Lớp người của ngày xưa hay than thở cho cái thời hoàng kim của mình. Rồi than thở tiếp cho thời nay chẳng hạn như: Văn hóa đọc xuống đáy. Phải chăng đọc truyện tranh - tranh chuyện không phải đọc. Đọc sách dạy làm giàu, trang điểm, nấu ăn, dạy yoga, du lịch… thấp kém hơn đọc “Ruồi Trâu” và “Thép đã tôi…”. Họ than tiếp: Văn hóa nghe - xem - viết cũng suy đồi! Thực tế là trước đây không ai dám mơ tới một thư mục mênh mông các đầu sách các tác giả, tác phẩm từ cổ điển tới mới tinh trên mạng và ngoài siêu thị, hiệu sách, rạp phim, nhà hát… hôm nay. Trên mọi lĩnh vực văn nghệ, văn hóa, khoa học công nghệ… tình hình đều đã khác một trời một vực không tưởng tượng nổi! Người hôm nay lắc đầu: Quá dễ để các vị phán xét chỉ vì quá khó để sống với thực tại mới phong phú phức tạp “vượt tầm kiểm soát” mà thôi.



Viết/đọc/nghe/xem quá nhiều!

NGUYỄN BỈNH QUÂN

Tự nhiên cứ thương nhất lớp người mất trong khoảng thập niên 1985 - 1995. Hỏi vì sao như vậy? Đáp vì “các cụ” không được chứng kiến hai thay đổi kỳ lạ của dân/nước mình.

 Một là thấy cái ước mơ “ngàn đời” và mục tiêu phấn đấu mấy chục năm chiến tranh, xây dựng xã hội mới (và con người mới): Ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành được hoàn thành nhanh gọn trong có vài năm. Từ đói ăn đến xuất khẩu gạo, xóa nghèo, thoát nghèo và hết nạn mù chữ. Nhớ những bức tranh cổ động về hạnh phúc đáng mơ ước của dân ta khi đó: Chị nông dân bế con mặc áo hoa bên đàn gà, lợn có xoáy âm dương dân gian nổi tiếng, phía sau là đồng lúa mênh mông vàng và xa nữa là nhà máy nhiều ống khói phun khói trắng lên trời xanh có chim bồ câu bay lượn. Nhà cô bạn nông dân miền Tây giờ y hệt vậy. Có 10 công đất, mỗi năm ba vụ, thuê máy gặt đập thu hoạch và gieo cấy, chăm sóc. Tất tật được công nghiệp hóa. Hoa súng nở đầy ao và cá tôm ngoài sông. Khu công nghiệp kế cận đang bị kiện vì ô nhiễm. Thu nhập hộ này 55 - 60 triệu/năm vừa khít chuẩn thoát nghèo! Hóa ra mơ ước, khát vọng khi thành hiện thực cũng không ghê gớm gì và những giấc mơ thơ mộng, tưởng tượng táo bạo nhất có khi cũng chỉ là thiển cận.

Thay đổi thứ hai hoàn toàn không có trong “quy hoạch” của các giấc mơ và tầm nhìn thông thái nhất nước. Đó là sự xuất hiện xã hội thông tin, thế giới ảo, công nghệ thông tin… như từ trên trời rơi xuống, tràn ngập và xáo trộn tất cả. Mới năm 1995, CA phường tôi còn tịch thu nhầm cái giá vẽ của tôi vì nghi nó là máy photocopy không được đăng ký sử dụng mà lúc này đây có hơn 30 triệu người đang dùng máy tính bàn, bảng, các thiết bị thông minh kết nối nội bộ và toàn cầu. Hơn 1/3 dân ta đang cùng tôi xem, nghe, đọc và viết với màn hình. Thật là một xã hội học tập hoàn hảo. Công nhận dân ta rất giỏi tiếp thu các thành tựu tân tiến nhất, không bỡ ngỡ, mặc cảm chút nào. Từ quan to nhất đến người bán vé số, đi ăn xin đều dùng điện thoại thông minh. Thực tế thân quen này là ngoài tầm dự đoán của bất cứ ai. Hơn 30 triệu người đang nghe - xem - đọc - viết mỗi ngày khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tính ra người Việt mỗi ngày nghe - xem - đọc - viết tới 120 triệu giờ. Con số có thể cho thấy một xã hội thông minh, ham học tới mức nào (?). So với thập niên 1985 -1995 thì riêng Internet và CNTT đã thay đổi chất lượng sống, phong cách sống làm việc, thói quen sinh hoạt và tư duy, cả kéo theo chúng là cả các thói quen tình cảm, đạo lý… nhiều và sâu sắc bằng hàng trăm năm cũ. Người ta xem đủ mọi thứ, đọc đủ mọi thứ, nghe đủ mọi thứ và viết về đủ mọi thứ. Tiếng Anh thi tốt nghiệp vừa qua có kém mấy thì thực tế người ta vẫn dùng tiếng Anh hàng ngày, ít nhất là trên mạng.

Lớp người của ngày xưa hay than thở cho cái thời hoàng kim của mình. Rồi than thở tiếp cho thời nay chẳng hạn như: Văn hóa đọc xuống đáy. Phải chăng đọc truyện tranh - tranh chuyện không phải đọc. Đọc sách dạy làm giàu, trang điểm, nấu ăn, dạy yoga, du lịch… thấp kém hơn đọc “Ruồi Trâu” và “Thép đã tôi…”. Họ than tiếp: Văn hóa nghe - xem - viết cũng suy đồi! Thực tế là trước đây không ai dám mơ tới một thư mục mênh mông các đầu sách các tác giả, tác phẩm từ cổ điển tới mới tinh trên mạng và ngoài siêu thị, hiệu sách, rạp phim, nhà hát… hôm nay. Trên mọi lĩnh vực văn nghệ, văn hóa, khoa học công nghệ… tình hình đều đã khác một trời một vực không tưởng tượng nổi! Người hôm nay lắc đầu: Quá dễ để các vị phán xét chỉ vì quá khó để sống với thực tại mới phong phú phức tạp “vượt tầm kiểm soát” mà thôi.

Phải chăng 80% thời gian và sức lực làm việc này chỉ là thụ động, “giải trí”, dù rằng giải trí là rất quan trọng, làm thỏa mãn và mang lại sự hài lòng cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cũng khó tin rằng 20% hoạt động nghe - xem - viết - đọc còn lại là có tính sáng tạo - sản sinh. Có vẻ “bi kịch” của xã hội thông tin là thông tin gây ngập lụt mà không đủ năng lực kiểm soát. Các thiết chế xã hội, quản lý cần nỗ lực kiểm soát dù thực chất nên chỉ là điều chỉnh, uốn dòng chảy bởi không bao giờ ngăn chặn hay triệt tiêu được. Chủ yếu vẫn là mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân mà giành được thế chủ động với thông tin nghe - xem - đọc - viết thì xã hội thông tin sẽ thành công. Có vẻ như các thiết chế đang ảo tưởng tìm cách triệt, chặn còn các cá nhân thì ưa lười nhác thụ động. Vì thế xem - nghe - đọc - viết quá nhiều mà mình chẳng khá hơn.


Nguồn: Lao Động cuối tuần