Thơ Hoàng Hữu buổi đầu còn mang nhược điểm chung của thế hệ chúng tôi, đó là ham kể, ham đưa thật nhiều các chi tiết đời sống, mà ít khái quát; người làm thơ còn nặng về cái thân xác mà coi nhẹ cái thần thái. Và nói theo Chế Lan Viên "Nhiều tiếng súng nổ nhưng ít trận thắng". Trong tâm trạng đó Hoàng Hữu thường ghen tị với tôi "Ước gì tôi cũng được làm lính như bác". Nhưng đàn ông đàn ang mà hai chân cứ lạnh ngắt thế này thì lính tráng thế nào được . Đó là lời tâm sự rầm rì trong một đêm đông rét bữa cuối năm 1980, Hoàng Hữu về ngủ chung với tôi trong căn phòng ngăn đôi ở Trại sáng tác Vân Hồ. Lúc đó tôi còn đang học năm cuối Khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, còn Hoàng Hữu vẽ bìa đang ăn khách. Ngày ăn chung niêu cơm trộn mì sợi, tối đắp chung một chiếc chăn mỏng, nhưng chuyện cứ râm ran và tình trai thì bát ngát. Tôi nghe rất rõ trái tim trẻ thơ rộn ràng đập trong một cơ thể cân nặng dưới trung bình của Hoàng Hữu. Một cái gì đó náo nức, cựa quậy, khát khao thay đổi trong anh. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Và tôi đã không phải chờ đợi lâu.


HOÀNG HỮU VÀ THƠ HOÀNG HỮU

HỮU THỈNH

Hồi ấy, ở Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú tất cả đều nhẹ xốp. Cả đám vừa bước sang tuổi tam thập nhi lập. Lớp lớn như Cao Khắc Thùy, Nguyễn Hữu Nhàn, Trần Khoát vẫn còn dưới tuổi bốn mươi cho nên, mọi thứ gánh trên vai cứ nhẹ bông. Nghèo cũng nhẹ. Mà khổ cũng nhẹ. Là bởi vì từ cái bếp nhà mình mà nhìn ra xung quanh thì cũng đều ngô khoai sắn như nhau cả. Thời bao cấp tạo cho người ta một sức ì, mọi việc đã có một đấng nào đó lo cho tất cả. Mọi người chỉ còn lo xoay xở trong một cái khung nhỏ của mình thôi. Vâng, ngẫm lại mình đã từng có một thời công bằng vàng son đấy chứ, công bằng của sự nghèo khổ. Cho nên chúng tôi gặp nhau là vui lắm. Và chỉ mong tụ bạ mà đàm xướng trên trời dưới bể, hít thở không khí văn chương, tại cái thành phố nghi ngút khói sương từ ngã ba sông tạt về. À, mà quên, cả khói của các nhà máy nữa chứ. Và, thấm thía hơn là được nếm, được chén thứ tình bạn trong suốt, ngất ngây phải lòng nhau như trai gái vậy.
Kìa, xem Hoàng Hữu đang bày tranh la liệt trong phòng họp. Chả có giá có bục gì cả. Thu dọn bàn ghế vào một góc, rồi kê tranh vào chân tường, đứng xem, ngồi xem, bò xem, khoái thì nằm xếp, chống cằm lên mà ngắm nghía, thưởng ngoạn. Hoàng Hữu khoe mới đi Hương Canh về, vẽ đình chùa, làng quán, có bức vẽ cái ngõ nhỏ với cái đuôi trâu vắt vỏng lên rất dễ thương. Tay này thạo về thuốc nước. Ký họa chì than cũng khá, nhưng đẹp nhất vẫn là thuốc nước, lại có cả cắt giấy nữa. Rồi, nảy sang làm bìa. Bao nhiêu bìa sách đẹp của Hoàng Hữu tặng bạn bè. Riêng tôi được một cái, đó là bìa tập trường ca"Đường tới thành phố", chấm phá tài tình dòng thác thần tốc của đại binh ta năm 1975 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đang xem tranh, Nguyễn Hà bảo: "Tao mới kiếm cho Hoàng Hữu một món rồi". Anh em xúm lại hỏi: "Đám nào đấy, ở đâu?". "Yên tâm, lão Hà này chọn mặt không phải vừa".
Đang xem tranh, nghĩa là đang đu đưa trên đỉnh trời, bỗng ngồi bệt xuống đất, bàn cái chuyện đời thường: lấy vợ cho Hoàng Hữu. Trong chúng tôi, không đứa nào không biết Hoàng Hữu bị đau tim từ lâu. Miệng cười thật bay bổng, xởi lởi, đầy thư sinh tính, nhưng hai làn môi thì lúc nào cũng tím tái. Không ai bảo ai, tất cả đều biết phải lo nhanh những việc đáng lo nhất, cho Hoàng Hữu.
Thế là một quyết định được đưa ra dứt khoát: Đi xem mặt cô dâu tương lai. Nguyễn Hà đèo Hoàng Hữu về trường cấp III Lê Xoay, Vĩnh Tường từ hôm trước. Tôi, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đài, Nguyễn Đình Ảnh, Kim Dũng về sau. Phải nói cô Minh thu xếp rất khéo, một buổi tiệc ngọt tao nhã mà ấm cúng. Mấy chàng quây quanh chiếc bàn trà nhỏ, gật gù ưng ý. Người thẹn hóa ra lại là Hoàng Hữu. Với một người đảm đang như cô Minh, Hoàng Hữu không còn có việc gì làm, đành ngồi một chỗ, cười trừ. Với tài thao lược của Nguyễn Hà, đám cưới được tổ chức sau đó không lâu, rất chu đáo, và đặc biệt cảm động. Ngoài đám bạn bè văn nghệ, là rất đông các thầy các cô và học trò của cô Minh. Và đặc biệt là có ba vị "thần hộ mệnh" của Hoàng Hữu: bác sĩ Huy Mai, Phó Ban bảo vệ sức của tỉnh và vợ chồng bác sĩ Thắng - Phượng.
Đại sự xong rồi, bây giờ có thể tập trung vào lập nghiệp. Hoàng Hữu từ họa, ai chả biết, nay lại bắt đầu mở một cửa hàng mới: Thơ. Thơ in trên Tạp chí của Hội Vĩnh Phú, trong các tập sáng tác và trên các báo chí Trung ương. Mỗi lần gặp, Hoàng Hữu thật thà rất dễ thương, hỏi tôi: "Bác thấy bài ấy của tôi thế nào?". Tôi không phải nghĩ lâu: "Nó trong veo như tâm hồn cậu". Hoàng Hữu khoái: "Thế thì mình cứ thử xem thế nào nhé". "Thử là thử thế nào, cậu sẽ là một thi sĩ". Tôi nói câu ấy không phải là sự bốc đồng mà là sự đánh giá chân thành qua đám chữ nghĩa rụt rè và thành thật kia, tôi mang máng nhận ra một thổn thức rất cần cho một hồn thơ.
Nhưng có điều cũng cần phải công bằng: Thơ Hoàng Hữu buổi đầu còn mang nhược điểm chung của thế hệ chúng tôi, đó là ham kể, ham đưa thật nhiều các chi tiết đời sống, mà ít khái quát; người làm thơ còn nặng về cái thân xác mà coi nhẹ cái thần thái. Và nói theo Chế Lan Viên "Nhiều tiếng súng nổ nhưng ít trận thắng". Trong tâm trạng đó Hoàng Hữu thường ghen tị với tôi "Ước gì tôi cũng được làm lính như bác". Nhưng đàn ông đàn ang mà hai chân cứ lạnh ngắt thế này thì lính tráng thế nào được . Đó là lời tâm sự rầm rì trong một đêm đông rét bữa cuối năm 1980, Hoàng Hữu về ngủ chung với tôi trong căn phòng ngăn đôi ở Trại sáng tác Vân Hồ. Lúc đó tôi còn đang học năm cuối Khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, còn Hoàng Hữu vẽ bìa đang ăn khách. Ngày ăn chung niêu cơm trộn mì sợi, tối đắp chung một chiếc chăn mỏng, nhưng chuyện cứ râm ran và tình trai thì bát ngát. Tôi nghe rất rõ trái tim trẻ thơ rộn ràng đập trong một cơ thể cân nặng dưới trung bình của Hoàng Hữu. Một cái gì đó náo nức, cựa quậy, khát khao thay đổi trong anh. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Và tôi đã không phải chờ đợi lâu.
Sau hôm Hoàng Hữu đến thăm tôi độ một tuần, một buổi chiều, cũng tại Vân Hồ, Phạm Tiến Duật đạp xe tìm tôi. Bóp phanh dừng xe, Duật nói ngay:
- Cuộc thi thơ của báo Văn nghệ sắp kết thúc. Mình tìm Thỉnh mời vào Ban Chung khảo.
- Mình còn đang đi học. Hơn nữa...
- Không "hơn nữa" gì cả. Đây là lời mời của đích thân Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng.
Thế là tôi vào Ban Chung khảo, được làm việc cùng với các anh Xuân Diệu (chánh chủ khảo), Tế Hanh, Phạm Tiến Duật và một số người khác. Giải thưởng báo Văn nghệ rất danh giá. Ban Chung khảo làm việc tới hơn ba tháng, vì phải đọc một khối lượng khá lớn bài từ Ban Sơ khảo đưa lên. Lúc bấy giờ, chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra rất ác liệt. Tất cả tiềm lực của đất nước phải dồn lên đấy, để, như lời thề của những người lính "giữ trọn từng tấc đất của Tổ quốc". Không khí xã hội và văn chương lúc đó là như thế. Nhưng, cái hay, cái đẹp thật sự thì bất luận thế nào nó vẫn hiện ra và cuốn hút tất cả. Cứ qua mỗi lần họp, trao đổi, tranh luận, lại đãi ra được những bài khá, những câu hay, ý đẹp. Ôi! Khó khăn sao và thú vị sao là cân nhắc các giá trị. Nhưng cổ lai đã dạy, ở đâu cũng và lúc nào cũng không tránh nổi một chữ THỜI. Trong mấy cuộc họp liền, tôi lưu ý Ban Chung khảo trường hợp Trần Đăng Khoa với chùm thơ khá sớm về Trường Sa, về Hoàng Hữu với Hai nửa vầng trăng và Đinh Nam Khương với bài Từ Những dấu chân người. Anh Xuân Diệu cứ nắc nỏm khen mãi câu của Đinh Nam Khương.
Lúa đi để lại tháng mười
Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên
Trần Đăng Khoa viết về Trường Sa mới mẻ và đầy khẩu khí. Sau này có lần tôi nói rằng, Trường Sơn thiên vị Phạm Tiến Duật và Trường Sa ưu đãi Trần Đăng Khoa. Khoa có cả một vốn quá khứ thơ lộng lẫy, nên được lưu ý ngay. Nguyễn Đình Chiến vừa từ biên giới về, xúc động về sự hy sinh của các cô tự vệ nông trường. Riêng Hoàng Hữu thì khó khăn hơn. Phải tính đi tính lại mãi, cuối cùng tiếng nói của lớp trẻ trong Ban Chung khảo đã được chấp nhận. Vấn đề là ở chỗ, người ta đang đổ máu thế kia, nay tôn vinh một bài thơ tình dang dở, có nên chăng? Cuối cùng nhà vô địch thơ tình Xuân Diệu kếtluận "Biết đâu, một trong những cái còn lại của cuộc thi này là Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu". Với Hoàng Hữu,Hai nửa vầng trăng là một sự đột phá. Là bứt lên. Là tự thắng. Là bởi vì trước đó, thơ anh còn ở dạng bị động. Nghĩa là thường bắt đầu từ sự, từ cảnh rồi mới đến tình. Lấy bài Đưa con về chúc Tết là một bài thơ khá cảm động của anh trước đó, thì rõ. Bài thơ nói cảnh sum họp, nào là vui mừng, trách yêu, âu yếm, nhớ người nơi biên giới. Có những chi tiết khá cảm động:
Cả nhà ngồi một xe
Lưng cha che gió rét.
Những hình ảnh rất đắt:
Bây giờ bà đi xa
Cả nhà không được gặp
Giàn trầu xanh heo  hắt
Bám hờ trên tường vôi
Nhưng bài thơ bị doãng ra bởi "chiếc phanh của dồn nén", còn cảm tình nể nang thả cảm xúc rong ruổi nhiều quá. Ánh sáng của bài thơ bị tản ra nhiều phía, thiếu tập trung. Đến Hai nửa vầng trăng thì khác, anh thay đổi trật tự: Sự, cảnh, tình, sang tình, sự, cảnh. Sự chủ động của cái tôi thật đáng quý, mở đầu là đi vào trung tâm của bài thơ:
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đây mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên
Và cứ thế, cái tứ "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa" cứ được đẩy lên mãi, theo từng nấc từng bậc của tâm trạng. Xót xa, nuối tiếc, biết bao thương nhớ trôi dạt về vùng của chia xa:
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng.

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
Chừng như cảm thấy xa xót quá, nên trước khi kết thúc, tác giả cố ý chen vào hai câu:
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ
Trăng viên mãn của muôn đời đôi lứa
nhưng vẫn không thể chút nào làm mờ nhòa được cái ấn tượng "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa" nó đay đi đay lại, nó như bào, như xát vào gan ruột người ta. Và đấy là thành công, là hiệu quả nghệ thuật của bài thơ. "Một nửa vầng trăng thôi, một nửa", cái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người, khiến tôi nhớ đến câu ca dao vô cùng tài tình của xứ Nghệ: "Đôi ta xa nhau cả thiên hạ đều buồn". Hai nửa vầng trăng làm nên Hoàng Hữu, một Hoàng Hữu của biết bao nhiêu cảm tình, cảm thương, cảm phục của người đọc. Sau bao nhiêu năm tháng, giờ đây mỗi lần đọc đến câu "Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết", lòng tôi lại nức nở xót xa một thân phận, một kiếp người, trong suốt và mỏng manh đã đến với ta trong cuộc đời này. Một câu thơ định mệnh. Tháng 8 năm 1981, Hoàng Hữu viết bài thơ ấy gửi thi và ít lâu sau thì anh mãi mãi ra đi không kịp tự tay nhận giải. Than ôi, vừa tròn 37 tuổi.
Nhớ lại cái đêm rét buốt nằm đắp chung chăn ở Vân Hồ ấy. Hoàng Hữu kể với tôi xuất xứ bài thơ Hai nửa vầng trăng.Có nguyên mẫu đấy. Anh vừa kể vừa quay mặt vào tường, gạt thầm nước mắt, đôi chân gác một nửa cái lạnh buốt sang tôi.
Mới đó mà đã 35 năm, cái ngày định mệnh tai ác ấy. Chúng tôi một lũ bạn nức nở đi sau linh cữu của anh Hoàng Hữu. Một con người tài hoa mà khi sống, trong như gương, dịu như trăng, hiền như cây, run rẩy, gượng nhẹ từng cử chỉ nhỏ. Một con người yêu quý tất cả, và cũng được đền bù tất cả. Tôi tin rằng “Hai nửa vầng trăng” sẽ là bài thơ bất tử. Bài thơ của Hoàng Hữu, bạn tôi.
                                                     Hà Nội, ngày rét sót 4 tháng 3 năm 2016