Sau khi có yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng
về việc khẩn trương thành lập lực lượng săn bắt cướp (SBC), Công an TP.HCM đã
xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an cho phép tái thành lập “thương hiệu” lừng lẫy
một thời này của cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Những ngày qua, ba chữ viết
tắt SBC đã gieo vào lòng công chúng niềm hy vọng tràn trề về sự bình yên ở
thành phố lớn nhất nước. Đồng thời nó cũng làm sống lại những cảm xúc hào hùng
về hình tượng người chiến sĩ SBC trong những tác phẩm kinh điển sống mãi với
thời gian. Khi xã hội đô thị hiện nay, xuất hiện nhiều hành động cướp
giật trên đường phố, người dân thường nhớ đến lực lượng săn bắt cướp
(SBC) của Công an TP.HCM sau 1975. Thật dễ tìm lại những tên tuổi đã đi
vào huyền thoại của lực lượng này khi gõ vào google. Các trang viết
về những người hùng SBC một thời đa phần nằm trên các trang báo ở
dạng tư liệu của một thời quá vãng. Vậy, hình tượng các chiến sĩ
SBC nằm ở đâu trên các trang sách đậm tính nhân văn của văn học?
HUYỀN THOẠI SĂN BẮT CƯỚP Ở ĐÂU TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC?
THANH KIỀU
Huyền thoại một
thời
Sau năm 1975 tại Sài Gòn, khi tình hình xã hội còn
khá phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm đã trỗi dậy và gây ra nhiều vụ
cướp kinh hoàng. Trong đó có các vụ bắt cóc tống tiền, cướp ngân hàng,
giết người hàng loạt, như vụ: sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, bắt
cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ…
Lực lượng SBC thuộc phòng Cảnh sát hình sự Công an
TP.HCM đã phá các vụ án này và triệt tiêu các băng cướp và tướng cướp
khét tiếng, như: Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, Thái Lập Thành, Tín Mã
Nàm, Điền Khắc Kim…
Đến năm 1995, SBC được giải thể và thay thế bằng các đội đặc
nhiệm.
Nhưng hình tượng chiến sĩ SBC đã được dựng thành phim
với các cảnh hành động ngoạn mục, chạy xe Honda S67 nhanh như gió, như
bắn súng hai tay, võ nghệ cao cường hạ gục tội phạm. SBC cũng đi vào
sân khấu cải lương với những Vụ án Mã Ngưu sau khi tướng cướp Tím Mã
Nàm bị tiêu diệt.
Mãi đến sau này, một chỉ thị ban ra của lãnh đạo
SBC thời đó cũng được lấy đặt tựa cho phim Lệnh xóa sổ vào 2011.
Khoảng năm 1978, Công an TP.HCM quyết tâm “xóa sổ” băng cướp Võ Tùng
Hội chuyên cướp ngân hàng. Lệnh xóa sổ được ban ra với chỉ thị trong
vòng 10 ngày phải xóa băng cướp này.
Phá nhiều vụ bắt cóc tống tiền, tiêu diệt nhiều
tướng cướp khét tiếng, trả lại bình yên cho phố phường TP.HCM một
thời, trở thành huyền thoại trong dân chúng; nhưng khi tìm các trang
sách văn học viết về SBC lại quá khó.
Tìm lại những cuốn
sách
Chúng tôi dò hỏi các nhà văn về mảng sách này,
cuối cùng tìm đến NXB Công an Nhân dân chi nhánh tại TP.HCM. Các biên
tập viên tại đây đã lục tung sách lưu chiểu nhưng chỉ có hai cuốn SBC
Xung trận (tái bản lần đầu năm 1996) của nhà văn Phùng Thiên Tân và Đại
úy Hai Thành và những “người tình” (in 2011) của Phạm Thanh Nghị.
Được biết, còn có cuốn sách thứ ba viết về SBC Huyền thoại giữa đời
thường của nhà báo Phạm Thục từng xuất bản.
Cuốn sách SBC Xung trận được Phùng Thiên Tân viết như
một cuốn truyện dài, các phần truyện được đánh số từ 1 – 25. Tác
giả hoàn thành cuốn truyện về SBC vào mùa mưa 1978 khi mà lực lượng
này mới được thành lập không lâu.
Cuốn Đại úy Hai Thành và những “người tình” của
Phạm Thanh Nghị thuộc thể loại truyện ký chân dung viết về đại úy
Võ Tấn Thành, một trong những đội trưởng đầu tiên của SBC. Đại úy
Hai Thành và những “người tình” có số phận tương đối rõ ràng giữa
người chiến sĩ SBC và các nhân vật khác.
Trong đó có những phận gái giang hồ được Hai Thành
cảm hóa thành cộng sự trên đường trừ gian diệt ác. Cả hai tác giả
Phùng Thiên Tân và Phạm Thanh Nghị đều tham gia lực lượng công an, nên
có nhiều thông tin về vụ án khiến câu chuyện họ viết đầy chi tiết
lôi cuốn.
Cần thêm hư cấu cho
"thể loại" SBC
Nhà văn Trần Thanh Hà, biên tập viên NXB Công an Nhân dân,
cho biết: “Theo trí nhớ của tôi, sách viết về đề tài hình sự, SBC mà tôi từng
đọc còn có một số cuốn, như: Hiệp sĩ giữa đời thường của Phạm Ngọc Chiểu, Nữ
thủy tặc và Nặc nô xóm điều của Nguyễn Hồng Dương, Nữ hoàng đá đỏ của Thái Chí
Thanh, Mạnh hơn công lý từng được chuyển thành kịch của Võ Khắc Nghiêm, Linh
hồn thiếu phụ từng được chuyển thành phim Xóm nước đen của Trần Tử Văn… Tuy
nhiên, phần lớn các tác phẩm này lấy tội phạm làm nhân vật chính, còn người
cảnh sát chỉ đóng vai trò cảm hóa tội phạm chứ không phải là nhân vật trực diện
kiểu như SBC”.
Theo lý giải của nhà văn Trần Thanh Hà: “Một thời, văn học
thường phản ánh hiện thực, thể hiện chủ nghĩa anh hùng. Các tác phẩm về SBC cả
văn chương và báo chí đều phản ánh trực hiện hoặc lấp lánh hình bóng của những
người hùng SBC ngoài đời thật, như: Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Hai Thành…
Khi vụ việc không còn tính thời sự nữa, thì câu chuyện cũng kém bớt sự hấp dẫn.
Có lẽ, đây là lý do nhiều cuốn sách viết về SBC một thời đến
nay chưa thấy tái bản. Để hình tượng nhân vật người chiến sĩ SBC sống dài lâu
trong trang sách, thiết nghĩ nhà văn cần làm thêm chức năng hư cấu, sáng tạo
của mình. Gần đây, truyện trinh thám của nhà văn Di Li như Trại hoa đỏ, Câu lạc
bộ thứ Bảy… làm được điều này”.
Tại sao sách văn chương về SBC lại ít, nhà phê bình Lê Thiếu
Nhơn (ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học, Hội Nhà văn TP.HCM), cho rằng:
“Văn học về đề tài trấn áp tội phạm có ba thể loại chính: trinh thám, tình báo
và SBC. Trong đó, những trang viết về SBC gần gũi với quần chúng nhất nhưng
cũng khó đạt được hiệu quả nghệ thuật nhất. SBC nghĩa là chống lại cái xấu và
cái ác, tự thân thể loại văn chương này đã có sức hấp dẫn với người đọc muôn
đời luôn bền bỉ theo đuổi cái đẹp và cái thiện. Tuy nhiên, hành động gay cấn
trong mỗi vụ án, ngoài những pha rượt đuổi nghẹt thở và những pha đối đầu gay
cấn, còn đọng lại điều gì trắc ẩn sâu xa mới là sứ mệnh của nhà văn. Ở Việt Nam đã có không ít tác giả say mê
thể loại săn bắt cướp, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở cấp độ bút ký hoặc ghi
chép. Vì sao, chưa có tiểu thuyết săn bắt cướp hoặc truyện ngắn săn bắt cướp?
Vì soi rọi phía sau từng chiến công để thấy số phận con người không hề đơn
giản!”.
Lê Thiếu Nhơn chia sẻ, lý do sách về SBC đã từng in nhiều
nhưng ít được tái bản: “Thể loại SBC, không quá khó để có những tình tiết lôi
cuốn độc giả, mà lại rất khó có những dư vị ở lại cùng độc giả. Nếu chỉ định dạng
một chiến công, thì câu chuyện ấy chẳng mấy ai đọc lần thứ hai. Nếu chỉ khai
thác người cảnh sát SBC như tấm gương người tốt việc tốt, thì trang sách cũng
không thể có được biểu tượng văn chương. Đã rất nhiều năm, cộng đồng ngại nhắc
đến mất mát và đau thương của chiến sĩ trên mặt trận phòng chống tội phạm, nên
mọi thứ cứ cuốn đi giữa sắc màu tươi hồng mà không khai thác được ở chiều
sâu nhân văn thầm lặng”.
Sách SBC - không phải
tường thuật mà là "soi rọi" chiến công
“Để có tác phẩm hay về thể loại SBC, tác giả và độc giả phải
có chung một thỏa ước: kể lại một vụ án không phải tường thuật một chiến công
mà là soi rọi một chiến công.
Ở đó, người chiến sĩ xuất hiện với đầy đủ phẩm chất một con
người bình thường, có vui buồn bất chợt, có góc khuất riêng tư, có cay đắng đè
nén, có nhẫn nhục chịu đựng, có tham vọng chinh phục, có hy sinh ngậm ngùi… Và ở đó, tội phạm cũng được nhìn ở những góc
độ khác nhau dưới sự tác động của môi trường sống, sự tha hóa bủa vây, sự phẫn
nộ bột phát, sự mặc cảm nghèo đói, sự đua đòi hãnh tiến, sự bế tắc mưu sinh… Khi-và-chỉ-khi, chiến sĩ và tội phạm bước vào
trang sách như hai chủ thể sinh động thì câu chuyện SBC mới hội đủ yếu tố văn
học cần thiết!” (Nhà phê bình văn học Lê
Thiếu Nhơn)
Nguồn: Thể Thao Văn Hóa