dũng Hải Phòng có thăm nuôi. Tôi và Dũng mừng thầm vì quá ngán món rau muống của trại, không được thăm nuôi nên chẳng có gì để ăn. Nhưng quà của người tù quê chỉ có chai nước tương, bịch xả ớt, vài trái chanh… Dũng đòi thuốc lá :
-Từ khi chuyển chuyên án xã hội đen về đây cán bộ kiểm tra gắt lắm, không đem thuốc lá vô được.
 Dũng làu bàu chửi thề rồi bị gọi ra lấy khẩu cung vụ chơi ma túy chung với Dũng đui. Quý mất hẳn vẻ linh hoạt thường khi, tôi nghĩ cậu buồn chuyện gia đình, nhưng không phải vậy:
-Không đem thuốc lá vô được, lấy gì cho em Hằng, nó giận là cái chắc! Bà già mình cũng kỳ cục kêu gửi thịt quay vô cũng không gửi. Thuốc không có, đồ ăn không có, biết ăn nói làm sao với em Hằng?
Cậu ta kể quen cô Hằng được mấy tháng, sâu đậm lắm, ai về trước sẽ thăm nuôi người còn lại, ngày đoàn tụ cũng sẽ là ngày cưới. Cô này có tướng xốc như Ngô Thanh Vân, mặt hiền như Quế Trân, giọng nói trong trẻo như Lệ Thủy… và rất hay giận, y thinh như cô người mẫu mà Quý quen ngoài đời. Nhưng tôi cũng hồ nghi vì Quý không có vẻ gì là một thiếu gia để có thể cặp kè với những cô có quyền đòi hỏi về vật chất như vậy? Nhưng biết đâu được, chuyện tình cảm mà, hay chủ nghĩa vật chất đã làm tôi đánh giá sai lệch chăng?
Tôi kể cho Dũng nghe,chàng phang ngay:
 -Nó xạo đó! Mấy con nhỏ tù chỉ lợi dụng những người có thăm nuôi để tiếp tế thôi! Yêu thương gì đến cái mặt cũng không biết!
 Nhắm cãi không lại với dân Bắc, chàng trai Nam bộ im, nhưng không phục, không ai nói chuyện. Dũng rút mấy sợi vải trong quần đùi ra se lại:
 -Đồ cạo râu đây, se lông mặt đây, tù sida đầy, khỏi đụng dao kéo, khỏi lo căn bệnh thế kỷ!
Từ hồi bị bắt đến giờ không cạo râu, râu mép tôi dài ra như cá lia thia, mỗi lần ăn uống phải tém lên, rất khó chịu. Dũng dùng sợi dây se đi se lại nhổ từng cọng râu, đau thấu trời xanh:
 -Em học chiêu này ở trại Sơn Tây, ông anh còn phải học nhiều lắm mới tồn tại được trong môi trường tù. Ba cái học thức, văn minh lịch sự ngoài đời vứt hết đi!
Có tiếng như ai đang gõ vào trần nhà, Quý nhỏm dậy áp tai vào vách buồng giam nghe, rồi gõ trả lời. Lát sau Quý rời tường nằm tiếp.
 -Gì thế ông em?
 -Không có gì hết! Tụi phòng trên hỏi có thằng Tuấn ở đây không?
-Qua mặt mấy ông anh hả thằng nhóc? Bố mày là vua “cộng” “đài” đây (“cộng” là dịch ra, "đài" là hệ thống tín hiệu liên lạc với nhau của tù nhân, ở đây là gõ tường). Con Hằng nó đòi thuốc lá, mày nói không có, nó đòi đồ ăn, mày nói có chanh và xả ớt nhưng không gửi được!
-Xem nào, cho tao mấy con “dế”, tao sẽ “xe” giúp cho.
Phòng giam nữ phía trên, rộng bằng nhiều phòng giam nam, nhưng lỗ thở của phòng trên không thẳng hàng với phòng chúng tôi nên không thể gửi đồ được.
-Sao ông biết tui có “dế”?
-Mùi! Có chôn nó dưới ba thước đất cũng không giấu được thằng nghiện như bố mày.
-Được rồi! Nhưng không có cái “chẹt” (quẹt gas) làm sao đốt thuốc hút được.
-Khéo lo!
Dũng gõ tường nhờ liên lạc với các phòng khác rồi rút vải quần, se, nối lại thành sợi dài, cột đồ thò tay ra lỗ thở. Lỗ thở đúng như tên gọi dài hai gang tay, cao gần một gang, dùng để lấy không khí tự nhiên để tù thở.
Cho đến khi cô Hằng gõ sàn báo đã nhận được bịch muối xả và mấy trái chanh, Quý mới đưa cho Dũng mấy điếu thuốc lá đã hút đến tận “cán” (đầu lọc). Trong bóng tối, Dũng tỉ mỉ tháo ra, gom lại lột miếng giấy ai đó đã dán ở chỗ đi vệ sinh vấn thành điếu sâu kèn. Anh chàng giang hồ gốc lấy ra từ móng chân viên đá lửa cà xuống sàn xi-măng và nhanh chóng đốt được điếu sâu kèn. Dũng nuốt trọn, không có miếng khói nào thoát ra ngoài rồi đưa cho Quý. Vị thiếu gia bắt chước, rít thuốc, ém hơi y như vậy và lăn đùng ra vì say thuốc.
Dũng lấy chân khều tôi:
-Đá lửa em lấy của cán bộ điều tra trong lúc hỏi cung. Để em chỉ cho ông anh mấy quả “diệu thủ”! Anh thấy lúc nào cán bộ sơ hở thì “khoắng” đồ về xài! Quẹt gas, thuốc lá, bút viết, tiền, muỗng cà phê, tăm xỉa răng….cái gì cũng được. Em sẽ hóa kiếp nó!…
 Để chứng minh khả năng “bàn tay nhám”, Dũng lấy ra gói trà lipton và một cây tăm:
-Tăm đời nhé, em bẻ ra làm hai. Ông anh một phần, em một phần…
Dũng xé trà lipton, quấn lại thành điếu sâu kèn rồi hút như thuốc lá. Mùi khói khét lẹt làm tôi và Quý ho sặc sụa.
-Mấy ông bị bắt lâu rồi nên không biết. Tôi ở ngoài nắm tin và đọc báo rất kỹ. Bà Hằng này là nữ tặc, làm nghề thổ phỉ, chuyên gây mê để cướp của giết người. Nó lớn hơn cậu em của chúng ta cũng tầm gần 20 tuổi.
Quý đành thú nhận mình không hề nhìn thấy cô Hằng lần nào. Họ chỉ quen nhau qua những tiếng gõ tường:
-Nhưng tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác,phải không anh Linh?
Quý quay sang tôi tìm đồng minh, nhưng Dũng chưa buông tha:
-Nói hay lắm! Khen cho cậu tình yêu không phân biệt tuổi tác, tình yêu cũng không phân biệt nam nữ. Vậy tối nay ta đây và cậu em sẽ “yêu” nhau ra trò?
Quý sợ quá, im. Lát sau cậu nói nhỏ:
-Phòng nào cũng có người của cán bộ. Việc tôi gửi đồ cho bà xã, cán bộ sẽ biết ngay. Ngày mai chắc tôi bị chuyển phòng! Xa mấy ông rồi!
-Không đến nỗi vậy đâu! Trong tù chừng nào có con gián bay vào thì mới có người bị chuyển đi.
Dũng vừa nói xong, vcó một con gián bay từ lỗ thở vào, tiếng đập cánh nghe rõ mồn một trong căn phòng bé xíu…
Dũng chụp con gián vò nát trong hai bàn tay,đưa lên mũi ngửi…
-Gián nhà, không có mùi cống!
Xem chừng, Quý vẫn say mê người tình không chân dung của mình:
-Thằng Phước “mắc ma” cũng quen người con gái lớn tuổi hơn. Bà xã của nó hết án trước, thăm nuôi nó như vua. Năm sau nó về đời trở thành chủ tiệm vàng luôn…
                                                            
***
Khi vừa mở cửa để phát nước sôi ,Quý bị chuyển đi, lát sau cái lỗ thở cũng được xây hẹp lại. Dũng leo lên vai tôi thử thò tay ra ngoài nhưng không được. Rồi Dũng cũng chuyển đi, tôi có mấy đêm rất dài vì không có ai để nói chuyện. Không ngủ, không suy nghĩ, tâm hồn dần chìm trong mờ sương. Đó là cách bảo vệ khỏi sự điên loạn trong hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối, không có được sự kết nối nào!
Nhưng hoài như vậy cũng không ổn, tôi tìm cách liên lạc với ai đó, tôi chọn cái ống nước. Nước ở đây chỉ được bơm vào buổi sáng, nên đường ống lúc nào cũng rỗng, tôi kê miệng vào đầu ống nước trên bồn chứa :
-Có ai đó không?
Chẳng có hồi đáp nào!
Thất vọng, tôi leo lên phản, tiếp tục chui vào lớp sương khói do mình dựng nên. Có tiếng rột rẹt như radio trong vùng yếu sóng: - Đâu rồi, đâu rồi???
Tôi lên “sóng”. Người nói chuyện bên kia ống nước là một cô gái khoảng 20 tuổi, giọng nói cho dù bị rột rẹt do “sóng” yếu nhưng cũng cho thấy sự trẻ trung và có cái gì đó tinh nghịch. Cô giới thiệu mình với cái tên dài ngoằng hiếm thấy, cao 1,67m, tóc dài, có hai cái răng “chó” (răng khểnh), hết sự tự tin về cái đẹp của mình. Không biết chúng tôi nói chuyện những gì nhưng khi nghe tiếng kẻng báo thức tôi bừng tỉnh. Đang nửa ngồi nửa nằm tại bồn chứa nước, nước đang bơm, khi vừa đầy tôi gõ tường để người bơm nước khóa van lại.
Đêm sau cũng là những câu chuyện không đâu…
-Nhà anh có trồng cây gì không?
-Nhiều lắm em, vườn tạp mà, anh thích nhất là cây xoài…
-Cây xoài nhà anh sai trái lắm phải không? Trái nhỏ nhưng ngọt, cây nằm bên hông nhà lớn như cổ thụ?
-Sao em biết?
-Đêm qua anh kể cho em nghe mà?
-À,chắc anh quên!
Nói vậy chứ, tôi chưa nói chút gì về cây xoài này?
-Gần nhà em có cây ô môi lớn lắm, 12 giờ trưa đứng bóng em và mấy đứa bạn hay ra đó chơi. Những đêm mưa lớn, sấm sét nhiều em cũng chạy ra cây ô môi cho an toàn…
-Mưa to gió lớn thì ở trong nhà, chạy ra ngoài cây rủi bị trốc gốc gãy cành thì nguy hiểm lắm?
-Ai cũng vậy mà anh?
Nàng có vẻ không hài lòng. Tôi chuyển sang chuyện khác.
-Em thích nhất món ăn gì? anh đang thèm món mít luộc chấm nước mắm…
Có chút ngập ngừng, hình như nàng buột miệng nói món gì đó rồi thay đổi:
-Em thích ăn heo quay bánh bao…
Nhà em ở đâu, để lúc nào tự do anh sẽ đến thăm, và tất nhiên có cả món ăn mà em thích, heo quay bánh bao.
-Nhất định vậy nhé anh!
Nàng nói lên một địa danh, nó nghe cổ xưa như cái tên của nàng vậy.
-Một lời đã hứa, nếu anh không làm, người con gái đầu tiên có cảm tình với anh sẽ bị chết… Không tin phải không, khi cô bé đó chết, cây xoài to nhất vườn nhà anh cũng sẽ chết theo…
Vớ vẩn, tôi chuyển sang chuyện khác:
-Anh ở P7, em ở P5 hay P9?
-Xa lắm, xa lắm…
Có tiếng kẻng, tiếng bơm nước…                                                        
***
Tôi được chuyển lên dãy trước, ở chung với người bạn tù dễ mến làm nghề bạn biển (làm công cho tàu đánh cá). Phong có vợ, bỏ biển lên bờ bán nhang tại ngôi chùa lớn nhất tỉnh, do va chạm trong việc bán nhang Phong đâm chết anh vợ.
Tóm tắt là vậy, tôi không hỏi sâu thêm, sợ sẽ chạm vào sự thương tâm của Phong. Khu giam mới đỡ buồn hơn vì giam nhiều tử tội chờ đi bắn (!). Họ nói to, cười vang, chẳng sợ gì cả. Phong còn cho biết dãy phòng đối diện giam Minh “sứt”, Kim Anh và nhiều doanh nhân ở Bình Dương.
-Minh “sứt” và Kim Anh đang yêu nhau, tối nay anh sẽ biết.
Tôi kể Phong nghe về cô gái nói chuyện qua ống nước:
-Không có ai như vậy đâu anh ơi. Phong ở đây cũng mấy năm rồi, tình hình cũng nắm nhiều. Nếu có người đẹp như vậy thì đám tù đi phòng, tù tự giác phải biết và không buông tha. Trong tù tụi nó yêu dữ lắm anh ơi, con nít mới lớn bị bắt vào đây có biết đàn bà con gái là gì nhưng không hiểu sao tụi nó yêu mãnh liệt lắm. Có bao nhiêu đồ thăm nuôi “xe” hết cho bọn nữ, bị kỷ luật hoài nhưng tụi nó không ngán.
-Cô Hằng gì đó đẹp không mà chú nhóc cùng phòng với anh mê quá vậy?
-Đi thăm nuôi em thấy mấy lần từ xa xa, tướng cũng xốc lắm nhưng già rồi. Cái cô nói chuyện ban đêm với anh có nói cổ ở đâu không?
-Tỉnh này, tên nghe lạ lắm…
-Nghe như tên nghĩa địa chứ không phải làng xã…
-Ờ, xã hội rộng lớn, nhiều tên lạ là phải rồi, tại mình chưa biết thôi.
***                                                              
Cơm xong, các cửa phòng giam đều khóa, cán bộ trại giam cũng đi ăn cơm nên tù thoải mái hơn, gõ tường, nói chuyện qua lại ồn ào cả lên:
-“Tuyết lạnh” đi!
Đâu đó có tiếng la, lần này tôi không ngạc nhiên vì đã có kinh nghiệm, chắc là một lời yêu cầu thôi? Mà đúng vậy, và người được yêu cầu hát ở cùng phòng tôi: Phong chứ ai. Chàng trai bạn biển cất lên tiếng hát đầy nội lực, vang xa, hết “Tuyết lạnh” Phong ca tiếp “Căn nhà màu tím” rồi “Nắng chiều”… Đáp lại, Kim Anh ca bài “Tình lỡ trăm năm” nhưng để tặng Minh “sứt” :
-Em ca đó Minh, bảo trọng!
-Nghe, thương nhiều nhớ nhiều!
“Gọi nhau ba tiếng cố nhân ơi cho lòng thêm chơi vơi
Từ đây xa cách cố nhân ơi muốn nói nhưng sao nghẹn lời
Anh đã hết yêu em rồi thì hãy cứ đi theo người
Đừng gian đối chi nhau càng thấy thêm quặn đau…”
Không hiểu ca từ có chính xác không nhưng nghe não lòng thật, phòng khác tiếp tục với Bài thánh ca buồn và còn trên cả tuyệt vời người đó hát tiếp bài Màu hoa đỏ… "Rầm" có tiếng va chạm, tiếng ca cũng tắt .
-Cán bộ đá cửa!                                                           
***
Khi vụ án có kết luận chinh thức, xét xử cũng xong, chỉ chờ đi trường, tôi được ở chung với mấy anh em TP như Hồng HQ, Triều CA và Hưng Control… nên cũng đỡ tịch mịch.
Với kiến thức uyên bác, Hưng Control lý giải tôi đã nói chuyện với chính mình nhưng lại tưởng là nói chuyện với người khác, đó là bệnh lưỡng nhân cách thường xuất hiện ở những người bị đột ngột cách ly ra khỏi môi trường xã hội như những nhà thám hiểm bị tai nạn ờ vùng thiên nhiên hoang dã hoặc người biệt giam. 
Nhưng tôi có dữ liệu là tên cô gái, tên địa phương, đặc điểm nhận dạng… Dù sao cũng phải có lúc giải quyết mối hồ nghi này xem mình đã nói chuyện với ai, bị bệnh thần kinh hay nói chuyện với hồn ma?
Tù về, bá bệnh, nhất là chứng viêm mũi, trị hoài không thuyên giảm rất khó chịu, thấy tôi sục sùi, cô bạn học cùng lớp bây giờ chủ hàng thịt cá ở chợ Lái Thiêu chỉ dẫn:
-Hoàng Linh biết chùa Hội Khánh trên Thủ Dầu Một không, trước chùa có ông bác sĩ Bình trị viêm mũi hay lắm, chiều Hoàng Linh qua đây, con gái mình sẽ dẫn lên Thủ Dầu Một trị bệnh… Điện thoại Hoàng Linh số mấy?
Cô con gái trên 20 tuổi, làm ở công ty Nhật, vui tính, nói liên tục đã tận tình hướng dẫn tôi đến tận nơi và chờ tôi cùng về.
Vào khoảng giữa năm 2008 chỉ ít ngày sau khi cô con gái đã dẫn tôi đi trị bệnh, mẹ cô điện thoại, tôi thông báo ngay:
-Đỡ nhiều rồi, bác sĩ Bình hay thật, cho tôi gửi lời cám ơn con gái chị, nó vui vẻ nhiệt tình lắm.
-Nó chết rồi, mới sáng nay thôi, tan ca đêm, trên đường từ công ty về nhà thì đột quỵ, lúc vợ chồng tôi vô bệnh viện thì nó vẫn còn tỉnh. Nó nói nhắn chú Hoàng Linh về đốt cho con mấy cây nhang, rồi nó đi luôn…
Đêm đó từ đám tang về, tôi vừa ngồi vào bàn cơm thì chị Nương, người chị nấu ăn cho gia đình cho biết:
-Kỳ quá Hoàng Linh, cây xoài bên hông nhà trưa nay bị chết đứng luôn, trái rụng lộp độp như mưa, lá cũng rụng… Trái nhiều lắm để chị đem lên chợ bán bớt đổi đồ ăn.                                                             
***
Tôi thuê chiếc Toyota Innova đến mấy địa điểm nghi vấn trong tỉnh T để tìm hiểu, trung tâm là khu vực trại giam và mở rộng bán kính ra vùng quê, ba ngày trôi qua vẫn hoài công, mấy anh em quen biết hỏi giùm bên công an nhưng cho thấy không có cô gái nào tương tự bị bắt trong khoảng thời gian đó. 
Nhưng cứ nhìn vào cây xoài đang đứng sừng sửng bổng chết rủ kiểu cùng ngày cùng tháng cùng năm tôi lại muốn làm cho ra màn sương bí ẩn này. 
Tình cờ, tôi xem được bộ phim của ông đạo diền lừng danh về phim kinh dị. Một cậu chủ khách sạn giữ xác bà của mình để trên xe lăn, cậu nói chuyện với bà như đối thoại nhưng thật ra là nói chuyện với chính mình, xem ra cũng khá giống trường hợp của tôi, có cần đi khám tâm thần không?
Thay đổi phương thức tôi đi xe khách xuống tỉnh T, với một lộ trình khác, con đường qua phà chứ không theo tuyến quốc lộ chủ lực.
Từ các bến xe, tôi thuê xe ôm đi dò hỏi, đặc biệt hỏi các cụ lớn tuổi. Có công mài sắt có ngày nên kim, cuối cùng sau gần 10 ngày tôi cũng đến được cái nghĩa trang tại một xã gần biển có tên đúng như tên cô gái trong đêm tối đã kể. 
Nơi này quá xa trại giam nơi tôi nói chuyện với cô gái bí ẩn, không có mối liên kết nào dù đã cố nghĩ, nhưng thôi dù sao cũng nên đi vào tìm hiểu. 
Nghĩa trang lâu đời rồi, nhiều ngôi mộ đã cải táng chỉ còn lại mấy đống đất hoang tàn. Nghĩa trang không lớn nên tôi không vội, lần lượt đi khảo sát từng ngôi mộ. Lát sau tôi đã tìm được cái cần tìm, không như tôi nghĩ, đó không phải là mộ cổ mà là ngôi mộ xây theo kiểu hiện đại, bằng vật liệu xây dựng mới có gần đây, khác với những ngôi mộ bằng đá ông, đá xanh (hoa cương) chung quanh. 
Nhưng bia mộ đã nói lên tất cả. Người này có cái tên dài, kỳ lạ như người Hoa cổ, sinh năm 1924 mất 1945, lập mộ năm 2002, người lập mộ là Việt kiều, cháu mấy đời của người đã khuất. Tấm ảnh được phục chế trên đá rất sống động, một cô gái thật đẹp đang cười thật tươi với mái tóc dài quấn lên và hai cái răng khểnh:
“Hỡi ơi! Ta phải gọi nàng bằng gì đây? Là em hay cô bác khi tính đến 2008 người này đã 84 tuổi?”.
-Thôi vô gốc cây ngồi ông thầy ơi! Trời nắng chang chang đứng giữa đồng chịu sao thấu!
Ông xe ôm lấy tờ báo che đầu chạy vội vô gốc cây gần đó, một cây ô môi thật lớn.
Dù không tin vào những điều huyền bí và nghĩ rằng đây cũng là sự trùng hợp nhưng thôi, người đã đến thì cũng nên làm cái gì đó báo đáp. Tôi giữ CMND của ông xe ôm rồi đưa tiền nhờ ông mua giùm heo quay bánh bao:
-Không sợ mất tiền nhưng nếu ông đi luôn thì tôi tìm đâu ra xe giữa chốn đồng không mông quạnh này?
Trong lúc chờ đợi tôi không dám vô bóng mát của cây ô môi ngồi, nhặt mấy cây củi khô dựng chéo lại, cởi áo trùm lên che nắng, tôi kê chai nước suối dưới đầu và làm một giấc, cảnh này xảy ra hoài khi đi lao động. 
Quá mệt mõi vì cuộc tìm kiếm tôi ngủ thật ngon, không mộng mị. Đang ngon lành như vậy thì ông xe ôm lôi dậy, tôi bày thịt heo, bánh bao, vàng mã ra cúng mã cho nàng theo đúng nghi thức của mấy ông bạn người Hoa làm lò gốm ở Lái Thiêu chỉ dẫn.
Không đốt nhang, giấy tiền vàng bạc vì sợ cháy, xung quanh đây, tất cả đều là cỏ khô.Thầm mong ai đó sống khôn, thác thiêng cũng đừng nên tâm niệm gì, hãy để cho tôi có cuộc sống bình thường vì tôi có nhiều đau khổ lắm rồi.
Đến lượt ông xe ôm đòi ở lại, bảo tôi chờ. Ừ chờ thì chờ, có việc gì làm đâu. Ông này lấy ra giấy tiền vàng bạc, nhang bày ra cúng cạnh ngay chỗ tôi vừa tâm niệm xong. Tôi không cho đốt nhang, ông này làu bàu rồi cào cát cắm nhang xuống. 
Công việc tiếp theo mới thực sự kỳ lạ, ông ta vẽ 10 ô số từ 0 đến 9 trên nền gạch bệ của ngôi mộ rồi dùng 3 cái trứng gà lần lượt dựng đứng lên. Tôi chưa thử lần nào nhưng tôi cá rằng người đàn ông có bàn tay to bè này không thể nào dựng đứng được trứng gà trên nền gạch phẳng như vậy. Nhưng rất nhanh ông đã dựng được 2 quả trứng gà trên 2 ô số 8 và 4. Đúng với số tuổi của người trong mộ.
-Tôi xin xỉu chủ (3 số), nhưng bả cho có 2 con, đánh đầu đuôi chiều nay kiếm tiền đổi chiếc xe chạy cho êm!
Thì ra là xin số đánh đề. Khi xuống bến xe miền Tây để bắt xe ôm về nhà, cũng vừa xổ số xong, người ta bu đen nghẹt vào bảng kết quả. Tôi cố gắng không nhìn vào bảng kết quả, lạy trời cho đừng có số 84, cho dù chỉ là sự ngẫu nhiên.
Sáng sớm hôm sau, trên bàn tôi ngoài bình trà quen thuộc, còn có cái bánh bao và dĩa đậu phộng luộc, chị Nương chủ quán nói:
-Hên ghê Hoàng Linh, hôm qua chị trúng 2 tờ vé số. 84 số đầu được 200.000 đồng!


Nguồn: Một Thế Giới