Nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn chưa bước qua tuổi 40, nhưng không hề xa lạ với bạn đọc cả nước, vì anh khởi nghiệp cầm bút từ khi còn ngồi ghế trường học phổ thông. Tốt nghiệp khoa báo chí – ĐH KHXH&NV TPHCM năm 2000, anh nhận công tác tại chi nhánh phía Nam của báo Nông Nghiệp VN. Hiện nay, nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn tạp chí Kiến Thức Gia Đình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với anh, để hiểu thêm về nghề báo và nghiệp văn trong đời sống giới trẻ hôm nay: “Nghề báo giúp tôi gắn bó trực diện với cuộc sống hằng ngày, và tạo ra thao thức để tôi sáng tác văn chương. Mặt khác, nghề báo cho tôi thu nhập ổn định để tránh bớt cái nao núng “cơm áo không đùa với khách thơ”.

NHÀ THƠ – NHÀ BÁO LÊ THIẾU NHƠN
COI SỰ ĐƯỢC MẤT CỦA NGHỀ NHƯ VINH NHỤC CỦA CHÍNH MÌNH!

@ Chào nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn! Tôi đã từng nghe rất nhiều giai thoại về cái “máu” làm báo của anh khi còn là học trò. Bây giờ, xin được hỏi chính xác, anh bắt đầu mơ ước theo đuổi nghề báo từ lúc mấy tuổi?
Lê Thiếu Nhơn: Tôi tập tành sáng tác từ hồi tiểu học ở thành phố Tuy Hòa – Phú Yên, và có thơ, truyện ngắn in trên các tờ báo dành cho lứa tuổi của mình như Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Thiếu Niên Tiền Phong… Thế nhưng, đến năm lớp 10 thì tôi bắt đầu viết báo, vì tôi thấy có nhiều chuyện phải nói thẳng, nói thật chứ không thể vòng vo, bay bổng kiểu văn chương! Cũng may, lúc đó hai tờ báo Mực Tím và Hoa Học Trò rất chuộng những ghi chép và phóng sự về đời sống học đường, nên tôi có cơ hội… múa bút.
@ Múa bút thôi sao? Tôi nghe nhiều thầy giáo viên ở Phú Yên nhắc lại rằng, cái thời học sinh thì anh đã hăng hái làm chủ bút tờ báo gì đó?
Lê Thiếu Nhơn: À, tôi học ở trường chuyên Lương Văn Chánh, nên bạn bè lớp Văn có rất nhiều người cũng đam mê viết lách. Chúng tôi làm tập san theo cách rất thủ công, chép tay và vẽ minh họa, vẽ ma-ket cũng bằng tay, sau đó photo phát hành trong trường. Thỉnh thoảng, chúng tôi xin giấy phép xuất bản đàng hoàng ấn phẩm không định kỳ tên là “Nắng mới”, rồi hùn tiền lại mang đi in và mang đi bán cho học sinh ở các trường khác. Nói chung cũng có lãi chút ít!
@ Cái thời làm báo giữa sân trường ấy, có kỷ niệm nào đáng nhớ chăng?
Lê Thiếu Nhơn: Nhiều chuyện buồn cười lắm, tuổi mới lớn mà, nhiều lãng mạn, nhiều khao khát và cũng nhiều bồng bột. Dạo ấy tỉnh Phú Khánh mới tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, lũ học trò trường chuyên chúng tôi phải đi học… ké ở trường bạn. Tôi bức xúc, viết bài báo “Trường chuyên ở đâu?” in ở một tờ báo trung ương. Xôn xao lắm! Đi đâu cũng nghe học trò và thầy cô bàn tán. Đích thân ông giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo xuống tận lớp học, tuyên bố: “Chúng tôi xin ghi nhận nỗi băn khoăn này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức đẩy nhanh tốc độ xây dựng. Năm sau sẽ có trường cho các em học hành tử tế!”. Quả nhiên, năm tôi học lớp 12 thì được ngồi ở ngôi trường Lương Văn Chánh rất khang trang và tinh tươm.
@ Hỏi thật, thu nhập viết báo của anh những ngày còn học phổ thông như thế nào?
Lê Thiếu Nhơn: Tôi cũng hơi chăm chỉ, viết tin cho Đài truyền thanh tỉnh, viết bài cho báo Phú Yên và cộng tác với các báo ở Sài Gòn và Hà Nội, nên mỗi tháng nhuận bút của tôi nhiều hơn lương của ba tôi.
@ Đó là cơ sở để anh tự lập khi bước chân vào đại học mà không cần gia đình trợ cấp?
Lê Thiếu Nhơn: Thực ra là do tôi hiểu được hoàn cảnh gia đình mình lúc ấy. Nếu mỗi tháng ba má gom góp gửi tiền cho tôi, thì cả nhà bốn miệng ăn còn lại ở quê nhà sẽ ra sao? Nên cái ngày vác ba lô lên tàu lửa để vào Sài Gọc học đại học, tôi nói với ba má: “Con sẽ tự kiếm tiền để ăn học!”. Mạnh mồm vậy, nhưng lại thấy… run. Chốn đô hội xa lạ, không khéo đói như chơi. Do đó, vừa đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã đạp xe đến các báo xin viết bài. Chỉ ba ngày sau, tôi có… cái tin in trên báo Tuổi Trẻ, nhuận bút đúng 30 ngàn đồng, vào tháng 9-1996!
@ Nghề báo dường như đã để dành chỗ cho anh chăng?
Lê Thiếu Nhơn: Chính xác hơn, tôi vào nghề báo thuận tiện là nhờ sự mở đường của văn chương. Năm tốt nghiệp phổ thông, cùng lúc tôi được giải nhất thơ Áo Trắng và giải nhất truyện ngắn báo Tiền Phong, nên những anh chị làm báo đi trước cũng quý mến và tạo điều kiện cho mình phát huy năng lực! Thời sinh viên, tôi rất ít khi lên giảng đường, chủ yếu tự học và… rong ruổi viết báo. Nghĩ lại, thấy tuổi hai mươi nhiều năng lượng thật, hầu như ngày nào tôi cũng có bài đăng báo, viết đủ mọi thể loại.
@ Hình như vừa cầm bằng cử nhân báo chí thì anh mua được nhà ở Sài Gòn?
Lê Thiếu Nhơn: May mắn thôi. Lúc ấy báo nào cũng bán chạy như tôm tươi, nhuận bút rất cao, mà giá địa ốc đâu có ngất ngưởng như bây giờ. Vả lại, tôi xuất thân nhà nghèo, luôn có ý thức tiết kiệm và dành dụm!
@ Suốt 20 năm qua, anh chưa ngơi nghỉ nghề báo ngày nào, nhưng anh vẫn in được 5 tập thơ, 2 tập tản văn, một tập phê bình văn học “Thi ca nết đất”, và hai lần nhận Tặng thưởng của Hội nhà văn TPHCM. Phải có “bí kíp” gì chứ nhỉ?
Lê Thiếu Nhơn: Đơn giản chỉ là chân thành yêu nghề nên nghề không phụ bạc. Nghề báo giúp tôi gắn bó trực diện với cuộc sống hằng ngày, và tạo ra thao thức để tôi sáng tác văn chương. Mặt khác, nghề báo cho tôi thu nhập ổn định để tránh bớt cái nao núng “cơm áo không đùa với khách thơ”.
@ Hiện nay, văn hoá đọc đang bị xu hướng nghe nhìn chiếm lĩnh, nhiều tờ báo phải câu view bạn đọc theo kiểu lá cải. Theo anh, làm thế nào để báo in tồn tại một cách vững vàng?
Lê Thiếu Nhơn: Cái điện thoại thông minh đang đe dọa báo in. Thứ gì thiên hạ cũng muốn lướt qua cho nhanh, nắm bắt cho nhanh. Tuy nhiên, theo tôi, báo in vẫn có thế mạnh riêng. Thông tin thì ai cũng tiếp cận như nhau, báo in vẫn giữ được bạn đọc khi khai thác chiều sâu mỗi sự kiện bằng cách phô diễn góc nhìn, phô diễn bút pháp, phô diễn văn phong.
@ Có phải  vì mải mê viết lách, sáng tác quá  nhiều nên mãi đến năm 38 tuổi anh mới lập gia đình?
Lê Thiếu Nhơn: Áp lực công việc chỉ một phần thôi, quan trọng là duyên chưa đến. Thế nhưng, ngay những ngày tháng còn lủi thủi một mình một bóng thì tôi vẫn không quá sốt ruột, tôi luôn tự động viên mình bằng kiểu lạc quan tếu rằng “món ngon thường dọn muộn”. 
@ Trong lĩnh vực văn chương, anh đã được ghi nhận là một cây bút uy tín với những bài phê bình và chân dung. Vậy ở lĩnh vực báo chí, anh có dự định viết sách về nghề này không?
Lê Thiếu Nhơn: Đó là ấp ủ thường trực của tôi. Chúng ta cứ nghĩ nhà báo phải viết về nhân vật khác, mà không nghĩ nhà báo cũng là nhân vật đáng được khắc họa trong xã hội. Mỗi ngày, tôi đều suy tư, đều ghi chép về những đồng nghiệp báo chí của mình. Chẳng giấu giếm gì, tôi đã có kế hoạch xuất bản một cuốn sách về nghề báo.
@ Dưới dạng hồi ký?
Lê Thiếu Nhơn: Không, dưới dạng chuyện đời và chuyện nghề, nhằm phác thảo chân dung những nhà báo ngụp lặn với thế sự nổi chìm, như cách Vũ Bằng từng viết “Bốn mươi năm nói láo”.
@ Trong cuốn sách dự định xuất bản ấy, anh quan niệm thế nào về nhà báo chuyên nghiệp?
Lê Thiếu Nhơn: Đó là những người coi sự được mất của nghề như vinh nhục của chính mình!
@ Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
PHÙNG HIỆU (thực hiện)

Nguồn: Nhà báo & Công luận