LÊ VĂN NGHĨA
Có nhiều trường hợp để dịch tựa của một quyển sách. Dễ nhất là những tác phẩm có tên nhân vật như Anna Karenina, Lolita, David Copperfield thì dịch giả chỉ cần để nguyên không cần suy nghĩ. Có tác giả còn Việt hóa An na Kha lệ ninh từ AnnaKarenina hay Jane Eyre là KiềuGiang hoặc Jên Erơ…Còn lại những bản dịch của các dịch giả sau cùng một nguyên tác thường được đặt những tựa khác nhau để tránh việc cầm nhầm tên tựa sách của người dịch trước. Thí dụ từ Wuthering Heights sẽ là ‘Đồi Gió Hú’, rồi ‘Đỉnh Gió Hú’. Từ Les Miserable sách Việt ngữ có ‘Những Kẻ Khốn Nạn,’sau đó là ‘Những Người Khốn Khổ’. Từ Les Grands Coeurs, Hà Mai Anh không dịch là ‘Trái Tim Bự Chảng’ mà là ‘Tâm hốn Cao Thượng’ rồi sau 75 có bản dịch lấy tên là ‘Những Tâm Hồn Cao Cả’; hay từ ‘Gitanjali: Song offerings’ Đỗ Khánh Hoan dịch là ‘Tâm Tình Hiến Dâng’,sau đó có ‘Lời Dâng’, có ‘Thơ Dâng’. ‘Hồn tôi ở tận miền sơn cước’ do Lê Bá Kông dịch từ ‘My heart in the Highland của Wiliam Saroyan thì Huy Tưởng dịch là ‘Trái tim tôi ở miền cao nguyên’. Có ‘Sói Đồng Hoang’ của Hermenn Hesse do Chơn Thiện và Phùng Thăng dịch năm 69 thì cũng có ‘Sói Thảo Nguyên’ do NXB Văn Học ấn hành năm 2013…Nói chung, những dịch giả nghiêm túc đều có ý thức không dùng lại cái tên sách đã được người dịch trước dùng để tránh mang tiếng cầm nhầm hay ‘ăn theo’ tên của quyển sách đã tạo được dư luận.
Tuy nhiên, theo tôi được biết hiện nay có ít nhất hai quyển sách nước ngoài nổi tiếng mà người dịch sau lại lấy lại nguyên tựa sách do người dịch trước sáng tạo. Đó là hai quyển ‘Bố Già’ ( nguyên tác ‘The GodFather’ do Ngọc Thứ Lang dịch năm 71) và ‘Bắt Trẻ Đồng Xanh ( Nguyên tác ‘The Catcher in the Rye’của J.D. Salinger do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch năm 1964, NXB Lá Bối xuất bản) Tôi dùng chữ sáng tạo vì hai dịch giả nầy đã ‘sáng tạo’chứ không phải chỉ thuần là người chuyển ngữ. Nếu không là Ngọc Thứ Lang, một nhà văn, nhà báo thuộc loại tay chơi của Sài gòn từ những năm 60 thì không thể nào có chữ ‘Bố Già’ cho một định nghĩa trong tiếng Anh như sau: ‘The Godfather ( Usu Sing) A very power man in a criminal organization, esp the Mafia’. Sau nầy, có một dịch giả đã đạt tựa sách là ‘Cha Thánh’-rất đúng theo nguyên nghĩa nhưng lại trật lất ý tưởng của quyển sách cực nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim cũng nổi tiếng không kém. Nhưng dầu sao cũng tạm chấp nhân được vì người dịch sau không muốn dùng tên sách do NTL đã đặt. Nhưng khi dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch lại quyển nầy thì vẫn dùng hai chữ ‘Bố Già’ của người dịch trước trước năm 75. (NXB Văn Học). Có thể ông ĐTH cũng nghĩ ra hai chữ Bố Già nhưng dầu có tự nghĩ ra đi nữa thì cũng chỉ là dùng lại của NTL. Hà cớ gì ông ĐTH không dám đề ngoài trang bìa sách rằng: Tên sách do ông NTL đặt và cám ơn người đã mất?.Hiện nay, trong quyển tự điến Anh Việt do nhóm tác giả TS Trần Văn Phước biên soạn, NXB Tự điển Bách Khoa) đã định nghĩa ‘The Godfather: Bố già’. Thế thì ai là người đã có công trong việc biến The Godfather thành Bố Già, NTL hay ĐTH?
Đây cũng là trường hợp của quyển ‘Bắt Trẻ Đồng Xanh’. Năm 1992, NXB Phụ Nữ xuất bản quyển nầy do hai dịch giả Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh với y tựa sách được xuất bản năm 1964 tại Sài gòn. Không lẽ hai dịch giả trẻ nầy không thể tìm đươc cái tưa sách khác hơn hay là chỉ muốn ăn sẵn một cái tựa quá thoát ý đến nỗi gần như phóng tác. Thật ra, nếu không biết bà Phùng Khánh thì không thể nào hiểu được tại sao bà lại dịch cụm từ ‘The Catcher In the Rye’ là ‘Bắt Trẻ Đồng Xanh’ như vậy. Nếu dịch nguyên văn ‘Rye’ chỉ có nghĩa là cánh đồng trồng lúa mạch làm rượu Whiskey và cũng chẳng có bóng dáng đứa trẻ nào có trong tựa sách của R.D. Salinger. Nhưng ,nếu ta biết rằng hai tác giả họ Phùng đã lấy ý từ câu “If a body catch a body comin’ through the rye …” “Nếu một đứa nào bắt được đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh …”.Đây là hình ảnh ẩn dụ đầy sinh động diễn tả sự hồn nhiên của con trẻ. Canh chừng và bảo vệ chúng cũng chính là bảo vệ cái thuần khiết nhất trong cõi con người. ‘Bắt trẻ đồng xanh’ ra đời từ sự cảm nhận riêng, sự chia xẻ và đồng cảm của hai dịch giả với nhân vật chính – Holden Caufield (hay J.D. Salinger?)
Tôi nghĩ nếu chưa có tựa sách do bà hai chị em bà Phùng đặt thì hai dịch giả trẻ sẽ không thể nào có một cái tựa sách thoát ý, khó hiểu và lột tả ý của tác giả như thế.. Thế mà hai dịch giả trẻ chẳng có một lời nhận rằng mình đã vay nợ từ tiền bối cái tên sách khi dịch quyển nầy.
Một quyển sách giá trị của tác giả nước ngoài có thể được nhiểu dịch giả chuyển ngữ. Điều nầy rất có lợi cho người đọc vì họ có thể tìm đọc được bản dịch nào mà họ cho là hay và thích thú (Tất nhiên đối với cảm quan riêng). Qua mỗi bản dịch, người đọc có thể tìm thấy bản sắc, phong thái và tính cách, cách sử dụng ngôn ngữ kể cả lối sống của dịch giả. Do vậy, chắc chắn, dù là dịch cùng một nguyên tác nhưng nếu trùng văn phong, câu chữ của bản dịch trước, bản dịch in lần sau, dịch giả vẫn dễ bị xem là thiếu sáng tạo. Trong trường hợp nầy tại sao tác giả hay Nhà Xuất Bản không làm một chuyện hết sức dễ dàng là ghi dòng chữ ‘Tựa nầy đặt theo quyển sách xuất bản năm X, của tác giả Y, Nhà xuất bản Z’ thì thiệt là vô cùng đẹp đời, đẹp đạo…dịch!