“Văn nhân Bình Định- Một góc nhìn” từ khi phát hành cuối năm 2015, đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau về cách biên soạn, đánh giá và thẩm định những gương mặt xuất hiện trong cuốn sách. Con trai của cố nhà thơ Lê Văn Ngăn từng có một thư ngỏ bày tỏ sự bất bình trước những điều tác giả Lê Hoài Lương dành cho cha mình qua “Văn nhân Bình Định- Một Góc Nhìn”. Để làm sáng tỏ băn khoăn: tác giả Lê Hoài Lương có thái độ thù hằn gì với cố nhà thơ Lê Văn Ngăn không, chúng tôi trích giới thiệu bài viết liên quan. Xin được nhắc lại, văn chương không vì những khen chê nhất thời, mà ảnh hưởng đến giá trị tự thân của tác phẩm!


NGƯỜI YÊU ĐẤT NƯỚC MÌNH

LÊ HOÀI LƯƠNG

Ấn tượng lớn nhất của tôi về Lê Văn Ngăn, tiếc thay, không phải là con người ông, mà là tập thơ Vào một thời im bóng, tập thơ ông tự in trước năm 1975, đọc tình cờ trên bàn viết của ông ở trại viết Đà Lạt, tập thơ in roneo ông tình cờ tìm được ở nhà một người bạn, tập thơ tôi từng được nghe nhắc tới mà chưa có cơ hội đọc.
Sau khi đọc, tôi đã hạnh phúc như bắt được vàng, thứ vàng ròng không pha tạp, vàng của một tài hoa thi sĩ, tài hoa thuần khiết, không phô phang. Cái hạnh phúc của người sửng sốt gặp một người yêu đất nước mình đến tận cùng máu thịt, yêu không khoa trương mà sâu thẳm chữ yêu này.
Tôi đã chia sẻ cảm xúc ấy, và ông rụt rè ánh lên trong mắt niềm hạnh phúc.
Rụt rè như cách sống của ông mà tôi từng biết.
Nhưng thơ có bản lĩnh của nó. Thơ bất chấp mọi đắn đo suy tính. Thơ cứ thênh thang con đường của mình. Và đến đích, dù người thơ chưa dám nghĩ tới. Dù với ông, thơ như một niềm hy vọng.
Thơ Lê Văn Ngăn (cả sau 1975), vẫn một cách giản dị câu chữ kiểu thơ tự do không vần vè nhưng đậm tiết điệu nội tại, thứ tiết điệu ẩn, và nhất là, trước sau, Lê Văn Ngăn trung thành với tín niệm nghệ thuật của mình. Ông đi trọn lựa chọn ấy dù mấy chục năm cầm bút, ông chứng kiến bao đổi thay về quan niệm nghệ thuật, về thi pháp.
Đề tài trong thơ Lê Văn Ngăn không tách rời khỏi đề tài lớn là đất nước mình như mọi thi sĩ lớn khác, cả thơ dành cho người tình, người vợ có tên Hạnh Phước của ông. Người thật đấy, yêu đắm đuối và vin tựa vào như miền hy vọng, vẫn nằm trong cảm hứng về đất nước mình, thời chiến chinh đầy rẫy bóng dáng kẻ xâm lược, đầy rẫy bóng tối và tội ác, đầy rẫy kẻ phản trắc. Đến nỗi, trên từng da thịt người mình yêu cũng hằn lên nỗi ám ảnh về cái thời khủng khiếp ấy dù không ngớt hy vọng, không thôi hy vọng. Như một cứu sinh.
Lê Văn Ngăn là người yêu đất nước mình.
Và tinh hoa của ông đã trút hết, trút tận cùng cho tình yêu ấy. Ông có tiên cảm kỳ lạ khi những vần thơ viết thời đất nước gian lao vẫn cứ sống, sống dài đến hôm nay. Vẫn văng vẳng cái bóng của tội ác, của vô lương.
Nhiều người viết về Lê Văn Ngăn thường lấy các câu thơ của ông làm tựa bài: nhà thơ không bao giờ lớn tiếng, Lê Văn Ngăn “đôi mắt chưa khô”... Thì đúng người ông, không bao giờ lớn tiếng trong đời thường, cả lúc có chút danh phận, lúc nhận được giải thưởng này nọ, lúc làm quan văn nghệ cấp tỉnh. Và đúng, Lê Văn Ngăn đôi mắt chưa khô. Khóc cho số phận đất nước mình, cho cuộc sống nhiều lam lũ của người thân, của kiếp cần lao quanh ông. Đôi mắt của những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Cả khóc cũng rụt rè khóc. Như sống, như yêu (tôi nghĩ vậy).
Thơ Lê Văn Ngăn không phải tạng để thuộc, để ngâm ngợi, nó chỉ để đọc. Mỗi lần đọc, xúc cảm thi sĩ đúng chất của ông từ các hình ảnh, ngôn ngữ, trường liên tưởng trong thơ ông cứ lớp lớp ngân rung như sóng, những con sóng ngầm, vô ảnh vô thanh mà choáng ngợp.
Tôi không thích con người ông trong đời sống, khi tiếp xúc. Thấy tẻ nhạt. Thấy bé mọn làm sao. Nhưng, thơ ông là một sự khác. Ông, chẳng biết tự bao giờ, cứ lừng lững. Có thể nói thơ Việt thế kỷ XX, nhất là trước 1975, chỉ vài người gây chấn động mạnh trong tôi đến nay như Lê Văn Ngăn.
Và tôi tin rằng, mảng thơ ấy của ông còn sống dài, sống dai lắm.