Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được giải trình của nhà thơ Phan Huyền Thư, nhưng căn cứ trên văn bản (bài thơ Bạch lộ và Buổi sáng) thì không có gì có thể biện hộ về sự giống nhau kỳ lạ giữa hai bài thơ này. Về mặt sáng tạo, đây là điều không thể chấp nhận được! Thật vô cùng đáng tiếc vì nhà thơ Phan Huyền Thư là tác giả chịu khó tìm tòi, cách tân thơ và Sẹo độc lập là một tập thơ xứng đáng vào giải năm nay. Ngoài thơ, chị còn có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng thơ, tôi thấy mình có trách nhiệm xin lỗi độc giả, xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và xin lỗi cả nhà thơ Phan Huyền Thư! Là những người cầm cân nảy mực trong hội đồng, nếu chúng tôi sớm phát hiện ra (sự việc này) thì nó đã không xảy ra đáng tiếc như vậy…”.



 “ĐẠO VĂN” VÀ NHỮNG BÀI HỌC ỨNG XỬ

HOÀNG NGUYÊN

Trong vòng một tháng trở lại đây, đời sống văn học nước ta bỗng trở nên sôi động. Nhưng tiếc rằng, lý do không phải vì có sự xuất hiện các tác phẩm đỉnh cao mà lại là các… xì-căng-đan. Hai nhà thơ nữ trẻ đang được dư luận chú ý thời gian qua bất ngờ dính nghi án “đạo văn”.

Chuyện bị tố “cầm nhầm” trên phây-búc
Cách đây không lâu, độc giả Ngô Xuân Phúc lên phây-búc nhận ông mới là tác giả đích thực bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Sự việc xảy ra từ đầu năm 2015, nhưng chỉ thực sự bùng lên khi Nguyễn Phan Quế Mai ra “tối hậu thư” cho ông Phúc, dọa sẽ kiện ông này tội vu cáo và xúc phạm danh dự. Chứng cớ sở hữu của Nguyễn Phan Quế Mai là rõ ràng qua các bản in thơ công bố từ năm 2010 và sau đó được phổ nhạc; còn ông Phúc chẳng có bằng chứng gì ngoài một vài “nhân chứng theo trí nhớ”. Trong lúc dư luận đang bán tín, bán nghi thì một số nhà thơ, nhà văn hăng hái đăng đàn trên mạng xã hội và một số tờ báo, với những phân tích học thuật càng nghe càng khó hiểu với công chúng, tưởng giúp minh bạch thông tin, nhưng hóa ra lại như đổ thêm dầu vào lửa!
Việc đầu còn chưa ngã ngũ, trên mạng xã hội tiếp tục phát hiện trong tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư (vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng văn học năm 2015) có câu thơ “Nếu tôi chết/hãy mang tôi ra biển” (trong bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn) viết năm 2008, dường như “cầm nhầm” câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” (bài thơ cùng tên, Du Tử Lê), công bố năm 1978 (có thông tin cho rằng được viết năm 1977).

Tiếp đó, ngày 18-10, trên phây-búc của một nhà báo đăng lại bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư (trong tập Sẹo độc lập, 2014) và Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan (trong tập Đếm cát, 2003); gần như toàn bộ nội dung của hai bài thơ là một. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang công tác tại báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh), khi biết tin này đã “rất sốc” và chia sẻ: “Nó giống như việc cắt da thịt của tôi để nhét vào da thịt của cô ấy (Phan Huyền Thư)”. Nhà thơ Phan Huyền Thư chưa chính thức lên tiếng, ngoài một dòng bình luận trên phây-búc: “Các anh đừng nặng lời với em quá! Em chỉ in sau chứ không viết sau ạ!”. Lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội, nơi trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập cho biết, đang liên hệ với tác giả và yêu cầu giải trình.

“Không thể chấp nhận được!”
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được giải trình của nhà thơ Phan Huyền Thư, nhưng căn cứ trên văn bản (bài thơ Bạch lộ và Buổi sáng) thì không có gì có thể biện hộ về sự giống nhau kỳ lạ giữa hai bài thơ này. Về mặt sáng tạo, đây là điều không thể chấp nhận được! Thật vô cùng đáng tiếc vì nhà thơ Phan Huyền Thư là tác giả chịu khó tìm tòi, cách tân thơ và Sẹo độc lập là một tập thơ xứng đáng vào giải năm nay. Ngoài thơ, chị còn có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng thơ, tôi thấy mình có trách nhiệm xin lỗi độc giả, xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và xin lỗi cả nhà thơ Phan Huyền Thư! Là những người cầm cân nảy mực trong hội đồng, nếu chúng tôi sớm phát hiện ra (sự việc này) thì nó đã không xảy ra đáng tiếc như vậy…”.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, phát biểu với tư cách cá nhân cho rằng, chứng cứ đã tương đối rõ ràng, nhưng BCH Hội Nhà văn Hà Nội cần thời gian làm việc thêm (với tác giả Phan Huyền Thư). Nếu sự việc đúng là như vậy, Hội cần phải xử lý nghiêm để bảo đảm sự lành mạnh, trong sáng, vì sự phát triển của văn học nước nhà. “Là một thành viên Ban giám khảo, tôi tự nhận đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình” - nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nói.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội than thở: “Đây là sự cố rất đáng buồn, đáng tiếc. Tập thơ Sẹo độc lập có nhiều bài thơ khá, thể hiện nỗ lực cách tân của Phan Huyền Thư, xứng đáng được vinh danh trong giải thưởng năm nay. Trước đó, với câu thơ trùng với thơ Du Tử Lê, tôi chỉ nghĩ, một câu thơ hay có thể ăn vào tiềm thức người viết rồi khi nào đó bật ra, có thể chấp nhận được. Nhưng đến bài thơ Bạch lộ giống nhau kỳ lạ với Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan thì vấn đề trở nên rất nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng, có thể Phan Huyền Thư đã viết bài thơ này trước Phan Ngọc Thường Đoan, nhưng cá nhân tôi nghĩ khả năng này không bao giờ xảy ra. Đây là một sai lầm, một bài học lớn mà nhà thơ Phan Huyền Thư cần phải nhìn nhận lại mình. Nếu sự việc đúng là như vậy, chị nên tự nguyện trả lại giải thưởng và xin lỗi độc giả…”.

Bài học ứng xử
Sự việc đúng - sai thế nào, chắc Hội Nhà văn Hà Nội và công luận sẽ sớm làm sáng tỏ. Tuy nhiên, có nhiều bài học có thể rút ra ngay.
Tự cổ chí kim, việc lấy “con đẻ” (sáng tạo) của người khác làm “con mình” là điều tối kỵ trong văn học, nghệ thuật; thậm chí nó được mặc định thuộc phạm trù đạo đức mà không người sáng tạo nào được phép vượt qua. Cho dù ranh giới này có mong manh và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan, thì người cầm bút (nói chung) vẫn phải luôn luôn cảnh giác và tự răn mình. Trong thế giới phẳng của mạng toàn cầu, không còn nhiều điều đã được văn bản hóa là “tuyệt đối bí mật”, khi chỉ cần gõ một từ khóa có thể tìm ra cả một đại dương thông tin.
Với người sử dụng mạng xã hội (đặc biệt là những ai thuộc giới truyền thông, ý kiến thường có trọng lượng hơn với độc giả), khi sự việc đúng - sai chưa rõ ràng, nên có thái độ bình tĩnh, khách quan. Những ý kiến suy diễn, cảm tính, tự ái cá nhân, nặng lời quy kết, không chỉ làm tổn thương người trong cuộc, khiến họ khó tiếp thu, nhận ra sai lầm (nếu có), mà còn gây nhiễu thông tin, đẩy dư luận theo hướng tiêu cực.

Với Hội Nhà văn Hà Nội, tuy một số thành viên Hội đồng chấm giải đã nghiêm túc tiếp nhận và xử lý thông tin, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhưng nếu việc xét giải thưởng được tiến hành thận trọng hơn, lắng nghe và cầu thị hơn thì “chuyện ầm ĩ” này có thể tránh được.
Và cuối cùng, với những người trong cuộc. Nhiều người cho rằng, nếu nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai biết kiềm chế trong ứng xử với độc giả Ngô Xuân Phúc, thì đã không vướng phải vụ khủng hoảng truyền thông làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, sức lực mà… chẳng đi đến đâu như vừa qua. Với nhà thơ Phan Huyền Thư, mọi việc đang ở phía trước, dư luận và các đồng nghiệp vẫn đang chờ câu trả lời sớm, thẳng thắn, rõ ràng từ chị.

Nguồn: Báo Nhân Dân