Ngô Phan Lưu có người mẹ già cư ngụ ở thị xã Tuy Hòa. Mười
ngày nửa tháng, ông từ quê vượt quãng đường gần 30 cây số xuống thăm mẹ một
lần. Khi Ngô Phan Lưu tuổi 60 thì mẹ của ông cũng đã ngoài 80, ông quyết định
dọn về ở chung với mẹ để thuận tiện chăm sóc. Ngô Phan Lưu nghiêm khắc với con của
mình bao nhiêu, thì lại sợ mẹ của mình bấy nhiêu. Về nơi phố xá càng có cơ hội
giao lưu văn nghệ, Ngô Phan Lưu càng hay đi nhậu hơn. Say ở đâu không biết, chứ
đến nhà là Ngô Phan Lưu bỗng dưng tỉnh táo, vì mẹ của ông đã đứng chờ ngoài
hiên. Bà mẹ gắt: “Lưu, mày mới uống rượu phải không?”. Ngô Phan Lưu khoanh tay:
“Dạ!”. Bà mẹ tiếp: “Vậy thì phải làm sao?”. Ngô Phan Lưu rón rén đi lấy cái roi
tre đưa cho mẹ, rồi nằm dài lên giường để mẹ quất ba cái vào mông. Lần nào đi
nhậu về, Ngô Phan Lưu cũng ăn roi. Chuyện lão nông tuổi lục thập bị mẹ đánh,
được chính ông thường xuyên kể trước đám đông một cách rất sung sướng.
LÃO NÔNG NGÔ PHAN LƯU
KHỞI NGHIỆP CẦM BÚT NHƯ THẾ NÀO?
LÊ THIẾU NHƠN
Bạn đọc và đồng nghiệp thường nhắc đến Ngô Phan Lưu bằng cái tên gọi
thân thương “lão nông cầm bút”. Sự xuất hiện của Ngô Phan Lưu trên văn đàn trong
gần một thập niên qua được đánh dấu bằng Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn báo Văn
Nghệ năm 2007 và những tác phẩm mang nhiều suy tư để đời sống làng quê hôm nay.
Thế nhưng, Ngô Phan Lưu đã đi từ lũy tre vào giới viết lách như thế nào, không
phải ai cũng tường tận!
Bán con bò để in thơ
Nếu nói Ngô Phan Lưu cả đời chỉ biết ruộng sâu ruộng cạn thì
không chính xác. Trước năm 1975, Ngô Phan Lưu từng có bằng cử nhân Triết. Sau
nhiều biến cố, ông về quê cùng vợ vun xới mấy sào đất tổ tiên để lại để nuôi 5
đứa con, 3 trai 2 gái. Tháng ngày trôi qua, những trải nghiệm cứ rục rịch trong
lòng ông đòi tuôn ra trang giấy. Không kìm nén được, tối tối Ngô Phan Lưu thắp
ngọn đèn dầu để mần… thơ, cho tan bớt cơ cực mùa màng.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, lão nông Ngô Phan Lưu
bắt đầu mỏi tay cày nên nhen nhóm ý định đổi đời bằng thi ca. Ông ôm chồng bản
thảo gồm mấy chục bài thơ dài ngắn khác nhau đến trước mặt vợ, nửa run rẩy nửa
hưng phấn thuyết trình một dự án siêu phàm. Rằng, nhà ta có một con bò. Bán con
bò đi sẽ in được một tập thơ, sau đó mang thơ đi bán lấy tiền mua lại một con
bê. Rồi con bê lớn lên sẽ có được con bò như cũ. Thế nhưng, chủ nhân của con bò
không còn là nông dân mà trở thành nhà thơ! Lợi cả đôi đường! Đó là một bài
toán tài chính kỳ vĩ mà tất cả chuyên gia kinh tế nông nghiệp đều phải ngả mũ
cúi chào.
Bà vợ gật gù tâm đắc, và đồng tình cho chồng thực hiện kế hoạch ngoạn mục nhất
trong lịch sử gia tộc họ Ngô ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa,
tỉnh Phú Yên.
Tập thơ "Bếp lửa chiều đông" in xong, Ngô Phan Lưu cầm những cuốn sách
thơm phức mùi mực lâng lâng suốt ba ngày. Ông cứ thành kính hai tay nâng tập
thơ lên mũi để hít một hơi thật sâu, rồi lại nhẹ nhàng đặt xuống vuốt ve từng
trang, từng trang. Đến ngày thứ tư, nhà thơ vừa rũ bùn đứng dậy, vội xăng xái
đến xin Hội Nông dân xã cấp cho cái giấy giới thiệu, và hớn hở lên đường phát
hành thơ. Các đơn vị thôn ấp khắp các huyện thị trong tỉnh đều tiếp đón Ngô
Phan Lưu niềm nở, vì ngỡ ông muốn tiếp thị sản phẩm phân bón mới hay tuyên
truyền mô hình canh tác mới. Khi ông chìa ra tập thơ với đôi mắt long lanh tha
thiết, thì họ đều lịch sự lắc đầu.
Cứ chở thơ bằng chiếc xe máy cà tàng chạy vòng vèo cả tháng tốn xăng tốn sức mà
không thu được đồng vốn nào, Ngô Phan Lưu chán nản quay về cầm liềm cắt đám cỏ
mọc ngút ngàn trên khoảnh đất ngày xưa thường cột con bò. Bà vợ động lòng trắc
ẩn: "Cắt làm gì, ông kêu mấy tập thơ ra ăn cỏ chứ!". Lão nông vốn tri
điền không tìm được tri âm bỗng ứa nước mắt, ngước cổ lên trời thề ân đoạn
nghĩa tuyệt với nàng thơ.
Chuyển nhiều nghề vẫn
trắng tay
Thử hỏi, thơ của Ngô Phan Lưu có quá… tệ không? Xin thưa, không. Tuy ông không
chú trọng vần điệu, nhưng cũng có ý tứ đàng hoàng: “Làm gì có những ngày của tôi. Những năm tháng của đời. Thời gian vo
tròn tất cả. Vo thật tròn bóp nát ném hư không. Thương lắm con ruồi đậu trên
lưng ngựa chạy. Thương quá cánh bèo cố đo gió thời gian. Tôi tan sắc cầu vòng
bởi cơn mưa đã lớn…”
Thế nhưng, vì thơ mà mất con bò- tài sản đáng giá nhất của
gia đình, Ngô Phan Lưu tìm cách chuộc lỗi. Thấy ở thành phố đang có phong trào
trượt patin, mà mình lại có đất rộng, Ngô Phan Lưu bèn đầu tư dịch vụ mới mẻ ấy.
Ông huy động vốn của họ hàng, mua xi-măng về tự tráng một cái sân thẳng thớm và
mua mấy đôi giày trượt pa-tin để cho thuê. Với phát kiến tiên phong đổi mới
sinh hoạt văn hóa nông thôn, phen này ắt hẳn lão nông nhanh trí sẽ ung dung rung
đùi ngồi đếm tiền mệt nghỉ. Cũng đông người chơi, nhưng dân quê chỉ quen di
chuyển bờ đê lối gạch, mới lướt một vòng đã ngả chỏng chơ, người nọ bong gân
người kia trẹo gối. Ngô Phan Lưu ngộ ra sự thật phũ phàng, mình mở sân patin
chẳng kiếm được mấy đồng, mà ông lang vườn chữa trật đả cách đó không xa lại tha
hồ hốt bạc. Cay quá, một kẻ cực nhọc đào giếng cho một kẻ thong dong uống nước.
Cay quá, đời không ăn ớt thế mà cay!
Mấy đêm vắt tay lên trán suy tư miệt mài, Ngô Phan Lưu hun
đúc ý chí đi học nghề thuốc. Xóm làng mênh mông, mưa gió thất thường, thiếu gì
người đau ốm. Vốn sáng dạ, chỉ sau gần hai năm chăm chỉ khăn gói tầm sư học đạo,
Ngô Phan Lưu cũng được cấp chứng chỉ hành nghề đông y. Ngô Phan Lưu treo tấm
biển “Bắt mạch, bốc thuốc” cả tháng trời mà chẳng thấy ai đến. Nghĩ mình chưa
biết cách quảng bá thương hiệu, Ngô Phan Lưu tự xuống đường tìm kiếm khách hàng
tiềm năng. Dạo quanh từ ấp gần sang ấp xa, Ngô Phan Lưu phát hiện các tiệm thuốc
tây đã mọc lên khắp nơi. Bà con nhức đầu hay sổ mũi, chỉ cần mua mấy viên thuốc
kháng sinh, đi khám bệnh chi cho thêm phức tạp. Vậy là thầy thuốc thượng thặng Ngô
Phan Lưu không còn cơ hội làm Hoa Đà hay Biển Thước để cứu giúp bá tánh chúng
sanh.
Lội nước lụt đi thăm
bạn
Bất đắc dĩ, lão nông vẫn hoàn lão nông, Ngô Phan Lưu từ mê
thơ chuyển sang mê rượu. Ông tâm sự: “Càng buồn, càng uống. Mà càng uống lại
càng buồn. Cái vòng lẩn quẩn thật khó thoát ra!”. Không thể đếm hết mấy lần Ngô
Phan Lưu quá chén đã ngả xuống mương hoặc ngủ dưới ruộng!
Một năm ở quê Ngô Phan Lưu bị lũ lụt ngập tràn. Tứ bề nước
trắng xóa. Tôi tham gia một đoàn cứu trợ về ngang xã của Ngô Phan Lưu. Đang
ngồi bấp bênh trên xuồng cứu hộ, tôi nghe tiếng gọi rất to, cố nhìn thật kỹ thì
ra Ngô Phan Lưu trong một bộ dạng ấn tượng: bước từng bước chậm giữa nước dâng ngang
ngực, hai tay giơ thẳng lên trời, tay phải cầm chai rượu, tay trái cầm cái ly
bé xíu. Ngô Phan Lưu lội đến sát xuống cứu hộ, bảo: “Lũ lụt mấy ngày chưa rút,
buồn quá, phải lội nước đi thăm bạn!”. Tôi chưa biết an ủi hoàn cảnh của ông
thế nào, thì Ngô Phan Lưu rót luôn một ly rượu: “Làm với tui chút cho ấm!”. Tôi
uống xong, Ngô Phan Lưu cáo từ, vẫn trong bộ dạng cũ: bước từng bước chậm giữa
nước dâng ngang ngực, hai tay giơ thẳng lên trời, tay phải cầm chai rượu, tay
trái cầm cái ly bé xíu. Bóng dáng cô đơn của Ngô Phan Lưu dần dần xa mà tôi vẫn
chưa hết ngỡ ngàng, cứ tưởng vừa tham gia phụ diễn một cảnh phim phản ánh thời
Thủy Hử, mà ông đóng vai nghĩa sĩ Lương Sơn Bạc!
Đón khách đến phúng
điếu… mình!
Dù kinh hãi cú phá sản vì thơ, nhưng với tập “Bếp lửa chiều
đông” đã in, thì Ngô Phan Lưu cũng khá nổi tiếng ở vựa lúa quê nhà. Nói đến
những người làm thơ có hộ khẩu tại huyện Tây Hòa thì dĩ nhiên người ta nghĩ
ngay đến Ngô Phan Lưu. Và điều ấy đã nảy sinh một sự nhầm lẫn dở khóc dở mếu.
Ở Phú Yên có thi sĩ khiếm thị Lê Đình Hòa có quen biết Ngô
Phan Lưu. Nghe phong thanh thiên hạ kháo nhau, xã Hòa Mỹ Đông có ông nhà thơ
mới qua đời, Lê Đình Hòa đinh ninh là Ngô Phan Lưu nên vội vàng nhờ người chở đi
viếng.
Đến nhà Ngô Phan Lưu, không nghe kèn trống gì cả, Lê Đình
Hòa cứ đứng ngập ngừng phân vân. Nhận ra người quen, Ngô Phan Lưu mở cổng. Nghe
được tiếng của Ngô Phan Lưu, biết lão nông vẫn còn… sống, còn nhà thơ vừa chết
là người ở thôn bên cạnh, Lê Đình Hòa đành thú thật: “Em bị mù mà, đâu có kiểm
chứng được thông tin!”. Sau khi giằng lấy bó nhang từ tay Lê Đình Hòa giấu vào
bụi tre để người thân của mình khỏi trông thấy, Ngô Phan Lưu dìu bạn vào nhà uống
trà. Không nghe Ngô Phan Lưu quở trách, Lê Đình Hòa hé lộ thêm: “Em cũng có làm
một bài thơ để vĩnh biệt anh!”.
Ngô Phan Lưu tròn xoe mắt nhưng vẫn để thi sĩ khiếm thị đọc
bài thơ phúng điếu mình: “Chiều nay mây
xám thôn Phú Thuận. Não nề tri kỷ khóc tri âm. Bếp Lửa Chiều Đông sao vội tắt.
Chuyến xe quá khứ lại về không”, và cả hai cùng cười sảng khoái! Ngô Phan
Lưu nắc nỏm: “Tui đã được đồng nghiệp bái tế, nên sẽ rất thọ đấy nhé!”
Ăn roi ở tuổi sáu
mươi
Ngô Phan Lưu có
người mẹ già cư ngụ ở thị xã Tuy Hòa. Mười ngày nửa tháng, ông từ quê vượt quãng
đường gần 30 cây số xuống thăm mẹ một lần. Khi Ngô Phan Lưu tuổi 60 thì mẹ của
ông cũng đã ngoài 80, ông quyết định dọn về ở chung với mẹ để thuận tiện chăm
sóc. Ngô Phan Lưu nghiêm khắc với con của mình bao nhiêu, thì lại sợ mẹ của
mình bấy nhiêu. Về nơi phố xá càng có cơ hội giao lưu văn nghệ, Ngô Phan Lưu
càng hay đi nhậu hơn. Say ở đâu không biết, chứ đến nhà là Ngô Phan Lưu bỗng
dưng tỉnh táo, vì mẹ của ông đã đứng chờ ngoài hiên. Bà mẹ gắt: “Lưu, mày mới
uống rượu phải không?”. Ngô Phan Lưu khoanh tay: “Dạ!”. Bà mẹ tiếp: “Vậy thì
phải làm sao?”. Ngô Phan Lưu rón rén đi lấy cái roi tre đưa cho mẹ, rồi nằm dài
lên giường để mẹ quất ba cái vào mông. Lần nào đi nhậu về, Ngô Phan Lưu cũng ăn
roi. Chuyện lão nông tuổi lục thập bị mẹ đánh, được chính ông thường xuyên kể
trước đám đông một cách rất sung sướng.
Có lần, sau trận
thù tạc với nhau đến khuya, biết thế nào Ngô Phan Lưu cũng bị mẹ đánh, nên sáng
sớm tôi mò đến chỗ ông để hóng hớt trêu chọc cho vui. Ai dè, vừa vào cửa đã
thấy Ngô Phan Lưu mặt mũi buồn thiu. Hỏi, tối qua ông bị mẹ đánh à? Ngô Phan
Lưu gật đầu. Sao mấy lần trước bị đánh thì ông vẫn cười đùa? Ngô Phan Lưu im
lặng hồi lâu mới trả lời: “Tối qua má đánh, tui không thấy đau nữa. Chứng tỏ
sức khỏe má tui đã yếu lắm rồi…”. Hai mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn, Ngô Phan
Lưu nói với tôi mà như nói với chính mình: “Từ nay tui bỏ nhậu, dành thời gian
ở bên má tui!”.
Bạn văn và bạn
rượu vừa mừng vừa tiếc vì Ngô Phan Lưu thực hiện cam kết “phụ mẫu tại đường bất
khả viễn du”. Đừng nói chuyện chén chú chén anh dông dài, ngay cả đám hiếu đám
hỉ thì Ngô Phan Lưu cũng tranh thủ đi rất nhanh để về với mẹ. Muốn trò chuyện
cùng Ngô Phan Lưu thì đến nhà ông, chứ ông không bao giờ rời khỏi nhà quá lâu.
Cũng nhờ tấm lòng hiếu thảo với mẹ, mà sức khỏe Ngô Phan Lưu được cải thiện
đáng kể và ngòi bút của ông cũng được rèn luyện nhiều hơn. Trước kia một bài
tùy bút ngắn củn, Ngô Phan Lưu cũng viết mấy màu mực vì… bận đi nhậu. Còn từ
ngày tự nguyện cháo bưng sữa rót cho mẹ, ông viết được rất nhiều. Lúc nào tôi
ghé qua cũng thấy ông ngồi bên cái bàn đặt cạnh cửa sổ, hý hoáy lia ngòi bút
trên trang giấy. Bản thảo xếp thành một tập, tẩy xóa đủ kiểu, viết đủ thể loại
từ khảo cứu văn hóa dân gian đến… truyện tiếu lâm!
Buổi sáng không thể
biến mất
Một hôm, tôi nhìn
thấy Ngô Phan Lưu mặt mũi chạy xe ngoài đường, liền gọi giật lại. Ông xua tay:
“Bữa nay không rảnh, phải đi mượn tiền gấp!”. Tôi truy vấn, Ngô Phan Lưu ngập
ngừng: “Đám ruộng ở quê, tui thuê người ta cày mà. Dân nông thôn khổ lắm, cơm
cũ đổi cơm mới thôi. Người cày thuê mong ngóng từng ngày để nhận tiền công. Tui
không thể trễ hẹn hay thất hứa được!”. Biết số tiền Ngô Phan Lưu đang cần, chỉ
có 300 ngàn đồng, tôi đưa luôn cho ông. Ngô Phan Lưu cảm ơn: “Dạo này tui tập
trung viết truyện ngắn, nên hơi túng bấn. Mai mốt tui viết báo lại, có tiền trả
em ngay. Tui phải ứng thí cuộc thi báo Văn Nghệ mới được!”.
Quả nhiên, ít lâu sau, Ngô Phan Lưu ở tuổi 64 đã đoạt giải
nhất với truyện ngắn “Buổi sáng biến mất”. Ngồi xe lửa ra Hà Nội nhận thưởng
trở về, Ngô Phan Lưu sắm một dàn vi tính, và tập gõ lóc cóc. Từ đó, những cuốn
sách của Ngô Phan Lưu lần lượt đến tay bạn đọc như “Cơm chiều”, “Người không
giăng câu Kiều”, “Xoa tay và cười”, “Tờ lịch gỡ mỗi ngày”…
Bây giờ người mẹ của Ngô Phan Lưu đã mất. Sau ba năm chịu
tang mẫu thân, ông mới nhận lời sang Mỹ ở với đứa con trai. Tôi hình dung Ngô
Phan Lưu ngồi tư lự trong ánh điện nhộn nhịp California cách xa quê nhà nửa
vòng trái đất, mà hồ nghi rằng biết đâu ông lại làm thơ như thuở khởi nghiệp
nắn nót viết: “Tôi là bọt của trùng dương
dậy sóng. Mơ bong bóng ao đìa mát nước trưa mưa. Là hạt muối lăn dần vào biển
lớn. Mặn này sẽ chung mặn ngày xưa…”
Sài
Gòn, 6-2015