Nhà văn Dương Hướng đến với văn chương muộn. Mãi đến năm 1985, khi đã 36 tuổi, ông mới có truyện ngắn đầu tay đăng trên Báo Hạ Long. Đến năm 1990, khi đã 41 tuổi, ông mới có tiểu thuyết đầu tiên ấn hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông cũng là người viết không nhiều. Tính đến nay, Dương Hướng mới xuất bản 3 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, trong đó có 2 tiểu thuyết quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông là “Bến không chồng” và “Dưới chín tầng trời”. Riêng “Bến không chồng” đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với  “Thân phận của tình yêu” (tức “Nỗi buồn chiến tranh”) của Bảo Ninh và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường. Và chỉ chừng ấy tác phẩm thôi, có lẽ cũng đủ khắc họa tài năng và cá tính sáng tạo của một nhà văn.


Nhà văn Dương Hướng: Viết là để tự giải tỏa mình

ĐẶNG HUY GIANG

Về một trong hai tiểu thuyết quan trọng của Dương Hướng, đã có không ít người cho rằng: “Tác phẩm “Bến không chồng” không chỉ đề cập đến những người lính thời hậu chiến mà còn xây dựng hệ thống nhân vật những người phụ nữ cô đơn mòn mỏi đợi chồng, những hòn Vọng Phu chưa hóa đá. “Bến không chồng” như một chứng nhân của lịch sử, vắt mình qua hai cuộc chiến tranh, với những nỗi đau mà các nhân vật nữ phải gánh chịu”.
Còn nhà văn Trung Trung Đỉnh lại cho rằng: “Anh chiếm lĩnh được tâm hồn người đọc bằng sức hút của tấm lòng yêu thương, nhân hậu, tự nhiên, không ồn ào văn vẻ với một bút lực dồi dào đầy trách nhiệm. Dương Hướng là người có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước các số phận bi ai, không né tránh nửa với, khiến thiên truyện càng tới những trang cuối càng dồn nén đến nghẹt thở. Sự thành công quyết liệt của anh, chính là ở cái “máu chịu chơi”, không tự buông lỏng tình cảm, đẩy được tấn bị kịch kia đến tột cùng, ngoài sự sắp xếp của những kinh nghiệm nghề nghiệp”.
Viết đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến một câu thơ: “Chính sự đợi chờ của em đã cứu sống anh” trong “Đợi anh về” của nhà thơ Xô viết Ximônốp. Chức phận và vai trò của vợ những người lính trong chiến tranh, lớn lao như vậy đó!
 Một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi nghĩ, “Bến không chồng” không chỉ có vậy. Nó còn là một mảng chiến tranh diễn ra tại hậu phương và cũng khốc liệt không kém cuộc chiến tranh ở tiền phương, kéo dài từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), qua cuộc “Cải cách ruộng đất”, đến tận ngày Việt Nam thống nhất (1975). Nó cũng mang trong lòng nó thân phận con người của cả một giai đoạn lịch sử trên hai thập kỷ bi tráng của dân tộc.
Ở một chừng mực đáng kể, nó chính là “văn học chiến tranh” hoặc một phần của “văn học chiến tranh”, không phải “văn học chiến trận”, “văn học đánh giặc” như trước khi nó ra đời. Cho đến giờ, tôi cũng vẫn nghĩ như thế khi đọc “Cánh đồng lưu lạc” của nhà văn Hoàng Đình Quang. Cuốn tiểu thuyết này của Hoàng Đình Quang đã được trao Giải B trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn 2 năm từ 2003 đến 2005.
Điều đáng mừng và đáng bàn nữa: “Bến không chồng” không phải là tác phẩm có giá trị nhất thời. Vì thế mà không phải ngẫu nhiên, trải qua sự thử thách của thời gian, nó đã được tái bản tới 14 - 15 lần, được Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền 5 năm, được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh (phim nhựa hẳn hoi) và mới đây, nó được chuyển thể vào phim truyền hình dài 32 tập. Không chỉ có thế, “Bến không chồng” còn được xuất bản ở Pháp, ở Đức. Và từ đó, nhân vật Nguyễn Vạn đã trở thành “nhân vật văn học”. Bên cạnh đó, “Bến không chồng” còn là xuất phát, là căn cứ, là nguồn tư liệu quý cho nhiều luận văn, luận án ra đời.
Khi tôi hỏi: “Cổ nhân dạy “biết đủ là giàu”. Còn trong nghiệp viết và viết như anh, là nhiều hay ít?”, thì Dương Hướng trả lời ngay: “Chả nên bàn về nhiều hay ít ở đây. Riêng tôi, tôi thấy: Đối với văn chương, biết đủ là được rồi. Vả lại, đời người thì ngắn (hữu hạn) còn văn chương hoặc những gì có liên quan, gắn bó với sáng tạo, bao giờ chẳng dài (vô hạn)”.
Nhìn lại “Bến không chồng”, Dương Hướng bảo: “Trước khi sinh hạ, nó cũng có số phận của nó đấy. Đằng sau việc xuất bản nó là cả một câu chuyện dài, cũng có kịch tính với một số tình tiết hồi hộp, lo âu lắm”.
Rồi anh kể: “Khi viết tiểu thuyết này, tôi đã xin nghỉ không ăn lương đến 6 tháng của ngành Hải quan (cụ thể là Cục Hải quan Quảng Ninh). Trong khoảng thời gian này, tôi được Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh ưu ái cho hưởng lương cơ bản. Chính vì thế mà khi viết xong, Nhà xuất bản Quảng Ninh yêu cầu in tác phẩm này của tôi là phải lẽ và tôi khó lòng từ chối. Trong khi ấy là người viết, ai chẳng thích trình làng tác phẩm của mình ở những nhà xuất bản có đẳng cấp cao hơn.
Có việc này, cũng… nghiêm trọng đấy. Ấy là không dưới một lần, cán bộ biên tập Hồng Hải hỏi tôi: “Nếu anh viết như thế này thì các nhân vật của anh được gì?”. Sau đó, ông Hồng Hải còn bảo tôi phải bỏ nhiều chỗ và cắt hẳn phần kết, không được để Nguyễn Vạn ngủ với cô Hạnh, vì như thế là loạn luân”. Tôi nghe mà phát hoảng. Bao nhiêu điều cốt lõi, tâm đắc, công sức của mình mà người biên tập cảnh giác đến mức định cắt roẹt một cái, làm sao có thể chấp nhận được.
Tìm cách “hoãn binh”, tôi bảo: “Anh cho tôi nửa tháng nữa để suy nghĩ và làm việc đó”. Cũng may mắn cho tôi, trong thời điểm căng thẳng ấy, tôi đã gửi bản thảo lên Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ trước và nhận được một bức thư ngắn của nhà văn Nguyễn Phan Hách. Anh Hách viết: “Tiểu thuyết “Bến không chồng” là một biên niên sử của làng Đông nói riêng và làng quê Việt Nam nói chung. Nhà xuất bản sẽ in ngay”. Thế là tôi mừng rơn và tạm lờ lớ lơ lời hẹn với ông Hồng Hải, với Nhà xuất bản Quảng Ninh, rồi sốt ruột chờ đợi.
“Bến không chồng” được in ngay mà không phải cắt một chi tiết nào cả. Một ngày của năm sau (Hội Nhà văn thường xét các tác phẩm năm trước, trao giải thưởng ở năm sau), nhà văn Lý Biên Cương bảo tôi: “Mai, có xe của Hội, tôi với ông về Hà Nội. “Bến không chồng” của ông “ăn” giải Hội Nhà văn rồi đấy”.
Hay tin này, tất nhiên là tôi rất mừng và thầm cảm ơn nhà văn Nguyễn Phan Hách. Mà đâu chỉ có tôi. Năm 1990, còn có “Thân phận của tình yêu”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng “ăn” giải như tôi và ra mắt bạn đọc, cũng qua “bà đỡ” mát tay Nguyễn Phan Hách đấy chứ”.
“Như vậy là trong cái rủi cũng có cái may. Nhưng theo tôi, cái may lớn hơn cả là lúc ấy đất nước ta đang chớm vào thời kỳ đổi mới. Vì vậy, xã hội đánh giá văn chương cũng cởi mở hơn, đa chiều hơn và nhà văn cũng được viết thật hơn, được trải lòng hơn theo tinh thần “cởi trói” mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hướng tới” - Khi nghe tôi nhận xét như vậy, nhà văn Dương Hướng phản hồi ngay: “Đối với nhà văn khác thế nào, tôi không biết. Còn nếu áp dụng trong trường hợp của tôi, cụ thể là qua “Bến không chồng” thì không hoàn toàn như vậy. Tôi thai nghén nó từ lâu rồi. Một khi đã lên bàn viết thì tôi không ngại gì cả, chỉ ngại “lực bất tòng tâm”, ngại không thể hiện được những gì như mình muốn. Tôi không bị lệ thuộc và khuất phục vào cái ý nghĩ: “Thế viết xong, cuốn sách này có được in không và in ở đâu? Nếu không được chấp nhận thì viết làm gì!”.
Với ý nghĩ này, tôi lao vào bàn viết và viết thật say mê, viết như bị ma ám vậy. Mà đâu chỉ có “Bến không chồng”, khi viết “Dưới chín tầng trời” sau này, tôi cũng nghỉ không ăn lương chẵn 6 tháng và cũng lên bàn viết cũng say mê, cũng như bị ma ám vậy”.
Điều này cũng cho thấy: Đôi khi, Dương Hướng không quá riết róng với sự mưu sinh, cho dù anh rất có thuận lợi vì làm việc lâu dài ở ngành Hải quan.
Tôi tiếp xúc với Dương Hướng rất ít. Có lẽ tôi không có cơ duyên với anh. Nhưng gặp anh rồi thì tôi cũng nhanh chóng nhận ra anh là một người chậm rãi, chắc chắn, tin cậy, tuy giản dị mà sâu sắc. Có khoảnh khắc, tôi có cảm giác anh là một khúc sông, bề mặt của nó thì phẳng lặng, nhưng trong lòng nó là cả một độ sâu đầy nội lực khó lường hết được.
Thuở thiếu thời, Dương Hướng mê Víchto Huygô, Sêkhốp và Vũ Trọng Phụng. Anh bảo: “Khi ấy, những áng văn chương của những nhà văn này mê hoặc tôi lắm và có ảnh hưởng đến tôi dài lâu lắm. Họ là những tấm gương của tôi”.
Khi đã có tuổi, có thành công trong nghiệp viết, Dương Hướng bộc lộ: “Đã từ lâu, tôi thấy rõ mình đang từng giờ, từng ngày tự hủy hoại cả tinh thần lẫn thể xác của chính mình. Nhưng chính tôi lại thấy rõ hơn ai hết, trong cái chết đi của mình, có cái gì đó vẫn lấp ló hồi sinh, mỗi ngày một sáng rõ hơn, thấu đáo hơn và tinh tế hơn trong cuộc sống. Tôi nghĩ mình viết được có lẽ nhờ những bức xúc, những va đập cứ lặp đi lặp lại theo chu kỳ chết dần chết mòn rồi tự sống lại, tự hồi sinh, lại viết. Viết để tự giải tỏa cho chính mình”.
Thử hỏi khi suy nghĩ về nghề văn, đã có mấy ai chân thành, quyết liệt và sâu sắc như Dương Hướng? 


Nguồn: Văn Nghệ Công An