Bút ký của Xuân Ba thường hướng tới những góc khuất của đời sống, những vẻ đẹp khuất lấp của con người trong gió bụi thời gian. Sự hằng sống này có những cái đẹp dễ phát lộ, rờ rỡ, dễ chiêm bái, tụng ca. Nhưng như thế cần chi đến nghệ sĩ ngôn từ. Người trần mắt thịt ai ai cũng có thể diện kiến, bình phẩm, định vị. Nghệ thuật là đi tìm cái Đẹp trong đời sống, nhưng cái Đẹp đích thực nhiều khi không phô phang, trái lại nó thường ẩn giấu nên cần cái nhìn thấu thị, tinh tế của người nghệ sĩ chạm đến, đánh thức và phát lộ. Thậm chí đôi khi còn là hô ứng. Tôi nghĩ đó là cái ý tưởng phôi thai cho những bài viết sinh sắc trong tập sách này: "Điện Biên, những góc khuất", "Người vợ miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn", "Tôi chạm vào cánh cửa một gia tộc không thường", "Cửa nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh", "Đến Cố cung nhớ Nguyễn An", "Mê cung Nguyễn Đình Thi qua lối dẫn chuyện của ông con Nguyễn Đình Chính", "Gặp lại ông Quách Lê Thanh".



GẦY BÉO XUÂN BA

BÙI VIỆT THẮNG

Làng văn từng bao phen tốc tả ganh đua những tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết… Còn thơ thì thôi rồi, nhà nhà… làm thơ, người người... làm thơ! Riêng thể loại bút ký văn học thì có vẻ heo hẻo cứ như cái thể này nó chọn người, kén người? Trong khung cảnh cùng mặt bằng ấy thấy một Xuân Ba cứ đủng đỉnh, tưng tửng với thể ký, hết phóng sự đến bút ký. Mà hàng tập tày tặn của các nhà Hội Nhà văn, Văn học, Thanh Niên  với những "Mọi linh hồn đều được đưa tiễn", "Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt", "Thời chưa xa người chưa cũ", "Khang khác mây thường", "Chuyện buồn kể muộn", "Một tuần nước Mỹ". Và  đây là "Ngọn cỏ gió vờn".

Cái đề sách nghe cứ từa tựa tiểu thuyết "Ngọn cỏ gió đùa" (1926) của cụ Hồ Biểu Chánh xa xa vậy. Không biết có liên tưởng gì không khi đặt tên cho đứa con tinh thần của mình? Cuốn này in đã vài năm nhưng nay tôi mới có… Văn của Xuân Ba không thể cứ đọc nhanh mà được. Và vẻ như hơi chuế bởi thời buổi này thiên hạ phải ào ào sôi động đến cả như miếng ăn miếng uống còn fast-food nữa là? Tôi ngờ rằng tay viết này kén người đọc. Xuân Ba khôn khéo bưng bê thứ hàng nhà của mình đến với những tạng sống chậm, những người mà quỹ thời gian chả mấy câu thúc có hơi tí nhàn rỗi, có đôi chút nghiền ngẫm, lại sẵn hào hiệp tiếp nhận chữ nghĩa của một người say chữ, đôi lúc như là… nghiện chữ. Có những cái của Xuân Ba phải đọc hơn một lần mới thấm, mới ngộ theo phương châm "nhai kĩ no lâu cày sâu tốt lúa". Tôi muốn tặng bạn văn của mình mấy đoản khúc sau.

1.
Bút ký của Xuân Ba thường hướng tới những góc khuất của đời sống, những vẻ đẹp khuất lấp của con người trong gió bụi thời gian. Sự hằng sống này có những cái đẹp dễ phát lộ, rờ rỡ, dễ chiêm bái, tụng ca. Nhưng như thế cần chi đến nghệ sĩ ngôn từ. Người trần mắt thịt ai ai cũng có thể diện kiến, bình phẩm, định vị. Nghệ thuật là đi tìm cái Đẹp trong đời sống, nhưng cái Đẹp đích thực nhiều khi không phô phang, trái lại nó thường ẩn giấu nên cần cái nhìn thấu thị, tinh tế của người nghệ sĩ chạm đến, đánh thức và phát lộ. Thậm chí đôi khi còn là hô ứng. Tôi nghĩ đó là cái ý tưởng phôi thai cho những bài viết sinh sắc trong tập sách này: "Điện Biên, những góc khuất", "Người vợ miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn", "Tôi chạm vào cánh cửa một gia tộc không thường", "Cửa nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh", "Đến Cố cung nhớ Nguyễn An", "Mê cung Nguyễn Đình Thi qua lối dẫn chuyện của ông con Nguyễn Đình Chính", "Gặp lại ông Quách Lê Thanh".

Tự nhiên chẳng hiểu sao rưng rưng khi đọc "Người vợ miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn" dài đến 38 trang. Đọc xong, cứ có cái cảm giác thòm thèm, muốn đọc nữa, muốn được biết thêm nữa, và cuối cùng là cảm thức bi ai về phận người trong cõi nhân sinh. Nhân vật người phụ nữ Nam Bộ có cái tên đẹp Thụy Nga "32 năm làm vợ anh Ba, nhưng chỉ có 3 năm là thực sự hạnh phúc". Vì sao? Vì sự xô đẩy của hoàn cảnh, vì sự run rủi của số phận, lại cả vì Tạo hóa "Lạ gì bỉ sắc tư phong/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".
Trong mắt tôi và nhiều độc giả, bà Thụy Nga hiện lên như là một Thánh Nữ, một Liệt Nữ thời hiện đại. Đó là điển hình cho sự hy sinh vô bờ bến của người phụ nữ trong thời đại cách mạng và chiến tranh, không ở đâu trên trái đất này dài dặc như ở Việt Nam 30 năm ròng. Tôi nghĩ, nhà văn chúng ta còn một món nợ lớn với lịch sử, với nhân dân vĩ đại và anh hùng. Xuân Ba có cái khát vọng vén bức màn lịch sử, giải mã nó từ góc nhìn và cảm xúc thẩm mỹ của riêng mình, bằng cách hướng tới những cá thể đã can dự vào lịch sử. Tôi nghĩ anh đã từng bước thực hiện được dự định tốt đẹp đó.

2.
Bút ký của Xuân Ba nhằm phô bày sự kiện và con người qua lăng kính văn hóa. Tôi nghĩ, đó là nét chủ đạo, là phẩm tính cần vươn tới của nghệ thuật ngôn từ. Đến Điện Biên, ngoài việc có ý nghĩa là đi thực tế, khám phá một vùng đất lịch sử, tác giả còn đặc biệt chú ý đến những nét văn hóa của xứ sở này. Đến đây phải biết, phải chạm mặt với Xòe. Bằng nhiều chiêu thức, Xuân Ba cống hiến cho độc giả những cảm thức về Xòe Tây Bắc. Tôi từng mãn nhãn với Nguyễn Tuân, Tô Hoài viết về Xòe, nhưng đọc thêm "Điện Biên, những góc khuất" của Xuân Ba vẫn cứ thấy khoái vị vì nhiều lẽ, trong đó có lẽ cái cách tác giả "lẩy" ra từ Xòe những cái kênh độc đáo để đến với tình yêu Xòe.
Trong phạm trù văn hóa Việt thì Văn là một bộ phận lớn, nếu không nói là tất cả trong thời quá khứ. Văn đi với chữ, chữ đi với nghĩa, vậy nên chữ "văn" hàm nghĩa rộng hơn văn chương. Nhiều người lấy làm lạ và cả phục nữa khi thấy Xuân Ba thuộc hàng "hậu sinh" cũng mon men "Chiêm quan thêm chữ nghĩa Đền Hùng", một bài mà theo tôi rất ngờ rằng anh đã phải vận công lực và có cái gì đó như là phóng chiếu và thăng hoa khi viết. Bây giờ người Việt có một cái giỗ chung gọi là Giỗ Tổ, cùng nhờ đó mà lịch sử ta nối dài ra được đến 4.000 năm. Giắt lưng cái vốn Hán Nôm chưa phải là đẫy nhưng rõ ràng là Xuân Ba bộc phát tài hoa khi viết, khi chiêm quan bằng cảm thức về ngữ nghĩa của câu chữ ở Đền Hùng.

Phải lắm bận về Thành Nhà Hồ để có "Gió hú Thành Hồ", theo tôi, là một đoản văn có dư ba về một đề tài cũ là Di sản văn hóa thế giới. Như kiểu giải mã riêng của Xuân Ba về một ông vua Hồ Quý Ly chỉ 7 năm ở ngôi nhưng hậu thế hiện tại vẫn tốn bao giấy mực luận bàn mà chưa có hồi kết? Rồi một phạm trù không mới nhưng cực kì nhạy cảm là "văn hóa từ chức".
"Chợt nghe Tiến sỹ từ quan" viết về cách hành xử của nhà báo Trần Đăng Tuấn, đương chức Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam gửi đơn từ chức lên Chính phủ. Xuân Ba biết lẩy chọn biết sắp xếp bày biện những chi tiết để bật ra những là lạ lấp lánh của một khái niệm tiết tháo kẻ sỹ. Đó là nhân cách, là đạo đức. Đạo đức là văn hóa ứng xử của người chân chính. Tôi riêng thích đọc Xuân Ba trong bút ký cũng là từ khía cạnh nhân văn, văn hóa này.

3.
Bút ký của Xuân Ba cũng gợi suy nghĩ về chữ và nghĩa trong văn chương hiện nay. Xuân Ba là người say chữ, nghiện chữ như đã nói ở trên. Cũng có người nhận xét là Xuân Ba na ná lối khụng khiệng của cụ Nguyễn Tuân lúc dùng chữ. Tôi nghĩ, nếu ai đó có bị ảnh hưởng một tài năng thì hà cớ gì mà ỷ eo này khác?! Chỉ sợ ảnh hưởng cái thấp kém, tuột dốc, lạc hậu mà thôi. Giẫm trọn và bê nguyên xi những khụng khiệng ấy sẽ thành là thứ vô lối. Nhưng cái cách cảm của Xuân Ba theo lối riêng tuồng như một kiểu khảnh khót khi bập vào địa hạt của chữ nghĩa ngôn từ?
Một bậc trưởng lão trong làng văn sinh thời có nhận xét về một vài cây bút hậu thế là "Văn anh này béo chữ nhưng ý gầy". Vậy là có sự "béo" và "gầy" trong câu chữ văn chương đây? Văn Xuân Ba quả thực là "béo" chữ rồi. Nhưng để xem có "béo" ý hay không? Thử lấy "Ngọn cỏ gió vờn" (có độ dài 30 trang in khổ 15x23) ra mà khảo thì sẽ xác quyết được chất văn trong chữ nghĩa Xuân Ba. Chữ thì rõ là một "bồ" rồi (khoảng 12.000 chữ đâu có ít cho một bài bút ký). Nhưng ý, rất may là cân phân, xuyên suốt: cái tấm lòng thẳng sáng của con người như một  diệu pháp linh ứng, dẫn dắt con người hành động và thường khi nhờ đó mà vượt qua được những cắc cớ, rủi ro, thậm chí hiểm nguy liên đới đến danh dự và tính mệnh.

 Xuân Ba viết ký có sự đầu tư kĩ lưỡng cho câu chữ. Cái vốn tiếng Việt của anh có thể nói dồi dào, phong lưu. Lại hào hiệp, khoáng đạt. Anh hay làm công việc lai tạo của một người làm vườn chữ nghĩa. Đại khái: "Một cái lý lịch đen ngũm là con gián điệp" (Cửa giả nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh, tr.315). Đó là nói về nỗi oan khuất của những đứa con ông Nguyễn Phổ, gọi cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông nội. Cũng trong bài vừa dẫn khi viết về chuyến đi chùa Hương nhân đó mà nhà thơ tài năng nhưng bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp viết được bài thơ nổi tiếng "Chùa Hương": "Nhưng khi đó Nguyễn Nhược Pháp có ỏ e chi đến tấm hình" (là nói về việc bất chợt nhà thơ được người ta chụp hình).
Tra Từ điển tiếng Việt không thấy đen ngủm, ỏ e. Nhưng trong văn cảnh này thấy được. Văn bút ký Xuân Ba đong đầy cảm xúc kiểu như: "Bên cửa sổ sắc thu đất nước hoa hồng dường như cứ chùng chình mãi bởi những tàn lá phong chườm hờ vẫn xanh ngằn ngặt chả chịu chín đỏ chín vàng cho" (Viết ngày giỗ đầu Blaga Đimitrôva, tr.115). Và cái này thì riêng tôi mới cảm thấy chứ chưa rạch ròi ra được: Văn Xuân Ba có được cái nhịp điệu (rythme) riêng - hối thúc mà không vội vã, nhàn tản mà không chậm trễ, động mà không thiếu tĩnh, lắm du dương mà không lạc điệu. Nói thế có vẻ là khen Xuân Ba quá trời?!

4.
Cũng phải vạch ra vài ba cái khiếm khuyết trong "Ngọn cỏ gió vờn" để Xuân Ba bớt say, nên chăng? Vì quá tự tin nên đôi khi Xuân Ba hở sườn khi viết, kiểu như: "Phụng được đi học chữ nghĩa không biết được mấy hột nhưng thuộc làu những cuốn sách của Tự lực văn đoàn, những Hồn bướm mơ tiên những Nửa chừng xuân. Tố Tâm. Đời mưa gió…" (Những long đong quanh một cuốn hồi ký truân chuyên, tr.213). "Bé cái nhầm"! "Tố Tâm" của cụ Song An Hoàng Ngọc Phách ra đời năm 1925, lúc đó Tự lực văn đoàn còn trong… hư vô. Mà cụ Song An cũng không có chân trong Tự lực văn đoàn! Tôi đồ rằng lúc viết đoạn này Xuân Ba đang say sưa.
Lại nữa, như người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng so sánh thế này thì khập khiễng bình phương: "Cách mạng Pháp 1789 đã vô tình làm mất nhà bác học danh tiếng Lavoisier của nước Pháp. Nhưng công bằng mà nói rằng, nước Pháp mất một Lavoisier còn có nhiều nhà bác học khác nối công trình nghiên cứu của Lavoisier, còn nước Việt Nam mất đi ông chủ bút Nam Phong, một nhà báo nhà văn kiêm học giả, một nhà văn hóa lớn mà thời gian nửa thế kỷ chưa lấp đầy khoảng trống trên diễn đàn ngôn luận và văn học" (Tôi đang chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường, tr.305). Viết như thế là tụng ca trong thể tráng sỹ ca của thời cổ đại. Hơn thế Phạm Quỳnh còn đang là một vấn đề bỏ ngỏ của lịch sử hiện đại. Nói như tên một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng: "Hãy đợi đấy!".
                                                      Hà Nội, tháng 7 năm 2015.