Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM hào
hứng tổng kết: “Giải thưởng Hội năm 2015 đã có nhiều cái mới. Mới trước nhứt là
Ban sơ khảo và Ban chung khảo không chỉ trông chờ vào các tác phẩm gởi tới Văn
phòng Hội dự thi mà còn cố gắng tìm tòi, phát hiện và giới thiệu những tác phẩm
có giá trị của cả người ngoài Hội. Thời gian tuy có gấp rút, khẩn trương, những
Ban sơ khảo gồm thành viên các Hội đồng chuyên môn của Hội cũng đã trình lên
Ban chung khảo một danh sách đề nghị xét tặng giải gồm 7 tác phẩm. Ban chung
khảo ngoài 5 thành viên trong Ban chấp hành còn có 2 thành viên ngoài Ban chấp
hành đã làm việc một cách nghiêm túc, cẩn trọng và đã đề xuất để Chủ tịch Hội trao
3 giải thưởng và 2 tặng thưởng cho 5 tác phẩm như đã công bố rộng rãi”.
VỀ GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN TP.HCM NĂM 2015
PHẠM SỸ SÁU
Chúng ta vừa trải qua một năm đầy biến động, sôi nổi với
những lễ và hội chưa từng có. Một năm của những lễ kỷ niệm, những nhớ lại và
tiếc nuối. Năm của tổ chức, của hội đoàn, của những chờ đợi, những hy vọng. Và
Hội Nhà văn TP chúng ta, cũng trong dòng chảy đó, năm qua đã tiến hành Đại hội
lần thứ VII để bầu ra một Ban Chấp hành mới gồm 9 người. Trong hơn 6 tháng hoạt
động, chúng ta đã làm được khá nhiều việc như báo cáo của Chủ tịch Hội đã nêu.
Trong số những việc đã làm được đó có một việc mà hội viên và công chúng yêu
văn học ở thành phố và cả nước luôn trông chờ được biết là kết quả giải thưởng
hàng năm của Hội chúng ta.
Giải thưởng hàng năm của Hội tuy chưa đình đám gì nhưng nó
đã tạo nên một sức hút nhứt định, bởi đó là công việc nhìn lại phong trào và
nghề nghiệp một cách nghiêm túc và khách quan nhứt.
Giải thưởng Hội năm 2015 đã có nhiều cái mới. Mới trước nhứt
là Ban sơ khảo và Ban chung khảo không chỉ trông chờ vào các tác phẩm gởi tới
Văn phòng Hội dự thi mà còn cố gắng tìm tòi, phát hiện và giới thiệu những tác
phẩm có giá trị của cả người ngoài Hội. Thời gian tuy có gấp rút, khẩn trương,
những Ban sơ khảo gồm thành viên các Hội đồng chuyên môn của Hội cũng đã trình
lên Ban chung khảo một danh sách đề nghị xét tặng giải gồm 7 tác phẩm. Ban
chung khảo ngoài 5 thành viên trong Ban chấp hành còn có 2 thành viên ngoài Ban
chấp hành đã làm việc một cách nghiêm túc, cẩn trọng và đã đề xuất để Chủ tịch
Hội trao 3 giải thưởng và 2 tặng thưởng cho 5 tác phẩm như đã công bố rộng rãi.
Về văn xuôi, giải thưởng được trao cho tác phẩm “Về cô gái
này”, truyện dài của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản
trong quý 3 năm 2015.
Truyện dài “Về cô gái này” là một tác phẩm có độ dày khá
mỏng, nó chỉ gồm 11 chương dung chứa trong 170 trang chữ, viết về quá trình
giảm cân của một cô gái đã có chồng và những hệ luỵ mà cô gặp phải trên hành
trình tiến đến làm người bình thường với mức cân nặng bình thường. Quá trình
tìm lại sự bình thường là quá trình tìm lại bản thân với việc đối diện với nỗi
cô đơn, niềm vui công việc và chằng chịt bao nhiêu mối quan hệ khác trong cơ
quan, ngoài đời sống. Về cô gái này có thể xem là tự sự của một người béo phì
trong quá trình giảm cân hay đó chính là quá trình suy ngẫm tìm ra tôi-là-ai
trong dòng chảy của đời sống đầy ngổn ngang bộn bề. Hãy nghe cô gái có cân nặng
97 kg giảm còn 36 kg tâm sự: "Tôi bước ra khỏi nhà tôi với ước muốn như
thế, cần phải tìm kiếm một cái gì. Nhưng một khi điều ấy xảy ra, bỗng dưng tôi nhận
thức đó không thực sự là ước muốn của tôi. Tôi đã quá cô đơn đến mức nghĩ rằng,
mình không cần phải lựa chọn".
Với những nhân vật được đặt tên bằng một ký tự, “Về cô gái
này” như đã từng bước lập trình hoá cuộc sống hay nói đúng hơn cuộc sống con người
trong quá trình đô thị và hiện đại hoá đã biến nỗi cô đơn càng thêm chồng chất,
càng máy móc và vô vị đến ngạt thở. Người ta cần sống bằng một niềm tin nhưng
khi mọi người đang sống bằng một niềm tin ngày càng phai nhạt hay chai sạn thì
cuộc sống có còn đáng chờ đợi như ta tưởng nữa không?
Bằng lối kể chuyện như một lời tự sự, lúc rề rà, lúc hối hả,
đôi khi tưởng chừng vô lối, Nguyễn Ngọc Thuần như dẫn dắt ta vào mê cung của
nỗi cô đơn, về sự lạc loài, về những cung bậc cảm xúc đời sống với một hiện
thực táo bạo và mạnh mẽ. “Về cô gái này” là truyện dài không phải chỉ đọc để
đọc mà còn để suy ngẫm, để từng bước nhận ra nỗi cô đơn vô cùng trong mỗi chúng
ta.
“Minh triết đất đai” là tập thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm,
Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 9.2015, là tác phẩm đoạt giải thưởng
Hội năm nay về thơ. Như chúng ta đều biết, nhà giáo nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm là
người đang ở độ tuổi ngoại thất tuần, được biết như là người luôn quan tâm chăm
sóc đến đội ngũ sáng tác trẻ và say sưa với nguồn thơ truyền thống, bất chợt
năm 2015 nầy xuất hiện trước chúng ta bằng một tập thơ mang nhiều phong cách
mới, ý vị mới, ngôn ngữ mới và đặc biệt là những suy tưởng mới về cuộc đời và
con người của thế kỷ 21 đầy biến động. Hãy nghe ông tâm sự:
Giờ tôi tập khởi hành
cho một chặng dừng chân
học lại những điều chưa thuộc
Bài vỡ lòng như cỏ hoa
khai tâm bằng chiêm mùa tách vỏ
uống từng lời quang hợp vô thanh
Đọc ngôn ngữ bốn mùa
của hương thơm và màu sắc
quy luật, bước đi
của cái rễ, cái mầm
Học cành la cành bổng
biết cương nhu mà không biết uốn mình
học vũ thuỷ, thu phân
triết lý vườn cây thay lá
ôi, cái cử chỉ vẫy tay rời cành mai mới đẹp làm sao
và chạm chạm đất hồn còn xao xác gió.
Mầm nhân ái nhú lên từ huỷ diệt
thông điệp xanh đất nhắn gửi bao điều.
tay lấm láp phù sa
chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ
giấc ngủ thường đến muộn
tôi gối đầu lên
luật nhân quả của cây trồng...
Bỗng hé mở đôi điều
minh triết đất đai.
Vẫn những ngôn từ ấy mà nghĩ suy nay đã khác, đã suy nghiệm
và triết lý hơn, đã thấm sự đời trải nghiệm bản thân hơn nên càng thấu, càng
"thốn" hơn.
Người đọc thơ truyền thống sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước một
Nguyễn Vũ Tiềm mới lạ về cách nghĩ suy, về cấu tứ, về tạo từ mà trên hết là
người thơ chợt nhận ra không bằng lòng với cái hiện tại mình đang có, suy
nghiệm về lẽ đời để định hướng cho lẽ-mình một triết lý sống tích cực mà không
bon chen, vẫn ngập tràn hiện đại mà vẫn dạt dào truyền thống. Người thơ không
còn là người thương cái thương của mọi người, nhớ cái nhớ của mọi người mà đã
là một nỗi thương nhớ riêng, rất riêng, không lẫn vào đâu được. Chính điều đó
đã tạo nên cái chung lớn lao thú vị và ngạt ngào.
Giờ là lúc chị xắn tay quét dọn
những vay mượn điểm trang
những vẻ đẹp xa lạ
mỹ phẩm tư duy cảm xúc một thời
sến đầy trang viết.
...
Có một chuyện hiểu lầm giữa nhân tình và thời tiết
chị dùng thơ làm dao giải phẫu
cấp cứu một làn gió thu
Hết thời những con chữ phù du giả dối
chen bừa vào trang văn
(Nữ văn sĩ)
Có thể nói với 2 giải thưởng được trao cho 2 thể loại
văn xuôi và thơ, Giải thưởng Hội Nhà văn TP năm 2015 đã thành công tốt đẹp.
Nhưng giải thưởng không dừng lại ở đó, còn có 2 tác phẩm văn xuôi khác được
trao tặng thưởng là tập truyện ngắn “Người Sài Gòn” của tác giả Hoàng Đình
Quang và tập truyện ngắn - tuỳ bút “Một phút tự do” của tác giả Elena Pucillo Truong
do Trương Văn Dân chuyển ngữ. Cả hai đều là tác phẩm được xuất bản bởi Nhà xuất
bản Văn hoá Văn nghệ.
“Người Sài Gòn” là tập truyện ngắn gồm 16 truyện ngắn viết
về người Sài Gòn những ngày đầu mới giải phóng và những con người khắp mọi miền
đất nước có dính dáng ít nhiều đến Sài Gòn thông qua các mối quan hệ. Những mối
quan hệ dù ít hay nhiều, dù xa hay gần đều dính dáng đến người Sài Gòn cũ và
mới làm cho bức tranh về người Sài Gòn có chút gì đó vừa rất thân quen gần gũi
với cái chung cả nước nhưng cũng rất riêng: Sài Gòn.
“Một phút tự do” là tác phẩm của Elena Pucillo Truong - một
tiến sĩ ngữ văn Pháp người Ý đang sinh sống và làm việc tại quê chồng là TP.HCM
gồm 13 truyện ngắn và 8 tuỳ bút do Trương Văn Dân chuyển ngữ. Có thể nói “Một
phút tự do” là một tác phẩm đặc sắc mang hương vị Ý nhưng giàu bản sắc Việt Nam bởi Elena
Pucillo là một người phụ nữ Tây phương mang một tâm hồn Đông phương thuần
khiết. Như nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã từng nhận xét, "ngòi bút nhân
hậu của Elena Pucillo Truong như chỉ viết về tình liên đới, lòng trắc ẩn, sự bao
dung và tha thứ của con người. Trên tất cả, đó cũng chính là những khoảnh khắc
yêu thương, như tác giả viết qua ý nghĩ của một nhân vật: 'Tình yêu đã bùng nổ
trong một lát nhưng đã theo tôi đến suốt đời người'. Elena không chỉ nắm bắt mà
còn biết cách miêu tả những khoảnh khắc, làm cho nó kéo dài ra, thu hút sự chú
ý của người đọc". Hay nói như nhà văn Nhật Chiêu: "từ những truyện
ngắn và tản văn của Elena, ta nhận được món quà không mong đợi mà đầy niềm vui,
một thứ hơi ấm tình người vốn rất cần trong đời sống hôm nay mà vô cảm hoá đang
là một nguy cơ". “Một phút tự do” được trao tặng thưởng văn học cho tác
phẩm của tác giả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM là một
ghi nhận mới của Hội đối với đời sống văn học đang diễn ra vô cùng phong phú
trên thành phố đầy năng động nầy.
Và cũng trong thành phố năng động với đời sống văn học vô
cùng phong phú ấy, chúng ta còn ghi nhận thêm một sự xuất hiện bất ngờ và lạ
lùng của một chàng trai trẻ. Không bất ngờ sao được trong khi nhiều người viết
trẻ đang lao vào những trang viết yêu đương vung vít hay đang gặm nhấm cái tôi
cô đơn trong bộn bề đời sống thì Lê Hữu Nam bằng trái tim yêu thương và tinh
thần hướng thiện của mình đã cho ra đời tác phẩm “Mật ngữ rừng xanh”, do Công
ty sách Bách Việt và Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản.
Với đề tài bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên
nhiên, bằng thủ pháp nghệ thuật hiện thực lồng vào viễn tưởng, tác giả đã đưa
đến với mọi người một thông điệp tưởng như nhàm chán, bởi nó được nhắc đi nhắc
lại nhiều lần với sự vô cảm của con người là hãy bảo vệ môi trường sống, đoàn
kết chống lại sự tàn phá thiên nhiên. Là một người trẻ, lại mắc bệnh tim bẩm
sinh, anh không thể sống ngay chính trên quê hương Lâm Đồng của mình được mà
phải sống ở TP.HCM nơi điều kiện sống và kỹ thuật y khoa cho phép anh điều trị
dài ngày trong một sự an toàn nhất định. Có thể vì điều kiện riêng đó đã thôi thúc
Lê Hữu Nam
cầm bút viết về đề tài nầy. Với lối hành văn trau chuốt đến giản dị, giàu ý
tưởng và triết lý sống lại mang tính khái quát cao, “Mật ngữ rừng xanh” như một
câu chuyện ta đã gặp đâu đó trên những trang sách đã đọc, thước phim đã xem và
hơn hết là những điều ta đã và đang sống.
Giải thưởng Nhà văn trẻ năm nay đã có chủ. Đấy là Lê Hữu Nam. Và đó cũng
lại là thành công của giải thưởng Hội Nhà văn TP năm 2015.
Năm 2016 vừa tới. Thành phố chúng ta đang sống lại bước vào
mùa mới với những chuyển biến mới. Một ban lãnh đạo mới trẻ trung, một vị thế
mới trong Cộng đồng Đông Nam Á (AEC) vừa mới hình thành, một vận hội mới mở ra,
một tương lai mới chờ tới tất cả như cùng chúng ta bước vào năm 2016 với một
niềm tin và hy vọng mới. Chúng ta chờ đợi một mùa gặt mới bội thu trên cánh
đồng văn học đang ngày có thêm nhiều người chăm bón vun trồng.