Xuân
Diệu, ngày 2-2 2016, đã vào tuổi thứ 100. Cách mạng tháng tám 1945, ông mới vào
tuổi ba mươi, đã nổi tiếng với hai tập thơ Thơ
thơ và Gửi hương cho gió. Chúng
ta biết phong trào Thơ mới khai sinh
nền thơ hiện đại khẳng định thắng lợi bằng tập Mấy vần thơ ( xuất bản lần đầu 1935 ) của Thế Lữ. Nhưng khi Xuân Diệu
xuất hiện với tập Thơ Thơ (1939), do
chính Thế Lữ giới thiệu, thì phong trào Thơ Mới mới chiếm thế thượng phong và
Xuân Diệu thành nhà thơ có ảnh hưởng nhất thời kỳ ấy. Lứa trước nhìn ra tài
năng của lứa sau và lứa sau trân trọng thành tựu của lứa trước trên một thi đàn
đang cách tân biến động chưa từng có quả là một dấu son tươi thắm trong tiến
trình văn chương nước ta. Xuân Diệu đã mang thêm gì cho nền thơ Việt hồi ấy?
Không gian Xuân Diệu
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Hai nhà thơ xuất sắc cuối cùng của nền
thơ cổ điển viết theo luật bằng trắc với tư tưởng và cảm xúc nhà Nho là Nguyễn
Khuyến và Trần Tế Xương còn sáng tác đến thập niên đầu của thế kỷ XX. Tú Xương
mất năm 1907, Nguyễn Khuyến 1909. Ngót mười năm sau thì bãi bỏ thi cử theo kiểu
cũ. Chữ Hán chữ Nôm thay bằng quốc ngữ. Mặt khác cuộc sống Âu hóa theo chân người
Pháp tràn vào nước ta, ngấm dần vào mọi ngóc ngách sinh hoạt của dân ta. Thơ Việt
bắt đầu những thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung. Sự rạn nứt hình thức câu
thơ Việt đầu tiên là ở bản dịch thơ Pháp, thơ ngụ ngôn La Fontaine, của Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh không hề
có ý cách tân hình thức câu thơ Việt mà trong sự nhạy cảm ngôn ngữ ông đã tiếp
nhận cách gieo vần liền, vần cách nơi cuối câu của thơ La Fontaine vào bản dịch
của mình. Nhưng bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh
không gây được cộng hưởng gì trong giới thơ. Người ta nói nhiều đến vai trò bài
Tình già của Phan Khôi và coi nó như cái mốc khởi đầu của cách tân thơ hiện đại.
Dấu vết của sự động cựa, tuy chỉ manh nha nhưng toàn diện cả về nội dung và
hình thức thơ là ở Tản Đà. Tản Đà không chủ trương cách tân nhưng vốn là một
thi sĩ tài năng ông sớm nghe ra những đỏi hỏi của đời sống đòi thơ thay đổi nội
dung, thay đổi thể cách. Ông nhận ra Nếu
không phá cách vứt điệu luật Khổ cho người ta đến bao giờ. Khổ ở chỗ câu
thơ kiểu cũ, bài thơ kiểu cũ không nói hết được những điều nỗi lòng ông muốn
nói.. Ấy là khi ông nói chuyện với ảnh hay khi ông nhớ người tình nhân không
quen biết, hoặc bịn rịn tống biệt cõi thiên thai...Ông đã nghe trong chính tâm
hồn mình và chuyển được vào thơ những cảm xúc cá thể, riêng tư, u ẩn và mơ mộng.
Cái gọi là ngông của Tản Đà chính là tính chất vượt khung của những cảm xúc đó, làm hình thành những yếu tố
mà sau này người ta nhận ra là thuộc chủ nghĩa lãng mạn.
Thế Lữ vượt qua Tản Đà sang một ranh
giơi khác. Ông bỏ cõi thực để nhập vào phi thực, để đắm say cái phi thường. Ông
hoang dại, như linh hồn loài hổ nhớ rừng Ta
say mồi đứng uống ánh trăng tan, hay mơ mộng tự lạc mình vào hư vô huyền ảo:
Trời xanh, xanh ngắt ô kìa! Hai con hạc
trắng bay về bồng lai. Thế Lữ mê đắm trong cõi ảo, bay khỏi trần gian mà nhập
vào tiên cảnh. Lãng mạn Thế Lữ có mối liên thông với Tống biệt kiểu Lưu Nguyễn của Tản Đà.
Đến Xuân Diệu, tình hình khác hẳn. Thế
Lữ dành chỗ đứng dưới mặt trời cho Thơ Mới nhưng đến Xuân Diệu thì Thơ Mới lấn
át, dồn thơ cũ vào những góc hẹp của thi đàn với những đề tài nhỏ lẻ, đồng dạng
với thân phận nằm co của những ông
Nghè ông Cống lạc thời, lạc thế. Các nhà nghiên cứu đã nói nhiều đến chủ đề tư
tưởng lãng mạn cá nhân và cảm xúc trữ
tình cá thể của Xuân Diệu và của cả phong trào Thơ Mới hồi ấy:
Ta là một là
riêng là thứ nhất
Không có chi bè
bạn nổi cùng ta
Ta bỏ đời và đời
cũng bỏ ta
Tôi xin phép không nhắc lại những điều
đã được nói mà muốn tìm trong thi pháp ông một đóng góp made in Xuân Diệu vào nền thơ dân tộc. Ấy là đóng góp một không
gian, một thế giới Xuân Diệu. Các cụ cổ điển không có khuynh hướng tạo không
gian đặc thù. Sâu sắc, thâm trầm, khái quát... nhưng không gian thơ vẫn là
không gian thực, không gian chung của cõi người. Ngay Nguyễn Du, Mịt mù dặm cát đồi cây Canh gà, điếm nguyệt,
dấu giày, cầu sương. Bút pháp tài hoa, cái nhìn chất chứa giác quan nhưng vẫn
trong cõi thực của đời. Thế Lữ, và đôi lúc Tản Đà, vươn tới phi thực bằng cách
bay lên tiên. Tiên thì lãng mạn quá rồi nhưng mất dấu mặt đất nó thiếu chất diệp
lục của sự sống, của nắng trời. Ôm cô tiên đẹp thì khác gì ôm bức tượng cẩm thạch.
Xuân Diệu ôm cô trần gian bằng tất cả cảm xúc trần gian của chính ông hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Lãng
mạn Thế Lữ là lãng mạn tiên cảnh kiêng khem và vô trùng. Lãng mạn Xuân Diệu nồng
ấm da thịt trần gian đa sự, giàu sức sống. Xuân Diệu bám lấy trần gian rồi kỳ ảo
hóa nó, tạo nên một trần gian kỳ ảo. Kỳ ảo mà đậm vị trần gian. Thơ Việt Nam trước Xuân
Diệu chưa có không gian ấy. Cảm được trời xanh đang đổ màu ngọc bích của mây
chiều xuống muôn lá là thần tiên hóa buổi chiều mặt đất ta hằng sống.
Đổ trời xanh ngọc
qua muôn lá
Thu đến nơi nơi
động tiếng huyền.
Nhưng ngay đó, vẫn kỳ ảo nhưng sực nức
hương và vị mặt đất:
Con đường nhỏ nhỏ,
gió xiêu xiêu
Lả lả cành
hoang, nắng trở chiều
Rồi:
Mây biếc về đâu
bay gấp gấp
Con cò trên ruộng
cánh phân vân
Chim nghe trời rộng
giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều
thưa sương xuống dần.
Các chi tiết ấy là chất thực của đời,
nhưng tạo nên mối liên hệ rất kỳ ảo giữa các chi tiết ấy là do chất xúc tác của
tâm hồn Xuân Diệu. Con đương nhỏ nhỏ nên ngọn gió phải xiêu xiêu cho hợp con đường
ấy. Mây bay gấp làm cánh cò hóa phân vân. Trời rộng làm chim phải giang rộng
cánh để chở che, để lấp đầy. Trời rộng nên hoa lạnh. Hoa lạnh nên chiều thành
thưa vắng, chiều làm động lòng cho sương xuống mau. Tạo vật bù trì nhau mà cộng
hưởng với hồn người. Hồn người thì cảm giác hóa, tri giác hóa tạo vật.
Ngẩng đầu thi sĩ
chưa xong nhớ
Hoa bưởi thơm rồi,
đêm đã khuya.
Trong cặp câu thơ này xuân Diệu lắng
nghe mối giao cảm giữa người với trời với nhịp đi của không gian hương và thời
gian đêm. Beaudelaire phát minh ra mối tương quan của mùi hương, màu sắc và âm
thanh (les parfums, les couleurs et les sons se répondent), Xuân Diệu thì thấy
tất cả trong vũ trụ này đều tương hợp. Hương thì thơm rồi và đêm thì đã khuya
nghĩa là đã có quá trình mà thi sĩ vẫn chưa
xong nhớ. Cơn nhớ trời cao hay cơn lắng nghe lòng mình vẫn chưa hoàn thành.
Những mối tương quan tạo vật được nhận ra bằng cảm giác, bằng tâm linh. Nó vô
chứng cớ nhưng nghe ra có lý và nhất là có tình. Nó là đặc trưng Xuân Diệu, cái
ăng ten tâm hồn ông tỏa ra tám hướng, bắt nhiều cung bậc tần số và hòa trộn
chúng tức thời tạo thành một chỉnh thể đan cài vật chất với tâm linh, hư ảo hư
vô mà thấm thía tình nghĩa cuộc đời mặt đất. Có thế lấy nhiều lắm từng vốc ví dụ:
Có lẽ ông tiều sống
giữa cây
Đêm nay hồn lạnh
đã theo mây
Gió rừng có lẽ tuôn
muôn gốc
Có lẽ mưa im xối
đã đầy
Ông tiều sống giữa cỏ cây đêm nay về
trời. Xuân Diệu cảm nghe cơn chia biệt, lòng lưu luyến của trần gian: gió run từng
trận và mưa xối từng hồi, mưa dù đã yên thì nước còn đầy ắp, nước như đang im lặng
lắng nghe những dư âm xao động của một kiếp người. Đây là một không gian không
thực nhưng đầy cảm giác. Nó sống, nó cựa quậy, nó hiện diện trong lòng ta. Xuân
Diệu không kể chuyện. Ông lưu giữ từng mảnh cảm xúc. Ông như con chim đến từ
núi lạ, ngứa cổ thì hót chơi. Tưởng là hót chơi nhưng thật ra cõi lòng chất chứa
Nghìn trái tim mang trong một trái tim. Ông
lãng mạn nhưng nặng lòng đời, nhiều công quả với đời. Nhiều phen ông mê đi
trong sự giác ngộ quy luật, và tin vào sức chuyển hóa của sự sống
Mùa cúc năm nay
sắc đã già
Chim hồng chim
phượng với chim nga
Đâu rồi chim
thúy đi đâu mất
- Ôi Phượng bao
giờ lại nở hoa
Đây là bốn câu thơ kết trong bài thơ
mang đề Ngần ngơ. Ngẩn ngơ trước đổi
thay. Xuân Diệu thuở lãng mạn sợ đổi thay, sợ già, sợ chết. Những tên hoa tên
chim nhắc đến ở đây như ngẫu nhiên. Nhưng ngẫu nhiên lại cho thấy nó là phổ biến.
Hoài niệm trong tiếng thở dài, không ra
hỏi, không ra than, thấy thế thì nói thế: đi
đâu mất. Vắng chim nhưng lại chờ hoa, chờ ai chả được miễn là có sự chờ. Nhớ
đến đâu thì chờ đến đấy. Chờ thăm thẳm không dấu mốc, không hạn kỳ. Không là
câu hỏi của người, càng không phải để hỏi người Ôi Phượng bao giờ lại nở hoa. Nó là câu tâm trạng hỏi vào trời đất
hay hỏi lại chính mình. Hỏi đấy mà cũng là đáp đấy rồi. Phượng ấy chẳng bao giờ
còn nở hoa nữa. mà có nở hoa thì phượng cũng đã khác đi rồi. Không còn là phượng
của lúc ấy. Chưa kể lòng anh còn khác xa hơn. Tất cả hoa, chim và tâm trạng người
nữa, đều đi đâu mất. Nó không vĩnh cửu
nên mới hồi hộp, mới lo âu. Chứ mọi thứ vẫn còn trơ trơ thì thơ phú gì nữa.
Không gian Xuân Diệu là không gian của khoảnh khắc. Ông dùng thơ vĩnh cửu hóa
khoảnh khắc đó lại. Vĩnh cửu trong sự sống chứ không phải làm nó hóa thạch. Thơ
Xuân Diệu không chụp ảnh. Nó quay phim. Nó là không gian bốn chiều, có chiều của
thời gian Vườn rau hoa cải tưng bừng Đang
bay, dừng lại nửa chừng, lại bay Chứ chỉ tả vườn rau với hoa cải bay, thì
có đủ hai chi tiết đấy nhưng không thấy quỹ đạo hoa bay thì không ra không gian
Xuân Diệu. Nó bẹp lại, bất động như tấm ảnh.
Xuân Diệu có hơn nửa thế kỷ sáng tạo
thơ.Từ Cách mạng tháng Tám, càng về sau ông càng gắn thơ vào công việc cụ thể của
đời sống, ông có mặt ở những mảng đề tài cần được cổ võ biểu dương. Thơ có đích
nhân sinh để vươn tới, vươn tới bằng cảm hứng, cố nhiên, nhưng cũng bằng cả ý
thức công dân. Đó là sự dấn thân đáng quý của người cầm bút đã tự nguyện tập hợp
dưới cờ cách mạng. Nhưng thành tựu của tác phẩm lại không hoàn toàn đồng hành với
tâm nguyện ấy. Còn có vai trò của từng tạng cảm xúc. Không gian thơ Xuân Diệu,
thế giới đời thực được kỳ ảo hóa, nổi trội nhất có lẽ ở tập thơ đầu Thơ thơ (1939) còn sau đó ông thâm nhập
sâu hơn vào việc đời, chuyện đời và chủ trương Chân chân chân thật thật thật. Thế giới tạo vật trong thơ Xuân Diệu
khác đi nhiều. Thành công của ông không ở phía kỳ ảo hóa cuộc đời mặt đất nữa
mà lại trội hơn ở những phát hiện sâu nặng về đời và sức cảm nhận tinh tế. Nó
là một hướng biến hóa của năng lực Xuân Diệu. Nó không lạ hóa để thành huyền diệu.
Nó để mộc, diễn tả giản dị, có phần ngây thơ nữa, nhưng nó lắng nghe vào cốt
lõi của cảm xúc để phát hiện ra phần tinh túy của đời sống, thấm đẫm lòng yêu đất
đai xứ sở. Tôi nghĩ Xuân Diệu sau này dùng một thao tác ngược với thời trẻ: ông
trần gian những cảm nhận kỳ diệu, từ lòng yêu nặng chắc của mình với cuộc đời. Ấy
là cái Đêm ở Thái Bình, huyện Hưng
Nhân, ngày 24-3 năm 1967, giữa những câu
miêu tả cảnh quê chính xác bằng mắt nhìn, bằng tai nghe, ân cần chăm chỉ bỗng lạc
vào một cảm nhận có tính phát hiện:
Nhất là chó sủa
văng vẳng hay hay
Nói xóm làng,
nói nhà cửa đêm nay
Thấy chó sủa là hay hay thì đúng là phát hiện của ông khách tỉnh về
quê, cái gì cũng lạ. Nhưng đến câu sau, nhận ra cái tiếng chó sủa trong đêm quê ấy nó nói hồn vía của xóm làng, của
nhà cửa đêm nay, thì cảm nhận của ông nhà thơ tài tình quá, ông cho người đọc,
có người nghe chó sủa cả đời mà chẳng thấy gì, nhận biết một cảm giác sâu nặng
về hồn quê kiểng. Tôi thú thực sau khi đọc câu thơ này, tôi thấy tiếng chó sủa ở
đêm quê hoàn toàn khác trước. Nghe chó sủa mà hình dung ra làng mạc bao đời, mà
thương nhớ xa xưa. Kỳ ảo hóa mặt đất trước kia hay trần gian hóa cảm xúc bây giờ,
cả hai bổ sung cho nhau và cùng nâng hiện thực lên cao hơn chính nó. Tài năng
xuân Diệu nghe chó sủa ở bài thơ này ngang với tầm tài năng khi ông nghe tiếng
đàn kỳ ảo thuở nào:
Đàn ghê như nước
lạnh trời ơi
Vang vang tiếng
sỏi, vang vang hận
Trăng nhớ Tầm
Dương, nhạc nhớ người
Mấy câu thơ này quả có óng ả hơn Đêm
ở Thái Binh. Nhưng mộc mạc hay óng chuốt là chiều khẩu vị của từng thời
nhưng nội lực khám phá trong hai dạng cảm thụ này có chung một nguồn là tạng cảm
xúc trữ tình cá thể của Xuân Diệu đã hòa trộn từ gốc với chiêm nghiệm văn hóa
dân tộc. Nghiêng về phía trước (trữ tình) thì thành kỳ ảo. Nghiêng về về phía
sau (chiêm nghiệm) thì đậm vị trần gian. Còn gì nữa. Còn nhiều. Nhưng đại cương
chỉ trong hai vòng ấy. Có chăng, cần kể thêm một thứ trời cho, ấy là cái ánh
sáng tinh khôi rọi lên trong không gian
Xuân Diệu, làm cho cảnh sắc và con người có vẻ khác biệt, sáng hơn, sống
hơn, ấn tượng hơn với không gian thực ở ngoài đời.
23-1-2016