Theo quy định,  mỗi sự kiện như EURO, World Cup, hay thậm chí Olympic, số lượng thẻ cấp cho phóng viên thể thao Việt Nam rất ít, có thể nói là dưới 10 đầu ngón tay. Lượng thẻ ít nhưng lượng phóng viên đi thì quá đông và vì thế, sẽ vô cùng khó khăn cho những phóng viên thể thao Việt Nam để được xuất hiện và tác nghiệp ở những điểm nóng thực sự như sân tập mở của các đội tuyển; các buổi họp báo chính thức; các buổi phỏng vấn riêng có đăng ký; các vị trí săn ảnh đắt giá trên sân vận động… Số thẻ ít ỏi ấy đến từ hai nguồn chính. Thứ nhất, đi trực tiếp về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam theo phân phối của FIFA (hoặc về Ủy ban Olympic quốc gia theo phân phối của Ủy ban Olympic thế giới). Và thứ hai, đi theo đường thương mại, tức là do đơn vị bán bản quyền truyền hình hỗ trợ cung cấp cho đơn vị mua bản quyền truyền hình.  Bởi thế, đa số phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp không thực sự được làm nghề như mong muốn


MÙA EURO, NGHĨ VỀ NGHỀ BÁO

HÀ QUANG MINH

Cứ mỗi hai năm một lần, vào năm chẵn, giới báo chí thể thao Việt Nam lại hòa mình vào dòng chảy cuồn cuộn của những người hâm mộ bóng đá, để kịp thời truyền tải những câu chuyện thú vị, những tin tức nóng hổi về sự kiện được chú ý đặc biệt mỗi ngày là World Cup và EURO. 
Nhiệm vụ của báo chí là thế, là không thể đứng ngoài cuộc, không thể thờ ơ với những sự kiện mà dư luận quan tâm. Và trong đội ngũ những đồng nghiệp của chúng ta đang hoà mình vào EURO 2016 hôm nay, cũng như những năm trước đó, có những đồng nghiệp lên đường sang hẳn địa điểm tổ chức sự kiện ấy để tác nghiệp trong ánh mắt ngưỡng mộ không chỉ của khán giả Việt mà còn của cả những tay bút khác.
Tính ra, sơ sơ, cứ mỗi lần như thế cũng có khoảng gần 20 nhà báo thể thao Việt Nam lên đường tác nghiệp ở EURO hay World Cup. Năm nay cũng vậy, với số lượng khoảng chục tờ báo, kênh truyền hình cử phóng viên lên đường, lực lượng phóng viên Việt Nam tác nghiệp ở Pháp có thể nói là hùng hậu bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Song, những đồng nghiệp ấy, với tay nghề rất giỏi, với kinh nghiệm chinh chiến dạn dày, lại không thể phát huy hết được hiệu suất của mình, không thể thỏa chí làm nghề dù việc góp mặt ở một sự kiện lớn như thế đáng được coi là mốc son của đời cầm bút. Lý do ư? Vô cùng đơn giản. Tất cả chỉ là tấm thẻ.
Theo quy định,  mỗi sự kiện như EURO, World Cup, hay thậm chí Olympic, số lượng thẻ cấp cho phóng viên thể thao Việt Nam rất ít, có thể nói là dưới 10 đầu ngón tay. Lượng thẻ ít nhưng lượng phóng viên đi thì quá đông và vì thế, sẽ vô cùng khó khăn cho những phóng viên thể thao Việt Nam để được xuất hiện và tác nghiệp ở những điểm nóng thực sự như sân tập mở của các đội tuyển; các buổi họp báo chính thức; các buổi phỏng vấn riêng có đăng ký; các vị trí săn ảnh đắt giá trên sân vận động…
Số thẻ ít ỏi ấy đến từ hai nguồn chính. Thứ nhất, đi trực tiếp về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam theo phân phối của FIFA (hoặc về Ủy ban Olympic quốc gia theo phân phối của Ủy ban Olympic thế giới). Và thứ hai, đi theo đường thương mại, tức là do đơn vị bán bản quyền truyền hình hỗ trợ cung cấp cho đơn vị mua bản quyền truyền hình.
Bởi thế, đa số phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp không thực sự được làm nghề như mong muốn. Thay vào đó, họ phải làm những thứ bên lề, như phỏng vấn người hâm mộ, vài phóng sự nhỏ về hoạt động, đời sống của khán giả sở tại, khán giả vãng lai. Thậm chí, trớ trêu đến độ có tờ báo còn phỏng vấn cả… phóng viên thể thao Trung Quốc, người cũng đến tác nghiệp ở Pháp không khác gì mình. Điều họ khao khát dường như không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Đó chính là tiếp cận, phỏng vấn các ngôi sao bóng đá thế giới, những người vẫn tiếp xúc với phóng viên thể thao các quốc gia khác mỗi ngày.
Sự bé nhỏ đến ái ngại của các phóng viên thể thao Việt Nam trong các trường hợp kể trên không khỏi khiến chúng ta, những người cầm bút, phải chạnh lòng. Đâu là nguyên do của việc chúng ta bị xếp ngoài lề của cuộc chơi như vậy, khi mà thế giới đã ngày một mở rộng hơn các biên độ của mình?
Lý do tưởng như phức tạp nhưng hoá ra lại vô cùng đơn giản. Đó là ở Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức được công nhận của những phóng viên thể thao, một tổ chức kiểu như Hiệp hội phóng viên thể thao Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, tôi đã từng đăng ký độc lập xin được tác nghiệp ở một vài trận đấu thuộc khuôn khổ giải Champions League nhân thời gian tôi lưu lại châu Âu. Và tôi nhận được câu trả lời "Mời bạn hãy đăng ký, miễn phí, tại Hiệp hội phóng viên thể thao quốc tế (AIPS), có trụ sở tại Thụy Sỹ và đăng ký tại website aipsmedia.com. Sau khi đăng ký, bạn sẽ được cấp thẻ.
Với thẻ đó, bạn có quyền đăng ký tham gia tác nghiệp ở các sự kiện thể thao quốc tế với điều kiện phải nộp bản đăng ký trong thời hạn hiệu lực của sự kiện". Tôi cảm thấy hào hứng với hướng dẫn ấy. Nhưng khi tiếp cận AIPS, tôi nhận được một tin buồn là AIPS sẽ chỉ cấp đăng ký cho các phóng viên thuộc các quốc gia có tồn tại một Hiệp hội phóng viên thể thao và hiệp hội ấy có đăng ký tham gia AIPS.
Thậm chí, khi liên hệ, một nhân viên phòng cấp phép của AIPS còn hỗ trợ cho tôi rất nhiệt tình rằng "Thôi, vì Việt Nam chưa có hiệp hội, bạn cứ điền vào tờ khai là bạn thuộc thành viên một hiệp hội của quốc gia lân cận nào đó, tôi sẽ thử thuyết phục lãnh đạo xem sao". Tất nhiên, sự nhiệt tình đó không mang lại kết quả. Nguyên tắc là nguyên tắc, một phóng viên Việt Nam làm sao lại có thể sinh hoạt ở hiệp hội của Thái Lan, Singopre đây?
Từ câu chuyện riêng của tôi, và câu chuyện chung nhiều năm nay của những đồng nghiệp làm nghề, có lẽ chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ nghiêm túc về việc tạo lập một Hiệp hội phóng viên thể thao Việt Nam thực sự. Nhà nước vẫn luôn mở rộng cửa để thành lập các hiệp hội làm nghề nghiêm túc như thế, miễn là chấp hành đúng thủ tục, tuân thủ đúng hiến pháp và pháp luật mà thôi.
Số lượng phóng viên thể thao trên cả nước cũng rất đông đảo, vượt xa con số tối thiểu trong quy định pháp luật để thành lập hiệp hội rồi. Vậy mà Việt Nam vẫn chưa thể trở thành thành viên của AIPS dù láng giềng của chúng ta, từ Campuchia đến Lào, từ Thái Lan đến Myanmar đều đã nằm trong danh sách thành viên từ lâu lắm rồi.
Trách nhiệm này, nhân ngày 21/6, phải khẳng định lần nữa, do chính những người phóng viên thể thao Việt Nam chứ không phải ai khác. Chúng ta không chủ động, chúng ta chưa quan tâm, và chúng ta phó mặc. Để rồi, tự chúng ta xếp mình ra ngoài cuộc chơi chung của những đồng nghiệp ở khắp nơi trên địa cầu này…