Đặng Hấn đã in gần chục tập thơ, hầu hết đều tặng, chứ chẳng bán buôn gì. Đặng Hấn bảo: “Vài đồng nghiệp tôi dạy luyện thi để in thơ, gọi là lấy thi nuôi thơ. Còn tôi chỉ đi dạy toán để in thơ, gọi là lấy toán nuôi thơ!”. Nhắc đến tài sản văn chương của Đặng Hấn, không thể không kể đến mảng thơ thiếu nhi. Chất toán cộng với chất thơ, lắm khi lại bật ra nét ngộ nghĩnh của thiếu nhi. Chẳng hạn, bài “Phép tính mùa xuân” khá thú vị:“Cánh én làm phép trừ. Trời bớt đi giá rét. Bầy chim làm phép chia. Niềm vui theo tiếng hót. Tia nắng làm phép nhân. Trời sáng cao rộng dần. Vườn hoa làm phép cộng. Số thành là mùa xuân”. Độc đáo hơn, Đặng Hấn là người đầu tiên văn bản hóa giá trị của cầu chữ Y ở Sài Gòn: “Cầu nào cũng chữ I. Nhưng chỉ là I ngắn. Cầu quê em lạ lắm. Giống hệt chữ Y dài” và nâng lên tầm khái quát: “Ô! Người đi trên chữ. Chữ nâng người lên cao!”. Từ hình dáng thực của cây cầu chuyển thành ý nghĩa của tri thức, đó là một đóng góp không thể phủ nhận của Đặng Hấn!



PHÓ GIÁO SƯ lấy TOÁN nuôi THƠ

LÊ THIẾU NHƠN

Phó Giáo sư Đặng Hấn năm nay đã ở tuổi 73. Độ tuổi ấy, thuở nào Nguyễn Công Trứ nắc nỏm “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam”, còn bây giờ Đặng Hấn vẫn nhuộm tóc để đi dạy và làm thơ. Không khó khăn gì để nhận ra Đặng Hấn dung hòa hai đặc điểm, sự thông minh của một nhà toán học và sự nhạy cảm của một người cầm bút!

Đặng Hấn có năng khiếu toán từ nhỏ, học phổ thông rất giỏi toán, vào đại học làm sinh viên khoa Toán, rồi ra trường công tác ở Viện Toán nhiều năm trước khi chuyển về giảng dạy tại ĐH Kinh tế TPHCM. Nhiều năm đứng trên bục giảng, Đặng Hấn trở thành chuyên gia đầu ngành với bộ môn xác suất thống kê. Những cuốn sách lý thuyết lẫn bài tập xác suất thống kê mà nhiều trường sử dụng, đều do Đặng Hấn biên soạn. Nói về lĩnh vực mà mình đang được trọng vọng trong tư cách một Phó Giáo sư uy tín, Đặng Hấn hóm hỉnh: “Bộ môn Xác suất thống kê giống như một chiếc mi ni juyp của cô gái đẹp, nó gợi mở cho người ta nhiều ý tưởng hay ho, tuy nhiên vẫn giấu đi một cái gì rất cơ bản"!
Đầu óc nhanh nhẹn lại rất vui tính, Đặng Hấn luôn có những phản xạ gây bất ngờ cho người đối diện. Thời thư sinh, Đặng Hấn trông thấy một bông hoa rất đẹp, nên nảy sinh ý định hái tặng bạn gái. Có người phát hiện, đe: “Hái hoa làm gì, sao không để nó ra quả?”. Đặng Hấn trả lời: “Nó là hoa đực mà!”. Người kia tiếp: “Hoa đực thì để nó thụ phấn chứ?”. Đặng Hấn chốt hạ: “Nó vừa thụ phấn xong rồi!”. Chỉ một đoạn đối thoại trên, cũng đủ chứng minh phẩm chất tếu táo tài tình của một nhà toán học giàu mơ mộng!

Đặng Hấn giỏi toán nhưng mê thơ. Khi học phổ thông vào những năm khốn khó, Đặng Hấn đã chép tay cả quyển “Thi nhân Việt Nam” để gối đầu giường mà nhâm nhi mỗi ngày. Khi học đại học, Đặng Hấn mê một cô gái Tuyên Quang xinh tươi như Hoa hậu, nên làm cả một trường ca hơn ngàn câu lục bát nhằm ca tụng nhan sắc của nàng và gửi gắm nhớ nhung của mình. Mối tình đầu tan theo mây khói, Đặng Hấn đốt hết những trang thơ ướt át và chuyển sang làm thơ ngắn kiệm lời mạnh ý, kiểu như: “Chọn mùa bão táp chào đời. Măng hình tên lửa vút trời bay lên”. Và từ đó, Đặng Hấn đi giữa sự cẩn trọng của toán và sự mơ hồ của thơ, như chính ông thú nhận: “Tôi yêu toán và yêu thơ, vì vậy lúc nào cũng cảm thấy bận bịu và đang mắc nợ một việc gì đó. Đã có lúc tôi nghĩ: Nếu dồn cả cho thơ chắc sẽ có kết quả hơn, song tôi cũng biết ngay ý nghĩ đó là sai lầm. Thơ dù cho chỉ là một “trò chơi”, nó lại là thứ “trời cho” không chỉ có thời gian là được. Làm thơ cho thiếu nhi càng rất khó. Nó vừa phải có tình hay, ý đẹp để người lớn “chịu” lại vừa nâng đỡ các em đức tính gì, giúp các em phát hiện điều gì, lại vừa phải “nhí nhố” cho các em thích, các em dễ nhớ…”

Đặng Hấn đã in gần chục tập thơ, hầu hết đều tặng, chứ chẳng bán buôn gì. Đặng Hấn bảo: “Vài đồng nghiệp tôi dạy luyện thi để in thơ, gọi là lấy thi nuôi thơ. Còn tôi chỉ đi dạy toán để in thơ, gọi là lấy toán nuôi thơ!”. Nhắc đến tài sản văn chương của Đặng Hấn, không thể không kể đến mảng thơ thiếu nhi. Chất toán cộng với chất thơ, lắm khi lại bật ra nét ngộ nghĩnh của thiếu nhi. Chẳng hạn, bài “Phép tính mùa xuân” khá thú vị:“Cánh én làm phép trừ. Trời bớt đi giá rét. Bầy chim làm phép chia. Niềm vui theo tiếng hót. Tia nắng làm phép nhân. Trời sáng cao rộng dần. Vườn hoa làm phép cộng. Số thành là mùa xuân”. Độc đáo hơn, Đặng Hấn là người đầu tiên văn bản hóa giá trị của cầu chữ Yở Sài Gòn: “Cầu nào cũng chữ I. Nhưng chỉ là I ngắn. Cầu quê em lạ lắm. Giống hệt chữ Y dài” và nâng lên tầm khái quát: “Ô! Người đi trên chữ. Chữ nâng người lên cao!”. Từ hình dáng thực của cây cầu chuyển thành ý nghĩa của tri thức, đó là một đóng góp không thể phủ nhận của Đặng Hấn!
Bên cạnh tập thơ “Cầu chữ Y” được trao giải thưởng Hội nhà văn VN năm 1987, Đặng Hấn còn có nhiều tập thơ viết cho trẻ em khác như "Những chuyện thần tiên", "Hoa thơm trái chín", "Sài Gòn của bé". Trong thơ thiếu nhi của Đặng Hấn, ngoài những câu giàu chất toán, vẫn có những câu giàu chất thơ, thí dụ vẻ đẹp của đôi mắt trẻ thơ:  “Trong như nước, sáng như sao. Mở ra là thực, khép vào là mơ". 

Trong hồ sơ văn chương, Đặng Hấn tự bạch: "Họ tên: Đặng Hấn (tức Hận Đắng). Quê Thái Bình, sinh năm Nhâm Ngọ (1942), tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm Bính Ngọ (1966), lập gia đình năm Mậu Ngọ (1978) và vào Hội Nhà văn Việt Nam năm Canh Ngọ (1990)... Thì ra người này rất thích ngọ... nguậy!”. Còn trong sáng tác, Đặng Hấn thổ lộ: “Tôi chẳng bao giờ quên mình là một nông dân. Mặc dù những thửa ruộng mà tôi canh tác từ lâu không nằm trên cánh đồng, mà nằm trong thư viện!”.

Cá tính của Đặng Hấn phù hợp với loại thơ ngắn, nghĩ nhanh viết gọn. Đặng Hấn gọi thơ ngắn là “ngẫu cảm”, và tỏ ra khá thành thục khi chuyển tải những điều quan sát được theo cách nhìn rất riêng, từ một sự vật cụ thể: “Tháp Eiffel nổi tiếng vì cao. Nổi tiếng về to là Kim Tự Tháp. Mỗi kỳ quan một cách nổi tiếng riêng. Như tháp Piza nổi tiếng chỉ vì… nghiêng” đến những mối quan hệ lắt léo: “Người đàn bà như ổ khóa. Căn nhà chắc chắn, đầm ấm nhờ ổ khóa tốt. Khóa nào chẳng cần chìa. Nhưng bất hạnh cho nhà kia: có ổ khóa mà chìa nào cũng mở được!”.

Thơ Đặng Hấn mạnh về ý tứ hơn về ngôn ngữ. Nếu chịu khó đọc những câu thơ có phần trúc trắc và thô ráp của Đặng Hấn, chắc chắn sẽ cảm nhận được những điều thú vị. Nói đền nghề dạy học mà bản thân luôn thao thức “sợ tay cầm phấn cũng lem màu chàm”, Đặng Hấn có nhiều ngẫu cảm như “Ai cũng là thầy ở một lĩnh vực nào đó. Và là học trò trong nhiều lĩnh vực của học trò mình” hoặc “Dễ nhất: dạy người làm. Khó nhất: làm người dạy”.

Phó Giáo sư Đặng Hấn có hai đặc điểm mà những ai chơi thân với ông đều phải thừa nhận. Thứ nhất, về hình dáng, ông luôn cao và gầy từ trẻ đến già. Thứ hai, về nội tâm, ông rất yêu thương và tôn thờ vợ. Vế đầu, ông giải thích bằng hai câu thơ: “Đừng hỏi nhà thơ sao xanh và gầy. Máu của họ đã dùng làm thuốc tăng lực cho câu và chữ”. Còn vế sau, ông giải thích bằng… rất nhiều bài thơ.

Đặng Hấn từng cưới vợ khi làm cán bộ ở Viện Toán, nhưng chẳng hiểu sao chỉ sau vài tháng sống chung thì đường ai nấy đi. Đấy cũng là một scandal trong giới cầm bút trẻ ở thủ đô ngày ấy. Nhiều người gạn hỏi nguyên nhân, nhưng Đặng Hấn không hé nửa lời. Còn hỏi về hậu quả, thì Đặng Hấn hồi đáp đúng kiểu của mình: “Hai ông anh của tớ đã nhận được tin ly hôn trước tin kết hôn. Còn ông bố của tớ thì kêu lên: Con ơi quý hóa là con. Gửi thư như thể gửi bom về nhà!”. Tất nhiên, ai cũng phì cười mà chẳng màng đụng chạm đến câu chuyện ấy nữa. Tuy nhiên, đối với Đặng Hấn, đó là một vết thương và ông xoa dịu cho mình bằng cách xin chuyển công tác từ Hà Nội vào TPHCM ngay khi đất nước vừa giải phóng. Ở mảnh đất phương Nam, Đặng Hấn đã gặp duyên mới. Người phụ nữ gật đầu làm vợ Đặng Hấn và sinh cho ông hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, chính là… học trò của ông!

Đặng Hấn nói về sự kiện rước nàng về dinh: “Mình không chịu thiệt một ngày nào so với Luật Hôn nhân và Gia đình, bởi đến ngày cưới, cô ấy tròn mười tám tuổi!". Vì vợ ít hơn mình vô số tuổi, nên Đặng Hấn rất nịnh vợ. Nịnh ra mặt, nịnh thường xuyên, nịnh mọi lúc mọi nơi. Đặng Hấn không chỉ tự hào về điều đó, mà còn viết hàng trăm bài thơ để nịnh vợ. Ban đầu Đặng Hấn khá suy tư khi làm thơ cho vợ: “Muốn làm thơ tặng em yêu. Suy đi nghĩ lại, thêm nhiều đắn đo. Báu vật thì giấu trong kho. Khoe khoang chi để rước lo vào người!”. Ấy vậy mà ông vẫn liền tù tì làm bao nhiêu thơ tặng vợ, hết ngày này qua tháng khác. Bài “Ghen”, Đặng Hấn viết: “Bạn bè rủ đi chơi xa. Còn em trông nhà, có ngại ngần chi. Nhưng rồi anh lại không đi. Vì anh chợt nghĩ: em thì anh trông?”. Thậm chí, khi “Cùng em đi dọc Trung Hoa”, Đặng Hấn cũng không ngần ngại xưng tụng vợ: “Không phải nàng Mạnh Khương bơ vơ thuở trước. Mà là em đứng tựa vai anh. Thôi em đừng xôn xao nữa. Kẻo ngực em che hết cả Trường Thành!”
.
Nếu phải chọn một bài thơ tiêu biểu của Đặng Hấn nịnh vợ, có lẽ là bài “Em nói về anh” thể hiện rõ nhất nét hài hước và đáo để của Đặng Hấn: “Em nói: Anh là trụ cột của gia đình. Là cây bách, cây tùng cho em nương bóng! Em nói: Không gia đình nào nhiều gieo neo vất vả như ta. Nhưng nhờ có anh rồi cũng qua được hết! Em nói: Em không thể tưởng tượng nổi, nếu nhà này thiếu anh… Chao ôi, thật khủng khiếp! Nhưng có một điều em biết. Hay biết mà em không nói. Là tất cả những khốn đốn, gieo neo mà anh đã đưa gia đình qua khỏi. Đều do anh gây ra!”.

Sau nhiều năm dạy học miệt mài, Phó Giáo sư Đặng Hấn nghỉ hưu với một ngôi nhà vườn khá khang trang. Hôm tân gia, Đặng Hấn làm một bốn câu, đặt tên “Thơ đề ở cổng” như sau: “Chó sủa to, không dữ. Nhà rộng cửa, rộng lòng. Vợ tôi là phụ nữ. Vâng, tôi là đàn ông!”.

                                                              Sài Gòn, 11-2015