Nguyễn Khoa Điềm nói hộ cho nhiều người, như để an ủi họ
trong cái khoảnh khắc sống rất có hạn của mỗi con người, nhưng vô hạn sự xót xa
do con người bày ra: “Ở đó giữa lằn ranh sống – chết. Lòng nhân ái từng giờ sụt
lở”. Nhân tình thế thái quả là có lúc, có nơi ngay trong thì hiện tại đang đến
hồi tệ hại, thật đáng buồn. Nhưng không chỉ buồn, trên tất cả nỗi buồn, ở một
cấp độ khác, là thấp thỏm lo âu, nỗi lo âu trước biết bao điều hệ trọng đối với
mỗi con người, những ai còn có biết suy tư, những ai vẫn mê mải đeo đuổi một
ngày mai tốt lành, những ai sống không phải chỉ cho mình, những ai đã từng đi
qua máu lửa, hiểu sâu sắc cái giá của ngày đang sống: “Bây giờ lá cờ trên cột
cờ Đại Nội. Có còn bay trong đêm? Sớm mai còn giữ được màu đỏ…?"
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
KHAO KHÁT ĐẾN NHỮNG MIỀN TRONG XANH
LÊ
THÀNH NGHỊ
Đầu năm
2002, nghĩa là sau Đổi mới khoảng mươi lăm năm, trên Tạp chí Sông Hương, có một
nhà thơ nổi tiếng thế hệ các nhà thơ chống Mỹ đặt câu hỏi: Liệu Nguyễn Khoa
Điềm có giai đoạn bùng nổ thứ ba của thơ mình hay không? Chắc chắn sẽ rất khó.
Nhưng người đọc vẫn hy vọng!
Khó, có lẽ
bởi vì hai giai đoạn trước đó: giai đoạn chống Mỹ và giai đoạn sau ngày hòa
bình, thơ Nguyễn Khoa Điềm thực sự xuất sắc, bút pháp già dặn hồn hậu như đã
đến độ ổn định; khó cũng có thể là vì, lẽ đời những ai đã qua một thời mải miết
trên đường hoạn lộ như ông quan to Nguyễn Khoa Điềm, bây giờ quay về đời
thường, đạp xe ngõ này qua ngõ khác, liệu có chút gì đó vướng víu trong hòa
nhập thường thấy như ở người khác; bây giờ quay lại với thơ trong thời buổi thơ
xuống giá, liệu có chút gì đó buồn nản thỏa hiệp như bao người khác? Nhưng
người đọc yêu mến ông vẫn hy vọng, và, quả là trong số những ai đã từng dính
líu với thơ, ngoại trừ khi không còn khả năng, vì sức khỏe, vì cạn kiệt niềm
tin vào con người, niềm hy vọng vào cuộc đời…không có một ví dụ nào thi nhân bỏ
cuộc giữa chừng. Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm giai đoạn ba: Cõi lặng ( 2007 ) và sau Cõi lặng cho ta câu trả lời tự
tin ấy.
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ tiêu biểu của thơ chống Mỹ.
Những năm tháng gian nan ấy, những người con ưu tú nhất của dân tộc, như “nắm
thóc tung lên giữa mùa Cách mạng” ( Nguyễn Đình Thi ) hăng hái lên đường đi cứu
nước, trải qua gian khổ cùng cực, chết chóc vô thường, nhưng tuyệt nhiên không
có ai buồn bã và mai một hy vọng. Với những tập thơ và trường ca viết trên
chiến khu ( Đất ngoại ô, 1973 và Mặt đường khát vọng, 1974 ) Nguyễn Khoa Điềm
đã góp công nâng bước chân của biết bao người, những con người đã đổ máu và hát
ca trên đường ra trận. Còn nhớ ở ông một giọng thơ chính luận cao sang và
thuyết phục, đằm sâu mà ngân vang, chan chứa cảm hứng lãng mạn với rung động
lớn lao của thời đại, mà vẫn ngân nga những ước ao thầm kín trong trái tim
những chàng trai, cô gái khắp các ngã đường hành quân. Những chàng trai, cô gái
ấy, nay đã không còn trẻ nữa, nhưng họ đã rắn rỏi lên về tinh thần với những
vần thơ ngợi ca đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Sau chiến tranh, dù công việc bận rộn, Nguyễn Khoa Điềm vẫn
tiếp tục làm thơ. Tập “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” ( 1986 ) gồm những bài thơ viết
trong khoảng mười năm sau chiến tranh. Vẫn còn những xốn xang trong tâm hồn
trước cái đẹp: mùa thu và cô gái mặc áo vàng: Đã rung lên như lửa cháy/ Một mùa thu đã chết tận xa xôi/ Cho tôi sống
bồi hồi/ Trên chân trời rung cảm khác, vì thế vẫn muốn đặt mình trên từng con
chữ ( Đi bên mùa thu ), và lại bắt
đầu như lửa ( Trên khối đá của từ ngữ )…Trong “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”
thấp thoáng những hồi tưởng về mười năm
đốt lửa Trường Sơn/ Cơn sốt, cơn đói/ Người nằm xuống kẻ còn lưa,…nhớ bạn bè
phút giây sống chết, những ký ức bom đạn ngày trước, những niềm vui trong
lao động dựng xây, những khó khăn của đời sống sau chiến tranh, đã làm ông cũng
như biết bao người ngồi trầm ngâm thâu
đêm. Thơ Nguyễn Khoa Điềm mở ra những gì trước kia thơ ông chưa kịp nói, vì
vậy, trang thơ phong phú hơn, phức tạp hơn, đánh dấu một giai đoạn mới, với một
bút pháp khác trước: xôn xao, thì thầm
như máu mặn ( Bạn ơi, bạn có biết ) trong tâm hồn, trong điềm tĩnh lắng trầm nghĩ suy ( Trên khối đá của từ
ngữ ), như để chuẩn bị cho “Khoảng lặng, hát một lời buồn”, có ưu tư của đắng
cay từng trải nhưng cũng đầy lạc quan vốn vậy: Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ nỗi buồn đánh thức hy vọng ( Hy vọng
).
*
“Cõi lặng” ra đời năm 2007, từ đó đến nay người đọc vẫn tiếp
tục được gặp thơ ông trên báo viết, báo mạng. Đây là những bài thơ đánh dấu
giai đoạn ba trong sự nghệp sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm, những bài thơ nói
lên tâm thế ứng xử của ông với thời gian, nhân gian khi đã đến tuổi gió núi mây
ngàn.
Với thời gian, Cõi lặng có thể là dòng sông tĩnh lặng ngược
nước về dĩ vãng ( Thành phố, sớm xuân ) trầm ngâm với những kỷ niệm cũ, bài thơ
cũ, khúc hát cũ. Khung cảnh đã khác, thời gian đã khác: Năm tháng trôi đi, năm
tháng về…/Tóc không xanh tóc ngày xưa nữa, sắc thái của giọng hát cũng đã khác:
Em hát cái ngày đau xót đó/ Bây giờ dịu ngọt cứ như không/… thời gian cũng hình
như cũng không trở lại: Những lời ru ấy rơi trong núi ( Trở lại A Lưới), khoảng
thời gian đủ dài ( Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ viết năm 1971, Trở
lại A Lưới viết năm 2006 ) để có thể làm phôi pha những kỷ niệm đẹp đẽ ngày xưa;
đủ dài để có thể đối diện với một nỗi buồn thấm thía khi đã qua rất nhiều đắp
đổi của tháng ngày: Em thanh xuân/ Anh quá đỗi/ Ngại ngùng/ Sương với gió/ Đượm
buồn từng tấc cỏ…Đà Lạt trẻ/ Mà anh thì luống tuổi/ Hoa quỳ vàng / Ái ngại/ Nở chờ
anh ( Hoa quỳ vàng ), khi đã tự lượng được sức mình: tuổi sáu ba/ Các cô gái
đều lẫn vào mây trắng, … sợ điều phiền toái/ Thấy đám đôi co đã vội đánh bài
chuồn ( Tuổi sáu ba ). Nhưng không phải đã thôi mơ ước, cho dù khoảng cách lớn
dần trong hồn/ Như vầng trăng lúc về sáng:
Mắt
mũi ngày càng kém
Chữ
nghĩa rậm rịch điều cao xa
Bao
giờ, nơi nào, anh đọc được mình
Qua
nỗi đau nhân loại?
(
Những quyển sách )
Hoặc, Cõi lặng thường dễ làm nhớ lại những ngày tháng cũ
gian nan mà ấm tình đồng đội: Thích bạn kể những ngày trên núi Rệ/ Chúng ta ăn
trọn một suối rau rừng ( Tuổi sáu ba ); là lúc: Nhìn nhau thương con mắt/ Còn lung lay ngọn lửa rừng ( Về quê đón tết ).
Điều này cho thấy ở Nguyễn Khoa Điềm ân nghĩa với ngày xưa luôn luôn như lửa ấm
không bao giờ tắt trong đáy sâu tâm hồn ông.
Cõi lặng cũng có thể đã đến lúc trôi:
Đặt mình
trên con nước, đầu hướng về biển, anh trôi đi
Cùng hình
bóng những đền đài, những cạm bẫy của thời gian,
nước mắt người đã chết
Anh trôi đi
cùng phù du phiêu sinh vật,
những tiếng chuông không ngày về…
Anh trôi đi
Không bắt
đầu, không kết thúc, không bờ bến…
( Sông Hương
)
Trôi đi và mang theo biết bao tâm sự, những tâm sự tưởng như
trải dài bất định không bắt đầu, không kết thúc, bình yên và lặng lẽ, những tâm
sự thấm thía lẽ đời tiếng chuông không ngày về, thấm thía nỗi đau những cạm bẫy
của thời gian, nước mắt người đã chết. Một cõi lặng của sự trôi nhưng không
phải buông, không phải lãng quên, vây kín bằng những ký ức như những nốt trầm
lan tỏa trên mặt sóng thời gian, không gian. Trôi nhưng vẫn nguyện làm hạt
nước: Anh trôi đi…/ Mang tự do của nước đến với mọi cuộc đời…/ Để sống ( Sông
Hương )
Cõi lặng có thể là khoảnh khắc, một khoảnh khắc của niềm vui
bình dị, nhẹ nhỏm: Yên ả, thì thầm con suối nhỏ/ Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu
về/ Giờ xao xác cánh cò mặt nước/ Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi ( Ngày về
). Những thì thầm, xao xác kia, như tự nói rằng cõi lặng chưa phải là nơi đã
hết những xôn xao và hy vọng: Rồi một sáng bầu trời xanh trở lại/ Có con chuồn
chuồn chấm đỏ ngọn thơ vui ( Không có quyền mệt mỏi ).
Cõi lặng có khi là những tháng ngày riêng tư của hạnh phúc
có thật, là ngọn lửa ấm trong mỗi mái nhà: bơ vơ trước giá sách cũ/ Chỉ mừng đã
không than vãn/ Nói lời hiền mỗi sớm mai ( Gửi vợ tôi ); hoặc: Cháu vừa ra đời/
Ta được thăng làm ông ngoại…/người lớn chạy lon xon/ Nào sữa nào tả lót/ Thế
giới quá rộn ràng/ Khi trẻ nhỏ có mặt ( Thơ tặng cháu ngoại ), hoặc phút thư
thái bình yên, không hề vướng bận điều gì: Thích gió nắng/ thích màn đêm tĩnh
lặng/ Nghe thong dong hơi thở xuống đan điền ( Tuổi sáu ba )
Cõi lặng có thể là một nỗi đam mê, hăm hở khám phá: Một mình
một ba lô và xe đạp…/ gió gọi anh đi; có thể là một suy nghĩ, triết lý: Chỉ có
thơ/ Làm lẽ phải thầm lặng ( Nhớ một nhà thơ đã mất ); có thể là một cõi an
nhiên: Tảng đá sạch rơi vào vùng núi cũ/ Một Trường Sơn sương khói đã vào thu/
Một tình yêu gửi gắm tự ngày xưa ( Sau ngày hội); có thể là một không gian hoài
niệm mưa: Không ai nhớ là mưa đã nói/ Những lời buồn trên núi suốt mùa đông/
Những cay đắng dòng sông đã gọi/ Khi sông trôi qua bãi vắng cuối dòng ( Mưa có
nói gì không nhỉ? )
Cõi lặng có thể là một sự đợi chờ, lấy cái tĩnh bên ngoài để
chế ngự cái động tận sâu bên trong, vào một thời khắc yên tĩnh: Đêm sâu…/ Ta
ngồi như cội trúc/ Gội mưa thu bốn bề…/ Chỉ mong em trở lại/ Kịp hái chùm tóc
tiên/ Cắm lên bình lam ngọc/ Mừng một ngày lãng quên ( Mưa thu )
Cõi lặng cũng có thể là một thoáng nhớ nhà, rất thường gặp
với những ai tuổi lớn: Thương cây mai, cây nhãn, khóm hồng/ Bức tường cũ vệt
vôi vàng trí nhớ/ Bóng mẹ cha thăm thẳm bên lòng ( Viết cuối năm )
Cõi lặng cũng có thể là một phút lặng yên trước đèn, ngẫm
nghĩ về thân phận thi nhân, cũng có thể là phận mình: Chợt buồn nhẩm lại Dương
Châu mộng/ Khuôn mặt thi nhân sáng trước đèn ( Đọc thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục );
một nỗi cô đơn, một tình huống ngại ngùng, có gì đó vấp váp trong tâm trạng: Đi
suốt một ngày không gặp ai/ Những người có thể gặp đã ở sau lưng anh/ Mà anh
thì không muốn đứng lại ( Người cô độc )
Nhưng trên hết cả, Cõi
lặng là thì hiện tại, ngổn ngang thế sự. Đây là khoảng thời gian Anh là một với
cánh đồng, Cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ, là những ngày gió gọi anh đi/
Là chuyến về không hạn định/ chia tay với nắm đấm micro/ giã từ cà vạt.. ( Bây
giờ là lúc ). Một không gian tự do và thanh thản, đã có thể an nhiên tự tại,
một khoảng thời gian mênh mông bù đắp cho những gì bị mất trước đó, trái ngược
với những gì bận bịu trước đó. Anh giã từ hết thảy/ Những đá đã làm đau, những
gió đã làm buồn ( Vào hạ). Bây giờ là lúc có thể nghỉ ngơi du ngoạn: Đi thăm người
thân: ( còn nhớ một buổi chiều cách đây vài năm tình cờ tôi và nhà văn Nguyễn
Trí Huân gặp ông trên sân bay Phú Bài, mũ lá, túi xắc ngang hông, y hệt một chủ
tịch xã những năm sáu mươi của thế kỷ trước, chỉ thiếu một chiếc đài bán dẫn
Orionton, một mình hăm hở lên ghế máy bay hạng thường dân ra Hà Nội thăm cháu!
), hoặc trở lại Trường Sơn, nơi từng đốt lửa mấy năm trời/ bẻ củ sắn chia đôi
điều giản dị ngày xưa, dạo bước trên Hoàng thành, nơi cha ông gọi tên mình ù ù
qua họng súng thần công những năm tuổi trẻ, thăm lại những mặt đường khát vọng
một thuở bên dòng sông quê nhà: Sông Hương ơi, sông Hương/ Người còn nguồn với
bể/ Còn ta hai lăm tuổi/ Trôi cạn trên mặt đường ( Mặt đường khát vọng ), hay
giản dị, đón bạn cũ đến chơi nhà: Bạn cũ đến chơi/ Chép miệng sống cũng tạm
được/ Phải cái hơi móm/ Cười trống trơ như Đỗ Phủ ( Về quê đón tết ), hoặc: về
Ưu Điềm ngắm lại đám lục bình mênh mang màu mực tím, có tiếng bìm bịp nước kêu
thương nhớ năm nào…
Trở về nhà
Nói cười trong gian bếp cũ
Đi vào đi ra
Ngồi bệt xuống thềm
Ngó mây bay trên vườn nhà khác
(
Về quê đón tết )
Đi vào đi ra…/ Ngó mây bay trên vườn nhà khác, thế nghĩa là
không phải như ngày xưa về ở ẩn, mà như vẫn còn chan chứa khát vọng sống, lòng
vẫn còn chưa yên tĩnh, còn điều gì đó đang thấp thỏm phía trước, bàn chân còn
muốn đi, mắt vẫn muốn nhìn, tai vẫn muốn nghe, tâm hồn… như cánh rừng xa khuất
( Trên đường ) vẫn còn run rẩy với những mùa thu im lìm lá đổ, những mùa xuân trắng
lặng thầm trong hoa táo tháng ba. Như vậy là còn chưa đươc nghỉ ngơi thực thụ: Đi
vào đi ra,…gió gọi anh đi…/ gió gọi anh về. Với Nguyễn Khoa Điềm, thời gian
thường sóng đôi theo hai chiều, chiều nào cũng xa rộng, mỗi chiều như một biến
thể của dấu ấn tâm trạng, và tâm hồn người viết như ở khoảng giữa hai chiều ánh
sáng ấy: Thăm thẳm ngày xưa bình an/ Vời vợi ngày mai chói nắng ( Hy vọng ). Cho
dù có lúc nửa đêm tiếng mưa xa. Chợt gọi anh về/ Vùng yên lặng những chập chờn
quên lãng ( Sau ngày hội ), nhưng một giọng thơ từng hào sảng trong những ngày
xuống đường như ông, dễ gì có thể đạt đến vùng yên lặng?. Và, nếu ngày xưa là
bình an, ngày mai chói nắng, thì hiện tại vì sao con người vẫn ngồi như cội
trúc/ Gội mưa thu bốn bề?. Có phải cõi nhân gian nơi chúng ta đang sống còn
ngổn ngang biết bao điều cần quan tâm?
Đúng vậy, nhân gian ( cũng là trần gian ) trong Cõi lặng là
cõi người với những cung bực của đời người, qua tâm trạng một người cao tuổi,
có nỗi buồn, những nỗi buồn luôn thức dậy trong những đêm thanh vắng, trở thành
nỗi trăn trở. Nguyễn Khoa Điềm đã làm giật mình người đọc: Bây giờ là lúc…Anh
tham dự trận tấn công cuối cùng/ Vào cái chết ( Bây giờ là lúc ).
Trận tấn công cuối cùng vào cái chết (một sự nhập cuộc mới )
mang nhiều nghĩa, tôi hiểu theo nghĩa rộng: tấn công vào tất cả những gì đang
hủy hoại cái đẹp, hủy hoại sự sống: tuổi tác cao dần lên, sức lực thấp dần
xuống, khát vọng hao hụt dần, cái nghèo đói thời buổi mồ hôi trở nên quá rẻ,
cái ranh ma trở nên quá giàu ( Cánh đồng buổi chiều ), sự ngang nhiên của cái
ác, sự im lặng cam chịu của người tốt, sự phai nhạt niềm tin, sự tàn nhẫn hung
bạo trong con người
Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học
Hung bạo giữa bàn nhậu, trong cửa sau công sở,
hung bạo đường phố
Hung bạo văn chương, tố giác, nặc danh
(
Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy )
Cái giá phải trả cho công cuộc làm ăn kinh tế, mặt sau của
sự phát triển, khi đồng tiền và tiện nghi vật chất được đề cao quá đáng, văn
hóa chưa được chú ý đúng mức, đã kéo theo sự xuống cấp của đạo đức tinh thần
diễn ra khắp mọi ngõ ngách của đời sống. Một số người trở nên hung bạo, tàn
nhẫn, mất dần nhân tính. Họ lấy cảm hứng làm đau người khác làm thói quen sống
của mình, lấy sự thô bạo trơ lỳ để đối nhân xử thế. Nguyễn Khoa Điềm trở về
trong một thời điểm Đất nước những tháng năm thật buồn, giữa một thế giới không
nhiều may mắn ( Hy vọng). Đấy là những năm tháng nhà thơ có đủ chín chắn để
ngẫm nghĩ về cõi nhân gian bé tí của mỗi người đang sống; có đủ kinh nghiệm để
phân định cái đúng, sai, thường biến, thường hằng; có đủ tư cách để lên tiếng
với những gì chưa hoàn hảo của cuộc đời, của mỗi con người: Trước cánh rừng âm
u anh đã rung lên như sấm sét thì bây giờ anh được hát một lời buồn ( Không có
quyền mệt mỏi )
Bây giờ bạn đã quay lưng
Chén trà một chân đóng cặn.
Mặt em như vầng trăng lặn
In trong bài thơ cuối mùa
Ta còn chút vốn rau dưa
Đặt cọc lên tờ giấy trắng
( Bây giờ )
Được hát
một lời buồn, bởi vì cuộc đời không có gì buồn hơn đang hiện diện sự giả trá,
sự tráo trở, sự lật lọng phản thùng của những kẻ đứng trong bóng tối. Nguyễn
Khoa Điềm nói hộ cho nhiều người, như để an ủi họ trong cái khoảnh khắc sống
rất có hạn của mỗi con người, nhưng vô hạn sự xót xa do con người bày ra:
Ở
đó giữa lằn ranh sống – chết
Lòng
nhân ái từng giờ sụt lở
(
Giữa lằn ranh sống-chết )
Nhân tình thế thái quả là có lúc, có nơi ngay trong thì hiện
tại đang đến hồi tệ hại, thật đáng buồn. Nhưng không chỉ buồn, trên tất cả nỗi
buồn, ở một cấp độ khác, là thấp thỏm lo âu, nỗi lo âu trước biết bao điều hệ
trọng đối với mỗi con người, những ai còn có biết suy tư, những ai vẫn mê mải
đeo đuổi một ngày mai tốt lành ( Đất nước những tháng năm thật buồn ), những ai
sống không phải chỉ cho mình, những ai đã từng đi qua máu lửa, hiểu sâu sắc cái
giá của ngày đang sống.
Bây
giờ lá cờ trên cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm?
Sớm mai còn giữ được màu đỏ…?
(
Đất nước những năm tháng thật buồn )
Cảm giác bất an, day dứt ấy là có thật. Cuộc sống còn lắm
tai ương, còn đầy những tệ nạn: tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, ức hiếp dân
lành, và nhất là lương thiện mỗi lúc một trở nên xa xỉ, nhân ái từng giờ sụt lở
( Giữa lằn ranh sống –chết ) … đã gây ra biết bao bức bối, phẫn uất đang từng
ngày từng giờ gậm nhắm niềm tin, biến đổi nhận thức, kích hoạt hành vi, như một
nguy cơ có thể dẫn đến kết cục khôn lường. Những câu thơ như đã chạm đến chỗ
sâu nhất trong tâm tư mỗi con người
Ai sẽ nắm
vận mệnh chúng ta
Trong không
gian đầy sợ hãi
(
Đất nước những tháng năm thật buồn )
Tất cả cho thấy sức nặng của sự đặt cọc lên tờ giấy trắng
với sự mẫn cảm có giá trị thức tỉnh của một nhà thơ vẫn đi bên cạnh thời cuộc,
trách nhiệm với cuộc đời, quan tâm đến số phận, vận mệnh của con người, cả cái
riêng và cái chung, cho dù ông đang trong mùa trở lại vườn cũ, có quyền được
xếp sang một bên những lo âu lẽ ra không đáng có kia của cuộc đời. Đây là tâm
tư đầy khắc khoải xót xa của một người luống tuổi, trước những câu hỏi không dễ
gì có ngay lời đáp:
Bao
giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải
gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt
tin yêu mọi người?
Bao giờ
buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi
người nhẹ nhàng, vui tươi?
(
Đất nước những tháng năm thật buồn )
Để có được những buổi sáng, buổi chiều thanh thản ấy, mỗi
một con người cần phải hiểu đây là cuộc chiến không tiền khoáng hậu/ Để mình
còn là mình/ Mình là sự sống ( Sự sống ), là sự không khoan nhượng với cái ác,
cái xấu, cho dù có lúc: Chúng ta, kẻ không may mắn/ Rồi cũng nhập vào dòng chảy
của điều tốt đẹp/ Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn/ Dẫu có khi đã nhường lời
cho bọn khoác lác ( Nhớ Nguyễn Du ). Với riêng ông, tự dặn mình không có quyền
mệt mỏi đủ nói lên trong ông vẫn chưa vơi cạn niềm tin và hy vọng vào cuộc đấu
tranh chống lại tất cả những gì đang hủy hoại cuộc sống:
Tôi ạ, anh phải nguyên vẹn một con người
Anh không có quyền mệt mỏi
Bởi vì nắng có mệt mỏi chút nào đâu
Những ngọn cỏ phủ xanh mộ người thân yêu như xanh không biết
mỏi
Bởi vì gừng lại cay, muối lại mặn, bầy trẻ lại tựu trường
và ở nơi xa xôi kia, những
con sóng lại tìm được bãi bờ
(
Không có quyền mệt mỏi )
Và sự lựa
chọn của ông là: Chỉ có cái chết mới bắt ta nằm xuống/ Cho dù tù đầy, khảo tra/
Chỉ có nỗi nhục mới bắt ta vắng mặt/ Cho dù sự cay đắng đuổi sau lưng ta/ Chỉ
có nước mắt người thân mới bắt ta quỳ xuống/ Cho dù bệnh tật ngấm vào xương tủy
( 40 năm gặp lại ). Và đó là lý do ông tham dự trận tấn công cuối cùng/ Vào cái
chết!
Như vậy, chỉ sợ mất niềm tin vào con người, chỉ sợ hết hy
vọng vào cuộc đời, còn không, như một kinh nghiệm con người vẫn thường an ủi
nhau, chắc chắn sẽ có một ngày các giá trị được trả về vị trí của nó, mọi điều
tốt lành trên thế gian sẽ tìm được chỗ đứng dưới mặt trời, những con người tốt
đẹp, có thể nở nụ cười tin yêu, bọn cơ hội sẽ không có đất tồn tại. Cái đẹp sẽ
cứu rỗi thế giới, sự chủ động sẽ thuộc về người tốt: Lòng tốt của anh, lòng tốt
của mọi người/…cao hơn cái chết ( Hy vọng 2 ), Cái chết sẽ thua cuộc/ Là khi em
mỉm cười ( Một người). Sẽ đến một ngày tốt đẹp bình dị, đơn giản như cái tốt
lấn dần cái xấu, như sự sống lấn dần cái chết, khi trong cuộc đời vẫn không mất
đi nụ cười:
Tôi mừng
cho nước sông Hương
Trong sạch
Tôi mừng
cho nước tôi
Vẫn còn Thạch
Sanh
Dù không ít
tên Lý Thông đĩ bợm
(
Thời sự cuối ngày )
Anh vẫn hy
vọng vào lòng tốt-
Lòng tốt
của anh, lòng tốt của mọi người-
Để đứng cao
hơn cái chết
(
Hy vọng 2 )
Trên mặt
đất này
Mọi điều
ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống
Cả sự nản
lòng sẽ rơi xuống
(
Kính tặng Nguyên Hồng )
Có
lẽ vì thế
Ngay bây
giờ
Chúng ta
chỉ được sống với thế giới này
Xin muôn
vàn bảo trọng!
(
Sống với thế giới này )
Bởi vì, không có nỗi đau nào Sông Hương không rửa sạch (
Sông Hương ). Có phải đó là tinh thần chính của cuộc tấn công cuối cùng vào cái
chết mà Nguyễn Khoa Điềm muốn nói tới?. Nếu như vậy và cứ như vậy, một ngày đẹp
trời nào đó, chúng ta sẽ đến những miền trong xanh mơ ước của mỗi con người.
Đấy là tâm sự ông muốn gửi đến những ai chưa mất niềm tin vào tương lai chăng?.
Với một cách tiếp cận như vậy, Cõi lặng lựa chọn gam giọng
trầm buồn tha thiết sâu lắng để biểu hiện tâm trạng người viết, lựa chọn một
thể thơ tự do với cấu trúc linh hoạt, một chất liệu ngôn ngữ bình dị chen lấn
nhiều lời nói thường, đôi khi hài hước hóm hỉnh rất gần với ngôn ngữ giao đãi
thường ngày ( phải cái hơi móm/ cười trống trơ như Đỗ Phủ…Ái chà, xem ra bác
còn khỏe hơn tôi…/ mừng bác một chén…) để không bị giới hạn trong việc biểu
hiện con người tư tưởng, con người suy nghĩ về thế sự của mình. Đây là những
bài thơ được viết sau thời kỳ Đổi mới, đời sống văn nghệ đã cởi mở hơn, những
quan niệm giáo điều đã từng bước thay đổi, lối chụp mũ, quy kết chính trị chưa
phải đã hết nhưng ngày càng trở nên lạc lõng. Đã có thể khá thoải mái biểu hiện
những suy nghĩ, những tâm trạng riêng tư của mình, có quyền được lắng xuống,
hát một lời buồn ( Giọng cao bao nhiêu năm, giờ ta hát giọng trầm – Chế Lan
Viên ) đầy trăn trở mà không bị, không sợ bị bắt bẻ, làm phiền như văn chương
ngày trước nữa. Trong Cõi lặng vẫn còn đó một Nguyễn Khoa Điềm luôn ở bên cạnh
những vấn đề rất đáng quan tâm của cuộc sống ngày nào, nhưng như một bè trầm
của bản giao hưởng, cái nhiệt huyết, hào sảng đã đằm sâu như sóng ở đáy sông
trong những tâm sự, nghĩ suy, triết luận trước một thời điểm giã từ ồn ào, vinh
quang, xí xố ( Chế Lan Viên ), trước một khoảng lặng yên: Anh soi thấy mặt mình…/
Không một tiếng động nào khác/ Tiếng đập trái tim anh. Đối diện với chính mình,
lắng nghe trái tim mình, lời thì thầm trung thực từ bên trong mình, tạo nên
những câu thơ “hướng nội”, những câu thơ cho ta niềm tin cậy như lời tâm sự
chân thành của một người từng trải, đã đi qua nhiều cung bậc của cuộc đời.
Và cuối cùng “Cõi lặng” tự họa chân dung tâm hồn của nhà thơ.
Dù trước một thực tại đan xen vui buồn như vậy, nhưng hơn hết, trong tâm hồn
ông vẫn khao khát muốn làm một kẻ sỹ cưỡi trâu vào núi ( Cáp quang ), ở đây là một
mình một ba lô và xe đạp, gió gọi anh đi…, sau những ngọn núi/ Sau cánh đồng (
Dặn lòng ), đi mãi vào rặng núi xa mờ, đến
những miền trong xanh ( Cõi lặng ).