Trực chiến tại Đài phát thanh Giải phóng vào thời khắc ác liệt nhất trong lịch sử, sau khi cho thu âm bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “đêm nay trời Hà Nội vang động tiếng súng, lửa trừng trị B52”, Phan Nhân cảm thấy phải sáng tác cái gì đó cho Hà Nội mà mình đang gắn bó và bảo vệ. Ông ngồi xuống và viết một mạch “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, rồi đạp xe đi tìm ca sĩ Trần Khánh. Hai người đàn ông, một gốc An Giang một gốc Hải Phòng, vừa hào hứng vừa nhẫn nại trong cái đêm rét mướt và sôi sục, đã mang đến cho người yêu Hà Nội một dòng âm thanh tự hào đến sửng sốt: Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta, là ngôi sao mãi rạng rỡ. Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long, nhẹ nâng bước chân hành quân, dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền…”
 

PHAN NHÂN NGHE HỒN NÚI SÔNG LÒNG THÊM TRONG SÁNG

Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời ngày 29-6-2015, hưởng thọ 85 tuổi. Ông mất sau nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu một giờ đồng hồ. Phan Nhân là một người hào hoa nhưng mộc mạc và chân thành. Phan Nhân không mấy thích xuất hiện ở đám đông, ông chỉ lặng lẽ đi và viết. Thế nhưng, khi tiễn biệt ông, thì công chúng mới thấy rõ một chân dung âm nhạc đáng kính nể!

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh năm 1930 tại Long Xuyên. Hồi ấy mảnh đất của ông được gọi là Long Châu Hà, do gộp ba địa danh Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên lại mà thành. 15 tuổi, Phan Nhân đã đi kháng chiến chống Pháp. Một đêm cuối năm 1950, bên bờ kinh xáng ở Rạch Giá, ông đã viết ca khúc đầu tay “Hành khúc đoàn quân Long Châu”.

Năm 1954, nhạc sĩ Phan Nhân cùng vợ là diễn viên Phi Điểu tập kết ra Bắc. Ban đầu họ biên chế ở Đoàn văn công Nam bộ, sau đó cùng chuyển về Đài phát thanh giải phóng. Suốt mười mấy năm sống ở Hà Nội, Phan Nhân cũng có gần chục ca khúc nhưng ông chỉ hát cho bạn bè nghe vì ông khiêm tốn nói về sáng tác của mình “hai phần dũng cảm, tám phần liều mạng”. Thế nhưng, khi Mỹ ném bom Hà Nội vào mùa đông 1972, thì một cơ duyên đã đến với Phan Nhân.

Trực chiến tại 58 Quán Sứ vào thời khắc ác liệt nhất trong lịch sử, sau khi cho thu âm bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “đêm nay trời Hà Nội vang động tiếng súng, lửa trừng trị B52”, Phan Nhân cảm thấy phải sáng tác cái gì đó cho Hà Nội mà mình đang gắn bó và bảo vệ. Ông ngồi xuống và viết một mạch “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, rồi đạp xe đi tìm ca sĩ Trần Khánh. Hai người đàn ông, một gốc An Giang một gốc Hải Phòng, vừa hào hứng vừa nhẫn nại trong cái đêm rét mướt và sôi sục, đã mang đến cho người yêu Hà Nội một dòng âm thanh tự hào đến sửng sốt: Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta, là ngôi sao mãi rạng rỡ. Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long, nhẹ nâng bước chân hành quân, dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền…”

Khi viết “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, Phan Nhân đã tin tưởng vào giọng ca Trần Khánh. Cho nên, dù bản thảo viết “đường lộng gió bốn phương năm cửa ô” nhưng khi Trần Khánh hát thành “đường lộng gió thênh thang năm cửa ô”, thì Phan Nhân vẫn chấp nhận và sửa lại ca từ theo cách thể hiện của tri âm. 

Với tiếng hát Trần Khánh, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” nhanh chóng nổi tiếng như một tác phẩm kinh điển. Nhạc sĩ Phan Nhân lý giải đơn giản: “Niềm tin và hy vọng là suy nghĩ của cá nhân tôi lúc ấy, nhưng sau này nó đã trở thành thông điệp của nhiều người. Tôi viết trước hết cho tôi, như một tấm lòng dành cho Hà Nội!”. Và cũng tinh thần dâng hiến ấy, 12 năm sau, nhạc sĩ đồng hương với Phan Nhân là Hoàng Hiệp đã viết “Nhớ về Hà Nội”. Hai nhạc sĩ Nam bộ đã góp hai tuyệt phẩm cho vẻ đẹp Thăng Long ngàn năm, xứng đáng được xếp cùng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi hay “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao.

Khi đất nước liền một dải, gia đình nhạc sĩ Phan Nhân khăn gói trở lại quê nhà. Trên đường quốc lộ không còn loạn ly, nhạc sĩ Phan Nhân đã viết “Tình ca đất nước” với giai điệu chậm rãi mà sâu lắng: “Nghe hồn núi sông mà lòng ta thêm sáng trong”. 

Nhạc sĩ Phan Nhân thổ lộ: “Tôi đi làm cách mạng với hai bộ đồ. Bộ đồ để đi làm gọi là đồ nghiêm, còn bộ độ để đi ngủ gọi là đồ nghỉ. Tôi chỉ mong hòa bình để được lang thang viết nhạc!”. Khoảng thời gian 5 năm sau 1975, Phan Nhân sáng tác rất nhiều, mà tiêu biểu phải kể đến “Đường lên hạnh phúc” và “Trên quê hương Minh Hải”. Mùa xuân năm 1981, nhạc sĩ Phan Nhân công bố ca khúc “Thành phố của tôi” với cấu trúc ngắn gọn, gồm 4 câu nhạc và năm phần lời, thật trìu mến và thật hân hoan: “Thành phố Hồ Chí Minh tôi yêu thiết tha trong tim mình. Rạng rỡ đường đấu tranh, tung bay cờ tháng Tám. Dập tắt lửa chiến tranh mùa Xuân sang trên bến nhà Rồng… Thành phố ngàn mến thương. Tôi yêu thiết tha bao con đường. Đường phố dài chiến công, cho tôi niềm vui sống. Đường phố rộng ước mơ. Về tương lai non nước đợi chờ…”

Với hai bài hát, một về Hà Nội hùng tráng “niềm tin và hy vọng” và một về TPHCM “cho tôi niềm kiêu hãnh”, đã đủ làm nên một sự nghiệp của nhạc sĩ Phan Nhân. Thế nhưng, ông còn có một mảng sáng tác rất thú vị là viết cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Phan Nhân không bao giờ mua tập viết nhạc được in sẵn, ông luôn tự kẻ khuôn nhạc và chép tay rất đẹp. Ông có một tập nhạc thiếu nhi do ông tự làm và photo ra nhiều bản để tặng. Tuy nhiên, tập nhạc thiếu nhi được ghi rõ ở bìa “Nhà xuất bản tại gia” không chỉ có tính kỷ niệm, mà thực sự có giá trị cho tuổi thơ. Tập nhạc này gồm 15 bài, trong đó 12 bài viết trước năm 1975 và 3 bài viết sau năm 1975. Nếu trước năm 1975, Phan Nhân có bài hát thiếu nhi nổi tiếng “Chú ếch con” thì sau năm 1975 ông lại có bài hát thiếu nhi “Vườn cây của ba” nổi tiếng không kém. 

Nhạc sĩ Phan Nhân sống nhường nhịn và đạm bạc. Trước khi bệnh nặng và qua đời, ông thường chạy một chiếc xe máy cũ trên đường phố Sài Gòn. Nhìn ông thấy thương lắm, râu tóc bạc phơ và nụ cười ấm áp hiền hậu!
                                                 Sài Gòn, 30-6-2015
                                                   LTN