Nơi Nguyễn Tư Nghiêm, tâm linh có khuynh hướng thần
bí, rung cảm như bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông
hướng theo thi pháp huyền nhiệm – poétique mystique – và từng tác phẩm một thỉnh
thoảng truyền đạt một cảm xúc thần bí. Người không nắm bắt được xúc cảm này,
cho rằng ông cầu kỳ hay lập dị. Nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ
thuật Nguyễn Tư Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống, trong ý
chí bảo thủ, mà là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể
hiện, hóa thân, thành nghệ thuật.
VĨNH BIỆT HỌA SĨ NGUYỄN TƯ NGHIÊM: TRUYỀN KỲ HỌA LỤC
ĐẶNG TIẾN
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời lúc 10 giờ 27
phút hôm nay 15-6-2016, nhằm ngày 11-5 âm lịch, tại Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi
ta, con số “dương cùng” đúng theo vận hạn dịch lý.
Nhà danh họa tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Không rõ
ngày tháng.
Giấy tờ ghi là ngày 20 tháng 10 năm 1922, các tư liệu
về sau đều chép theo như vậy. Và cáo phó chính thức, cũng như thông tin báo chí
đã ghi như vậy.
Ông sinh tại làng Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ
An, trong một gia đình khoa bảng và giàu có. Thân sinh là Nguyễn Tư Tái, xuất
thân phó bảng, làm quan rồi từ nhiệm, về quê khai hoang, lập nên ấp Lạc Lâm và
được dân làng tôn làm thành hoàng. Mẹ tên Trần Thị Luật, là người chữ nghĩa, đã
khuyến khích con nặn tượng đất thó, từ tấm bé, ghi khởi điểm cho con đường nghệ
thuật của danh họa về sau.
Gia đình, bảy anh chị em, đều thành đạt.
Nguyễn Tư Nghiêm học và tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông
Dương, Hà Nội, khóa cuối, khóa 15 (1941-1946) cùng Bùi Xuân Phái, với ông là bạn
thân thiết. Cùng thi tốt nghiệp cuối năm 1946, nhưng vì cuộc Toàn quốc kháng
chiến, nên không kịp nhận kết quả. Do đó có tư liệu nói ông tốt nghiệp 1952,
trường Mỹ thuật kháng chiến.
Lúc đầu, ông vẽ sơn dầu; bức Người
gác Văn Miếu (1944), chỉ có một mảng màu, thời đó đã được đánh giá cao, là
tranh hiện đại, và được giải nhất cuộc Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) thời
đó. Đồng thời ông còn hai bức Cổng làng Mía và Cánh đồng quê nổi tiếng.
Thời kỳ đầu Cách Mạng tháng 8, ông về quê, tham gia
cướp chính quyền, rồi tham dự chính quyền ở huyện. Trước đây có tài liệu nói
ông làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, nhưng là nhầm ông với người cùng tên là
ông Hoàng Nghiêm. Tiếp theo đó, ông tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp,
chuyên vẽ tranh địch vận. Năm 1948 ông ra Việt Bắc, công tác ở cơ quan Hội Văn
nghệ tại xã Xuân Áng, Phú Thọ. Tại đây ông điều khiển xưởng vẽ Xuân Áng, bắt đầu
vẽ sơn mài rồi chuyên về kỹ thuật này.
Ông nổi tiếng vì đã đưa gam màu lạnh, xanh lam, xanh
lá cây, vào sơn mài. Họa sĩ từ tốn kể lại rằng không tài giỏi gì: chỉ dùng màu
lam Phổ (bleu de Prusse) phủ lên vàng thếp, thành màu xanh lục, theo yêu cầu vẽ
tranh bộ đội vào thời điểm ấy. Kỳ thật, đây là khúc quành của nghệ thuật hội họa
sơn mài, tạo nét linh động, đa sắc, tươi mát, đồng thời đưa sơn mài đến gần hiện
thực hơn. Giai đoạn này, tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc, 1949, giá trị tranh
sơn mài còn bị tranh cãi, trên cơ sở ba tác phẩm sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm: Cụ
già học i tờ, Vệ quốc quân đứng gác đêm, và Vệ quốc quân ngồi giữa cánh đồng,
những bức sơn mài đầu tay. Năm trước, 1948, ông đã được giải nhất cuộc triển
lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhưng với bức khắc gỗ Dân quân Phù Lưu.
Sau 1954, về Hà Nội, ông tiếp tục sáng tác đủ thể loại:
phấn tiên, màu nước, sơn dầu, sơn mài. Vì quan hệ với phong trào Nhân Văn Giai
Phẩm, ông bị chính quyền lên án cùng với các bạn đồng nghiệp khác: Sỹ Ngọc,
Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Phan Tại… Ông kể lại: năm
1959, ông bị đưa đi bệnh viên tâm thần tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.
Sau một tháng ở đó, ông bị “tước” toàn bộ những thứ có trên người. Thời đó chưa
có thẻ Đảng, nên không có chuyện ông “trả lại thẻ Đảng” như truyền thuyết.
Nhưng sau khi ra Viện ông bị coi như bị mất hết, kể cả Đảng tịch.
Con nghé quả thực - Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm
Ngoài ra, tranh ông còn bị lên án là không “hiện thực”
như tranh con mèo sáu chân, con ngựa tám chân, là… “sai đường lối”. Ngược lại,
bức sơn mài “Con Nghé quả thực” sáng tác năm 1957, theo đường lối, đề cao việc
phân chia tài sản sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất, được dư luận chính thức đề cao,
được giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc, được lưu trữ tại viện Bảo tàng mỹ thuật hiện
nay, ông lại không tâm đắc. Ông tâm sự với bằng hữu: “nhưng sự đời vẫn thế! Cái
người ta thích thì chưa chắc đã phải là cái mình thích, và ngược lại”. Câu nói
thường thôi, nhưng trong hoàn cảnh nào đó, lại là bi kịch. Về sau, ông vẽ lại
nhiều lần đề tài Con Nghé, bản nổi tiếng được sáng tác năm 1968, sau này thuộc
bộ sưu tập Đức Minh.
Họa sĩ trải qua một thời gian dài gian nan, điêu đứng,
sinh nhai bằng cách vẽ tranh thương mãi, qua các đề tài: Gióng, Kiều, Múa Cổ…
và tùy đơn đặt hàng. Đặc biệt là tranh “con giống” theo mười hai con giáp trong
âm lịch. Từ cuộc triển lãm năm Rồng, 1988 Mậu Thìn, tranh ”con giống” mới đựơc
sắp xếp thành hệ thống “lục thập hoa giáp” theo quan niệm Âm Dương Ngũ Hành, ví
dụ hai năm Thân Dậu, (Khỉ Gà), hành Kim, màu trắng làm chủ…, tranh Ngựa chủ màu
đỏ vì hành Hỏa, v.v.
Giới phê bình nghệ thuật đã có nhận xét: tranh Nguyễn
Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên
bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong
cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh
tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống.
Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín
ngưỡng dân tộc – và các nền văn hóa lân cận Đông nam Á.
Là nghệ sĩ, thì ai ai cũng cần đời sống nội tâm
phong phú. Nơi Nguyễn Tư Nghiêm, tâm linh có khuynh hướng thần bí, rung cảm như
bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông hướng theo thi
pháp huyền nhiệm – poétique mystique – và từng tác phẩm một thỉnh thoảng truyền
đạt một cảm xúc thần bí. Người không nắm bắt được xúc cảm này, cho rằng ông cầu
kỳ hay lập dị. Nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ thuật Nguyễn Tư
Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống, trong ý chí bảo thủ, mà
là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể hiện, hóa thân,
thành nghệ thuật. Chất dân tộc không phải là hoài niệm, mà là khai phóng và dự
phóng, là siêu hình hiển linh thành hình khối, một “truyền kỳ họa lục”; có vậy
mới hóa giải được mâu thuẫn trong tranh ông: chất cổ truyền trong nét hiện đại,
chất dân tộc và tầm thế giới.
Tranh ông mang tính cách bản địa nhưng không phải là
“sắc màu viễn xứ” (exotisme), ngược lại khá gần trường phái Siêu thực Âu Châu,
và tác phẩm lừng danh của Chagall, Miro, thậm chí một số tranh Picasso mà ông hằng
ưa thích. Tranh “lục thập hoa giáp” của Nguyễn Tư Nghiêm không giống tranh Tết
hiện hành của nhiều đồng nghiệp Việt Nam, mà lại gần với những “thú vật đồ”
(bestiaire) trong truyền thống phương Tây, mà các họa sĩ hiện đại trên thế giới
thường vẽ lại. Sự trùng hợp là do niềm đồng cảm thẩm mỹ chung cho một thời đại
chứ không phải là sao chép lẫn nhau.
Đồng thời đây đó, ông có khuyên giới họa sĩ trẻ nên
bảo vệ và phát huy mỹ quan dân tộc, như vậy là đúng đường lối, và là thống nhất
lời nói với việc làm, lý luận với thực hành; kỳ thật đây là hai phạm trù khác
nhau. Không phải nói đúng là vẽ đẹp. Do đó, mà chúng tôi cho rằng trong sáng tạo
nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không có “ý chí bảo thủ”. Còn ngoài đời, ông nói gì
lại là chuyện bên lề. Quan niệm nghệ thuật và giá trị nghệ thuật của họa sĩ nằm
trong bức tranh, chứ không phải trong lời nói. Thơ, tiểu thuyết cũng vậy thôi.
Nói chung, làm cái gì, thì mình phải là mình trước đã (dĩ nhiên khi “người ta”
cho phép: sự đời vẫn thế). Ngày nay, tranh Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá cao,
liên tiếp nhận nhiều giải thưởng như giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, với
tác phẩm Gióng 1990, và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật,
1996.
Đến năm Bính Thân 2016 này, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đạt 99 tuổi ta, Nguyễn Khuyến,
trong Di chúc, đã gọi là “ngã hạn phùng cửu cửu”. Ông ra đi trong tiếc thương
nhưng cũng là quy luật.
Bức tranh Tết cuối cùng chúng tôi có được là tranh Hổ
“Thiên hình” vẽ năm Canh Dần 2010. So với tranh cọp những giáp trước, thì bức
“Thiên hình” này phảng phất nét chân dung tự họa, như tranh Cọp trong tuyết,
1849, Hokusai vẽ lúc cuối đời, xem rất xúc động.
Nguyễn Tư Nghiêm không ngừng sáng tạo, miệt mài lao
động, cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật, đạt đến những họa phẩm tân kỳ, dung
hòa truyền thống dân tộc sâu xa với trào lưu hiện đại thế giới, ông là tấm
gương sáng mà không dễ gì hậu sinh có người theo kịp.
Từ chốn tha hương, chúng tôi thành kính gửi lên anh
linh ông tấm lòng ngưỡng mộ trọng vọng.
Orleans, 15-6-2016.