Nhà văn Di Li có cuộc trò chuyện nhân dịp xuân Bính Thân với ba nữ sĩ trẻ đẹp. Lữ Thị Mai cho rằng: “Người ta nói người viết hay hiếm khi đẹp, nhưng tác phẩm của họ cũng là một thứ “nhan sắc” vô cùng lợi hại đó chứ!”. Còn An Hạ khẳng định:  “Cái lợi của người đẹp trong xã hội ngày nay thì ai cũng biết. Nhưng cái hại là thường những người đàn bà đẹp và tài lại hay có cuộc sống không êm đềm”. Trịnh Thu Trang phản biện: “Ngày xưa mới thế thôi, giờ người vừa đẹp vừa tài thì lợi nhiều hơn chứ, họ có nhiều cơ hội để hạnh phúc”

NHAN SẮC CÓ ÍCH GÌ ĐỐI VỚI VĂN CHƯƠNG?

DI LI

@ Nhiều người nghĩ nhan sắc là một lợi thế trên truyền thông đối với người sáng tác, nhưng hiếm người đẹp viết hay. Có người lại bảo người đẹp viết thì khổ vì họ vừa đẹp lại vừa sắc sảo hơn người, ấy lại là cái thiệt. Các bạn thấy điều gì là đúng?
Lữ Thị Mai: Người có ngoại hình hơn người thường làm gì cũng thuận lợi hơn. Người xưa có câu “hồng nhan bạc phận” không phải chỉ người phụ nữ đẹp sinh ra đã khổ đó là bi kịch cái đẹp rơi vào giữa thời phong kiến, loạn lạc, chiến chinh... Ở xã hội bây giờ, tôi nghĩ một người phụ nữ vừa tài năng xinh đẹp lại nhạy cảm, sắc sảo càng có lợi thế chứ sao. Mà ngay cả ở xã hội xưa, lịch sử đã chứng minh có rất nhiều phụ nữ đẹp và tài năng xuất chúng. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất đối với những người phụ nữ đẹp là họ bị trở thành mục tiêu cho sự nghi kỵ và cả đố kỵ hoặc đôi khi, chính bản thân họ cũng tự tạo cho mình một ranh giới, sự ảo tưởng vì sở hữu nhan sắc. Còn với một người sáng tác, tôi nghĩ  điều đầu tiên và cuối cùng vẫn phải là tác phẩm. Người ta nói người viết hay hiếm khi đẹp, nhưng tác phẩm của họ cũng là một thứ “nhan sắc” vô cùng lợi hại đó chứ!
Trịnh Thu Trang: Mặt lợi thì không cần phải bàn nữa rồi. Nhưng đúng như Mai nói, đôi khi sự nghi kỵ cũng đi kèm. Ví dụ chỉ cần bạn là người viết nhưng lại đẹp, bạn sẽ có nhiều like trên Facebook, tức thì sẽ có nhiều người bảo chắc là do đẹp mà được thế thôi. Tuy nhiên đó cũng chính  là động lực để ta vượt qua cái bóng của chính mình và chọn lọc được độc giả, ai là độc giả thực sự thì sẽ tìm hiểu sâu về bạn chứ không vội vàng bình luận.
An Hạ: Cái đẹp có vai trò cực kỳ to lớn trong việc thu hút ấn tượng của lần gặp mặt đầu tiên, nhưng thực tế cho thấy những gì sau ấn tượng đầu tiên mới là quan trọng. Nếu bạn không giữ được sự chú ý ấy khi người ta dịch chuyển cái nhìn từ vẻ bề ngoài đến soi xét bản chất bên trong thì lúc đó cái đẹp lại trở thành con dao hai lưỡi. Những người có lượng fan đông đảo và lâu năm trong giới showbiz lại thường là người có tài năng và nhân cách chứ không phải chỉ nhờ xinh đẹp. Cái lợi của người đẹp trong xã hội ngày nay thì ai cũng biết. Nhưng cái hại là thường những người đàn bà đẹp và tài lại hay có cuộc sống không êm đềm.
@ Ý nhà văn An Hạ là phụ nữ đẹp và có tài luôn bất hạnh?
Trịnh Thu Trang: Ngày xưa mới thế thôi, giờ người vừa đẹp vừa tài thì lợi nhiều hơn chứ, họ có nhiều cơ hội để hạnh phúc.
An Hạ: Em Trang thử liệt kê xem có người đàn bà nào xinh đẹp và tài năng mà lại êm đẹp cuộc sống được không.
Lữ Thị Mai: Như tôi đã nói ở trên, cái đẹp trước hết luôn gây sự chú ý của đám đông, vì hâm mộ, nhưng cũng có thể vì nghi kỵ. Điều này có tác động rất lớn đến chủ thể, vì vậy nếu không có bản lĩnh, tài năng thực sự thì đó đúng là sự bất  lợi. Nhưng tôi không nghĩ đấy là bất hạnh. Nó là cái giá phải trả, được cái nọ thiệt cái kia. Dù lợi thế đến đâu thì phía sau một nhan sắc cũng không thể có sự tròn đầy, viên mãn hoàn toàn. Nếu chúng ta nhận thức được điều này và chấp nhận như một lẽ hết sức bình thường thì những khuyết thiếu sẽ dần được bù trừ, còn nếu cho đó là bất hạnh thì sẽ chẳng làm nên điều gì cả.
                                              
@ Liệu có phải người đàn bà viết bẩm sinh đã nhạy cảm nên dễ tổn thương vì những điều mà người khác thấy là bình thường?
An Hạ: Tôi nghĩ vậy. Người nhạy cảm đau khổ nhiều hơn, day dứt nhiều hơn, yêu sâu đậm hơn, mơ ước nhiều hơn. Nội tâm hơn. Vẫn cứ là câu chuyện được mất thôi.
Trịnh Thu Trang: Người bình thường thì mong muốn mình được sống lâu, nhưng người thông minh mong mình được sống nhiều, trải nghiệm nhiều, quan sát nhiều. Đấy cũng là may mắn nếu ta bẩm sinh có được sự nhạy cảm và óc quan sát tốt.

@ Vậy nếu được lựa chọn chỉ một trong hai: Sự trải nghiệm, dấn thân và danh tiếng, hay một cuộc sống gia đình êm đềm bình lặng thì các bạn chọn điều gì?
Lữ Thị Mai: Chọn điều gì còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người như thế nào, có người muốn sống một cuộc sống bình lặng, có người lại thích dấn thân. Có người sống khép mình bình lặng thì cho đấy là hạnh phúc, nhưng có người không thể sống như thế, họ cần quẫy đạp, cần nổi loạn, trải nghiệm nhiều... Và cuối cùng, gia đình hạnh phúc hay sự nghiệp thành công cũng đều là giá trị cả. Đối với bản thân tôi, cả hai cách chị nêu ra tôi đều đã trải nghiệm. Đó là những lựa chọn khác nhau của tôi ở từng giai đoạn cuộc sống. Thời sinh viên tôi hăm hở lên đường, khi có chồng, sinh con thì tôi sống bình lặng, một quãng lặng ngắn nhưng cần thiết. Chị đưa tôi vào thế khó này, buộc phải chọn thì đương nhiên tôi chọn gia đình. Đơn giản vì tôi đã là mẹ của trẻ con.
An Hạ: Ai cũng đều dấn thân cả. Nếu chúng ta đã chọn con đường để đi thì trong sự lựa chọn đó đã bao hàm kết quả, có nhiều kiểu kết khác nhau vì trên con đường đi đó mỗi người lại hành xử theo cách khác nhau, nhưng cái kết thì không thể chệch đi. Khi anh đã chọn nghiệp viết lách với lối sống nội tâm day dứt mà lại vẫn muốn một con đường êm đềm thì làm sao mà có, và đừng bao giờ mơ mộng đến kết quả của những con đường khác.
Trịnh Thu Trang: Đối với tôi, còn sức thì còn dấn thân nhưng sự cân bằng cũng là điều rất quan trọng. Tôi là người thích đấu tranh, tôi thích giải những bài toán càng khó càng tốt. Cảm giác bình yên cũng là một hạnh phúc nhưng khi phải tranh đấu và cuối cùng giải quyết được vấn đề thì tôi cảm thấy hạnh phúc hơn.

@ Các bạn đều đã dấn thân, đã có thành công trong sự nghiệp so với những người cùng trang lứa, các bạn có cho mình là người phụ nữ thành đạt không?
Trịnh Thu Trang: Khái niệm thành đạt của tôi là phải đạt được phần lớn những điều mình mong muốn nên tôi cho rằng mình chưa thành đạt. Tôi mong đến một thời điểm nào đó trong đời, tôi sẽ được tự do về tài chính, khi đó tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và những hoạt động công tác xã hội yêu thích. Tuy nhiên cho đến giờ tôi vẫn phải tập trung nhiều vào việc tạo lập tài chính.
Lữ Thị Mai: Bản thân tôi chưa thấy mình thành đạt. Người thành đạt là người phải vượt quá ngưỡng bình thường, còn tôi mới chỉ ở mức bình thường.
An Hạ: Thành đạt là khái niệm đạt được thành tựu trong sự nghiệp. Nhưng mỗi người đều có khái niệm riêng về sự thành đạt. Theo tôi, sự thành đạt đối với phụ nữ là đạt được những gì mình đặt ra. Còn sự thành công trong sự nghiệp chỉ là thể hiện khả năng của mình đối với xã hội. Sống hạnh phúc, sống đúng với những gì mình nghĩ nên như thế và cần phải thế thì đấy cũng là thành đạt. Sự nghiệp của tôi thì vẫn đang trên con đường thực hiện những kế hoạch, nhưng xét về khía cạnh cuộc đời khi tôi được sống đúng là mình thì tôi cho rằng mình thành đạt. Việc tôi có thể truyền đạt đầy đủ cảm xúc của mình qua những trang sách cũng đã là thành công và thành đạt trọn vẹn rồi.

@ Vậy theo các bạn đâu mới là chuẩn mực của người phụ nữ thời nay, bởi đã qua rồi cái thời tam tòng tứ đức hay giỏi việc nước đảm việc nhà? Dường như phụ nữ thời nay đã có những giá trị khác. Các bạn thích hình tượng người phụ nữ như thế nào?
An Hạ: Tôi chỉ quan tâm đến chuẩn mực của tôi, miễn nó không trái với chuẩn mực đạo đức xã hội là được, vì sự tung hô của đám đông rồi cũng qua nhanh. Tôi nghĩ như thế mới là hạnh phúc, còn cứ đi theo chuẩn mực của đám đông mà ngược lại với chính mình thì là bi kịch. Ngày nay một người phụ nữ nên biết cân bằng, điều tiết quỹ thời gian trong cuộc đời mình để ưu tiên lần lượt thứ tự những gì quan trọng nhất. Vì xã hội ngày nay mở ra quá nhiều cánh cửa cho phụ nữ, phụ nữ không chỉ quanh quẩn xó bếp nữa mà mở năng lực ra nhiều lĩnh vực, dẫn đến sự giằng xé trong việc thực hiện thiên chức hay đạt thành công sự nghiệp, nên tôi ngưỡng mộ những phụ nữ nào biết cân bằng các giá trị của mình.
Trịnh Thu Trang: Xinh đẹp, thông minh và đôn hậu là chuẩn mực. Đẹp thì là chắc chắn rồi. Đẹp để người ta nhìn vào. Thông minh để người ta thấy phục, và nhân hậu để phát huy những lợi thế của mình vào việc có ích. Tựu chung thì một người phụ nữ như vậy sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội và sẽ được nhiều người ngưỡng mộ.
Lữ Thị Mai: Chuẩn mực về người phụ nữ mỗi thời kỳ một khác. Trước kia, người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung thường đề cao mẫu phụ nữ hướng nội, chăm lo “cái bếp”. Bây giờ, xã hội đã bắt đầu ghi nhận những người phụ nữ hướng ngoại. Trước kia, người ta đề cao sự hy sinh, bây giờ thì tôn vinh hạnh phúc của phụ nữ. Tôi cho rằng, ở thời nào thì chuẩn mực của một người phụ nữ đó là sự cân bằng, hài hòa làm sao để thể hiện được vẻ đẹp, năng lực của bản thân mà vẫn không đi ngược với chuẩn mực chung của xã hội. 

@ Cảm ơn các bạn và chúc năm mới Bính Thân, các nữ sĩ sẽ thành công và hạnh phúc.

Nguồn: Kiến Thức Gia Đình số Tết Bính Thân 2016